Thứ năm, 28/03/2024 16:13 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/2/2023

MTĐT -  Thứ tư, 15/02/2023 17:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bắc Kạn: Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đô thị luôn được chú trọng

Theo ông Hà Đức Trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị, TP. Bắc Kạn: Hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố đang được tích cực thực hiện. Từ nơi công cộng của trung tâm đô thị cho tới các khu dân cư, môi trường được giữ gìn tương đối phong quang, sạch đẹp". Vào dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua, trên địa bàn thành phố không có tình trạng ùn ứ rác thải. Trong năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác tại 4 phường trung tâm (Đức Xuân, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên) đạt 100%; tại các xã, phường còn lại như Huyền Tụng, Xuất Hoá, Nông Thượng và Dương Quang đạt 82%.

tm-img-alt
Xử lý rác thải tại Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn, tổ Khuổi Mật, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn.

Việc thu gom và vận chuyển rác, xử lý rác thải hiện nay được Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn đảm nhận. Để tạo thuận lợi cho hoạt động này, nhiều năm qua UBND thành phố đã có chủ trương xã hội hoá. Theo đó, khu dân cư đóng góp kinh phí để thuê người thu gom rác từ hộ gia đình, vận chuyển bằng xe đẩy tới điểm trung chuyển rác. Vào các khung giờ cố định trong ngày, ô tô chuyên dụng sẽ tới thu rác, vận chuyển đến nơi xử lý. Thời gian lưu rác tại các điểm trung chuyển rác trên địa bàn thành phố được rút ngắn. Hoạt động xử lý rác bằng công nghệ đốt cũng được Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn nỗ lực thực hiện...

Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Vy Văn Dương, Trưởng ban Quản lý Dịch vụ công ích đô thị thành phố Bắc Kạn cho biết: Công tác xã hội hoá thu gom, vận chuyển rác được thành phố thực hiện từ năm 2011. Vài năm gần đây, do thu nhập thấp, công việc vất vả nên nhiều người dân được thuê thu gom rác không làm nữa. Các khu dân cư chuyển sang thuê người của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn đảm trách.

Hiện thành phố mới xây dựng được 02 điểm trung chuyển rác đạt tiêu chuẩn tại các phường Sông Cầu và Đức Xuân. Những điểm tập kết, trung chuyển rác còn lại phải tận dụng "tạm" lề đường, nơi công cộng gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Việc tìm vị trí xây dựng điểm trung chuyển rác đúng tiêu chuẩn gặp khó do không có quỹ đất, nơi có đất thì người dân không đồng thuận vì lo ngại ô nhiễm...

Để tháo gỡ những khó khăn trên, thành phố đang tích cực đề ra các giải pháp như: Tiếp tục nhân rộng mô hình điểm thu gom, phân loại rác tại khu dân cư. Vận động duy trì việc xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Tìm vị trí xây dựng điểm trung chuyển rác đạt tiêu chuẩn tại các xã, phường. Phối hợp đề xuất ngành chức năng điều chỉnh đơn giá xử lý rác. Tìm giải pháp thay thế xe đẩy rác thủ công bằng phương tiện cơ giới nhỏ. Giữ gìn môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp là một trong những nhiệm vụ giúp thành phố thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kinh Môn - Hải Dương: Khó khăn trong quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

Các bãi chôn lấp rác ở nhiều địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, luôn trong tình trạng quá tải… đã khiến cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn.

Trường hợp như ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, bãi chôn lấp rác thải tập trung của phường Phú Thứ đã bị thu hồi từ năm 2020 để phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu dân cư dịch vụ thương mại phía bắc thị trấn Phú Thứ, giai đoạn 1.

Để giải quyết vấn đề rác thải, thị xã Kinh Môn đã quyết định đầu tư công trình bãi chôn lấp chất thải rắn của phường Phú Thứ nhằm đáp ứng nhu cầu chôn lấp các chất thải rắn thông thường phát sinh từ các khu dân cư và cụm công nghiệp trên địa bàn phường.

tm-img-alt
Trong khi chưa có bãi tập kết rác thải tập trung bảo đảm quy định, phường Phú Thứ tập kết rác lộ thiên tạm thời ở khu đất khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ.

Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt mới của phường Phú Thứ rộng gần 1 ha ở khu vực xứ đồng Bạt Trái, khu dân cư số 6. Trong diện tích trên có khoảng 103 m2 đất xây dựng công trình, khoảng 8.568 m2 đất giao thông nội bộ và sân bãi, còn lại là đất cây xanh. Tháng 4.2021, UBND thị xã Kinh Môn đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công trình xây dựng này, tỷ lệ 1/500 và đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật vào cuối năm 2021. Ngày 21.12.2021, UBND thị xã Kinh Môn đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện công trình.

