Thứ ba, 16/04/2024 16:46 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/3/2023

MTĐT -  Thứ ba, 21/03/2023 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Diễn đàn Ngày Quốc tế về rừng với chủ đề: “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”

Với thông điệp là “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh,” ông Phạm Hồng Lượng, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đây là thông điệp hết sức ý nghĩa trong bối cảnh vừa đi qua một giai đoạn mà đại dịch COVID-19 đã tàn phá sức khỏe người dân và tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội.

tm-img-alt
Quang cảnh diễn đàn

Phía trước vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến chúng ta phải chậm lại để chiêm nghiệm, thay đổi tư duy, cách suy nghĩ để tìm về với những giá trị căn bản của tự nhiên, và nhận ra việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường là cần thiết để con người có thể sống bình yên và khỏe mạnh. Chỉ khi sống bình yên và khỏe mạnh thì mỗi chúng ta mới có cuộc sống hạnh phúc.

Theo Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên hợp quốc, rừng là nhân tố sống còn đối với cuộc sống của con người. Rừng là không gian sinh tồn, nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liên; 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới cũng đến từ các lưu vực sông, suối có rừng.

Có khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm; cũng có khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người. Rừng cung cấp nguồn thức ăn, thực phẩm, cung cấp nguồn dược liệu, thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển. Rừng cũng cung ứng các nguyên liệu cho sản xuất các vật tư y tế.

Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng và giúp chúng ta thư giãn.

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là quốc gia tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó có bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Phụ nữ Quế Võ (Bắc Ninh) chung tay bảo vệ môi trường

Nhân dịp ra mắt mô hình Làng quê an toàn tại xã Chi Lăng, Hội LHPN huyện Quế Võ và xã Chi Lăng phối hợp phát động trồng 500 cây keo tại tuyến đường liên thôn thôn Mai Thôn; Tặng 700 đun tiết kiệm năng lượng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; Ra mắt mô hình điểm xử lý rác thải bằng men vi sinh bản địa IMO tại thôn Mão; Phát 500 lít IMO cho các hộ gia đình trong thôn và hướng dẫn nhân dân cách phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ làm phân bón.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Chi Lăng cho biết: “Đẩy mạnh các hoạt động phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường và thực hiện cuộc vận động “5 không 3 sạch” Hội LHPN xã Chi Lăng đã thực hiện nhiều mô hình, phần việc thiết thực, ý nghĩa thực hiện Ngày chủ nhật xanh dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; duy trì 1 mô hình làng 3 sạch, 8 đoạn đường tự quản... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, cách nghĩ cách làm của phụ nữ và nhân dân góp phần tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp”.

Để triển khai hiệu quả phong trào BVMT, các cấp Hội phụ nữ huyện Quế Võ chú trọng thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (gồm không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học và 3 sạch là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” (có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa và 3 sạch là: nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch) với nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên truyền, vận động gia đình hội viên phụ nữ thực hiện tốt các phong trào “Tết trồng cây”, “Phụ nữ Bắc Ninh chung tay bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Phụ nữ Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, “Phụ nữ đi chợ bằng làn”, “Ngày Chủ nhật xanh”; Tham gia thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường”, Tổ chức ra quân “Tháng hành động vì môi trường”... được thể hiện bằng những việc làm thiết thực như: dọn cỏ, chăm sóc các tuyến đường hoa, đường cây phụ nữ; vệ sinh đường làng ngõ xóm; trồng và chăm sóc cây xanh; nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng IMO... thu hút trên 15 nghìn lượt hội viên, phụ nữ tham gia.

tm-img-alt
Tập huấn hội viên sử dụng vi sinh IMO để bón cho cây trồng. Ảnh minh họa

Nổi bật, Hội LHPN huyện triển khai hiệu quả hoạt động phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ bằng vi sinh IMO tại địa phương. Theo đó, các cấp Hội phụ nữ tổ chức 10 lớp tập huấn và 40 buổi hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hành làm IMO với hình thức hướng dẫn “bắt tay, chỉ việc”, phát hơn 3.400 lít và 30kg IMO, phát 750 tờ rơi, tặng 300kg đường cho hội viên thực hành làm IMO, thu hút 10.800 hội viên phụ nữ tham gia. Mô hình được triển khai đã đem lại hiệu quả “kép” là giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc tham gia BVMT.

Hội LHPN Nghĩa Hưng (Nam Định) "Thu gom rác thải nhựa biển, biến rác thành tiền"

Mô hình "Thu gom rác thải nhựa biển, biến rác thành tiền" được xây dựng tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

tm-img-alt
Mô hình "Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền” ra mắt tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: PNVN

Xã Phúc Thắng là xã mới được sáp nhập từ 2 xã Nghĩa Phúc và Nghĩa Thắng, nằm ở phía Nam huyện Nghĩa Hưng. Xã có tổng diện tích hành chính là 11,97km với 10.750 nhân khẩu. Với đặc thù của một xã ven biển, hiện nay, xã có khoảng 60% người dân làm nghề biển, số phương tiện khai thác trên biển ước tính đến nay khoảng 116 tàu công suất các loại. Bình quân mỗi thuyền đánh cá có từ 7 đến 8 lao động, tàu câu mực khoảng 30 - 40 thuyền viên/tàu trên một chuyến ra khơi dài ngày (3-7 ngày). Mỗi lần tàu ra biển, lượng rác thải nhựa thải xuống biển rất lớn.

Thực tế từ trước tới nay, khi các tàu hoạt động trên biển, chưa có tàu thuyền nào thực hiện thu gom rác thải, tất cả các loại rác sinh hoạt đều được vứt xuống biển, thói quen xấu này đã làm ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học biển. Công tác bảo vệ môi trường biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường biển của người dân còn hạn chế.

Nhận thức được trách nhiệm của tổ chức hội, hội viên, phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường; trước thực trạng trên, Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo Hội LHPN xã Phúc Thắng phối hợp với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm khảo sát ra mắt mô hình "Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền" gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Ninh Bình: Tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường tại huyện Hoa Lư

Hội nghị đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên và người dân đến tham dự. Tại hội nghị, các đại biểu đã được cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường và biển đảo, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường truyền đạt các nội dung về phòng, chống rác thải nhựa.

Trong đó, tập trung phổ biến những nội dung về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng, chống rác thải nhựa; tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường; các giải pháp để phòng, chống rác thải nhựa và giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon...

tm-img-alt
Ra mắt mô hình thùng thu gom vỏ chai nhựa, vỏ lon tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Báo Ninh Bình

Trong dịp này, Huyện đoàn Hoa Lư đã phối hợp ra mắt mô hình "Chợ giảm thiểu rác thải nhựa" tại chợ Ninh Mỹ và tặng 150 làn nhựa cho người dân; ra mắt mô hình "Thùng thu gom vỏ chai nhựa, vỏ lon" tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên) và tặng 6 thùng chứa rác thải nhựa cho Đoàn xã Ninh Xuân, Ninh Hải và Trường Yên.

Thông qua các hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.  

TP.Nha Trang (Khánh Hòa): Tăng cường xử lý rác thải để bảo vệ môi trường

Thời gian gần đây, hiện trạng một đoạn sông tại sông Bà Vệ (phường Ngọc Hiệp) bị bồi lấp bởi rác thải sinh hoạt, bè rau muống, bèo... với số lượng lớn. Một số rác thải ra từ các hộ dân đã làm tắc nghẽn dòng chảy, gây mùi hôi, mất vệ sinh cho khu vực sông.

Người dân ở khu vực đường Lương Định Của (phường Ngọc Hiệp) cho biết, gần khu vực sông Bà Vệ là chợ dân sinh. Khu vực này có nhiều rác thải do thủy triều đưa lên. Ngoài ra, cứ cuối ngày, các tiểu thương lại gom rác vứt xuống sông, các hộ dân xung quanh thấy vậy cũng làm theo khiến cho dòng sông ngày càng tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường.

Qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng thành phố mới đây còn ghi nhận tình trạng một số hộ dân xây dựng lấn chiếm lòng sông Bà Vệ, khiến lòng sông bị bó hẹp, kèm với đó là việc lượng lớn rác thải ứ đọng và bèo bao phủ dẫn đến nguy cơ khó thoát nước vào mùa mưa lũ.

tm-img-alt
Khu vực Cảng Hòn Rớ (xã Phước Đồng) ngập rác thải

Tại khu vực hạ lưu sông Quán Trường (phường Vĩnh Trường) và khu Hòn Rớ (xã Phước Đồng) có nhiều tàu thuyền, cơ sở đóng tàu, chế biến thủy sản và cảng cá dân sinh ở hai bên sông. Do thói quen của ngư dân thường vứt rác thải sinh hoạt xuống sông, biển nên lượng rác ở đây cũng rất nhiều.

Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, rác trong vịnh Nha Trang là do người dân ven sông Kim Bồng, sông Cái, sông Quán Trường, cảng cá, bến cá dân sinh… bỏ rác ven sông hay vứt trực tiếp xuống dòng sông và từ hoạt động nuôi trồng thủy sản các lồng, bè. Ngoài ra, một bộ phận du khách, nhân viên tàu, ca nô du lịch, tàu dân sinh vận chuyển người dân đi các đảo cũng xả rác trực tiếp xuống biển.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang cho biết, công nhân của Công ty đảm nhiệm công việc thu gom rác mỗi ngày ở khu vực biển, đảo: Trí Nguyên, Bích Đầm, Vũng Ngán và ven sông cầu Hà Ra, cầu Trần Phú. Hiện nay, rác trên sông, biển rất nhiều, chủ yếu là rác thải sinh hoạt của người dân. Tuy công nhân đã nỗ lực mỗi ngày để thu gom nhưng do lượng rác lớn, phát sinh liên tục nên không thể xử lý hết được.

Trước thực trang trên, UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường thông báo, triển khai Quyết định số 2023 ngày 31-8-2022 của UBND TP. Nha Trang quy định về thời gian thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư để người dân biết và thực hiện; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành việc đổ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định.

Cùng với đó, hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát, công khai trường hợp người dân không tuân thủ quy định về vứt, đổ rác thải; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với hành vi vứt, đổ rác thải gây ô nhiễm môi trường.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Somalia: Khoảng 43.000 người tử vong trong năm 2022 do hạn hán

Ngày 20/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố một báo cáo mới ước tính 43.000 người đã tử vong trong đợt hạn hán dài nhất lịch sử Somalia vào năm ngoái. Khoảng 50% trong số này là trẻ em.

Đây là số liệu chính thức đầu tiên được công bố trong đợt hạn hán tàn phá phần lớn vùng Sừng châu Phi. Ngoài ra, báo cáo - do Trường Vệ sinh Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London thực hiện - dự báo ít nhất 18.000 người sẽ không qua khỏi do hạn hán trong 6 tháng của năm nay. Báo cáo nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ còn kéo dài.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Somalia và các nước láng giềng Ethiopia và Kenya đang đối mặt với nguy cơ trải qua mùa mưa thứ 6 liên tiếp với lượng mưa cực thấp. Đầu năm nay, LHQ và các đối tác cho biết dù chưa dự báo về việc tuyên bố nạn đói chính thức đối với Somalia nhưng các bên đánh giá tình hình "cực kỳ nghiêm trọng" với hơn 6 triệu người lâm vào cảnh đói tại quốc gia này.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/3/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.