Thứ sáu, 29/03/2024 12:40 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/12/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 01/12/2019 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/12/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/12/2019.

Tập trung khắc phục sự cố tràn dầu trên biển Kỳ Anh

Ngày 30/11, nhiều cơ quan chức năng và người dân địa phương đang phối hợp để thu gom, khắc phục sự cố tràn dầu kéo dài khoảng 3km bờ biển ở khu vực thôn 2, thôn 3 Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hạn chế mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.

Theo đó, khoảng 4h ngày 28/11, tàu Nordana Sophia, có trọng tải gần 9.000 tấn, trên tàu có 18 thuyền viên mang quốc tịch Thái Lan khi đang trên đường vào cảng biển Vũng Áng-Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh, cách đất liền khoảng 10km thì bất ngờ xảy ra sự cố bị thủng mạn tàu, nước tràn vào buồng máy nhanh khiến tàu bị nghiêng, có nguy cơ chìm.

Sau nhiều giờ đồng hồ tổ chức ứng cứu, các đơn vị chức năng đã tiếp cận được tàu Nordana Sophia để đưa các thuyền viên vào bờ an toàn. Được biết, tàu Nordana Sophia xuất phát từ Hồng Kông đến cảng Vũng Áng - Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh để lấy hàng thì gặp sự cố.

Vị trí tàu Nordana Sophia gặp nạn trên biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Sau khi cứu nạn thành công các thuyền viên, các cơ quan chức năng đã họp bàn để triển khai xử lý sự cố dầu tràn, vì trên tàu Nordana Sophia chứa khoảng 180 tấn dầu. Chiều 29/11, Bộ Quốc phòng đã điều 2 tàu chuyên dụng 926 và 704 của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn đầu Khu vực miền Bắc xuất phát từ Hải Phòng vào Hà Tĩnh để xử lý cố tràn dầu từ tàu Nordana Sophia.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cũng đã thông báo về vụ việc tàu Nordana Sophia cho phía Thái Lan và đề nghị Thái Lan chỉ đạo cơ quan chức năng nước bạn làm việc với chủ tàu để có trách nhiệm chi trả kinh phí khắc phục sự cố và trục vớt tàu gặp nạn. Theo thông báo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tàu Nordana Sophia bị chìm sâu 25m.

Hiện, các cơ quan chức năng và người dân địa phương đang tiến hành thu gom dầu tràn trôi dạt vào bờ biển. Số lượng dầu nằm trong tàu còn lại sẽ dùng phao quây lại đồng thời đặt máy bơm để bơm lên các xà lan có bể chứa, kế hoạch thực hiện hoàn thành đặt ra là trước ngày 15-12. Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu thuyền đi lại qua khu vực tàu gặp nạn… 

Chủ động phòng tránh để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai

Ngày 30/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức chương trình với chủ đề Nhìn lại 20 năm lũ lớn khu vực miền Trung - Kết chặt tay, dựng đời mới.

Chương trình là dịp nhìn lại những hình ảnh, những ký ức đau thương, sự chống chọi kiên cường của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong trận lũ đầu tháng 11-1999, được ví như trận “đại hồng thủy” làm 818 người chết và mất tích, gần 1,2 triệu ngôi nhà, trụ sở bị đổ sập, hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, tổng thiệt hại gần 4.150 tỷ đồng; trong đó Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 372 người chết và mất tích.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chương trình là cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng về tầm quan trọng của công tác PCTT-TKCN, từ đó chủ động phòng tránh để góp phần giảm nhẹ đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thiên tai gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân từ đầu năm 2019 đến nay

Tại chương trình, Ban Cứu trợ Trung ương trao tặng 50 căn nhà an toàn trước thiên tai cho hộ dân bị thiệt hại của tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Nam với tổng trị giá 2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam Vinaseed trao tặng 125 căn nhà cho người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổng trị giá 5 tỷ đồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đồng bào, chiến sĩ và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung. Nội dung bức thư của Thủ tướng nêu rõ: Miền Trung là khu vực thường xuyên bị tác động bởi thiên tai. Đặc biệt, trận “đại hồng thủy” cách đây 20 năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân. “Nhân dịp này, tôi xin gửi lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân bị những nỗi đau mất mát do thiên tai gây ra”, Thủ tướng viết.

Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đồng bào, chiến sĩ và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; các cấp ủy đảng, chính quyền với tinh thần trách nhiệm cao, bình tĩnh chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong suốt thời gian qua. Đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; linh hoạt, sẵn sàng cùng nhân dân giảm thiểu tối đa thiệt hại, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, quốc gia an toàn hơn trước thiên tai.

Sở TN&MT Bình Định thí điểm thành công mô hình xử lý rác nông thôn

Đơn vị tổ chức hỗ trợ hai xã Cát Minh, Cát Khánh, huyện Phù Cát xây dựng mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện địa phương. Hỗ trợ các trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ triển khai mô hình: chế phẩm vi sinh, bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xe rác đẩy tay và thùng thu gom rác để xử lý phù hợp với từng loại rác thải. Hỗ trợ kinh phí cho lao động thu gom bằng xe đẩy tay, kinh phí giám sát, hướng dẫn cho cán bộ địa phương. Hướng dẫn kỹ thuât thực hiện mô hình và theo dõi, giám sát thực hiện.

Tại xã Cát Minh có 29/30 hộ dân tham gia mô hình chủ yếu tập trung tại xóm An Bình, thôn Trung An và 30 hộ dân ở thôn Thắng Kiên, xã Cát Khánh. Các hộ dân trải qua lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh AT-BIO ngay tại hộ gia đình; hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và rác thải chợ bằng chế phẩm vi sinh AT-BIO; hướng dẫn thu gom, phân loại rác sinh hoạt vô cơ hộ gia đình bằng thùng rác di động tại các khu vực chưa có xe thu gom rác, trên cơ sở thành lập tổ thu gom rác, bố trí các điểm tập kết rác phù hợp để đơn vị thu gom đến thu gom; mở rộng tuyến thu gom đến các khu vực này; hướng dẫn thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh tại khu vực đồng ruộng và bố trí khu vực lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Sau khi tiếp nhận những kiến thức đã được tập huấn, các hộ dân triển khai thực hiện theo mô hình xử lý rác nông thôn tại gia đình mình. Bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Trung An, xã Cát Minh chia sẻ: Tôi làm phân bò. lá cây ủ lại đậy kín dùng chế phẩm AT-BIO xử lý. Hiệu quả là dùng chế phẩm không có ruồi muỗi, mùi hôi trong chuồng bò như mình nuôi trước đây. Phân sau khi ủ với chế phẩm rất rền, đạt tiêu chuẩn khi sử dụng bón cho đồng ruộng và các loại cây trồng. Tôi cũng vận động bà con các hộ gia đình khác, nên dùng chế phẩm để ủ phân vừa không có ruồi, muỗi, mùi hôi, vừa đảm bảo chất lượng của phân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, chuồng trại.

Ông Nguyễn Văn Thái – thôn Trung An, xã Cát Minh cho biết thêm: Loại phân này dùng bón cho lúa là tốt nhất. Gia đình tôi thực hiện mô hình đạt chất lượng theo yêu cầu. Chuồng trại sạch sẽ, gọn gàng, không ruồi muỗi, mùi hôi, phân đạt chất lượng. Chúng tôi mong muốn mô hình này được nhân rộng thêm cho nhiều hộ trong xã để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tại nông thôn.

Bà Mai Thị Kin Thi – Cán bộ địa chính xã Cát Minh vui vẻ chia sẻ: Chi cục Bảo vệ môi trường đã triển khai mô hình xử rác nông thôn tại địa phương. 29/30 hộ gia đình sử dụng chế phẩm đạt hiệu quả. 80 % hộ gia đình đăng ký mô hình xử lý rác thải nông thôn. Về mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh, so với nội dung tập huấn của Sở TN&MT đưa ra, thì chất lượng phân ủ tại các hộ đều đạt khi đưa vào sử dụng làm phân bón cây trồng.

