Thứ sáu, 20/09/2024 01:45 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/3/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 24/03/2023 17:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Thừa Thiên Huế: Siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Tài nguyên và Môi trường

Đồng chí Lê Bá Phúc – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, về kết quả cụ thể trên nhóm nhiệm vụ chuyên môn. Theo đó, đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 cho 05/9 địa phương. Kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất tổ chức kinh tế, tôn giáo, đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 9.652 Giấy chứng nhận, với diện tích 216.651 ha; đối với hộ gia đình, cá nhân cấp được 602.503 Giấy chứng nhận, với diện tích 71.693,7 ha.

tm-img-alt

Đồng chí Lê Bá Phúc – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi họp.

Thực hiện Luật Đất đai 2013, UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất đối với 748 dự án. Cụ thể, giao đất: 194 dự án (giao đất có thu tiền sử dụng đất: 02 dự án; giao đất không tiền sử dụng đất: 188 dự án và giao đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất: 04 dự án) và cho thuê đất: 554 dự án…

Sở đã tập trung triển khai dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thực hiện hạng mục công nghệ thông tin của dự án. Xây dựng mới và chuyển đổi bổ sung CSDL địa chính cơ bản hoàn thành, đã tích hợp CSDL địa chính cho 1.037.607 thửa đất lên hệ thống quản lý đất đai VBDLIS. Coi trọng công tác quản lý, kiểm tra và thanh tra về lĩnh vực khoáng sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước bảo vệ môi trường…

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nêu lên những tồn tại, khó khăn trong từng lĩnh vực công tác với 9 kiến nghị, đề xuất trong đó đáng chú ý: Tiếp tục lãnh đạo việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị 24-CT/TU và Chỉ thị 07-CT/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng; đẩy nhanh, phủ kín các quy hoạch có liên quan, đảm bảo đồng bộ thống nhất giữa các loại quy hoạch; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các Hợp tác xã tiến hành đo đạc để lập hồ sơ thuê đất theo quy định; chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung, nhanh chóng kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp để cho các doanh nghiệp thuê lại đất; đối với các Dự án đô thị mới khi kêu gọi đầu tư cần rà soát, đánh giá cụ thể đảm bảo tiêu chí, quy mô thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất; chỉ đạo đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tại các khu cụm công nghiệp, khu đô thị; các địa phương có kế hoạch, lộ trình đầu tư theo đúng các tiêu chí môi trường nông thôn mới nâng cao.

Đối với những ý kiến, kiến nghị, thảo luận, kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường - lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngành tài nguyên và môi trường nói chung, Sở Tài nguyên và Môi trường nói riêng đã đạt được trong thời gian qua.

Hải Dương ra mắt mô hình “Vườn ươm thanh niên, vì một Hải Dương xanh"

Mới đây, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Hải Dương tổ chức ra mắt mô hình “Vườn ươm thanh niên, vì một Hải Dương xanh" tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Mô hình "Vườn ươm thanh niên, vì một Hải Dương xanh" có hơn 20.000 cây giống (cây keo, bạch đàn, thông) được bàn giao cho Chi đoàn Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý, hướng dẫn chăm sóc, đất trồng và một số điều kiện khác nhằm bảo đảm cây giống sinh trưởng, phát triển.

tm-img-alt
Lễ ra mắt mô hình "Vườn ươm thanh niên, vì một Hải Dương xanh" tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Ảnh: Báo Hải Dương

Sau khi ươm thành công, các cây giống sẽ được trao tặng cho các cơ sở Đoàn để xây dựng các công trình hàng rào xanh, hàng cây thanh niên dọc các tuyến đường nông thôn, giảm chi phí mua cây giống hằng năm. Cũng từ mô hình này, thời gian tới, Tỉnh đoàn mong muốn các cấp bộ Đoàn tham mưu cấp ủy nhân rộng mô hình “Vườn ươm thanh niên" để bảo đảm nguồn cây, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đắk Lắk: Chỉ đạo Công an điều tra khai thác khoáng sản trái phép ở xã Vụ Bổn

Ngày 15/2/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk có Báo cáo số 07/BC-TNMT về việc, phát hiện khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Vụ Bổn xảy ra vào khoảng ngày 24/01/2023; UBND huyện chỉ đạo:

Công an huyện tiến hành điều tra, xác minh nội dung theo đề xuất của Phòng Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo số 07/BC-TNMT ngày 15/02/2023. Báo cáo UBND huyện kết quả điều tra, xác minh vụ việc trước ngày 07/4/2023.

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Hiện trường vụ khai thác khoáng sản ( đất ) trái phép tại thôn 5, thôn Cao Vĩnh, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk

Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ việc cho cơ quan Công an huyện…

Về việc khai thác khoáng sản trái phép tại xã Vụ Bổn, xã Ea Uy, huyện Krông Pắk vào năm 2022, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có nhiều bài phản ánh. Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk bà Nguyễn Thị Minh Trinh cho biết, huyện đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử phạt các đối tượng vi phạm số tiền gần 200 triệu đồng. Huyện cam kết thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm không để xảy ra sai phạm tương tự.

Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 1, tháng 2 năm 2023, tình trạng công khai, ngang nhiên khai thác đất trái phép tại xã Vụ Bổn vẫn diễn ra. Vụ việc đang được Công an huyện Krông Pắk điều tra, xác minh theo quy định.

Thế nhưng, một vấn đề được đặt ra ở đây là, tại sao đất tặc vẫn “lộng hành”, chính quyền địa phương ở đâu? Câu hỏi này, xin chuyển đến tới lãnh đạo huyện Krông Pắk và lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk làm rõ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam vẫn tiếp tục thông tin./.

Peru thiệt hại hơn 300 triệu USD do mưa lớn

Bộ trưởng Kinh tế Peru Alex Contreras ngày 22/3 cho biết thiệt hại cơ sở hạ tầng do những trận mưa lớn gần đây gây ra ở nước này có thể lên tới ít nhất 323 triệu USD. Hiện người dân tại các khu vực chịu hưởng nặng nề đang nỗ lực tập trung sửa chữa nhà cửa và cơ sở kinh doanh bị ngập lụt.

tm-img-alt
Khu vực bị ảnh hưởng bởi lở đất do mưa lớn tại Punta Hermosa, ngày 14/3/2023. Ảnh: THX

Mưa lớn xảy ra sau cơn bão mạnh Yaku đã gây ra tình trạng lụt lội ở nhiều khu vực đông dân cư ở Peru, phá hủy hàng trăm ngôi nhà, trường học và đường sá, chủ yếu dọc bờ biển miền Trung và miền Bắc của quốc gia Nam Mỹ này. Nhà chức trách Peru đã di dời hàng nghìn người bị ảnh hưởng và bắt đầu công tác sửa chữa những con đường bị hư hại cùng các cơ sở hạ tầng khác.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Contreras cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực càng sớm càng tốt do hiện tượng thời tiết El Nino có thể kéo dài mùa mưa ở Peru.

Đầu tháng 3 này, Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 400 quận, huyện của nước này để ứng phó với tác động của các trận mưa lớn trên cả nước.

Theo số liệu thống kê, ít nhất 60 người đã thiệt mạng ở Peru kể từ khi mùa mưa bắt đầu vào cuối năm ngoái.

Nông dân Argentina mất mùa lớn vì hạn hán

Ông Guillermo Cuitin, một kỹ sư nông nghiệp làm việc ở Urquiza - một thị trấn cách thủ đô của Argentina khoảng 230km - cầm lấy một cây đậu nành và dễ dàng bẻ nát lá trong tay vì cành lá khô.

Nông dân Argentina mất mùa lớn vì hạn hán - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP

"Hạn hán năm nay thật khắc nghiệt", ông Guillermo Cuitin cho biết khi tới trang trại.

Ông Cuitino rất ít khi đi lại trên đất canh tác nhưng giờ đây mọi thứ đều khô hạn đến mức không có một loại cây trồng nào có thể sống sót, kể cả cỏ dại cũng không thể mọc được. Cảnh tượng tương tự cũng xuất hiện trên khắp Argentina. Đáng lẽ ra những vụ thu hoạch lương thực và cây ăn quả đang diễn ra sôi động trên những cánh đồng ở Argentina vào thời điểm này nhưng thời tiết khô hạn kéo dài nhiều tháng đã hủy hoại tất cả. Nông dân đang phải vật lộn để kiếm sống qua ngày và doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu giảm mạnh đang giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế vốn dĩ mong manh của Argentina.

"Đây là đợt hạn hán chưa từng có", nông dân Martín Sturla cho biết khi đứng giữa cánh đồng đầy bụi của mình ở vùng San Antonio de Areco gần đó.

Tình hình đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng vì Argentina đã phải hứng chịu hai năm thời tiết khô hạn bất thường.

Ngay cả các chuyên gia cũng gặp khó khăn để giải quyết khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.

"Không từ nào có thể mô tả tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu kỷ lục: thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng trong năm thứ ba liên tiếp vào mùa hè, các đợt nắng nóng dai dẳng cho đến tận tháng 3 và sương giá vẫn xảy ra vào cuối tháng 10/2022 kéo dài đến tận tháng 2/2023", báo cáo gần đây của Hội đồng Thương mại Rosario cho biết, đồng thời nói rằng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã cắt giảm lớn năng suất các vụ thu hoạch năm nay.

"Các loại cây trồng, động vật và tài nguyên thiên nhiên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến con người phải đối mặt với cơn bão mất mùa trước mùa đông", báo cáo cho biết.

Mất mùa nghiêm trọng

Trong báo cáo hàng tuần mới nhất, sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (Argentina) cho biết sản lượng đậu tương năm nay ước tính khoảng 25 triệu tấn, giảm 44% so với mức trung bình trong 5 chu kỳ qua. Trong khi đó, tổng sản lượng lúa mì được dự báo là 36 triệu tấn, giảm 31% so với năm ngoái.

Là một nông dân Argentina, ông Osvaldo Bo đã tận mắt chứng kiến năng suất giảm mạnh tại trang trại của ông ở Urquiza.

"Chúng tôi đã mất trắng tới 90%. Tôi chưa bao giờ chứng kiến trận hạn hán nghiêm trọng như vậy. Hạn hạn từng gây ra thiệt hại mùa màng, không có đậu tương, ngũ cốc nhưng có lúa mì và ngô. Hiện tại, tất cả các vụ mùa đã bị mất", ông Bo chia sẻ.

Ủy ban Thương mại Rosario cho biết, tính đến vụ thu hoạch đậu tương, lúa mì và ngô, 87% sản lượng ngũ cốc của Argentina đã mất mát, gây ra thiệt hại ước tính lên tới 14,14 tỷ USD. Theo Hiệp hội thử nghiệm nông nghiệp khu vực, tình trạng hiện tại sẽ dẫn đến thiệt hại xuất khẩu gần 20,5 tỷ USD.

Theo Anna Sörensson, một nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại viện nghiên cứu CONICET, điều chắc chắn là hạn hán hiện nay là do điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Hiện tượng lần này kéo dài lâu hơn bình thường rất nhiều.

"Biến đổi khí hậu cũng khiến các đợt nắng nóng trở nên thường xuyên hơn, khắc nghiệt hơn và đất khô nhanh hơn", Sörensson nói.

Theo Dịch vụ thời tiết quốc gia Argentina, nước này đã trải qua mùa hè nóng nhất kể từ năm 1961. Tại thủ đô Buenos Aires, người dân cũng phải chịu đựng mùa hè nóng nhất kể từ năm 1906.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/3/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa hướng dẫn tàu thuyền trên biển, ứng phó với mưa lớn
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, lúc 13 giờ ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9; áp thấp di chuyển hướng tây với tốc độ khoảng 15km/giờ.

Tin mới