Thứ năm, 25/04/2024 22:21 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/2/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 17/02/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Nâng cao hiệu quả trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%, trong đó tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom; tỷ lệ tái chế rác thải hữu cơ đạt 100% ở đô thị và 70% ở nông thôn.

tm-img-alt
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%.

Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050.

Bên cạnh đề ra các chỉ tiêu trên, Quy hoạch nêu rõ định hướng bảo vệ môi trường. Theo đó, Quy hoạch xác định, ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Cải tạo, nâng cấp, kiểm soát các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường...

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Yên Bái: Huyện Trấn Yên phấn đấu trồng trên 250 ha tre măng Bát độ năm 2023

Năm 2023, huyện Trấn Yên có kế hoạch trồng mới 200 ha tre măng Bát độ. Qua rà soát, nhân dân các địa phương đã đăng ký trồng mới trên 250 ha, vượt trên 50 ha so với kế hoạch.

Trong đó: xã Kiên Thành trên 52 ha, xã Hồng Ca 56 ha, xã Lương Thịnh 23 ha, xã Hưng Khánh trên 48 ha; xã Việt Hồng 25 ha, Quy Mông 25 ha và Hưng Thịnh 20 ha. Đến nay, nhân dân các xã trong huyện đã chuẩn bị đủ diện tích đất, đảm bảo trồng mới 250 ha đã đăng ký.

tm-img-alt
Nhân dân xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên tích cực ra quân trồng măng Bát độ, phấn đấu hoàn thành trồng 25ha trước ngày 15/4.

Cùng với đó, Ban quản lý chương trình tre măng Bát độ huyện đã phối hợp với các địa phương đảm bảo cung ứng đầy đủ phân bón, củ măng giống, cử cán bộ hướng dẫn bà con đào hố, bón phân và trồng măng theo yêu cầu kỹ thuật.

Thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các xã trong vùng quy hoạch trồng tre măng đang vận động nhân dân trồng đảm bảo diện tích được giao. Các cơ quan chuyên môn tập trung đội ngũ cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn người dân làm đất, chuẩn bị giống và trồng đúng kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Huyện phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng 250 ha tre măng Bát độ trước ngày 15/4.

Được biết, Ban quản lý Chương trình tre măng Bát độ huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ người dân trồng mới tre măng Bát độ theo các chính sách của tỉnh, huyện đã đề ra; ký cam kết với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm. Trấn Yên phấn đấu đến hết năm 2025 có trên 3.000 ha tre măng Bát độ.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Bắc Ninh: Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản số 342/UBND-NN.TN yêu cầu xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du.

Nội dung văn bản nêu rõ, qua nắm bắt tình hình và thông tin dư luận, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du đang phát sinh diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh và Chủ tịch UBND huyện Tiên Du kiểm tra thực trạng và báo cáo chi tiết tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/02/2023.

Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tiến hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại 02 địa điểm trên; báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/3/2023.

tm-img-alt
Ô nhiễm tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du. Ảnh: ITN

Thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND thành phố Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất tại phường Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm; yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu mới được hoạt động sản xuất trở lại. Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính hơn 100 cơ sở sản xuất giấy với tổng số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Khánh Hoà: Ngày hội “Đổi rác lấy cây xanh” năm học 2022-2023

Mới đây, Hội đồng Đội TP Nha Trang tổ chức ngày hội "Đổi rác lấy cây xanh" năm học 2022 - 2023 tại Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 1 (TP Nha Trang, Khánh Hoà).

Đây là năm thứ ba Ngày hội “Đổi rác lấy cây xanh” được Hội đồng Đội TP. Nha Trang tổ chức tại các trường học. Ngày 17/2, Hội đồng Đội TP. Nha Trang tổ chức ngày hội “Đổi rác lấy cây xanh” năm học 2022 - 2023 tại Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 1.

tm-img-alt
Hoạt động đã góp phần giáo dục học sinh, đội viên, nhi đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Tham gia hoạt động, khoảng 700 học sinh của Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 1 đổi nhiều loại rác thải có thể tái chế như giấy vụn, vỏ lon, nhựa cũ để đổi lấy cây xanh do ban tổ chức chuẩn bị.