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Bình Định, mô hình xử lý rác nông thôn đã giúp cho người dân ý thức trong công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn. Sở hỗ trợ thêm 20 thùng rác di động, nâng cao khối lượng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương. Bà con ý thức trong công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa đặt trên các đồng ruộng, nâng cao nhận thức của người dân về cách thức xử lý bao bì phát sinh sau sử dụng trên đồng ruộng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo tổng kết mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại xã Cát Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Huỳnh Quang Vinh chia sẻ: Từ những kết quả đạt được của mô hình, Sở TN&MT tỉnh Bình Định mong muốn có sự phối hợp đồng bộ từ huyện đến xã và các đoàn thể. Sở đề nghị tùy tình hình, điều kiện từng xã mà UBND huyện, UBND xã tiếp tục quan tâm và hỗ trợ các hộ tham gia mô hình duy trì các kỹ thuật xử lý, phương án thu gom để làm mô hình điểm cho nhiều địa phương tham quan, học tập, tạo điều kiện tiếp cận, hỗ trợ các địa phương muốn nhân rộng mô hình này.

Đây là mô hình được xây dựng với mục tiêu quản lý rác phù hợp với địa bàn nông thôn chưa triển khai thu gom rác, trong đó chú trọng khâu phân rác tại nguồn, quản lý phù hợp từng loại chất thải. Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và người dân trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định

Iran đóng cửa nhiều trường học do ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí đã buộc nhiều trường phổ thông và đại học của Iran phải đóng cửa trong ngày 30/11.

Ngoài khu vực thủ đô, tỉnh Alborz ở miền Bắc và tỉnh Esfahan ở miền Trung nước này cùng một số thành phố như Mashhad, Orumiyeh và Qom cũng áp dụng lệnh tương tự.

Phụ nữ Iran đeo khẩu trang để bảo vệ chống ô nhiễm không khí ở Tehran, Iran. (Nguồn: AP)

Hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời Phó Thống đốc tỉnh Tehran, ông Mohamad Taghizadeh cho biết do tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, toàn bộ nhà trẻ, trường tiểu học, trung học, đại học và viện giáo dục cao học nằm trên địa bàn tỉnh đều phải đóng cửa.

Trước đó, ngày 29/11, sau cuộc gặp với Ủy ban khẩn cấp về ô nhiễm không khí, ông Mohamad Taghizadeh đã thông báo quyết định tương tự tại thủ đô Tehran.

Theo IRNA, nhằm hạn chế số phương tiện giao thông cá nhân đổ vào thủ đô, giới chức thành phố dự kiến sẽ áp đặt một kế hoạch giao thông theo biển số chẵn-lẻ, đồng thời cấm toàn bộ xe tải tại Tehran.

Ngoài việc các hoạt động thể thao được thông báo hoãn trong ngày 30/11, người già, trẻ em và những người mắc các bệnh mãn tính về đường hô hấp cũng được cảnh báo nên ở trong nhà.

Trước đó trên trang web air.tehran.ir, của chính phủ đã công bố số liệu cho biết tại Tehran, mật độ trung bình của các phân tử bụi mịn trong không khí lên tới trên 146 microgram trong một mét khối trong ngày 30/11.

Bụi mịn là loại bụi có thể đi sâu vào phổi và là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp và ung thư.

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã xảy ra từ nhiều ngày qua tại Tehran và chất lượng không khí tại thành phố 8 triệu dân này được dự báo chỉ có thể cải thiện sau khi có mưa vào ngày 2/12 tới.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, ô nhiễm là nguyên nhân khiến gần 30.000 người tử vong mỗi năm tại các thành phố của Iran.

Nguyên nhân gây ô nhiễm phần lớn là do phương tiện giao thông quá nhiều, các nhà máy nhiệt điện và lọc dầu.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 1/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới