Thứ bảy, 20/04/2024 01:16 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/7/2020

MTĐT -  Thứ bảy, 11/07/2020 06:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/7/2020.

Khô hạn ở miền Trung diễn biến phức tạp

Lượng nước tích trữ trọng các hồ thủy điện cạn kiệt, lưu vực các thủy điện không có mưa khiến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp.

Miền Trung hiện có 520 hồ thủy điện và thủy lợi đang thiếu hụt nguồn nước. Tại Bắc Trung Bộ có 286 hồ cạn nước, Nam Trung Bộ có 165 hồ dung tích còn dưới 20% dung tích thiết kế.

Tại Quảng Nam - nơi có nhiều hồ thủy điện lớn ở miền Trung, nhiều hồ đang ở mực nước chết. Tại Quảng Ngãi, dự báo có hơn 12.700 ha cây trồng bị thiếu nước.

Còn các tỉnh Nam Trung Bộ, tình trạng thiếu nước kéo dài nhiều tháng nay. 120 hồ chứa nước trong tỉnh Bình Định cạn kiệt. Tỉnh Ninh Thuận hiện cũng có 27 ngàn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Nắng nóng khô hạn dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 8 và sẽ gây thiệt hại lớn đến sản xuất và chăn nuôi của người dân.

Mưa lớn khiến mực nước tại sông suối ở Lai Châu dâng cao

Mưa lớn trên diện rộng kéo dài liên tục từ đêm qua đến nay khiến mực nước các sông, suối ở Lai Châu liên tục dâng cao, gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn tại nhiều khu dân cư.

Từ đêm qua đến chiều nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa trên diện rộng. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 9/9 đến 13 giờ ngày 10/7 phổ biến từ 10 đến gần 50mm. Nhiều nơi xuất hiện mưa lớn cục bộ như thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) trên 70mm, Pa Vệ Sủ (Mường Tè) trên 60mm. Hiện tại trên địa bàn vẫn tiếp tục có mưa rải rác, trong đó các huyện Than Uyên, Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên xuất hiện mưa vừa, có nơi mưa to.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các công trình nhà nước và nhân dân trên địa bàn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu đã điện yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng chủ động các phương án ứng phó nếu xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, yêu cầu ban quản lý các công trình thủy điện, hồ đập trên địa bàn thường trực 24/24, sẵn sàng phương án xả lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sinh sống vùng lòng hồ và hạ lưu.

Đối với chính quyền các huyện, thành phố và các công ty, đơn vị quản lý đường bộ chủ động phương tiện, nhân lực, thường xuyên kiểm tra, tuần đường đối với các tuyến giao thông xung yếu như quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã; kịp thời khắc phục sự cố sạt lở để đảm bảo giao thông. Chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tuyên truyền người dân không ngủ lại lán nương, đi qua ngầm, tràn hoặc bơi lội, vớt củi trên sông, suối. Với các khu dân cư trong vùng nguy cơ sạt lở cao, người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, địa chất khu vực sinh sống để chủ động phương án di chuyển đồ đạc và con người đến nơi an toàn.

Cháy rừng thông và keo ở xã Diễn Lộc, Nghệ An

Vào khoảng 12h30 trưa ngày 10/7, tại khu vực rừng thông và keo thuộc xóm 4, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu đã xảy ra cháy lớn. Chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người có mặt tại hiện trường tham gia chữa cháy.

Khu rừng xảy ra cháy nằm giáp ranh với rừng thông xã Diễn Phú, đặc biệt khu vực này có rất nhiều nhà dân nằm sát rừng nên nguy cơ cao đám cháy có thể lan rộng và ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân.

Ngay khi phát hiện đám cháy, huyện Diễn Châu đã lập tức điều động dân quân tự vệ các xã Diễn Lộc, Diễn Phú và các xã lân cận cùng lực lượng Quân đội, Công an huyện và Cứu hỏa ứng cứu dập lửa. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – PCT UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đến khoảng 17 giờ đám cháy cơ bản được khống chế.

"Đám cháy cơ bản đã được khống chế nhưng các lực lượng cũng phải túc trực để phòng nó bùng phát trở lại. Vì đặc thù vùng này người dân sống sát rừng nhiều nên phải đảm bảo an toàn cho nhân dân.", ông Hoàng Nghĩa Hiếu nói.

14 hộ dân phải di dời do sông Hậu sạt lở

Ngày 10/ 7, bà Lê Thị Hải Âu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh Trung cho biết, đoạn sạt lở tại ấp Vĩnh Thạnh có dấu hiệu rạn nứt mở rộng theo chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào bờ khoảng 7m, đã sụt lún xuống sông khoảng 0,5m - 1,1m so với hiện trạng ban đầu. Hiện 14 căn nhà nằm trong khu vực nguy hiểm phải di dời khẩn cấp. Bên cạnh đó, 28 căn nhà nằm ngoài phạm vi 20m nguy hiểm cũng được địa phương bố trí lực lượng canh giữ.

"Hiện nay, tình trạng mưa kèm giông đang phức tạp, cộng với nước lũ sắp về sẽ là nguy hiểm cho nhiều vùng đất cặp bờ sông của An Giang. Tình hình sắp tới có thể còn căng thẳng hơn nữa", bà Lê Thị Hải Âu lo lắng.

Theo khảo sát, trong phạm vi 250m xung quanh điểm sạt lở và 80m tính từ quốc lộ 91 xuống bờ sông Hậu, có tổng 53 căn nhà. Trước đó, ngày 06/7 cũng tại khu vực sạt lở này đã phải di dời 11 căn nhà và được bố trí tái định cư tại khu dân cư xã Mỹ Phú.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...