Thứ sáu, 19/04/2024 15:04 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/5/2023

MTĐT -  Thứ tư, 17/05/2023 18:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bắc Bộ nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi trên 39 độ C

Ngày 18/5, phía Đông Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

tm-img-alt
Nhiều người dân đi trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã chọn những nơi có bóng râm để di chuyển. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm 17/5, khu vực Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội đêm không mưa, nhiệt độ thấp nhất từ 26-28 độ C. Tây Nguyên và Nam Bộ đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trên biển, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau; từ Cà Mau đến Kiên Giang, vùng giữa Biển Đông có mưa rào rải rác và có nơi có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh, tầm nhìn xa trên 10km, giảm xuống 4-10 km trong mưa. Gió Tây Nam cấp 4. Sóng cao 0,5-1,5m.

Dự báo đêm 17 và ngày 18/5: Phía Tây Bắc Bộ có mây, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, có nơi dưới 23 độ C; cao nhất 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ có mây, đêm không mưa, ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Gió Nam đến Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Thủ đô Hà Nội có mây, đêm không mưa, ngày nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Gió Nam đến Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 38-40 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mây, đêm không mưa, ngày nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C. Nhiệt độ cao nhất 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Hà Nội: Ngành Kiểm lâm Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập

Ngày 17/5, Chi Cục Kiểm lâm Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.

Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân. Kể từ đó, ngày 21/5 hằng năm được lấy làm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.

Cùng với kiểm lâm cả nước, trong 50 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội không ngừng phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, giai đoạn 2008-2023 (sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính), Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, phát huy được vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích có rừng là 18.173,41ha, được quy hoạch thành rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Rừng ở thành phố Hà Nội không lớn nhưng có giá trị và ý nghĩa quan trọng: Là vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô; là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được Chi cục Kiểm lâm chú trọng triển khai.

Đối với nhiệm vụ phát triển rừng, từ năm 2008 đến nay, Chi cục phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế được 180ha, trồng mới 1.000ha rừng, chăm sóc 3.535ha rừng, khoán bảo vệ 6.500ha rừng/năm…

tm-img-alt
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục kiểm Lâm Hà Nội tặng hoa cảm ơn các tiết mục văn nghệ cơ sở đã góp mặt Chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ngành

Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Hà Nội...

Hòa Bình triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước

Công điện nêu rõ: Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Đài PT-TH tỉnh; Báo Hòa Bình; Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình; Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước.

Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt.

Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung.

Sở NN&PTNT theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước…

Sở Công Thương chỉ đạo, đôn đốc các chủ hồ chứa thủy điện rà soát, lên phương án vận hành, sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện; bảo đảm cân đối nguồn nước phù hợp, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, thiếu nước.

Sở Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước.

Sở Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý, vận hành các Nhà máy nước rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du.

Sở TT&TT, Đài PT-TH tỉnh, Báo Hòa Bình và các cơ quan truyền thông địa phương tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

Các sở, ban, ngành tỉnh chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước theo chức năng quản lý nhà nước được phân công.

Thanh Hóa: Tháo gỡ vướng mắc cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao việc sau nhiều khó khăn vướng mắc, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành. Vấn đề còn lại hiện nay là cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến PCCC và xin cấp giấy phép môi trường để nhà máy sớm đi vào vận hành chính thức. Đồng chí, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng việc xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, để nhà máy chính thức đi vào hoạt động, Công ty Ecotech cần chủ động phối hợp với Công an tỉnh để được hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục PCCC.

Trên tinh thần rút ngắn thời gian, phấn đấu nghiệm thu PCCC dự án chậm nhất ngày 30/5/ 2023; Cấp giấy phép môi trường phấn đấu chậm nhất ngày 15/7/ 2023 là được cấp giấy phép; các khó khăn vướng mắc của dự án cần phải được tháo gỡ giải quyết, để trước ngày 30/8/2023, dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam đi vào vận hành hoạt động chính thức.

tm-img-alt

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và các thành viên trong đoàn kiểm tra các hạng mục công trình dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).

Được biết, dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn có công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, tổng mức đầu tư 554,96 tỷ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech làm chủ đầu tư.

Dự án được triển khai từ cuối năm 2016, sau nhiều lần chậm tiến độ, đã được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 10-2022. Hiện nay, dự án đã hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm…

Hội LHPN TP Hà Tĩnh truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa

Sáng 17/5, Hội LHPN TP Hà Tĩnh phối hợp với BQL Dự án WWF Việt Nam (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam) và BQL Chợ TP Hà Tĩnh tổ chức chương trình truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa; giới thiệu mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng tại chợ TP Hà Tĩnh.

Đại diện BQL Dự án WWF Việt Nam, lãnh đạo TP Hà Tĩnh, hội LHPN các cấp và đông đảo bà con tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh tham dự chương trình.

tm-img-alt
Ra mắt mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng

Bà Trịnh Ngọc Ánh - Đại diện BQL Dự án WWF Việt Nam giới thiệu thông tin khái quát về hoạt động của dự án tại Việt Nam; đồng thời, nhấn mạnh tác hại của rác thải nhựa nói chung, túi nilon nói riêng đối với đời sống con người, môi trường; sự cấp thiết của việc nâng cao ý thức giảm thiểu, tiến tới nói không với rác thải nhựa trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày để góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Tại buổi truyền thông, đại diện các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ TP Hà Tĩnh đã tiến hành ký cam kết tham gia kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa.

Ban tổ chức cũng ra mắt mô hình “Tái sử dụng túi nilon” với việc lắp đặt, bố trí các tủ tiếp nhận túi nilon sạch đã qua sử dụng để người dân thuận tiện dùng khi đi chợ.

Các tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh tích cực tham gia cung ứng túi nilon sạch đã qua sử dụng cho mô hình.

Bão ngày càng mạnh và gây thiệt hại lớn hơn do biến đổi khí hậu

Theo World Weather Attribution (WWA), một nhóm nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về khí hậu, tổng số cơn bão nhiệt đới mỗi năm trên toàn cầu không thay đổi, nhưng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra đã khiến các cơn bão hoành hành với cường độ lớn hơn và có sức tàn phá dữ dội hơn.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các cơn bão nhiệt đới theo ba cách chính gồm làm ấm không khí, làm nóng đại dương và khiến nước biển dâng.

Trong "Báo cáo thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu," WWA nhấn mạnh dạng bão xoáy thuận gây thiệt hại nặng nề hơn cả đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn và thường gây mưa nghiêm trọng nhất.

tm-img-alt
Cảnh tàn phá sau bão Ian tại Fort Myers, Florida, Mỹ. (Ảnh: THX)

Biến đổi khí hậu làm nước biển ấm lên, tạo điều kiện để bão cường độ mạnh có thể hình thành, sau đó nhanh chóng tăng cấp và di chuyển vào đất liền, đồng thời mang theo nhiều nước hơn.

Các đợt gió mạnh trong xoáy thuận khiến nước biển dâng, từ đó có thể gây ngập lụt các khu vực ven biển. Theo dữ liệu cập nhật, sóng biển dâng trong bão hiện cao hơn nhiều so với những thập kỷ trước vì hiện nước biển đã dâng lên do tác động của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, chuyên gia Cloppet cho biết nhiệt độ không khí tăng thêm 3 độ C có khả năng làm tăng 20% lượng mưa khi xảy ra hiện tượng xoáy thuận.

Những trận mưa như trút này đã dẫn đến lũ lụt và sạt lở đất, đơn cử như trận bão Freddy cướp đi sinh mạng của hàng trăm người tại Malawi và Mozambique đầu năm nay.

Các nhà khoa học dự báo trong tương lai, xoáy thuận nhiệt đới sẽ xuất hiện tại nhiều nơi chưa từng thấy dạng bão này trước đây do hiện tượng ấm lên toàn cầu đang mở rộng ra các khu vực ghi nhận các điều kiện nước biển nhiệt đới.

WWA cũng nhất trí với nhận định rằng khi nước biển ấm lên, các cơn bão nhiệt đới sẽ dịch chuyển ra xa Xích đạo hơn.

Sự dịch chuyển về phía Bắc của các cơn bão phía Tây Bắc Thái Bình Dương, "tấn công" Đông và Đông Nam Á là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Kết quả là các cơn bão này sẽ càn quét những khu vực thường không chuẩn bị phương án ứng phó bão do hầu như chưa từng đối diện vấn đề này trước đây.

Siêu bão Mocha càn quét khiến 81 người thiệt mạng tại Myanmar

Kênh Channel News Asia dẫn thông tin từ các nhà lãnh đạo địa phương, các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước cho biết số người chết vì siêu bão Mocha ở Myanmar đã tăng lên ít nhất 81 người. Hiện người dân cố gắng "chắp vá" lại những ngôi nhà đổ nát và chờ đợi viện trợ.

tm-img-alt
Người dân Myanmar ở khu vực bị ảnh hưởng thu dọn đống đổ nát sau cơn bão. Ảnh: AP

Theo đài truyền hình MRTV, ngày 14/5, siêu bão Mocha đã đổ bộ vào Myanmar với sức gió lên tới 195 km/giờ, phá hủy làng mạc, làm đổ các cột điện và đập vỡ những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ.

Theo ghi nhận hãng tin AFP thu được từ các lãnh đạo địa phương, ít nhất có 46 người chết tại các làng Bu Ma, bang Rakhine và làng Khaung Doke Kar gần đó.

Trưởng làng Bu Ma - ông Karlo cho biết: “Sẽ có nhiều người chết hơn, vì hiện hơn một trăm người đang mất tích".

Hiện văn phòng tị nạn của Liên Hợp Quốc đang điều tra các báo cáo về số lượng người Rohingya sống trong các trại di dời ở bang Rakhine đã thiệt mạng do cơn bão.

Phía văn phòng LHQ cho biết họ sẽ nhanh chóng đánh giá các nhu cầu cần thiết ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão ở bang Rakhine. Phía đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết họ "sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cứu trợ thiên tai khẩn cấp".

Ngoài Myanmar, Bangladesh cũng là nơi bị ảnh hưởng và thiệt hại do bão Mocha. Tuy nhiên hãng tin AFP dẫn lời các quan chức cho biết chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do bão ở nước này.

Mocha là siêu bão lớn nhất trong gần một thập niên qua. Tổ chức phi lợi nhuận ClimateAnalytics cho biết nhiệt độ tăng có thể đã góp phần vào cường độ của cơn bão này.

Bão Mocha quét qua Myanmar và Đông Nam Bangladesh hồi đầu tuần này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu trẻ em và gia đình tại 2 quốc gia này, trong đó nhiều người phải sống trong tình cảnh khốn khó.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Mocha là người tị nạn sống trong các trại tị nạn đông đúc tồi tàn và những người phải di dời chỗ ở đến những vùng khó tiếp cận. 

Tại Myanmar, hơn 16 triệu người, trong đó có 5,6 triệu trẻ em, nằm trên đường đi của Mocha khi cơn bão đổ bộ vào bang Rakhine, miền Tây nước này.

UNICEF cho biết đang phối hợp với các đối tác địa phương nhằm điều phối và cung cấp hàng viện trợ tại Myanmar và Bangladesh, bao gồm nước sạch, sản phẩm vệ sinh, các sản phẩm sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và các biện pháp bảo vệ trẻ em nhằm đẩy nhanh tốc độ cứu trợ tại 2 quốc gia này.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.