Thứ tư, 17/04/2024 06:05 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/8/2020

MTĐT -  Thứ ba, 18/08/2020 06:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/8/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/8/2020.

Sơn La: Nhiều tuyến đường bị sạt lở do ảnh hưởng mưa kéo dài

Do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài trong những ngày qua, nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ tại Sơn La đã bị sạt lở, ngập úng khiến giao thông ách tắc cục bộ.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, đến chiều 17/8 có 11 vị trí tại các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở, ách tắc. Trong đó, trên các tuyến quốc lộ có 6 vị trí bị sạt lở ta luy, đất đá và sa bồi (quốc lộ 12 có 2 vị trí thuộc địa phận xã Yên Hưng và xã Chiềng En, huyện Sông Mã; quốc lộ 37 có 4 vị trí, thuộc địa phận các xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên và xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn).

Tại các tuyến đường tỉnh lộ có 5 vị trí, bao gồm địa phận xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ) trên đường tỉnh 102; địa phận xã Bó Sinh (huyện Sông Mã) trên đường tỉnh 108; địa phận xã Xím Vàng (huyện Bắc Yên) trên đường tỉnh 112; địa phận xã Co Mạ (huyện Thuận Châu) trên đường tỉnh 113 và địa phận tràn Yên Hạ, xã Yên Hạ (huyện Phù Yên) trên đường tỉnh 114.

Đến 18 giờ ngày 17/8, ngành Giao thông vận tải tỉnh Sơn La đã khắc phục, đảm bảo giao thông 9 vị trí, còn 2 vị trí gồm cầu tràn xã Chiềng En, huyện Sông Mã và cầu tràn xã Yên Hạ, huyện Phù Yên nước vẫn ngập sâu, hạn chế các phương tiện qua lại.

Theo dự báo, từ nay đến ngày 20/8, trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 250 mm/đợt, có nơi 350 mm/đợt, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở trên các tuyến đường.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là các công ty quản lý đường bộ chuẩn bị nhân lực, phương tiện, chủ động ứng phó và sẵn sàng triển khai công tác khắc phục khi có sạt lở, ách tắc xảy ra.

Rác thải, đỗ xe tự phát dọc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh -Hà Đông có chiều dài hơn 13km cùng 12 ga trên cao, với hướng tuyến từ ga Cát Linh ở quận Đống Đa và kết thúc ở ga Yên Nghĩa ở quận Hà Đông. Sau nhiều lần “lỡ hẹn” đưa vào khai thác, dọc khắp tuyến Metro số 2A đang dần trở thành nơi tập kết rác thải, bãi đỗ xe tự phát. Trong ảnh: cột bê tông bị gãy dài đến tới cả chục mét để lộ thiên.

Dưới chân các trụ bê tông của tuyến Metro 2A đoạn đầu phố Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) bị dán nhiều quảng cáo, trở thành nơi tập kết rác thải, bốc mùi xú uế, nhem nhuốc.

Nhiều nơi có dấu hiệu rác thải, vật liệu bị đốt cháy đen gây ô nhiễm môi trường sống của hàng loạt hộ dân sống dọc tuyến đường Cát Linh - Hà Đông.

Vì chưa thể đưa vào khai thác, nhiều nơi như nhà ga, chân cầu,... thuộc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị sử dụng sai mục đích, trở thành các bãi đỗ xe tự phát.

Người dân cho rằng, lực lượng chức năng nên tăng cường kiểm tra, xử phạt. Đồng thời, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông này sớm đi vào khai thác thì mới có thể đẩy lùi các vấn nạn này.

Ô nhiễm ánh sáng đe dọa sự sống của các sinh vật biển

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học tại Đại học Plymouth (Anh) đã xem xét tác động của ánh sáng nhân tạo bắt nguồn từ các thành phố ven biển đến những loài sinh vật sống dưới đáy biển gần đó.

Kết quả cho thấy, 3/4 diện tích đáy biển gần các thành phố lớn đang tiếp xúc với mức độ ô nhiễm ánh sáng gây hại. Trong đó, nghiêm trọng nhất là ánh sáng có bước sóng màu xanh lá cây và xanh lam.

Đây là điều đáng lo ngại đối với sinh vật ven biển bởi vì nhiều loài dựa vào các tín hiệu tự nhiên như ánh sáng Mặt trăng để định hướng vào ban đêm và tiến hành quá trình trao đổi chất.

Nhóm nghiên cứu cho biết, ánh sáng màu xanh lục, xanh lam và đỏ thường được trộn lẫn với nhau để tạo ra đèn LED màu trắng. Người ta dùng nguồn ánh sáng nhân tạo này để chiếu sáng đường phố hoặc các tòa nhà.

“Khoảng 75% siêu đô thị trên thế giới đang nằm tại các vùng ven biển và dân số ở đây dự kiến tăng lên gấp đôi vào năm 2060. Do đó, tình trạng ô nhiễm ánh sáng sẽ ngày càng nghiêm trọng, khiến các sinh vật biển gặp nguy hiểm”, ông Thomas Davies, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.

Trước đó, một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Science Advances cho biết ô nhiễm ánh sáng có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Nhịp sinh học bình thường được hình thành qua sự phối hợp với chu kỳ sáng - tối tự nhiên, do đó ánh sáng nhân tạo, được dùng để chiếu sáng ban đêm, cũng là nguyên nhân quan trọng gây xáo trộn hệ sinh thái.

Ô nhiễm ánh sáng (light pollution) là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, che mờ ánh sáng của các ngôi sao, ảnh hưởng đến việc quan sát thiên văn, lãng phí năng lượng và làm rối loạn các hệ sinh thái.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.