Bên cạnh đó, các giáo viên trường cũng hưởng ứng hoạt động với các loại rác thải tái chế tự chuẩn bị để đổi cây xanh.

tm-img-alt
Với mỗi phần rác thải nặng dưới 3kg, các học sinh, giáo viên sẽ được đổi lấy một cây xanh loại nhỏ.

Với mỗi phần rác thải nặng dưới 3kg, các học sinh, giáo viên sẽ được đổi lấy một cây xanh loại nhỏ; với phần rác thải trên 3kg, mọi người có thể đổi lấy loại cây xanh lớn hơn.

Hoạt động đã góp phần giáo dục học sinh, đội viên, nhi đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; hình thành thói quen, ý thức phân loại rác thải và biết yêu quý, chăm sóc cây xanh.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Đồng Nai: 92 dự án được vay vốn Quỹ Bảo vệ môi trường

Thông tin từ Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay đã có tổng cộng 92 dự án liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh được vay vốn từ quỹ với số tiền hơn 527 tỷ đồng, trong đó có 88 dự án được giải ngân với số tiền gần 465 tỷ đồng.

Năm 2023, quỹ sẽ ưu tiên nguồn vốn vay cho các nhóm dự án: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc diện di dời theo quyết định của UBND tỉnh; cơ sở có nhu cầu vay vốn để đầu tư công trình bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố môi trường; dự án xử lý các loại chất thải, nước thải và tái chế chất thải.

Kenya: 6 triệu người mất an ninh lương thực do hạn hán kéo dài

Cơ quan quản lý hạn hán quốc gia Kenya (NDMA) cho biết 6 triệu người đang lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực ở 32/47 hạt của nước này do hạn hán ngày càng nghiêm trọng.

tm-img-alt
Người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt tại Kubdisha, Kenya. Ảnh: AFP

NDMA cảnh báo với mùa mưa thứ 5 liên tiếp có lượng mưa thấp, hậu quả từ đại dịch COVID-19, chi phí đầu vào nông nghiệp tăng cao và sự bùng phát của sâu bệnh, tình hình an ninh lương thực và việc tiếp cận nguồn nước đang xấu đi nghiêm trọng. Tình hình dự kiến sẽ còn kéo dài cho đến khi bắt đầu mùa mưa kế tiếp, dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5. Theo cơ quan này, hơn 970.000 trẻ em dưới 5 tuổi cũng như 142.000 bà mẹ đang mang thai và cho con bú hiện đang bị suy dinh dưỡng và cần được hỗ trợ khẩn cấp để duy trì sự sống.

Cũng theo NDMA, việc sản xuất các mặt hàng chủ lực như ngô, các loại đậu và hạt kê giảm xuống dưới mức trung bình ở các vùng khô hạn tại khu vực biên giới phía Bắc Kenya trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022 vừa qua, đã khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực trong các hộ gia đình trầm trọng hơn. Cùng với đó, sự cạn kiệt nguồn nước và đồng cỏ đã làm cho nạn đói trở nên nghiêm trọng hơn và làm mất nguồn thu nhập của các cộng đồng du mục sinh sống trên những vùng đất khô cằn của nước này.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng xâm nhập mặn

Các đợt xâm nhập mặn gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh tập trung trong tháng 2 và 3/2023

Phạm vi mặn 4g/lít sẽ vào sâu các cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 75-85km; vùng các cửa sông Cửu Long như Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 48-55km, Hàm Luông, Cổ Chiên, Sông Hậu từ 58-73km.

Hàng loạt các tỉnh thành ĐBSCL đã tăng cường theo dõi sát thông tin xâm nhập mặn, khẩn trương trữ nước, vận hành công trình thủy lợi hợp lý, bảo đảm đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô tới.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của công trình thủy lợi tại các khu vực từ bờ biển vào tới đất liền 30-45km trong khoảng thời gian từ 18/2 đến cuối tháng 3. Các khu vực cách biển từ 45-65 km, việc lấy nước sẽ bị ảnh hưởng trong các kỳ triều cường 18-24/02 và từ 18/03-25/3.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.