Thứ sáu, 29/03/2024 17:17 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/5/2023

MTĐT -  Thứ ba, 23/05/2023 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Công điện nêu rõ, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;

Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả;

Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước;

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-TTg, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; khẩn trương ban hành cấp dự báo cháy rừng và các bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật…;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các địa phương tại khu vực trọng điểm về cháy rừng. Cử ngay Lãnh đạo và cơ quan chức năng xuống hỗ trợ các địa phương ứng trực và chỉ huy chữa cháy rừng, duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24. Rà soát, hoàn thiện Quy chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;

Theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thời tiết; phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; nâng cao chất lượng, độ chính xác, tần suất dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi xảy ra cháy rừng…

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối của hệ thống điện quốc gia, không để xảy ra sự cố về truyền tải, cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo chất lượng công tác dự báo, kịp thời cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến các cơ quan liên quan và người dân phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cấp bách kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo chức năng quản lý nhà nước được phân công.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam  và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện này.

Miền Bắc nhiều nơi đã mưa rất to, Trung Bộ nắng nóng giảm dần

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đêm qua và sáng nay (23/5), ở Hòa Bình, khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Lượng mưa tính từ 19h ngày 22/5 đến 8h sáng nay có nơi trên 50mm như: Hòa Bình 83.6mm, Bạch Đằng (Cao Bằng) 107.6mm, Na Sầm (Lạng Sơn) 95.4mm, Quảng Yên (Quảng Ninh) 70.6mm,...

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500m nên trong ngày và đêm nay, mưa lan xuống Đông Bắc Bộ, Hòa Bình và Thanh Hóa với lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h.

Từ chiều tối nay đến 24/5, mưa tiếp tục mở rộng vào miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, lượng mưa từ 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h với thời gian xảy ra mưa giông tập trung vào chiều tối và tối.

Mưa giông diện rộng khiến nhiệt độ các tỉnh phía Đông Bắc Bộ giảm đáng kể, hầu hết phổ biến từ 30-33 độ, có nơi thấp hơn.

Đối với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên, trước khi mưa giảm nhiệt vào chiều tối nay thì ban ngày vẫn tiếp diễn nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với mức nhiệt cao nhất còn 34-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Theo bản tin từ cơ quan khí tượng, nhiệt độ lúc 13h đo tại trạm Yên Châu (Sơn La) 40.2 độ, Mai Châu (Hòa Bình) 38.4 độ. Đồng thời, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nơi trên 39 độ như: Hồi Xuân (Thanh Hóa) 39.8 độ, Tương Dương (Nghệ An) 39.5 độ.

Ngày 24/5, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên vẫn nắng nóng đến gay gắt với mức nhiệt 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Ngày 25/5, nắng nóng kết thúc ở các khu vực này.

Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa giông, lốc xoáy

Khoảng 3h sáng 23/5 tại xã Mã Ba (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), mưa giông và lốc xoáy bất ngờ xuất hiện làm gãy đổ nhiều cây to, hoa màu; làm tốc mái nhiều nhà dân tại 7 xóm, trong đó có 2 xóm bị thiệt hại nặng nhất là xóm Kéo Nặm và xóm Lũng Hoài. UBND xã Mã Ba hiện đang phối hợp với các lực lượng rà soát, thống kê thiệt hại do mưa, lốc xoáy gây ra.

tm-img-alt
Hơn 30 CBCS hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa giông gây ra.

Tại xóm Lũng Hoài, nhiều hộ gia đình và trụ sở cơ quan bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng toàn bộ mái nhà; nhiều tài sản bị ướt, hỏng... Riêng trụ sở Công an xã Mã Ba bị gió lốc thổi bay toàn bộ phần mái nhà, rất may không có thiệt hại về người.

Sau khi ghi nhận thông tin từ xã Mã Ba, Công an huyện Hà Quảng đã huy động lực lượng gồm hơn 30 CBCS trực tiếp đến hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa giông gây ra. Đây là hành động hết sức ý nghĩa và kịp thời của Công an huyện Hà Quảng, với tinh thần tất cả vì nhân dân phục vụ, “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Mai Kim Liên cho biết, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

anh-2.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Luật Bảo vệ môi trường 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ sở để quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính, tiền đề phát triển thị trường các-bon; thực hiện các biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam tham gia là thành viên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Nhằm triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản thi hành Luật, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về biến đổi khí hậu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ các nội dung cụ thể về: Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và các quy định pháp luật đã được ban hành; các quy định về thích ứng biến đổi khí hậu; các quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn; triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Lộ trình quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và các quy định pháp luật cụ thể; phát triển thị trường các bon tại Việt Nam...

Đại diện các cơ quan quản lý nhà, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp đã cùng thảo luận về thực tiễn triển khai các quy định pháp luật tại địa phương, cơ sở. Với những vấn đề còn vướng mắc khó khăn, cán bộ Cục Biến đổi khí hậu đã giải đáp, hướng dẫn cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Hà Nội trao giải “Xây dựng trường học xanh – Vì Hà Nội xanh”

Ngày 22/5, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Chương trình tổng kết “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh” năm học 2022 - 2023 trao tặng giải thưởng các sản phẩm đạt giải cho 39 trường học từ Mầm non đến Trung học Cơ sở (THCS) trên địa bàn quận.

tm-img-alt
39 trường được trao nhận chứng chỉ tham dự Chương trình của UBND quận Hoàn Kiếm

Theo ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng được quan tâm hiện nay, việc bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Học sinh là thế hệ tương lai của toàn đất nước, là những chủ nhân quyết định sự phát triển của toàn xã hội, dân tộc, đồng thời cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề môi trường với sự phát triển sau này. Chính vì vậy, vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường luôn được quận Hoàn Kiếm quan tâm, tổ chức thường niên với nhiều hình thức, chủ đề khác nhau như rác thải, không khí, năng lượng, cây xanh và bảo tồn nguồn nước….

Thực hiện Công văn số 2600/ UBND-TNMT ngày 12/8/2022 của UBND Thành phố về việc chấp thuận mở rộng mô hình trường học xanh trên địa bàn Thành phố trong năm vừa qua, phát huy những thành tích và kế hoạch hành động, đến nay, UBND quận đã chỉ đạo Phòng TN&MT, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cùng phối hợp triển khai chương trình tới 39 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận.

Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của các thầy cô, sự tham gia của các em học sinh cùng phụ huynh, thu về kết quả đáng kể như: 100% các trường tham gia chương trình và gửi báo cáo về quận; Tham gia cuộc thi có 71 câu Slogan được gửi về Ban tổ chức chương trình; Hơn 100 bài thi Đại sứ xanh của các em học sinh gửi về tham dự; 27 sáng kiến về bảo tồn nguồn nước được xây dựng và thực hiện tại 12 trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận,… cùng rất nhiều hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường được các em học sinh thực hiện tại nhà trường, gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống. Có thể thấy, thông qua các em học sinh, Chương trình cũng đã tuyên truyền đến các bậc phụ huynh thông điệp “Hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường" bằng các hành động cụ thể, ý nghĩa.

tm-img-alt
Ban Giám hiệu đại diện các trường học chụp hình lưu niệm tại Chương trình

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của 2 Phòng TN&MT cùng Phòng GD&ĐT quận đã có những hình thức truyền tải phong phú những nội dung thiết thực để các trường triển khai thực hiện và mong muốn mỗi thầy cô, mỗi em học sinh và các bậc phụ huynh sẽ tiếp tục thực hiện trong việc nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong nhà trường và ngoài xã hội; Các em học sinh luôn tiên phong, đi đầu trong mọi phong trào của hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường nói riêng và đối với môi trường sống toàn xã hội nói chung.

Trong Chương trình tổng kết “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh” năm học 2022 - 2023, UBND quận đã trao giải cho các trường đạt thành tích xuất sắc, bao gồm các giải: 10 trường học xanh xuất sắc;10 Đại sứ xanh xuất sắc và 1 đại sứ xanh nhỏ tuổi nhất; 14 giải ba, 10 giải nhì và 10 giải nhất cuộc thi Sáng tạo câu khẩu hiệu.

Bắc Giang: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, Ủy ban MTTQ huyện Lạng Giang, Hội LHPN huyện Lạng Giang hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6 năm 2022. Ảnh: Tư liệu

Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 5/02/2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Ra quân dọn, xử lý rác tại các điểm đen và ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ... Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa. Căn cứ tình hình thực tế, cao điểm từ cuối tháng 5 đến ngày 30/6/2023, đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải.

Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như: Thành lập liên minh nói không với túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích thiết kế từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 đạt tính lan tỏa cao…

Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Đa dạng các công cụ, phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, cho hành động “Chống ô nhiễm nhựa” để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan liên quan tổ chức rà soát, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo thẩm quyền ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa. Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Phối hợp, hướng dẫn và tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.