Thứ sáu, 29/03/2024 00:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/4/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 11/04/2020 06:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/4/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/4/2020.

Bắt quả tang cơ sở chế biến bao bì nhựa xả nước thải hôi thối ra môi trường

Qua quá trình xác minh, nắm tình hình, vào khoảng 11h 30’ ngày 10-4, tổ công tác của Công an phường Tân An, Buôn Ma Thuột, phối hợp với đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Buôn Ma Thuột phát hiện cơ sở kinh doanh bao bì nhựa Lê Gia, ở đường số 1, cụm công nghiệp Tân An1, phường Tân An, đang có hành vi xả nước thải sản xuất ra ngoài môi trường, nước thải có mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm xung quanh.

Chủ hộ kinh doanh trên là ông Lê Ngọc Nguyên (SN 1979), trú ở phường Thống Nhất, TP, Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa cung cấp được các giấy tờ pháp lý có liên quan như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kế hoạch bảo về môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường theo quy định...

Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận việc cơ sở đang hoạt động bình thường với lĩnh vực tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng, thường xuyên có gần 10 công nhân làm việc tại cơ sở. Quá trình sản xuất phát sinh nước thải từ công đoạn xay, giặt các bao bì nhựa đã qua sử dụng, lượng nước thải sản xuất phát sinh xả ra môi trường tương đương khoảng 4 m3/ngày đêm. Quá trình làm việc, ông Nguyên đã thừa nhận những sai phạm của mình.

Đồng Nai giám sát chặt các nguồn xả thải lớn

Sở TN-MT cho biết, hiện nay tổng lượng nước thải phát sinh thực tế tại 31 KCN trên địa bàn là khoảng 120.600m3/ngày. Trong đó, 1.223 doanh nghiệp đã thực hiện đấu nối hệ thống xử lý nước thải về khu xử lý nước thải tập trung của các KCN với lưu lượng nước thải phát sinh khoảng 91.100m3/ngày. Còn lại 51 doanh nghiệp tự xử lý nước thải theo quy định, trong đó 35 doanh nghiệp xả thải theo giấy phép xả thải với lưu lượng khoảng 29.300m3/ngày. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 9 doanh nghiệp xả thải với lưu lượng 185m3/ngày nhưng chưa đấu nối với KCN gồm: 3 doanh nghiệp tại KCN Ông Kèo và 6 doanh nghiệp tại KCN Thạnh Phú.

Theo Sở TN-MT, ngoài giám sát chất lượng nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung của 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn, định kỳ 2 lần/năm, sở, đơn vị liên quan kiểm tra việc thu gom, đấu nối nước thải của những doanh nghiệp trong KCN.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nước thải tại các KCN trên địa bàn, tỉnh đã giao Sở TN-MT rà soát đơn vị sản xuất, kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở TN-MT nhằm theo dõi, giám sát liên tục 24/24 giờ. Đến nay, 17/17 doanh nghiệp có quy mô xả thải trên 1 ngàn m3/ngày (không bao gồm chủ đầu tư các KCN) đã thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN-MT phục vụ yêu cầu giám sát liên tục.

Ông Võ Văn Chánh cho rằng, quan điểm của Đồng Nai là phát triển nhưng không đánh đổi về chất lượng môi trường. Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, quy định 6 nhóm đối tượng phải thực hiện quan trắc tự động nước thải, quy định quy mô xả thải được tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải, Đồng Nai đang rà soát lại toàn bộ các đối tượng phải thực hiện lắp đặt quan trắc tự động nước thải theo công suất hệ thống xử lý nước thải.

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai sẽ phát triển thêm 8 KCN. Tuy nhiên, quan điểm của Đồng Nai là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.

Nguy cơ nhiều sinh vật tuyệt chủng do ấm lên toàn cầu

Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ gây ra mất mát lớn về đa dạng sinh học trên toàn thế giới nếu lượng khí thải nhà kính không được hạn chế, khiến một số hệ sinh thái đối diện với nguy cơ sụp đổ vào năm 2030. Đây là kết luận của công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Tự nhiên.

Trong lịch sử loài người, Trái Đất chưa bao giờ ấm lên nhanh và đồng loạt như hiện nay. Có nhiều yếu tố tác động đến nhiệt độ tại các khu vực như sự biến động về địa lý hay thay đổi theo mùa.

Các nhà khoa học dự báo với lượng khí thải carbon do con người tạo ra như hiện nay, Trái Đất đang trên đà tăng thêm 4 độ C vào năm 2100.

Thay vì nhìn vào các xu hướng toàn cầu, các nhà nghiên cứu tại Anh, Mỹ và Nam Phi đã đánh giá dữ liệu khí hậu trong hơn 150 năm qua và đối chiếu với sự phát triển của hơn 30.000 loài chim, động vật có vú, bò sát và cá.

Họ đã chia thế giới những khu vực có diện tích 100km2, và đưa ra mô hình về xu hướng nhiệt, cũng như tác động của chúng đối với động vật hoang dã trong khu vực.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đi đến kết luận rằng với lượng khí thải như hiện nay, khoảng 73% các loài động vật sẽ phải chịu đựng tình trạng nóng lên chưa từng thấy, có nguy cơ dẫn đến hậu quả thảm khốc về số lượng giống loài.

Theo chuyên gia Alex Pigot của Trung tâm Đa dạng sinh học và môi trường thuộc Đại học London, các mô hình trên cho thấy nhiều loài động vật sẽ biến mất, khi chúng vượt qua ranh giới về nhiệt, khiến chúng không thể tiến hóa để thích ứng.

Chuyên gia Pigot cảnh báo một khi vượt qua ngưỡng này, thế giới sẽ ghi nhận các loài bị tuyệt chủng tăng đáng kể.

Quảng Ninh: Tăng cường quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 9/4 đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt những nhiệm vụ sau: Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm, đình chỉ, dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp nhận, theo dõi, kiểm tra, giám sát công bố hợp quy phân bón của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp với các địa phương, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc; xây dựng mô hình sản xuất - sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc để áp dụng nhân rộng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho cán bộ, chuyên viên được giao nhiệm vụ quản lý về vật tư nông nghiệp của cấp huyện, cấp xã, người sản xuất trồng trọt và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.