Thứ tư, 24/04/2024 22:28 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/2/2020

MTĐT -  Thứ năm, 20/02/2020 13:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/2/2020.

Tỷ phú Jeff Bezos tài trợ 10 tỷ USD chung tay chống biến đổi khí hậu

Mới đây, trong một bài đăng trên Instagram cá nhân, giám đốc điều hành Amazon đã tuyên bố rằng ông sẽ hỗ trợ một phần phí cho các nhà khoa học, các nhà hoạt động và các tổ chức đang làm việc để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ông nhấn mạnh rằng: "Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất với hành tinh của chúng ta. Tôi muốn sát cánh cùng nhiều người khác để tăng thêm hiểu biết và khám phá ra nhiều cách khác nhau để chống lại tác động tàn phá của biến đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta. Sáng kiến toàn cầu này sẽ tài trợ cho các nhà khoa học, nhà hoạt động, tổ chức phi chính phủ - bất kì nỗ lực nào giúp cho việc bảo tồn và bảo vệ thế giới tự nhiên. Chúng ta có thể cứu Trái Đất". Jeff Bezos cho hay: "Tôi cam kết sẽ đóng góp 10 tỷ USD để bắt đầu và sẽ bắt đầu các khoản tài trợ vào mùa hè này".

Sáng kiến này được mang tên Quỹ Bezos Earth Fund và sẽ các khoản tài trợ sẽ sớm được bắt đầu vào mùa hè này. Số tiền 10 tỷ USD chiếm chưa đến 8% giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos. Mặc dù vậy, theo bảng xếp hạng của Chronicle of Philanthropy, đây vẫn là một trong những cam kết từ thiện lớn nhất từ trước đến nay, chỉ đứng sau quyên góp trị giá 36 tỷ USD của tỷ phú Warren Buffett năm 2016 và khoản cam kết 16,4 tỷ USD của Helen Walton năm 2007.

Được biết, Bezos chịu khá nhiều áp lực từ nhân viên khi hàng ngàn nhân viên Amazon đã ký một bức thư vào hồi tháng 5/2019 vừa rồi kêu gọi công ty đưa ra kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp đó tháng 9/2019, một cuộc biểu tình khác chống biến đổi khí hậu cũng đã diễn ra trong nội bộ công ty này.

Hạn chế ảnh hưởng mặn xâm nhập nội đồng ở Trà Vinh

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đang thực hiện 455 công trình thủy lợi nội đồng, với tổng khối lượng hơn 1 triệu m3. Cụ thể, 9 huyện, thị xã, thành phố sẽ nạo vét, đào mới kênh mương nội đồng, tu bổ bờ bao, cống, bọng… Đến nay, huyện Tiểu Cần đã nạo vét 43 công trình, với chiều dài hơn 37 km. Các địa phương còn lại đang khảo sát thiết kế và phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cũng trình UBND tỉnh kế hoạch hỗ trợ bơm tát khoảng 7.000 ha lúa tại các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè và Tiểu Cần. Ngành cũng khảo sát diện tích lục bình trên các tuyến kênh, rạch cấp 1 và 2 để tổ chức thu gom, khơi thông dòng chảy, điều hòa nguồn nước. Theo khảo sát, toàn tỉnh có hơn 744 km kênh, rạch bị lục bình bao phủ với tổng diện tích hơn 475 ha; trong đó, huyện Châu Thành bị lục bình bao phủ hơn 90 km kênh, Tiểu Cần hơn 355 km kênh.

Ông Phạm Minh Truyền cho biết thêm, nhận được được tình hình mặn sẽ xuất hiện sớm và gay gắt trong mùa khô này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 cống Tân Dinh, Bông Bót và Vũng Liêm. Nhờ vậy, các công trình này hoàn thành và đưa vào vận hành sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch, kịp thời khép kín hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, khống chế được tình hình xâm nhập mặn, điều tiết nước ngọt phục vụ nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, độ sâu xâm nhập mặn phía sông Cổ Chiên đã lên đến 56 km và sông Hậu 65 km. Cùng với các giải pháp phòng, chống hạn mặn, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh vận động nông dân chủ động áp dụng các biện pháp trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh xuống giống hơn 60.000 ha lúa, đạt trên 88% so với kế hoạch. Trong số này, khoảng 5.160 ha lúa của gần 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mặn xâm nhập nội đồng; trong đó, 3.236 ha bị thiệt hại trên 30% diện tích đang đứng trước nguy cơ mất trắng hoàn toàn do không cứu được. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Thu gom, xử lý xác gà chết trên sông Con ở Thái Nguyên

Liên quan đến tình trạng nhét xác gà chết vào các bao tải rồi vứt xuống sông Con ở TP Sông Công (Thái Nguyên) gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh lây lan. Ngay trong ngày, cơ quan chức năng địa phương đã khẩn trương vớt các bao tải này và xử lý theo quy trình.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Sông Công, Đinh Công Phương cho biết, ngay khi có thông tin nhiều bao tải gà chết mắc ở chân đập Líp trên sông Con, trung tâm đã cho người đến ngay hiện trường kiểm tra thực tế, huy động lực lượng chống dịch tại chỗ tiến hành vớt được hơn 30 bao tải chứa gà chết, đưa đi chôn lấp, khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Phương cho biết thêm, thời gian qua, trên địa bàn TP Sông Công không có hiện tượng gà chết hàng loạt do dịch bệnh, số gà này có thể xuất phát từ nơi khác, người dân thiếu ý thức vứt xuống sông Con, theo dòng chảy trôi dạt và mắc tại chân đập Líp. Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân khi phát hiện phát hiện gia súc, gia cầm chết, báo ngay với chính quyền địa phương để có biện pháp kiểm tra, xử lý, nghiêm cấm vứt xác động vật chết xuống sông, suối.

TP Sông Công có 156 trang trại, 869 gia trại chăn nuôi gần 750 nghìn con gia cầm.

Ký thỏa thuận hợp tác công tư về kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa

Ngày 19/2, lần đầu tiên, một thỏa thuận thiết lập hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

Sau lễ ký kết này, Bộ TN-MT và các doanh nghiệp nói trên sẽ thành lập Tổ công tác chung để xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể về các nội dung ưu tiên. Đó là nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa; tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc ký kết biên bản ghi nhớ thể hiện sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong việc biến thách thức thành cơ hội giúp giải quyết các vấn đề chung của xã hội.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, phát biểu: “Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow Chemical rất tự hào là thành viên sáng lập mô hình hợp tác công tư này để triển khai kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác để phát minh các sản phẩm mới, công nghệ tái chế và tạo ra thị trường tiêu thụ mới cho rác thải nhựa tái chế, góp phần loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường”.

Ô nhiễm nhựa hiện đang là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái. Rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các sông, phá hủy hoặc làm suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là các vùng biển. Cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra trên khắp thế giới và có tới 5.000 tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm. Một nửa tổng số sản phẩm nhựa được thiết kế để sử dụng một lần và sau đó vứt đi. Trong tổng số nhựa từng được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại 79% đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.

Riêng tại Việt Nam, dù tỷ lệ sử dụng nhựa bình quân trên đầu người không cao như nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng với hệ thống hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện, vấn đề rác thải nhựa vẫn là thách thức rất lớn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.