Thứ năm, 25/04/2024 08:59 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/5/2020

MTĐT -  Thứ năm, 14/05/2020 06:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/5/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/5/2020.

Phú Yên đầu tư 129 giếng nước khắc phục thiếu nước sinh hoạt

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn năm nay, tỉnh Phú Yên đã đưa ra phương án đầu tư giếng nước cho người dân trong tỉnh.

Phương án chia ra làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 ưu tiên thực hiện trong tháng 5 này với giải pháp khoan mới 16 giếng nước, 8 túi dự trữ nước và 11 bồn chứa ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt.

Giai đoạn 2 thực hiện trong tháng 6, sẽ khoan mới hàng chục giếng và túi trữ nước ở 5 huyện và TX Sông Cầu, TP Tuy Hòa. Trong giai đoạn 3, thực hiện giải pháp khoan, đào mới nốt số giếng còn lại.

Theo dự báo năm nay, Phú Yên có hơn 10.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Bạc Liêu: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nên khu vực cuối nguồn nước ngọt của địa phương này, diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại chỉ chiếm hơn 300 ha/ tổng diện tích sản xuất vụ đông xuân của tỉnh là hơn 47.500 ha. Diện tích lúa bị thiệt hại chủ yếu nằm ở địa bàn TX.Giá Rai và phần lớn là diện tích do nông dân không tuân thủ các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Riêng diện tích vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A được đảm bảo, do Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, vận hành hệ thống thủy lợi và điều tiết nước, đặc biệt là vận hành tốt Âu thuyền Ninh Quới.

Thời gian qua, cùng với các giải pháp chủ động ứng phó và hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài trong phòng chống hạn mặn, đó là việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng linh hoạt và chủ động thích ứng. Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng nhiều mô hình ứng phó với hạn, mặn. Đồng thời, không ngừng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Không chỉ có quy hoạch, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng, tỉnh Bạc Liêu cũng đưa ra các giải pháp khác về công trình và phi công trình như thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng và vật nuôi, nâng cao ý thức của người nông dân trong tuân thủ lịch thời vụ và thực hiện tốt các khuyến cáo, cảnh báo của ngành nông nghiệp… Các ngành chức năng và các địa phương thực hiện rà soát, đầu tư, gia cố lại hệ thống cống đập bị rò rỉ, đắp đập ngăn mặn giữ nước ngọt. Phân công cán bộ bám sát ruộng đồng để kịp thời phát hiện xử lý các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu còn thành lập tổ quan trắc diễn biến nguồn nước, đo độ mặn thường xuyên, đặc biệt theo dõi độ mặn ở những khu vực có nguy cơ nhiễm mặn cao. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất… Ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, nằm trong quy hoạch.

Đối với vùng ngọt, Bạc Liêu đã tiến hành đắp hàng chục đập tạm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai để ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích lúa đông xuân, lúa – tôm, đồng thời tập trung phát động phong trào làm thủy lợi – thủy nông nội đồng mùa khô. Khuyến cáo nhà nông chủ động dẫn nước, dự trữ vào ao hồ, đầu tư máy, thiết bị bơm nước phục vụ tưới tiêu. Đối với vùng chuyên tôm, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nạo vét kênh thủy lợi – thủy nông nội đồng bị bồi lắng, khai thông dòng chảy, nhằm đảm bảo dẫn nguồn nước thông suốt từ các cửa biển, cửa sông đến kênh rạch, ao đầm nuôi trồng thủy sản.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực phù hợp với thị trường, cùng với đó là khai thác các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để liên kết hộ, liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp. Gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Giông lốc tại Lai Châu, ước tính thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến 15h30 chiều 13/5, trận giông lốc xảy ra vào đêm 12/5 đã làm gần 100 nhà dân, công trình nhà nước bị đổ sập, tốc mái... Ước tính thiệt hại ban đầu gần 3 tỷ đồng.

Cụ thể, tại huyện Nậm Nhùn, giông lốc đã làm 1 người bị thương, 74 nhà dân bị đổ sập, tốc mái tại các xã: Nậm Manh, Nậm Hàng, Lê Lợi và thị trấn Nậm Nhùn. Tại huyện Sìn Hồ, giông lốc cũng làm tốc mái 7 nhà dân.

Trận giông lốc xảy ra vào đêm 12/5 cũng làm thiệt hại nhiều về tài sản nhà nước khi tại huyện Nậm Nhùn ghi nhận có 11 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị tốc mái, đổ tường rào và hư hỏng cửa nhà và thiệt hại các công trình phụ trợ. Hệ thống đường điện nội thị bị hư hỏng; gãy 3 cột điện cao thế, hạ thế, đứt dây diện và 2 ô tô bị thiệt hại. Ngoài ra, tại huyện Nậm Nhùn cũng ghi nhận thiệt hại 7ha cây ăn quả...

Vấn nạn về ô nhiễm môi trường đến từ thiết bị bảo hộ y tế dùng một lần

Những chiếc khẩu trang và găng tay dùng một lần vừa tạo ra những vấn đề về ô nhiễm môi trường, vừa có thể là tác nhân gián tiếp làm lây lan dịch bệnh COVID-19.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khẩu trang và găng tay dùng một lần là những vật dụng không thể thiếu đối với người dân trên toàn thế giới.

Mỗi ngày có hàng triệu chiếc khẩu trang và găng tay được sử dụng, đồng nghĩa với một lượng lớn rác thải nhựa bị xả ra môi trường.

Không chỉ có vậy, một số nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể bám trên nhiều loại bề mặt tới vài ngày.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành