Thứ ba, 23/04/2024 18:28 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/4/2023

MTĐT -  Thứ tư, 26/04/2023 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Chuyên gia khí tượng nhận định như thế nào về thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4-1/5?

Trao đổi với báo chí trong ngày 26/4, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có chia sẻ chi tiết về thời tiết các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Theo đó, dịp nghỉ lễ 30/5 - 1/5 tương đối dài nên thời tiết cũng có nhiều biến động. "Theo nhận định của chúng tôi thì ngày 28/4 đến sáng ngày 30/4, các tỉnh miền Bắc có khả năng chịu một đợt không khí lạnh yếu cuối cùng của mùa đông. Kết hợp với hội tụ gió trên cao thì vào khoảng chiều và đêm ngày 28/4 đến sáng ngày 30/4, khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xảy ra một đợt mưa rào và dông diện rộng. Nguy cơ xảy ra các hiện tượng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Sau đó, thời tiết chủ đạo ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ chủ yếu là tạnh ráo và ít mưa. Khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực vùng núi Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ trong giai đoạn từ ngày 1-3/5", ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Về thời tiết cụ thể tại những điểm du lịch, ông Hưởng thông tin, các tỉnh phía Bắc từ ngày 28 đến sáng 30/4 cần lưu ý khả năng mưa rào và giông, sau đó tạnh ráo và có nắng, không phải nắng gắt. Từ 1-3/5 thời tiết tương đối thuận lợi.

Các tỉnh phía Nam như Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Nam Bộ chịu tác động của khối không khí ổn định nên thời tiết trong những ngày nghỉ lễ tương đối ổn định. Tuy nhiên ở Nam Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng về trưa và chiều, mức nhiệt từ 35-36 độ.

Ngoài ra, theo ông Hưởng, tháng 4 hay thậm chí đầu tháng 5 trung bình nhiều năm vẫn có tác động của không khí lạnh nên đó là bình thường. Tuy nhiên ông lưu ý tác động này thường có sự tranh chấp giữa không khí lạnh và không khí nóng nên gây ra hiện tượng cực đoan lốc, sét, mưa đá, gió giật và các thiên tai khác kèm theo như mưa, lũ, nguy cơ trượt lở đất ở vùng núi phía Bắc.

Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật về chủ quyền biển, đảo

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Sở Thông tin và Truyền thông phía Bắc, cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, thông tin báo chí - xuất bản, các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

tm-img-alt
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, Việt Nam có đường bờ biển kéo dài trên 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ với hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ… Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã ý thức được tầm quan trọng và luôn coi việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị Trung ương VIII (khóa XII), Đảng đã khẳng định, “biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết, ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân về chủ quyền biển đảo còn hạn chế; nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển, phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ…; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Chính vì vậy, tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng, Nhà nước đã tiếp tục đề ra một số chủ trương lớn để phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân và của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới như: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” và “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế"…

Theo ông Hồ Hồng Hải, quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 9/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền về biển và hải đảo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về biển, đảo, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với các đối tượng là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên - những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách thông qua các sản phẩm báo chí, phóng sự của mình để để đưa các quan điểm, đường lối của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Tám của Đảng về công tác giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc đất nước.

Trình bày về “Tình hình thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm gần đây”, TS. Trần Công Trục - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã lưu ý tới báo chí, truyền thông cần phân biệt rõ: “Lãnh thổ quốc gia trên biển” (“Territories in Sea”) là thuật ngữ dùng để chỉ các vùng biển và thềm lục địa và các hải đảo thuộc chủ quyền, quyền và quyền tài phán quốc gia; bao gồm: Các thực thể địa lý (quần đảo, đảo, đá, bãi cạn) ở giữa biển và các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia sở hữu. Đồng thời cho rằng, đến nay trên một số phương tiện thông tin báo chí vẫn sử dụng sai tên gọi Biển Đông mà Nhà nước ta đã chính thức công bố. Biển Đông là danh từ riêng, viết hoa cả 2 chữ, không phải viết là: biển Đông…

“Lâu nay, cụm từ “chủ quyền biển đảo” thường được sử dụng để thay cho thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” áp dụng cho các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, với những quy chế pháp lý khác nhau khi xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, cũng như các quốc gia có biển hay không có biển khác. Điều này khiến cho nhiều người có nhận thức mơ hồ, lệch lạc về tính chất và mức độ bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp của quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo, quần đảo mà hậu quả có thể có tác động tiêu cực đến các hành xử của các cá nhân, cơ quan quản lý, của các tầng lớp nhân dân trước những sự kiện xảy ra trên từng khu vực khác nhau…”, TS. Trần Công Trục lưu ý.

Đánh giá về vị trí, vai trò quan trọng của biển và đại dương, chính sách pháp luật của Việt Nam trên Biển Đông, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Trung tá Nguyễn Thanh Minh chia sẻ, Việt Nam là quốc gia biển, biển và hải đảo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Xuất phát từ vị trí, vai trò của biển và hải đảo, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đều xây dựng và thực thi chính sách biển, có những giai đoạn chính sách về biển đã thể hiện được sự đồng bộ và có hiệu quả, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Minh, những chính sách về biển là nội dung vô cùng cần thiết đối với quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Biển đảo có vị trí, vai trò rất quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện ở ba phương diện: Đối với quốc phòng - an ninh, đối với sự phát triển kinh tế, đối với hợp tác quốc tế.

Thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về biển và hải đảo, Trung tá Nguyễn Thanh Minh cho biết, bên cạnh 7 đạo luật quan trọng có liên quan đến biển và hải đảo Việt Nam, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về biển như các Nghị định, Thông tư… mang tính thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng đã ban hành một số Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam. Nổi bật trong đó, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”…

Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trung tá Nguyễn Thanh Minh cho rằng, đây là những chính sách pháp luật quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, muốn khai thác phát biển bền vững cần phải bảo vệ môi trường; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Hà Nội sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cảnh báo, từ nay đến ngày 4-5, trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông, Hà Nội có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho người dân trên địa bàn thành phố dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm chế độ trực và theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới.

Cùng với nhiệm vụ trên, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; đặc biệt lưu ý các phương án ứng phó thiên tai, phương án phân luồng giao thông tại những khu vực tập trung đông người, khu du lịch… Đồng thời, chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư và nhân lực tại cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng huy động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả…

Quy định rõ quyền lợi người dân nơi khai thác khoáng sản

Mới đây, tại Đối thoại chính sách “Chi phí xã hội trong hoạt động khai thác mỏ” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức tại Hà Nội, Trung tâm đã dẫn chứng những số liệu tính toán từ Tổng điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy những con số đáng chú ý về hoạt động khai khoáng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có tổng cộng 3.804 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng. Xét theo lĩnh vực hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp khai khoáng tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá với 1.935 doanh nghiệp (chiếm tỉ lệ 50,87%) và khai thác cát sỏi với 873 doanh nghiệp (chiếm tỉ lệ 22,95%). Các doanh nghiệp khai thác kim loại và khai thác than có số lượng lần lượt là 330 doanh nghiệp (chiếm 8,68%) và 181 doanh nghiệp (chiếm 4,76%).

Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam đạt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng.

anh-2-mo-dong-sinh-quyen.jpg
Những năm qua, các dự án khai thác khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, nơi có khoáng sản được khai thác

Trong đó, phần lớn đến từ ngành khai thác than với gần 126,7 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 62,6% doanh thu toàn ngành khai khoáng). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành khai thác đá đứng thứ hai với gần 37,5 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 18,5% doanh thu toàn ngành khai khoáng), theo sau là các doanh nghiệp khai thác quặng kim loại với tổng doanh thu hơn 19 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 9,4% doanh thu toàn ngành khai khoáng).

Cơ cấu doanh thu của từng lĩnh vực phân theo loại hình sở hữu có sự khác nhau theo. Ví dụ, với ngành khai thác than, gần 95% doanh thu đến từ doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, với ngành khai thác đá, chỉ 3,1% doanh thu đến từ doanh nghiệp nhà nước, hơn 95% doanh thu đến từ doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2019, các doanh nghiệp ngành khai khoáng đóng góp khoảng 1.491,2 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp ngành khai thác than đóng góp 788,4 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 52,9%), các doanh nghiệp ngành khai thác đá đóng góp 394,9 tỷ đồng (tương đương 26,5%)...

Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ngành khai khoáng năm 2019 là gần 5.200 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp ngành khai thác đá có tổng lợi nhuận lớn nhất, xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Bình quân một doanh nghiệp ngành khai thác đá có lợi nhuận 11 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành khai thác than có tổng lợi nhuận vào khoảng 1.860,5 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có lợi nhuận khoảng 5,64 tỷ đồng.

Thời gian qua, các dự án khai thác khoáng sản cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân khi nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến tuyển dụng người địa phương vào làm việc, bao gồm cả lao động nữ làm công việc như nấu cơm, bảo vệ. Hoạt động khai khoáng cũng giúp phát triển các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương như mở quán tạp hóa bán đồ, mở quán ăn uống cho công nhân mỏ.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho thấy, trong giai đoạn 2012-2020, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ cho địa phương số tiền hơn 126 tỷ đồng, với gần 1,1 triệu lao động sử dụng trong hoạt động khai thác.

Quận 7 (TP.Hồ Chí Minh): Ra quân tổng vệ sinh môi trường

Tại lễ phát động, lãnh đạo Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7, các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo nhân dân đã cùng dọn dẹp, vớt rác trên rạch Song Tân (thuộc phường Tân Kiểng, Tân Quy).

Ngoài ra, UBND 10 phường cũng đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện tổng vệ sinh môi trường, vớt rác, phát quang, khơi thông dòng chảy 10 nhánh kênh, rạch trên địa bàn các phường với hơn 800 người tham gia.

tm-img-alt
Quận 7 tổ chức vớt rác trên kênh rạch

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành đề nghị các phường tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào tổng vệ sinh trên địa bàn; tăng cường tuần tra, xử lý kịp thời hành vi vứt rác không đúng nơi quy định. Tiếp tục thực hiện việc chuyển hóa các điểm phát sinh rác thành mảng xanh, công viên, nơi tập thể dục thể thao.

Thay mặt UBND quận 7, ông Lê Văn Thành kêu gọi người dân trên địa bàn quận dành ít nhất 15 phút mỗi tuần thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Thời gian qua, quận 7 đã thực hiện tổng vệ sinh, xóa bỏ 47 điểm rác tồn đọng; xây dựng được 9 tuyến đường không rác; 22 tuyến hẻm không rác; hoàn thành 63 công trình chuyển hóa các điểm phát sinh rác thành công viên, khu tập thể dục thể thao. Đồng thời, thực hiện vớt rác, phát quang, khơi thông dòng chảy 104 nhánh rạch nhằm giảm ngập nước. Toàn quận đã phát triển thêm hơn 12ha diện tích cây xanh trong năm 2021-2022.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới