Thứ sáu, 29/03/2024 03:53 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/1/2020

MTĐT -  Thứ tư, 22/01/2020 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/1/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/1/2020.

Bão Gloria hoành hành tại Tây Ban Nha khiến 4 người thiệt mạng

Ngày 21/1, bão Gloria tại miền Đông Tây Ban Nha đã khiến 4 người thiệt mạng, gây mất điện trên diện rộng và buộc nhiều trường học phải đóng cửa.

Cơ quan Khí tượng quốc gia Aemet đã đặt phần lớn khu vực Đông Bắc Tây Ban Nha vào tình trạng báo động, do cơn bão mang theo sức gió lên tới 100 km/h, tuyết rơi dày, mưa lạnh và sóng lớn tại các khu vực ven biển, làm hư hại nhiều nhà cửa.

Ước tính khoảng 220.000 người đã phải chịu cảnh mất điện trong nhiều giờ tại tỉnh Girona, phía Đông Bắc vùng Catalonia. Hơn 2.600 km đường đã bị tuyết phủ kín. Đường cao tốc AP7, tuyến đường xe tải quan trọng nối Pháp với Tây Ban Nha, đã bị tắc ở khu vực biên giới do tuyết rơi dày, trong khi nhiều tuyến đường sắt cũng bị gián đoạn. Lịch học của 170.000 học sinh tại Catalonia và vùng Valencia đã bị hủy do thời tiết khắc nghiệt.

Bão Gloria tấn công bãi biển ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Cơn bão Gloria đã đổ bộ vào Tây Ban Nha từ ngày 19/1. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 người thiệt mạng do bão. Ngày 21/1, cơn bão đã bắt đầu ảnh hưởng đến miền Nam nước Pháp, gây mất điện cho khoảng 1.000 hộ gia đình tại khu vực Pyrenees-Orientales giáp biên giới Tây Ban Nha.

Tăng cường kiểm soát nguồn thải đối với nhà hàng, khách sạn khu vực ven biển

Nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, UBND thành phố Đà Nẵng đang tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm soát nguồn thải đối với nhà hàng, khách sạn khu vực ven biển phía Đông thành phố.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng chủ trì tổng hợp kết quả xử lý vi phạm về sử dụng nước dưới đất, đấu nối thoát nước, xử lý nước thải của các nhà hảng, khách sạn ven biển báo cáo về UBND thành phố trước ngày 30 hàng tháng; tổ chức hậu kiểm các cơ sở đã xử lý vi phạm, đôn đốc việc khắc phục hậu quả đối với các cơ sở xử lý vi phạm đến hết tháng 6/2020; theo dõi, đôn đốc các cơ sở khắc phục các tồn tại về bảo vê môi trường.

Âu thuyền Thọ Quang với nhiều loại rác thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh tư liệu: Trần Lê Lâm/TTXVN

Đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; phát hành sổ tay hướng dẫn bảo vệ môi trường trên cơ sở cập nhật các quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP cung cấp đến các cơ sở; hướng dẫn các đối tượng có tái sử dụng nước thải sau xử lý thực hiện nghĩa vụ tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; hướng dẫn các cơ sở có nhu cầu cải tạo hệ thống xử lý nước thải để nâng chuẩn nước thải sau xử lý để tái sử dụng; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật vận hành hệ thống xử lý nước thải, hướng dẫn bảo vệ môi trường (đối tượng có lưu lượng > 30m3/ngày đêm).

UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiến hành rà soát, yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng lập thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; đầu tư công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy mô công suất thiết kế hệ thống xử lý nước thải; xây dựng hệ thông quan trắc nước thải tự động, liên tục; nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn, trong đó lưu ý quy định bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc đối tượng miễn lập hồ sơ môi trường; sớm tham mưu ban hành Quy định về Phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết: Hiện thành phố đã giao cho các sở, ngành chức năng hoàn thiện cơ sở dữ liệu các đơn vị đã kiểm tra, điều tra để phục vụ quản lý; xây dựng phần mềm quản lý môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường; xây dựng dự thảo để ban hành Quy chế quản lý đô thị về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị đặc thù đối với khu vực ven biển phía Đông thành phố…

Trong thời gian qua, một số cơ sở nhà hàng khách sạn ven biển khu vực phía Đông của thành phố Đà Nẵng nằm dọc các tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa đã nhiều lần vi phạm trong việc xả nguồn nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống cống nước xả ra biển. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt, nhưng tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn còn tái diễn. Tình trạng này không những làm ô nhiễm môi trường, gây mất mĩ quan đô thị mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Đà Nẵng.

Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu. Kế hoạch nhằm bảo đảm cho việc phòng ngừa hạn chế tối đa sự cố tràn dầu xảy ra, sẵn sàng ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu, giảm thiệt hại thấp nhất về kinh tế, xã hội và môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.

Ảnh minh họa

Giải pháp thực hiện Kế hoạch là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; tăng cường nguồn lực cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả do ô nhiễm dầu;...

Kế hoạch nêu rõ dự kiến một số tình huống sự cố tràn dầu: Tràn dầu tàu chở dầu, tàu vận tải xảy ra do các dự cố; tràn dầu kho chứa, bục, hỏng đường ống dẫn dầu trên đất liền; tràn dầu trong khoan thăm dò, khai thác dầu trên biển; tràn dầu tại bến cảng xuất, nhập khẩu xăng dầu; tràn dầu tại nhà máy lọc dầu do các sự cố; tràn dầu tại các cơ sở hoạt động xăng dầu; tràn dầu không rõ nguyên nhân trên vùng biển Việt Nam.

Về công tác ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp nhận thông tin và xác minh thông tin; sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của sự cố tràn dầu; triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với sự cố tình huống; thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về biện pháp, phương án phối hợp ứng phó khẩn cấp, ký kết quyết định các hoạt động triển khai ứng phó.

Bên cạnh đó, tổ chức thành lập Sở chỉ huy phía trước thành phần gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có liên quan chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó sự cố tràn dầu cấp Quốc gia; chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các địa phương, các cơ sở hoạt động xăng dầu tập trung ứng phó sự cố tràn dầu.

Chỉ đạo việc điều tra, xác minh sự cố tràn dầu khi có đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, chủ cơ sở hoạt động xăng dầu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và cơ quan nhà nước có liên quan về biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng, phương tiện, trang bị trong và ngoài quân đội tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu, lực lượng Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung, các Quân khu, quân đoàn, Hải quân, Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển phối hợp tham gia ứng phó sự cố tràn dầu; chỉ đạo Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an tổ chức lực lượng, phương tiện và huy động tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy nổ khi có tình huống tàu bị cháy và người gặp nạn, tổ chức chốt chặn bảo vệ hiện trường, phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung tham gia quây chặn thu gom dầu;...

Bộ Công Thương chỉ đạo cho các cơ sở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, các lực lượng của địa phương triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả môi trường.

Quyết định cũng phân công cụ thể công tác ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả đối với Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an; các bộ và cơ quan ngang bộ có liên quan; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.