Thứ ba, 23/04/2024 18:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/4/2023

MTĐT -  Thứ hai, 10/04/2023 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Nồm ẩm, sương mù ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng áp cao lạnh lục địa suy yếu và di chuyển ra Bắc Thái Bình Dương, từ ngày 10-11/4 khu vực Đông Bắc Bộ sẽ có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù nhẹ rải rác, độ ẩm gia tăng cao, nồm ẩm xảy ra về đêm và sáng sớm, trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.

Dự báo, trạng thái trên có thể kéo dài đến hết ngày 15/4 với nhiệt độ tăng dần qua từng ngày. Thời tiết trong cả tuần ở miền Bắc âm u, mưa phùn, nhiệt độ cao nhất 28 độ C và thấp nhất 21 độ C. Mưa dông có thể gia tăng và tập trung trong khoảng ngày 13-15/4.

Đặc biệt, dù thời tiết nồm ẩm, nhưng trong những ngày tới, chỉ số tia UV cực đại tiềm năng vẫn vẫn ở mức nguy cơ gây hại từ trung bình, thậm chí ngày 13/4, chỉ số này được dự báo đạt mức 6 - mức nguy cơ gây hại cao. Khoảng thời gian ảnh hưởng lớn nhất của tia UV là từ 11 giờ đến 13 giờ hàng ngày.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng cho biết, từ ngày 12-13/4, một khối không khí lạnh biến tính ẩm gây ra mưa phùn, sương mù nhẹ rải rác, nồm ẩm cho khu vực Đông Bắc Bộ.

Sang ngày 14-15/4, rãnh áp thấp kết nối vùng áp thấp nhiệt tây nam lục địa, bị nén làm đầy bởi bộ phận không khí lạnh tăng cường xuống phía nam, nên Bắc Bộ trời nhiều mây, có mưa rào rải rác và giông. Gió chuyển hướng Bắc - Đông Bắc cấp 2-3. Độ ẩm ở mức cao. Đêm và sáng trời lạnh, vùng núi đêm và sáng trời rét.

Ngày 16/4, Bắc Bộ trời nhiều mây, đêm và sáng sớm có mưa nhỏ vài nơi và sương mù nhẹ rải rác, độ ẩm ở mức cao. Dự báo, Hà Nội khả năng đón đợt nắng nóng mới vào ngày 16/4, với nhiệt độ dự báo chạm ngưỡng 35 độ C, thời tiết cải thiện khi mưa dông và nồm ẩm chấm dứt.

Ngày 17-18/4, Bắc Bộ mây thay đổi đến nhiều mây, đêm và sáng sớm có mưa nhỏ vài nơi và sương mù nhẹ rải rác. Trưa chiều trời giảm mây hửng nắng, độ ẩm giảm xuống ngưỡng trung bình, nắng hanh.

Lấn chiếm, hủy hoại rừng phòng hộ để mở đường thi công dự án

Tin trên TTXVN, ngày 8/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã có Báo cáo số 1188 /BC-SNNPTNT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về kết quả kiểm tra tình trạng phá rừng phòng hộ khi thi công hạng mục hầm bổ sung nước 2, Dự án thủy điện Nước Long (xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi).

Qua kết quả kiểm tra tại lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371 và lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 xã Ba Ngạc, cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.700 m2 rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham bị đào bới, san ủi để làm đường vào hầm bổ sung nước 2, Dự án thủy điện Nước Long.

Tại hiện trường, nhiều cây rừng nguyên sinh đã bị đơn vị thi công san ủi làm một con đường dài trên 300m, rộng 5m. Một số cây rừng tự nhiên bị cưa hạ vẫn còn trơ gốc, có một số cây bị gãy, ngã đổ. Đối chiếu với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp ngày 7/3/2022 cho Công ty cổ phần Xây lắp thủy điện Nước Long-Đức Bảo, diện tích rừng bị phá nằm ngoài ranh giới.

Trước đó, để thi công hầm bổ sung nước 2, Dự án thủy điện Nước Long, Công ty cổ phần Xây lắp thủy điện Nước Long-Đức Bảo đã ký hợp đồng xây dựng hạng mục trên với Công ty cổ phần Xây lắp điện Đức Bảo Kon Tum.

Sau đó, Công ty cổ phần Xây lắp điện Đức Bảo Kon Tum ký hợp đồng nhân công với ông Vũ Văn Hào (ở xã Đắk Drô, H.Krông Nô, Đắk Nông) để thi công hạng mục san gạt đường vào đập bổ sung nước 2.

Trong quá trình thi công, ông Hào đã tự ý san gạt cây rừng xuống, đào lấn vào diện tích rừng phòng hộ và đào, đắp đất lên tạo thành mặt đường, gây thiệt hại nặng nề đến diện tích rừng phòng hộ tại xã Ba Ngạc.

tm-img-alt
Hiện trường con đường vào hầm bổ sung nước 2 dự án thủy điện Nước Long dài 300m vừa được mở từ việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn. (Ảnh: TTXVN phát)

Qua làm việc, ông Phạm Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp thủy điện Nước Long-Đức Bảo đã thừa nhận việc mở đường vào thủy điện, đơn vị được hợp đồng đã san ủi gây thiệt hại rừng phòng hộ trái pháp luật tại lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371 và lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 xã Ba Ngạc.

Dự án thủy điện Nước Long có diện tích 18ha, công suất 26 MW, nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Kong Plong (tỉnh Kon Tum) và huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).

Trước đó, vào tháng 5/2021, mặc dù chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền nhưng Công ty cổ phần Xây lắp thủy điện Nước Long-Đức Bảo đã cho xe cơ giới “xẻ thịt,” lấn chiếm gần 5.000 m2 đất rừng trái pháp luật và đất rừng phòng hộ để mở đường công vụ vào thi công hầm bổ sung nước 2, Dự án thủy điện Nước Long, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có biện pháp xử lí vi phạm. 

Dư luận tại địa phương bức xúc trước tình trạng buông lỏng quản lý, để đơn vị thi công thủy điện Nước Long liên tục hủy hoại rừng.

Thừa Thiên - Huế: Phê duyệt 2 khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển

Tin tức trên Đại đoàn kết, ngày 10/4, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh này vừa có quyết định phê duyệt 2 khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Theo đó, 2 khu vực được phê duyệt để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển nằm tại vùng biển thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khu vực 1 có diện tích 400ha, độ sâu từ 29 m đến 34 m tính từ mức "0" hệ cao độ Quốc gia. Khu vực 2 có diện tích 400 ha, độ sâu từ 30 m đến 35 m tính từ mức "0" hệ cao độ Quốc gia.

Về quy mô, mỗi khu vực có sức chứa 3,4 triệu m3. Theo kết quả đánh giá, tính toán, với khối lượng nhận chìm 3,4 triệu m3/khu vực thì sẽ không gây ảnh hưởng đến điều kiện môi trường sinh thái tại khu vực cửa sông, bãi tắm và các khu vực lân cận khác. Sức chứa tối đa của mỗi khu vực có thể tiếp nhận khoảng 10 triệu m3.

tm-img-alt
2 khu vực được phê duyệt để nhận chìm chất nạo vét thuộc xã Lộc Vĩnh.

Khối lượng nhận chìm tối đa trong một ngày là 14.400 m3. Phương tiện chuyên chở là thiết bị sà lan vận chuyển chất nạo vét có trọng tải tối đa khoảng 2.000T. Thời gian tiến hành nhận chìm phù hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 8 (do điều kiện động lực trong giai đoạn này nhỏ, phù hợp cho các tàu thực hiện nạo vét và vận chuyển vật chất nạo vét đến vị trí nhận chìm).

Trong trường hợp, nếu tổng khối lượng nhận chìm chất nạo vét tại mỗi khu vực vượt quá 3,4 triệu m3, hoặc khối lượng nhận chìm trong một ngày lớn hơn 14.400 m3 trên mỗi khu vực, hoặc các thiết bị sà lan vận chuyển chất nạo vét có trọng tải lớn hơn 2.000T, thì cần nghiên cứu chi tiết hơn mức độ khuếch tán vật chất nhận chìm và biến đổi địa hình đáy khu vực nhận chìm để có giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm cũng như các khu vực lân cận.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cho Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh này có trách nhiệm công bố khu vực nhận chìm chất nạo vét. Thẩm định, trình UBND tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền cấp của UBND tỉnh.

Cháy rừng ở Bắc bán cầu khiến lượng CO2 tăng mạnh

Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng ở Bắc bán cầu đã gia tăng đáng kể trong 20 năm qua, trong đó lên mức cao kỷ lục vào năm 2021. Đó là kết luận khoa học được các chuyên gia quốc tế công bố trên tạp chí Science số ra mới đây.

Theo báo cáo nghiên cứu trên, sự gia tăng này một phần là do các đợt hạn hán khắc nghiệt, dẫn đến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, ở các vĩ độ trung bình cao của Bắc bán cầu. Trong khi đó, cháy rừng tại Bắc bán cầu thường ít được chú ý hơn so với những vụ cháy tại các khu rừng nhiệt đới.

Hiện tượng cháy rừng được xác định là những đám cháy xảy ra ở các vùng đất thiên nhiên như rừng và đồng cỏ. Hiện tượng này góp một phần lớn trong chu trình carbon toàn cầu.

Các vụ cháy rừng nghiêm trọng gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người và khí hậu toàn cầu, hủy hoại các hệ sinh thái và giải phóng các chất gây ô nhiễm và khí nhà kính ra môi trường.

tm-img-alt
Cháy rừng gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người và khí hậu toàn cầu. Ảnh: The New York Times

Các nhà khoa học quốc tế đã phát triển một hệ thống nghịch chuyển khí quyển dựa trên vệ tinh để theo dõi lượng khí thải phát sinh từ cháy rừng ở Bắc bán cầu trong giai đoạn 2000-2021. Kết quả cho thấy khí thải CO2 đã gia tăng tại đây trong suốt thời gian này.

Theo báo cáo nghiên cứu, các vụ cháy rừng tại Bắc bán cầu thải ra 23% tổng lượng khí thải CO2 từ các vụ cháy xảy ra trên toàn cầu vào năm 2021, trong khi tỷ lệ này thường chỉ là 10% ở thời điểm 20 năm về trước.

Nạn phá rừng ở Amazon vẫn tiếp tục tăng

Theo dữ liệu sơ bộ chính thức cho thấy, nạn phá rừng ở Brazil đã tăng 14% so với tháng 3 năm trước, điều này nêu bật những thách thức liên tục đối với chính phủ cánh tả mới của nước này.

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhậm chức vào ngày 1/1 đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng sau nhiều năm gia tăng dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro, người đã làm giảm các nỗ lực bảo vệ môi trường ở Amazon.

Theo ông Marcio Astrini - lãnh đạo tổ chức môi trường địa phương Climate Observatory, cho biết: “Số liệu về nạn phá rừng gia tăng cho thấy rằng rừng Amazon vẫn còn thiếu hụt quản lý nghiêm trọng và chính phủ mới cần phải hành động ngay lập tức để xây dựng lại khả năng trấn áp tội phạm môi trường vốn đã bị chính phủ trước phá hủy hoàn toàn”.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Dữ liệu của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Inpe cho thấy 356 km2 đã bị xóa xổ khỏi Amazon chỉ trong tháng 2.

Các số liệu mới nhất vẽ ra một bức tranh tổng hợp về công tác phòng chống nạn phá rừng của chính phủ cho đến nay với diện tích phá rừng từ tháng 1 đến tháng 3 giảm xuống còn 845 km2, giảm 11% so với năm trước.

Brazil chính thức đo lường nạn phá rừng hàng năm từ tháng 7 đến tháng 8, nhằm hạn chế ảnh hưởng của mây che khuất hình ảnh vệ tinh trong những tháng mưa. Trong 8 tháng đầu tiên từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023, nạn phá rừng đã tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Astrini nói: "Chỉ còn 4 tháng nữa để chốt số liệu cuối cùng về nạn phá rừng. Điều này có nghĩa là việc giảm tỷ lệ phá rừng ở Amazon vào năm 2023 là khó xảy ra. Trên thực tế, nó có nhiều khả năng sẽ tăng lên"

Vào cuối tháng 2 tại thủ đô Brasilia, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry nói rằng thế giới không thể đạt được mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C nếu không bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.

Vào đầu năm nay, Washington đã thông báo dự định đóng góp cho Quỹ Amazon của Brazil, hỗ trợ các dự án bảo tồn khu vực rừng rậm. Na Uy cũng đã cam kết hỗ trợ cho những nỗ lực của Brazil nhằm thu hút thêm các quốc gia tài trợ cho Quỹ Amazon.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới