Thứ năm, 28/03/2024 18:25 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/5/2023

MTĐT -  Thứ năm, 18/05/2023 17:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5: Hướng tới “Sống hài hòa với thiên nhiên”

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “From Agreement to Action: Build Back Biodiversity” – “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”. Chủ đề nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

Các cam kết này được đưa ra tại Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF), do Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD COP15) thông qua hồi tháng 12/2022. GBF đề ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm khẩn trương đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỉ vừa qua.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi công văn tới các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023.

anh-hoang-ngoc-thach-7-.jpg
Chăm sóc linh trưởng non

Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và vai trò của đa dạng sinh học trong phát triển bền vững; thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên; không săn bắt và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã quý hiếm; chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ thiên nhiên; xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022; bảo đảm phù hợp với khuôn khổ, mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal.

Bộ TN&MT cũng đề nghị cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, góp phần mang lại lợi ích về đa dạng sinh học và phúc lợi cho con người; tăng cường công tác điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học, tạo dựng thông tin nền về hiện trạng đa dạng sinh học làm cơ sở cho quá trình ra quyết định về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kiểm soát chặt chẽ tác động của các dự án phát triển đối với các khu vực tự nhiên và đa dạng sinh học.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường các hoạt động để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các vùng đất ngập nước quan trọng khác nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của Liên hợp quốc.

Bộ TN&MT cho rằng, cần tiếp tục củng cố và tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên thông qua triển khai đồng bộ các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, trong đó ưu tiên tăng cường năng lực và nguồn lực cho quản lý và bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên, hướng dẫn xác lập và công nhận di sản thiên nhiên.

Bộ TN&MT cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực, cơ sở hạ tầng trong việc tiếp cận và kết nối với các bộ ngành, địa phương đồng thời đảm bảo sự công bằng, toàn diện, hiệu quả và có trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia và đưa ra các quyết định có liên quan đến đa dạng sinh học gắn với văn hóa bản địa tại từng địa phương.

Sắp tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức Hội thảo “Phối hợp hành động thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal”, nhằm chia sẻ về các nỗ lực của Việt Nam cũng như kêu gọi các đề xuất, sáng kiến thúc đẩy bảo tồn và thực hiện Khung. Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học do Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức sẽ diễn ra tại Vườn Quốc gia Ba Bể.

Chuyên gia cảnh báo mưa lũ bất thường sau nắng nóng

Tin trên SK&ĐS, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa có những chia sẻ về diễn biến tình hình El Nino đến thời tiết Việt Nam. Ông Khiêm cho biết, El Nino là pha nóng trong hiện tượng ENSO. Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng trong năm cao hơn ở tất cả các khu vực trên cả nước. Nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn, không loại trừ khả năng xuất hiện nhiều giá trị nhiệt độ kỷ lục.

Trong những năm El Nino, số lượng hoạt động của áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng thể hiện tính dị thường về cường độ và quỹ đạo. Một lưu ý, những năm El Nino gắn với thời tiết khô, nóng dẫn đến thâm hụt lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước. Xu thế này là phổ biến trên thế giới.

tm-img-alt
Trong thời kỳ El Nino có thể xảy ra mưa lũ bất thường, cực đoan, gây ngập lụt.

Các nghiên cứu và thống kê cho thấy, lượng mưa sẽ bị thâm hụt từ 20-50% dẫn đến khô hạn, thiếu hụt nguồn nước. Cảnh báo, mùa khô 2023, các khu vực có nhu cầu cao về sử dụng nguồn nước như Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ, nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt hay canh tác vụ hè thu… sẽ có nguy cơ thiếu nước. Với trạng thái ít mưa như vậy, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra khô hạn mặn trong những tháng mùa khô đầu năm 2024. Tác động của El Nino đã dẫn đến hạn mặn kỷ lục gần đây mà chúng ta đã chứng kiến là mùa khô năm 2015, 2016, 2019 và 2020.

Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%. Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).

Trong những năm El Nino số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường. Số đợt front lạnh, đặc trưng của các đợt không khí lạnh, qua Hà Nội của các tháng trong năm chỉ bằng 70%. Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh ở Việt Nam sớm hơn bình thường.Trong điều kiện El Nino nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc. Trong điều kiện có ảnh hưởng củ a hiện tượng El Nino, nhất là các đợt El Nino mạnh có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi.

Trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Đáng chú ý là, một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam, điển hình như: Năm 2015 xảy ra El Nino nhưng tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực, cụ thể: lũ lớn trên báo động 3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng thái bình; Lũ lớn trung bộ cuối tháng 9 trong đó có xuất hiện lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); Nam Bộ đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thái Nguyên: Đề nghị sớm công bố tình huống khẩn cấp thiên tai

Tin trên Giao thông, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm 'Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai' tại khu vực Đèo So QL3C

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hà Huy Giang - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở mới có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở do thiên tai xảy ra tại khu vực Đèo So, QL3C, huyện Định Hóa nhằm khắc phục sạt lở, đảm bảo ATGT, an toàn công trình, an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.

tm-img-alt
Đơn vị quản lý tuyến QL.3C đang làm công tác phân luồng giao thông đoạn từ Km34+700 - Km34+810, (Đèo So). Ảnh: Internet

Được biết, từ ngày 08/5 đến ngày 12/5, trên địa bàn huyện Định Hóa liên tiếp có mưa vừa và mưa to nên đoạn từ Km34+700 - Km34+810/QL3C, (Đèo So, thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên) bị sạt, vết nứt cung trượt trên taluy dương tiếp tục phát triển rộng và sâu. Đến ngày 14/5 vết nứt đã rộng thêm (chỗ rộng nhất khoảng 1,5m) và tụt xuống khoảng 1,2m, nguy cơ sạt cả khối đất (khoảng 69.000m3) xuống đường rất cao.

"Đến nay do chưa có chủ trương xử lý sạt lở trên, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên chưa dám tổ chức hót dọn các khối lượng đã sụt, mà chỉ phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn tổ chức cấm các phương tiện lưu thông qua Đèo So và phân luồng giao thông đối với các phương tiện từ tỉnh Thái Nguyên qua Đèo So đi tỉnh Bắc Kạn và ngược lại", ông Giang cho biết thêm.

Học sinh Tuyên Quang vẽ tranh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường

Mới đây, Huyện đoàn Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã  phối hợp với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức Hội thi vẽ tranh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023 với chủ đề “Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường vì chất lượng cuộc sống”.

tm-img-alt
Hội thi với nhiều nội dung phong phú thu hút hơn 150 thí sinh là học sinh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang tham gia. Ảnh: ITN

Hội thi thu hút hơn 150 thí sinh là học sinh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện Hàm Yên tham gia. Hội thi với nhiều nội dung phong phú như: Ước mơ bảo vệ môi trường sống, phân loại rác thải tại nguồn, trồng thêm nhiều cây xanh, nhiều người được sử dụng nước sạch hơn, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ sức khỏe con người; phản ánh những hành vi phá hoại cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, đe dọa sức khỏe cộng đồng…

Hội thi đã tạo sân chơi lành mạnh, không khí vui tươi và cơ hội cho học sinh được giao lưu học hỏi, đồng thời phát hiện những ý tưởng sáng tạo của các em học sinh trong bảo vệ môi trường. Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức trao 5 giải A, 10 giải B, 15 giải C và 25 giải D cho các tác phẩm có thành tích xuất sắc.

Đà Nẵng: Giám sát công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận Sơn Trà

Đoàn giám sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố do bà Hoàng Thị Thu Hương làm trưởng đoàn. Đoàn trực tiếp kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại 2 tổ dân phố của phường An Hải Bắc và 2 tổ dân phố của phường Thọ Quang; đồng thời, làm việc với UBND quận Sơn Trà về công tác quản lý chất thải rắn từ năm 2022 đến tháng 4-2023.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi làm việc

Thông tin từ UBND quận Sơn Trà, việc đảm bảo vệ sinh môi trường là một trong những nhiệm vụ được UBND quận thường xuyên đề cập trong công tác chỉ đạo. Phong trào Ngày Chủ nhật xanh – sạch – đẹp được duy trì thường xuyên, thu hút được sự tham gia của người dân; qua đó, ý thức về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Công tác thu gom rác thải sinh hoạt cơ bản đảm bảo, rác được thu gom theo khung giờ cố định hàng ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt trung bình 178 tấn/ngày. Tình hình vệ sinh môi trường tại các điểm đặt thùng rác được duy trì, cải thiện hơn.

Từ ngày 16/01/2023, Trạm trung chuyển rác Sơn Trà bắt đầu vận hành thử nghiệm với công suất khởi điểm là 50 tấn rác/ ngày và nâng dân công suất thêm 50 tấn/ngày mỗi tháng. Đến nay, trạm đang hoạt động thử nghiệm với công suất tối đa là 200 tấn rác/ngày.

Sau thời gian đưa rác về trạm trung chuyển rác, hoạt động thu gom rác sinh hoạt có nhiều chuyển biến tích cực, 11/17 điểm cố định chuyển giao rác đã được xóa bỏ và dự kiến sẽ tiếp tục xóa bỏ 5 điểm còn lại trong tháng 8/2023. UBND quận yêu cầu nhà thầu rà soát lại phương án thu gom rác theo hướng cơ giới hóa thu gom rác tại các tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 5,5m trở lên, chỉ sử dụng các điểm hẹn lưu động khi đưa rác từ các kiệt hẻm để chuyển giao qua xe cơ giới.

Công tác quản lý rác thải, vệ sinh đô thị trên địa bàn quận Sơn Trà có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với thời gian trước. Các phản ánh về chất lượng thu gom rác sinh hoạt kịp thời được xử lý.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo, người dân thực hiện phân loại rác nhưng chưa thực hiện triệt để, chưa quan tâm nhiều đến phân loại chất thải nguy hại; vẫn còn lạm dụng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân đổ rác, để rác không đúng nơi quy định vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Nhiều trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường chưa được phát hiện và xử lý kịp thời hoặc chưa xử lý nghiêm; chưa giám sát tốt việc triển khai thực hiện vệ sinh công cộng và thu gom rác sinh hoạt.

Một số người dân chưa nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của phân loại rác, đặc biệt là chất thải nguy hại. Nhiều người còn lạm dụng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần do sự tiện nghi và chưa có sản phẩm thay thế với giá cả tương đương. Ý thức bảo vệ môi trường công cộng của một bộ phận người dân và khách du lịch còn hạn chế, chưa tuân thủ việc đổ rác theo giờ và đúng nơi quy định.

Trong thời gian tới, quận Sơn Trà tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được xây dựng tại "Đề án Nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên trên địa bàn quận Sơn Trà giai đoạn 2021-2025”. Đẩy mạnh hướng dẫn về bảo vệ môi trường, phân loại rác, chống rác thải nhựa cho học sinh, hội đoàn thể và người dân ở các khu dân cư. Triển khai phân loại rác, chống rác thải nhựa; đảm bảo vệ sinh môi trường, kịp thời xử lý các điểm ô nhiễm môi trường; đảm bảo khối lượng và chất lượng vệ sinh đô thị, thu gom rác trên địa bàn.

Italy: Lũ lụt khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán

Phát biểu trên kênh tin tức SkyTG24, Phó Giám đốc Cơ quan dân phòng, Titti Postiglione cho biết: "Mưa vẫn chưa ngớt và sẽ tiếp tục trong nhiều giờ. Chúng ta đang đối mặt với tình hình rất, rất phức tạp".

Giới chức vùng Emilia-Romagna cho biết đã tìm thấy 3 thi thể nạn nhân tại các thành phố Forli, Cesena và Cesenatico, trong khi 3 người khác mất tích.

tm-img-alt
Lũ lụt tại Italy. Ảnh: Internet

Hiện 14 con sông ở Emilia-Romagna nước đã tràn bờ, buộc người dân tại các thành phố như Cesena phải trèo lên nóc nhà để lực lượng cứu hỏa sơ tán bằng máy bay trực thăng hoặc xuồng cao su.

Nhà chức trách kêu gọi người dân không đến gần các con sông. Những người sinh sống ở các khu vực gần sông cần di chuyển đến những nơi cao hơn. Một số đường phố và hệ thống đường sắt bị cô lập và thị trưởng nhiều thành phố, trong đó có Bologna, kêu gọi người dân không ra khỏi nhà.

Thành phố Ravenna gần bờ biển Adriatic cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trưởng Ravenna, Michele de Pascale cho biết "đây có lẽ là đêm tồi tệ nhất trong lịch sử thành phố", theo đó riêng trong đêm 16/5 đã có 5.000 người sơ tán khỏi thành phố.

Viết trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết chính phủ sẵn sàng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.

Đây là lần thứ 2 trong tháng 5 này vùng Emilia-Romagna hứng chịu thời tiết xấu. Hồi đầu tháng, ít nhất 2 người đã thiệt mạng do bão. Các chuyên gia thời tiết cho biết mưa xối xả sau nhiều tháng khô hạn làm đất giảm khả năng hấp thu nước và làm trầm trọng thêm tác động của lũ lụt.

Minh Thư (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.