Thứ ba, 23/04/2024 16:08 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/2/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 14/02/2020 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/2/2020.

Núi lửa Merapi ở Indonesia lại bất ngờ 'thức giấc', khói bụi bốc cao 2 km

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Thảm họa Địa chất (BPPTKG) của Indonesia cho biết núi lửa Merapi phun trào trong gần 2 phút, bắt đầu lúc 5h16 sáng theo giờ địa phương, và cột khói bụi bốc cao gần 2.000m, đe dọa an toàn của người dân và khách du lịch tại những khu vực xung quanh núi lửa.

Núi lửa Merapi nằm tại khu vực biên giới tỉnh Trung Java và tỉnh Yogyakarta của Indonesia. Núi lửa này thường xuyên phun trào và đợt phun trào gần đây nhất được ghi nhận vào ngày 4/1 vừa qua, với thời gian phun trào chưa đến 2 phút song tạo ra lượng tro bụi lớn, khiến nhà chức trách Indonesia phải đưa ra cảnh báo mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 4 mức đối với hoạt động của núi lửa.

Indonesia nằm trong "Vành đai lửa Thái Bình Dương", khu vực hoạt động mạnh của địa chất và núi lửa. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Indonesia đã hứng chịu tổng cộng 11.577 trận động đất làm nhiều người thiệt mạng và nhiều người bị mất nhà ở.

Rác thải y tế chất đống ở bệnh viện Hồ Bắc giữa dịch virus corona

Áp lực gia tăng đối với chính quyền tỉnh Hồ Bắc khi số ca nhiễm được ghi nhận tăng vọt hôm 13/2. Các quan chức y tế tỉnh cho biết 242 người đã chết vì dịch Covid-19 vào ngày 12/2, mức tăng số ca tử vong hàng ngày nhanh nhất từ trước đến nay, với 14.840 ca nhiễm mới sau khi thay đổi phương pháp chẩn đoán.

Sự bùng phát dịch bệnh đang đặt hạ tầng xử lý chất thải của Trung Quốc trước một thách thức lớn. Việc thiếu thốn cơ sở xử lý chất thải y tế tại nhiều vùng cùng chi phí cao khiến nhiều bệnh viện tìm đường xử lý rác “chui”.

Dữ liệu do Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc (MEE) đưa ra hôm 13/2 cho thấy tỉnh Hồ Bắc, nơi virus lần đầu xuất hiện vào tháng 12, có công suất xử lý chất thải y tế là 317,5 tấn/ngày vào ngày 11/2, tăng 1,7 lần so với 180 tấn/ngày trước khi virus bùng phát.

Bộ này cũng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo để cải thiện khả năng xử lý chất thải y tế ở Hồ Bắc, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình ở các khu vực khác nhằm ngăn các rủi ro môi trường đồng thời kiểm soát lây nhiễm.

Các cơ sở xử lý khẩn cấp với công suất 55,8 tấn/ngày có thể được đưa vào hoạt động bất cứ lúc nào, trong thời điểm số lượng bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế được đưa tới Hồ Bắc đang tăng.

Ít nhất 6 công ty xử lý chất thải y tế niêm yết trên thị trường chứng khoán chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng sau khi dịch bệnh bùng phát do những kì vọng thắt chặt các quy định giống thời điểm sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003.

Hồ Bắc hiện phát sinh 187 tấn chất thải y tế mỗi ngày, với 125 tấn liên quan tới virus corona.

TP Hồ Chí Minh: 'Sống chung' với triều cường

Đến chiều 13/2, đỉnh triều cường tại TP HCM đã giảm xuống 1,57-1,59m tại các trạm Nhà Bè (trên sông Đồng Điền) và trạm Phú An (trên sông Sài Gòn), thế nhưng tại một số khu vực trũng của thành phố (quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân; các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn) vẫn ngập úng cục bộ…

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM, trong ba ngày cao điểm của đợt triều cường (11-13/2), đơn vị đã phối hợp thường xuyên với các cơ quan, quận/huyện trong thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó, đặc biệt là trong ngày 12/2 khi đỉnh triều vượt mức báo động 3 là 0,16m (đạt đỉnh 1,66m) tại các trạm Nhà Bè (trên sông Đồng Điền) và trạm Phú An (trên sông Sài Gòn).

Tại một số quận, huyện thuộc vùng trũng của TP HCM, như quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân; các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn đã phối hợp, thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin về diễn biến đợt triều cường để nhân dân địa phương nắm bắt, chủ động ứng phó. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP cũng phối hợp với các địa phương trong việc chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) cơi đắp bờ bao xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất như các đợt triều cường trước đây.

Đánh giá về tác động của đợt triều cường cuối tháng 2 đầu năm nay, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQVN TP HCM cho rằng, ngoài một phần yếu tố khách quan là các đợt triều cường xuất hiện vào từng đợt giữa và cuối tháng, chính quyền thành phố tập trung ứng phó thì phần nguyên nhân chủ quan là các dự án chống ngập với nguồn ngân sách lớn tại TP HCM cho đến nay vẫn triển khai rất chậm chạp, khiến tình trạng ngập úng vẫn chưa được cải thiện. Chuyên gia này cũng chỉ ra, một số tuyến “điểm đen” về ngập úng vốn đã được khắc phục nhưng sau đó lại tái ngập do các dự án chống ngập chưa hoàn thành, gây ách tắc hệ thống cống xả nước đô thị. Đơn cử tại tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (P.Thảo Điền, Q.2) dù đã được nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, nhưng đến hẹn triều cường thì khu vực này lại ngập nặng.

Về thực trạng triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP HCM, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM thừa nhận, nguồn vốn dành cho Chương trình giảm ngập nước trên địa bàn thành phố thời gian qua được giải ngân rất lớn, dù hiệu quả đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa tạo được sự hài lòng của người dân.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới