Thứ sáu, 29/03/2024 03:41 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/3/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 13/03/2020 07:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/3/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/3/2020.

Triều cường gây ngập úng cục bộ nhiều nơi tại Sóc Trăng

Tối 12/3, cơn triều cường đã làm nước các sông dâng cao gây ngập úng cục bộ nhiều nơi trong tỉnh Sóc Trăng. Tại thị trấn Mỹ Xuyên, triều cường đã dâng ngập các tuyến đường nội ô, gây khó khăn cho lưu thông và sinh hoạt của người dân.

Theo thống kê của Chi cục thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, do nước mặn xâm nhập sớm, cao và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, kể từ giữa tháng 11-2019 ranh mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào địa phận xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cách cửa sông Hậu từ 30 đến 45 km.

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong những ngày tới ranh mặn 4‰ trên tuyến sông Hậu sẽ vào sâu hơn 70 km và tình trạng xâm nhập mặn có khả năng gay gắt hơn đợt mặn lịch sử năm 2015-2016.

Do hạn mặn kéo dài, đến nay tỉnh Sóc Trăng đã có hơn 1.000 ha lúa bị thiệt hại. Đây là diện tích nông dân không thực hiện theo khuyến cáo nên tiếp tục xuống giống vụ thứ ba nên bị hạn mặn gây chết lúa. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp địa phương, nếu hạn còn kéo dài khả năng gây thiệt hại thêm cho 400 ha lúa, 4.000 ha cây ăn trái và 1.000 ha trồng rau màu do thiếu nước ngọt.

Mùa “đốt rác” ám ảnh người dân Đắk Nông

Rác thải ô nhiễm, khói đốt mù mịt, không khí ngột ngạt là tình trạng tại bãi rác thải xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa khô là 3 hecta diện tích rác thải tại bãi rác này lại được đốt liên tục. Rác chưa qua xử lý cháy âm ỉ từ 3 - 4 tháng, cho đến khi mùa mưa tới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân xung quanh.

Theo những người dân có đất canh tác gần khu vực bãi rác Đắk Lao, việc đốt rác khiến hầu hết diện tích cây nông nghiệp và vật nuôi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cây rụng lá, chết cành, không thể phát triển, thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Người dân lâm vào tình cảnh bỏ rẫy không được mà ở lại canh tác cũng không xong.

Bãi rác tại xã Đắk Lao được đưa vào sử dụng từ năm 2011 với diện tích gần 3 hecta, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50 tấn rác. Hiện nay, các xe rác đã không thể đi vào các ô chứa do quá tải, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hành lang Quốc lộ 14C. Được biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil là đơn vị quản lý trực tiếp bãi rác thải này. Khi phóng viên liên hệ làm việc, lãnh đạo đơn vị này đã né tránh.

Xác định nguyên nhân hơn 100 tấn cá lồng chết tại Hải Dương

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương: Kết quả đo nhanh mẫu nước do người dân lấy tại khu vực lồng cá vào 19 giờ và 22 giờ ngày 6/3 cho thấy hàm lượng ô xy hòa tan trong nước (DO) là 0,92 mg/l và 1,45 mg/l, không đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08-MT:2018/BTNMT) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (DO>= 4 mg/l). Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương tiếp tục lấy mẫu nước sông tại đây ngày 7 và 8/3 để phân tích, xét nghiệm.

Trước đó, ngày  6/3, tại các lồng nuôi cá của nhân dân trên sông Thái Bình, đoạn đi qua địa phận thôn Chí Linh 1 và 3 thuộc xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh (điểm hợp lưu tiếp nhận nước từ sông Đuống, sông Cầu chảy vào địa phận tỉnh Hải Dương) xảy ra hiện tượng cá ngoi lên đớp và đến 20 giờ cùng ngày thì cá bắt đầu chết.

Theo phản ánh của các hộ dân nuôi cá, thời điểm xảy ra sự cố, nước sông Thái Bình có màu đen, mùi hôi. Hiện tượng này hàng năm đều xảy ra nhưng ảnh hưởng đến hoạt động nuôi cá là không lớn. Các hộ dân đã chủ động tăng cường bơm sục ô xy, trong đó có 4 hộ dân đã thuê phương tiện kéo lồng cá sang bờ sông đối diện (địa phận tỉnh Bắc Ninh) để giảm thiệt hại.

Theo báo cáo của UBND xã Nhân Huệ, hoạt động nuôi cá lồng trên địa bàn xã diễn ra từ năm 2000. Số lượng hộ nuôi cũng như số lồng cá ngày càng tăng. Theo thống kê của UBND xã Nhân Huệ, hiện có 30 hộ nuôi 250 lồng cá. Khu vực bị ảnh hưởng có chiều dài khoảng 1,5 km, 12 hộ dân với tổng số 73 lồng cá bị ảnh hưởng, lượng cá chết là 121,9 tấn chủ yếu là cá lăng và trắm cỏ (hộ thiệt hại ít nhất là 1 tấn và hộ thiệt hại nhiều nhất là 51 tấn).

Băng tại Greenland và Nam Cực tan nhanh gấp 6 lần so với những năm 1990

Một nghiên cứu mới đây cho thấy băng tại Greenland và Nam Cực đang tan nhanh gấp 6 lần so với những năm 1990. Nếu tình trạng này tiếp diễn, dự đoán mực nước biển sẽ tăng thêm 17 cm vào năm 2100.

Trang Daily Mail (Anh) đưa tin nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục không được kiểm soát, tốc độ tan chảy đáng báo động của các tảng băng tại Greenland và Nam Cực sẽ khiến khoảng 400 triệu người sống tại vùng ven biển có nguy cơ bị lũ lụt.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho biết các nhà khoa học từ 50 tổ chức quốc tế đã thực hiện một nghiên cứu về những tảng băng đã tan chảy cho đến ngày nay. Họ đã sử dụng 11 nhiệm vụ vệ tinh khác nhau và 26 khảo sát riêng biệt để theo dõi sự thay đổi về khối lượng, thể tích, lưu lượng và trọng lực của các tảng băng.

Theo đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng Nam Cực và Greenland đã mất 6,4 nghìn tỷ tấn băng từ năm 1992 đến năm 2017, khiến mực nước biển tăng lên 17,8 cm. Trong đó, 60% lượng nước biển dâng là do băng tan từ Greenland và 40% băng từ Nam Cực.

“Mỗi centimet nước biển dâng có thể dẫn đến lũ lụt tại các vùng ven biển, xói mòn bờ biển và làm gián đoạn cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh. Nếu Nam Cực và Greenland tiếp tục đi theo kịch bản khí hậu nóng lên, trong trường hợp xấu nhất, điều đó sẽ khiến mực nước biển tăng thêm 17 cm vào cuối thế kỷ. Điều này có nghĩa là 400 triệu người có nguy cơ gặp phải lũ lụt hàng năm vào năm 2100”, đồng tác giả nghiên cứu Andrew Shepherd thuộc Đại học Leeds, cho biết.

Nghiên cứu kết luận rằng băng tan tại các khu vực này là nguyên nhân khiến một phần ba mực nước biển tại các đại dương tăng nhanh hơn dự kiến.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.