UBND phường Phú Thứ đã triển khai giải phóng mặt bằng công trình theo quy định. Các hộ dân có đất trong phạm vi bãi chôn lấp chất thải đồng thuận, ký phương án bồi thường, hỗ trợ; đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công một phần tường bao, đường vào bãi rác.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án này còn vướng mắc dẫn đến phải tạm dừng công trình. Đến nay toàn bộ diện tích đất thực hiện bãi rác chưa được tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng, giao đất để thực hiện. Giữa năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp rà soát toàn bộ các vấn đề có liên quan đến việc xây dựng bãi tập kết rác này.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hải Dương ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn. UBND tỉnh quy định cụ thể về các nguyên tắc quản lýCTRSH, việc xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý, việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, giá dịch vụ và kinh phí hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với hoạt động này…

tm-img-alt
Công tác thu gom rác thải tại thành phố Hải Dương. Ảnh minh họa

Theo quy chế quản lý, CTRSH phát sinh từ các cá nhân, gia đình phải được phân loại, lưu giữ, thu gom và chuyển đến các điểm tập kết đúng thời gian, đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tại các khu đô thị, không lưu giữ rác tại các thùng đựng rác công cộng trên các đường phố quá 48 giờ và tại các điểm trung chuyển quá 24 giờ; tránh thu gom và vận chuyển CTRSH trong giờ cao điểm (trừ trường hợp đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương). Không tập kết xe gom, xe vận chuyển tại các địa điểm dễ gây ùn tắc giao thông. Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, UBND cấp xã chủ trì, phối hợp xác định thời gian và phương thức chuyển giao CTRSH phù hợp với hiện trạng và quy định.

Cơ quan, tổ chức, hộ và cá nhân phát sinh CTRSH có trách nhiệm phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động này theo quy định của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan. Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy để chứa CTRSH sau phân loại, khuyến khích sử dụng túi nilon dễ phân hủy, thân thiện với môi trường để thay thế các túi nilon khó phân hủy. Khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý CTRSH và thu hồi năng lượng từ CTRSH...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2023.

Lâm Đồng: Kiểm tra thông tin doanh nghiệp khai thác cát trái phép

Ngày 13/2/2023, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Đức Trọng và Đơn Dương cung cấp thông tin kiểm tra, xử lý việc một DN khai thác cát trái phép, không phép trên địa bàn.

Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tiếp nhận thông tin phản ánh của cơ quan báo chí về việc Công ty TNHH DN DV CT GT Thủy lợi Quốc Khánh khai thác cát trái phép, không phép tại cầu Sắt, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.

tm-img-alt
Sà lan của một DN đang khai thác cát trái phép, không phép tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Tp. Đà Lạt.

Tiếp thu phản ánh, Sở TNMT và Công an tỉnh đề nghị UBND huyện Đức Trọng phối hợp UBND huyện Đơn Dương chỉ đạo cơ quan liên quan, công an huyện kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh và một số thông tin liên quan như việc khai thác cát, nguồn gốc khoáng sản, tập kết, chế biến cát… trái phép, không phép tại khu vực nêu trên và khu vực liên quan, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Theo Sở TNMT, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 99 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó, 93 giấy phép do UBND và 6 giấy phép do Bộ TNMT cấp.

Từ năm 2021 đến 2022, đã thanh tra, kiểm tra 60 đơn vị, còn 35 tổ chức, cá nhân chưa được thực hiện thanh tra, kiểm tra, trong đó có ba tổ chức, cá nhân đã ngừng hoạt động, thực hiện đóng cửa mỏ để trả lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Nhà máy rác thành phố Cà Mau hoạt động trở lại

Theo thông báo, Công ty Công Lý đã hoàn thành công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau đạt tiến độ 100% và đang cân chỉnh, vận hành thử thiết bị.

tm-img-alt
Nhà máy rác TP. Cà Mau tiếp nhận rác trở lại từ ngày 15/2. Ảnh minh họa

Công ty sẽ cho Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau thực hiện việc tiếp nhận rác thải sinh hoạt từ 0h ngày 15/2 và đến ngày 16/2 sẽ vận hành toàn bộ hệ thống xử lý rác thải của nhà máy, trước kế hoạch bảo trì ban đầu dự kiến 16 ngày.

Ngay sau khi Công ty Công Lý thông báo tiếp nhận rác thải sinh hoạt trở lại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan, căn cứ thời gian hoạt động trở lại của nhà máy rác có văn bản hướng dẫn, đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty Công Lý thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý và tiếp nhận rác thải trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Như đã thông tin, trước đó UBND tỉnh Cà Mau đã ký công văn hỏa tốc về việc xử lý các nội dung liên quan đến việc Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau ngưng tiếp nhận rác để bảo trì, sửa chữa. Thời gian tạm ngưng để bảo trì, bảo dưỡng 90 ngày, kể từ ngày 4/12/2022.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Triển khai dự án bảo tồn 3 loài động vật hoang dã tại Việt Nam

Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam vừa phát đi thông báo công bố khoản tài trợ 150.000 USD từ Quỹ Bảo tồn loài (SCF) thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, cho các dự án bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ tại Việt Nam.

Theo báo VietnamPlus đưa tin, vào chiều 14/2, đại diện WWF-Việt Nam cho biết các loài hoang dã cần ưu tiên bảo vệ gồm vượn má trắng, chà vá chân xám và cá chạch suối.

tm-img-alt
Chà vá chân xám hay voọc chà vá là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, Việt Nam. 

Trong đó, Trung tâm Con người và Thiên nhiên sẽ triển khai Dự án “Hiện trạng và bảo tồn cá chạch suối cực kỳ nguy cấp ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên-Huế".

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển nhận được tài trở để triển khai Dự án: “Bảo tồn Vượn má trắng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh,” nhằm đóng góp cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cũng như hỗ trợ chương trình điều tra và giám sát hiệu quả; thu hút sự quan tâm nhiều hơn của tất cả các bên liên quan đến công tác bảo tồn loài vượn má trắng cực kỳ nguy cấp ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh triển khai Dự án “Bảo tồn chà vá chân xám ở Vườn Quốc gia Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam.” Trong 12 tháng tới, dự án sẽ phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh tiến hành tổng điều tra quần thể và phân bố của loài chà vá chân xám; hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ loài và xây dựng kế hoạch 5 năm bảo tồn loài chà vá chân xám.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới