Thứ ba, 23/04/2024 19:18 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/1/2020

MTĐT -  Thứ tư, 01/01/2020 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/1/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/1/2020.

Ứng dụng hóa học xanh giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm hóa chất

Ô nhiễm hóa chất hiện nay đang là một trong những vấn đề nóng trên toàn cầu. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp mạ điện, sản xuất nhựa, dệt may... đều có khả năng sử dụng các loại hoá chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POPs), hoặc các chất có khả năng tạo thành các POPs (các chất POPs phát sinh không chủ định, còn gọi là U-POP) khiến nguồn nước gần các khu công nghiệp thường có hàm lượng POPs như PFOS (perfluorootane sulfonate) cao...

Trước bài toán lớn được đặt ra khi vừa phải thúc đẩy sản xuất trong nước có sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, vừa phải quản lý việc sử dụng hoá chất và kiểm soát những tác động đến môi trường, Hoá học xanh (HHX) là một trong những giải pháp được khuyến khích sử dụng để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề bằng cách ứng dụng các phương pháp nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng và phát thải các hoá chất nguy hại. HHX đề cao tiết kiệm tài nguyên và tận dụng tối đa nguyên, nhiên liệu tái sinh.

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, với sự tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đồng tài trợ bởi các tổ chức và doanh nghiệp, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương đang tiến hành thực hiện dự án “Áp dụng Hóa học xanh hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại” (sau đây gọi tắt là Dự án).

Qua giai đoạn tiền khảo sát, đã xác định được 6 ngành nghề được ưu tiên triển khai HHX trong Dự án bao gồm: Mạ điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhựa, dệt nhuộm, hóa chất bảo vệ môi thực vật, sơn và dung môi. Đây là những ngành có khả năng sử dụng POPs, thủy ngân và những chất có thể phẩn hủy thành POPs trong sản xuất. Trong năm 2020, Dự án sẽ thí điểm mô hình ứng dụng HHX tại Công ty Cổ phần Plato Việt Nam thuộc lĩnh vực mạ điện và Công ty Cổ phần Sơn Nishu thuộc lĩnh vực sơn và dung môi.

2 nhà máy trên sẽ được hỗ trợ các trang thiết bị, nguyên vật liệu cho hoạt động trình diễn HHX từ Dự án, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về các hóa chất đang được sử dụng nhằm xác định chất có thể thay thế các loại dung môi có chứa clo, thay thế cho các chất POPs hay các hoá chất nguy hại đã bị cấm ở một số nước như PFOS (perfluorootane sulfonate), PBDE (poly brominated diphenyl ether) và SCCP (short chain chlorinated paraffin). Đồng thời áp dụng nguyên tắc sử dụng những chất diệt khuẩn, tẩy rửa thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa lượng nước xả thải, và thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng nước tự động.

Dự án đặt mục tiêu giảm thiểu được 15g-TEQ/năm lượng chất U-POPs, 1 tấn các chất POPs, 2kg thủy ngân và ít nhất 65 tấn CO2 trong 6 ngành công nghiệp. Ứng dụng HHX là xu hướng tất yếu đối với công nghiệp hóa chất tại Việt Nam giúp giảm thiểu hóa chất nguy hại vì sức khoẻ cộng đồng và hội nhập quốc tế.

Điện Biên: Cần xử lý nghiêm việc đổ thải sai quy định trên tuyến Tà Lèng – Mường Phăng

Trên suốt tuyến đường dài hơn 1km đang thi công dễ dàng quan sát thấy các điểm đất, đá thải tràn xuống triền núi, chảy thẳng xuống suối. Nhiều điểm suối bị bồi lấp hơn 2/3 diện tích lòng suối Nậm Phạ và kéo dài cả trăm mét, thậm chí có những đoạn lòng suối bị thu hẹp chỉ còn chưa đầy 1m. Nhiều chủng loại đất, đá thải với nhiều kích cỡ từ nhỏ đến to được vô tư xả thẳng xuống suối, gây ách tắc, biến dạng dòng chảy tự nhiên. Sát mép tuyến đường đang thi công nhiều vị trí vẫn xuất hiện các đống đất, đá thải mới. Dưới suối Nậm Phạ, dòng nước đã chuyển màu đỏ quạch.

Ông Quàng Văn Khụt, bản Nà Nghè, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), bức xúc: Không hiểu vì lý do gì mà đơn vị thi công lại đổ hết đất, đá thải xuống triền núi và suối Nậm Phạ, bồi lấp dòng suối, nhiều chân ruộng ở vị trí thấp có nguy cơ bị bùn đất vùi lấp. Suối Nậm Phạ nằm trên địa hình dốc, hàng năm cứ mưa to là có lũ ống nên nếu dòng chảy suối Nậm Phạ bị “bóp” nghẽn như thế này thì hệ quả sẽ khó lường. Hơn nữa, đây là dòng suối cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho rất nhiều hộ dân thế nhưng bây giờ lúc nào cũng chuyển màu đỏ quạch khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an.

Ông Lê Chí Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên), cho biết: Theo thống kê địa bàn xã Tà Lèng có khoảng 40ha diện tích lúa ruộng hai vụ đã, đang và sẽ có nguy cơ bị bồi lấp từ lượng đất, đá đổ thải xuống suối Nậm Phạ, ngoài ra khoảng hơn 2ha diện tích thủy sản không thể tiếp tục chăn nuôi do sặc bùn đất. Với trăm hàng nghìn m3 đất, đá mà đơn vị mở đường san gạt thẳng xuống taluy âm và xả thẳng xuống suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân 3 bản Nà Nghè, Kê Nênh và Tà Lèng.

Doanh nghiệp ngang nhiên san lấp đất, đá xuống lòng suối Nậm Phạ, bản Nà Nghè, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) để thi công tuyến đường Tà Lèng – Mường Phăng.

Cũng theo ông Lê Chí Thiết, chủ đầu tư, đơn vị thi công xuống mở đường chưa thống nhất với chính quyền địa phương các phương án thi công, phương án thu hồi đất, đặc biệt là việc thu hồi đất rừng; chưa thống nhất phương án đổ thải mà đã tự ý san ủi làm đường. Xã đã tiến hành lập biên bản đình chỉ thi công mà đơn vị thi công vẫn cứ tiếp tục làm do "đã có chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên" khiến bà con càng thêm bức xúc trước tình trạng đổ thải bừa bãi hiện nay.

Dự án Nâng cấp đường vào khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên) thuộc Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch phục vụ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng” tỉnh Ðiện Biên. Quy mô công trình đường giao thông cấp V miền núi, tổng chiều dài 17,469km; xây dựng mới 2 điểm dừng chân và cải tạo, nâng cấp Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại xã Mường Phăng. Dự án đi qua địa phận 3 xã: Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ); Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) với tổng mức đầu tư 105,567 tỷ đồng.

Phải khẳng định rằng, việc nâng cấp tuyến đường Tà Lèng – Mường Phăng, có tầm quan trọng đặc biệt, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trong lợi ích chung đó không thể tách rời những lợi ích mà chính người dân nơi đây sẽ được hưởng khi dự án hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình thi công tuyến đường mà san lấp đất đá, xả thải, làm biến dạng dòng sông, suối, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cần khẩn trương vào cuộc làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc "bức tử" dòng suối. Yêu đơn vị thi công khắc phục nguyên trạng dòng suối, đảm bảo đời sống dân sinh.

Trung Quốc thử đập thủy điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạ lưu Mekong

Theo Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan (ONWR), các tỉnh Chiang Rai, Loei, Nakhon Phanom, Nong Khai, Mukdahan, Bung Kan, Amnat Charoen và Ubon Ratchathani dọc theo sông Mekong sẽ chứng kiến tình cảnh mực nước giảm khi Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tại đập Cảnh Hồng.

Đoạn sông Mekong qua tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

ONWR cho biết, dựa trên thông báo do Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc gửi, các thử nghiệm này sẽ làm lượng nước giảm từ 1.200-1.400 m³/giây (m/s) xuống còn 800-1.000 m³/giây từ ngày 1.1. Lượng nước xả sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800m³/giây vào ngày 4.1.

Mực nước dọc sông Mekong có khả năng giảm khoảng 40-60 cm trong giai đoạn đầu của thử nghiệm. Theo tổng thư ký của ONWR, Somkiat Prajamwong, khi dòng chảy bị giới hạn ở 504-800m³/s, mực nước có khả năng giảm thêm 30-50cm.

"Các nhà chức trách ở các tỉnh bị ảnh hưởng - bao gồm Bộ Nông nghiệp - đã được thông báo về thử nghiệm tại đập Cảnh Hồng để họ có thể chuẩn bị tốt hơn", ông Somkiat Prajamwong cho hay và thông báo tỉnh Chiang Rai sẽ bắt đầu chứng kiến mực nước giảm trong khoảng từ ngày 2 tháng 1, trong khi Ubon Ratchathani sẽ thấy tác động giữa ngày 16 đến 19.1.

Cũng theo Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan, việc Trung Quốc thử nghiệm đập thủy điện thời điểm này sẽ khiến tình hình hạn hán ở Thái Lan trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là do lượng nước mưa năm nay thấp hơn 18% so với mức trung bình hàng năm, trong đó 9 hồ lớn chứa nước hiện chỉ đạt khoảng 30% tổng dung lượng lưu trữ.

Australia: Cháy rừng dữ dội áp sát nhà dân, hàng nghìn người phải trú ở bờ biển

Tại thị trấn Mallacoota, miền đông nam Australia, khoảng 4.000 cư dân đã phải sơ tán về phía bờ biển khi gió mạnh đẩy một đám cháy ở cấp độ khẩn cấp về phía nhà của họ. Thị trấn bị bao trùm trong bóng tối của khói mù trước khi chuyển sang một màu đỏ tươi kinh ngạc.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết, chính quyền đã có kế hoạch sơ tán người dân bị mắc kẹt bằng đường biển. Chính quyền đang lo sợ hiện còn bốn người mất tích.

Bầu trời chuyển sang màu đỏ cam vì lửa cháy rừng ở thị trấn Mallacoota (Ảnh: REUTERS)

Chính quyền bang Victoria đã yêu cầu Mỹ và Canada hỗ trợ 70 lính cứu hỏa.

Ủy viên Ủy ban các dịch vụ khẩn cấp bang Victoria Andrew Crisp xác nhận có những thiệt hại về tài sản đáng kể trên toàn khu vực.

Tình hình cháy rừng tại hai bang Victoria và New South Wales (NSW) ngày càng tồi tệ hơn từ đợt nóng cao điểm ngày hôm qua kết hợp với gió mạnh và sét đánh. Chính quyền các khu vực xác nhận nhiều đám cháy bùng phát gần đây là do sét đánh. Nhiều phần phía đông của lục địa đang phải trải qua đợt hạn hán kéo dài trong nhiều năm khiến các đám cháy rừng dễ dàng bùng phát.

Cảnh sát bang NSW hôm nay xác nhận, hai người đàn ông được cho là hai cha con đã thiệt mạng trong một ngôi nhà khi lửa cháy rừng lan rộng ở thị trấn đông nam Cobargo, đồng thời một người đàn ông khác đang mất tích.

Cho đến nay, số người thiệt mạng vì cháy rừng tại Australia đã lên tới ít nhất 12 người, hỏa hoạn gây thiệt hại hơn 1.000 căn nhà chỉ vài tháng qua.

Trong ngày hôm qua, một lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi gió mạnh thổi lật bay xe tải, nâng tổng số lính cứu hỏa thiệt mạng tại bang NSW lên ba người chỉ trong vòng hai tuần.

Tình trạng cháy rừng nghiêm trọng cũng khiến nhà chức trách Australia ra lệnh hủy các chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới ở nhiều bang, chỉ giữ lại chương trình bắn pháo hoa biểu tượng ở cầu cảng Sydney.

Các đám cháy rừng cũng đang thiêu trụi nhiều khu vực ngoại ô Sydney, bao phủ thành phố trong khói mù trước thềm các sự kiện đón năm mới trong đêm nay.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới