Thứ sáu, 26/04/2024 04:30 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/7/2020

MTĐT -  Thứ ba, 21/07/2020 06:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/7/2020.

Bê bối che giấu bằng chứng trong thảm họa cháy rừng ở Hy Lạp

Vụ cháy xảy ra vào ngày 24/7/2018 thiêu rụi thị trấn ven biển Mati ở Hy Lạp là thảm họa cháy rừng thảm khốc nhất thứ hai trong thế kỷ 21 sau thảm họa cháy rừng năm 2009 ở Australia.

Hai năm sau thảm họa cháy rừng tồi tệ ở khu vực ven biển Attica gần thủ đô Athens của Hy Lạp khiến hơn 100 người thiệt mạng, một báo cáo mới đây đã tiết lộ một điều tra viên hàng đầu được cho là đã bị gây áp lực để che giấu bằng chứng.

Báo Kathimerini cuối tuần qua đưa tin nhà điều tra Dimitris Liotsios thuộc Cơ quan phòng cháy chữa cháy đã đệ đơn tố cáo người đứng đầu cơ quan này khi đó là Vassilis Mattheopoulos với cáo buộc ông này đã đe dọa và gây sức ép buộc điều tra viên này che giấu sự thật về thảm họa cháy rừng trên.

Ông Liotsios cũng đã nộp một đoạn ghi âm về cuộc đối thoại có nội dung ông này bị đe dọa trả thù từ những thế lực cấp cao nếu không thực hiện yêu cầu.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã mô tả bằng chứng trên là điều "khủng khiếp," nhấn mạnh nghi vấn có sự che giấu về thảm họa cháy rừng giờ đây đã rõ.

Trong khi đó, ông Mattheopoulos đã lên tiếng bác bỏ tố cáo trên, cho rằng đây là "những lời nói dối," đồng thời phủ nhận mọi liên quan với điều tra viên Liotsios.

Vụ cháy xảy ra vào ngày 24/7/2018 thiêu rụi thị trấn ven biển Mati ở Hy Lạp là thảm họa cháy rừng thảm khốc nhất thứ hai trong thế kỷ 21, sau thảm họa cháy rừng "Ngày thứ 7 đen tối" xảy ra năm 2009 ở Australia, cướp đi sinh mạng của 173 người.

Vào thời điểm đó, chính phủ Hy Lạp đã nhấn mạnh khó khăn trong việc tổ chức sơ tán người dân trong điều kiện gió mạnh với sức gió gần 120km/h.

Gần 55.000ha cây trồng ở khu vực Trung Bộ bị hạn hán, thiếu nước

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện khu vực Trung Bộ có khoảng 21.200ha cây trồng đang bị thiếu nước và khoảng 33.500ha không đủ nguồn nước tưới nên đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Vùng Bắc Trung Bộ có hơn 21.200ha bị hạn hán, thiếu nước; trong đó, Thanh Hóa 9.000ha, Nghệ An 8.900ha, Hà Tĩnh 990ha, Quảng Bình 840ha, Quảng Trị 1.500ha.

Tổng diện tích đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của khu vực này là 8.200 ha; trong đó, Thanh Hóa 3.200ha, Nghệ An 5.000ha.

Vùng Nam Trung Bộ hiện có 25.300ha không đủ nguồn nước tưới đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, Quảng Ngãi 1.800ha, Bình Định 5.000ha, Phú Yên 1.000ha, Khánh Hòa 12.000ha, Ninh Thuận 4.000ha và Bình Thuận 1.500ha.

Các địa phương bị ảnh hưởng hạn hán nặng từ đầu mùa khô như Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến nay, lịch thời vụ gieo trồng vụ Hè Thu 2020 đã kết thúc, tỉnh Khánh Hòa có 12.000 lúa không đảm bảo nguồn nước phải dừng sản xuất.

Giữa tháng Sáu, tỉnh Ninh Thuận dự kiến cần dừng, giãn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 10.000-11.000ha lúa. Tuy nhiên, tới nay, do có nguồn nước bổ sung từ hồ chứa thủy điện Đơn Dương, tổng diện tích giãn vụ sang vụ Mùa do thiếu nước dự kiến đến đầu tháng Bảy giảm còn khoảng 4.000ha lúa thuộc diện tích phục vụ của 21 hồ chứa thủy lợi.

Tỉnh Bình Thuận có diện tích sản xuất đạt khoảng 15.500/17.000ha, hiện còn tổng cộng có khoảng 1.500ha lúa cần tiếp tục giãn vụ sang vụ Mùa.

Tổng cục Thủy lợi dự báo, đến cuối tháng Bảy, dung tích trữ trung bình các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ còn khoảng 36% dung tích thiết kế.

Lúc cao điểm, trong vụ Hè Thu-Mùa 2020 khả năng sẽ có khoảng 25.500-30.000 cây trồng bị hạn hán, thiếu nước, chiếm khoảng 6-7% diện tích gieo trồng.

Cụ thể, trên lưu vực sông Mã và vùng phụ cận thuộc tỉnh Thanh Hóa, dung tích các hồ chứa đạt khoảng 32% dung tích thiết kế. Nguồn nước bảo đảm đủ tưới cho khoảng 155.000ha cây trồng. Diện tích dự kiến bị thiếu nước phải chống hạn khoảng 7.000ha.

Hay trên lưu vực sông Lam và vùng phụ cận thuộc tỉnh Nghệ An, hiện dung tích các hồ chứa đạt trung bình khoảng 52% dung tích thiết kế. Diện tích dự kiến cần phải chống hạn khoảng 13.000-15.000ha...

Tại khu vực Nam Trung Bộ, ngoài những diện tích cây trồng đang điều chỉnh giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương sẽ tiếp tục được tổ chức sản xuất nếu nguồn nước thuận lợi, bảo đảm cung cấp hết vụ sản xuất. So sánh với một số năm gần đây, diện tích không đủ nguồn nước tưới năm 2020 ở mức thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2015 và 2016 - những năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng phụ cận thuộc tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, dung tích toàn bộ của các hồ chứa thủy lợi trong vùng trung bình đang đạt 50% dung tích thiết kế, thấp hơn khoảng 12% so với cùng kỳ trung bình nhiêu năm.

Đồng Nai kiến nghị xử lý nhiều vấn đề liên quan đến môi trường

Theo Sở TN-MT, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương ngày càng được quan tâm trên cơ sở các quy định pháp luật và quy hoạch của tỉnh.

Cụ thể, về rác thải, trên địa bàn tỉnh có 9 khu với 16 dự án xử lý chất thải, trong đó có 7 khu và 11 dự án đã đi vào hoạt động. Hiện nay, 99% rác thải rắn sinh hoạt, 100% chất thải công nghiệp thông thường, 100% chất thải y tế thông thường và 99% chất thải y tế nguy hại 99% được thu gom, xử lý. Các khu công nghiệp đủ điều kiện có nhà máy xử lý nước thải tập trung có quan trắc tự động đi vào hoạt động. Hệ thống quan trắc không khí cố định và lưu động hoạt động thường xuyên. Các khu vực khai thác khoáng sản tuân thủ theo quy định pháp luật, có lắp đặt quan trắc môi trường đất, không khí xung quanh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, khó khăn của địa phương hiện nay là một số khu xử lý rác chưa phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị; không có quy định cụ thể về quy mô cần thiết cho một khu xử lý chất thải, thủ tục xin phép đầu tư mất nhiều thời gian, đặc biệt thủ tục đốt rác phát điện; chưa có quy định cụ thể về lựa chọn công nghệ xử lý rác. Tốc độ gia tăng rác thải ở Đồng Nai lớn, dẫn đến đầu tư hạ tầng chưa theo kịp; còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản lậu, chôn lấp rác thải không đúng quy định. Đồng Nai chưa lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

Tỉnh kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi pháp luật về môi trường; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường; các bộ, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, có giải pháp quy hoạch chất thải rắn công nghiệp, có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tái chế từ rác, có cơ chế tài chính cho xử lý chất thải rắn phát điện.

Sóc Trăng xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông

Rạng sáng 20/7, trên địa bàn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông làm lún sụp hàng chục mét bờ đê, đường giao thông nông thôn bị nước cuốn trôi ra sông.

Tại tại ấp Phèn Đen, Thị trấn An Lạc Thôn, nước sông chảy đã làm sạt lở gần 80m đường giao thông nông thôn và hàng cây tre, cây đa do người dân trồng giữ đất mé sông.

Trưa 20/7, có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận còn nhiều vết nứt và chân đất rất yếu, có thể gây sạt lở thêm diện tích đất phía trong.

Chiều cùng ngày, các hộ dân ven đoạn sông bị lở đã khẩn trương di dời nội thất ra phía sau nhằm tránh đất sạt lở.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.