Thứ năm, 18/04/2024 08:19 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/8/2020

MTĐT -  Thứ ba, 25/08/2020 06:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/8/2020.

Chất lượng không khí Hà Nội ngày 24/8: Đa phần ở mức tốt

Chiều 24/8, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong ngày (24h gần nhất) đo được tại 10 trạm quan trắc tự động trên địa bàn TP Hà Nội đa phần ở mức tốt và trung bình, trên dưới 70.

Hôm nay, chất lượng không khí (CLKK) Hà Nội duy trì ở mức tốt và trung bình, không có khu vực nào ở mức kém hay xấu. Nơi đo được AQI cao nhất là khu vực  Minh Khai -78, Phạm Văn Đồng -72, Hàng Đậu – 73, Thành Công -61, Cầu giấy – 60. Các khu vực còn lại ở mức tốt, chỉ số AQI dao động từ 23 - 46.

Theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, với CLKK như hôm nay không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe, mọi người hạn chế ra ngoài trời, thường xuyên đeo khẩu trang để chống bụi mịn...

Trên 51 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế người dân ven Cái Lớn - Cái Bé

Chiều 24/8, Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức hội nghị khởi động thực hiện mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thuộc dự án “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé” giai đoạn 1.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh có bờ biển dài 200 km, có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang tác động đến sản xuất, đời sống người dân, gây sạt lở đê biển, xâm nhập mặn… Vì vậy, việc triển khai xây dựng “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé” là rất cần thiết, có tác động liên tỉnh, vùng hưởng lợi gồm: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… 

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, được Bộ NN-PTNT phê duyệt quyết định đầu tư ngày 25/12/2018, với mục tiêu: Kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định vùng ven biển. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo nguồn nước ngọt. Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu chua cải tạo đất phèn. Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ.

Sau khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được xây dựng, đi vào vận hành, sẽ giảm ảnh hưởng của thủy triều từ phía biển Tây nên ranh giới giáp nước dịch chuyển về phía biển Tây, tăng cường khả năng tiêu chua, thoát lũ, cấp nước ngọt cho vùng ven biển.

Tuy nhiên, để xây dựng công trình và khi đi vào vận hành, sẽ có một số hộ dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần hỗ trợ phát triển việc áp dụng các mô hình sinh kế bền vững theo hướng sản xuất an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện thực tế của người dân các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và Gò Quao. Theo đó, sẽ thành lập và củng cố 20 tổ chức nông dân/hợp tác xã, xây dựng 26 mô hình sản xuất trình diễn theo hướng đạt tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, đáp ứng nhu cầu liên kết chuỗi.

Hà Nội vận hành 16 trạm bơm tiêu úng 472ha sản xuất nông nghiệp

Tính đến 17h ngày 24-8, thành phố Hà Nội còn 472ha lúa, hoa màu bị úng ngập; trong đó có 176ha bị ngập trắng, 296ha bị ngập 1/3 thân lúa. Địa phương còn diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập gồm: Ba Vì 466ha, Phúc Thọ 6ha.

Để giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ngày 24-8, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích tiếp tục vận hành 16 trạm với 33 tổ máy bơm tiêu úng cho diện tích úng ngập nêu trên.

“Nếu đêm 24 và ngày 25-8, trên lưu vực không xảy ra mưa to, mực nước sông Tích rút nhanh thì khoảng ngày 27-8, toàn bộ diện tích úng ngập của huyện Ba Vì và Phúc Thọ sẽ được tiêu kiệt...”, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đào Mạnh Thủy cho biết.

Giảm thiểu chất thải nhựa trong trường học

Thủ tướng Chính phủ mới đây ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Theo đó, Chỉ thị nêu rõ: Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.

Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh, sinh viên; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Duy Tiên- Hà Nam: Ngang nhiên xâm phạm lòng, bờ, bãi sông Hồng
Thời gian gần đây trên sông Hồng đoạn qua xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xuất hiện tình trạng cá nhân/ doanh nghiệp ngang nhiên xâm phạm lòng, bờ sông khi chưa được phép. Chính quyền sở tại cần quyết liệt ngăn chặn để bảo vệ môi trường.

Tin mới