Thứ năm, 28/03/2024 22:08 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/2/2023

MTĐT -  Thứ hai, 27/02/2023 16:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Tuổi trẻ Bình Thuận: Giữ gìn màu xanh của môi trường

Chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ diễn ra Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận – Hội tụ xanh. Để chuẩn bị cho lễ khai mạc cũng như các hoạt động được diễn ra trong Năm Du lịch quốc gia, ngay từ đầu năm, Bình Thuận đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của Năm Du lịch quốc gia.

Cùng với các đơn vị, địa phương xây dựng tổ chức các hoạt động hưởng ứng cho lễ khai mạc được diễn ra thành công, tạo ấn tượng sâu sắc với mỗi du khách khi đến với Bình Thuận, góp phần quảng bá, khai thác các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương.

Tỉnh đoàn đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho thanh niên, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động như Giờ trái đất, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh…

tm-img-alt
Mới đây nhất, gần 10.000 đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh đã ra quân làm sạch các bãi biển. Ảnh: Báo Bình Thuận

Mới đây nhất, gần 10.000 đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh đã ra quân làm sạch các bãi biển, quét dọn thu gom gần 15 tấn rác thải tại các tuyến đường, điểm đen chân rác; cạo, xóa bỏ hơn 1.000 biển quảng cáo, rao vặt sai quy định. Đồng thời, tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, triển khai các tuyến đường hoa, mô hình Cột điện nở hoa, mô hình Biến điểm đen rác thành vườn hoa… góp phần cải tạo cảnh quan môi trường đô thị, nông thôn.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm khiến 22 triệu người ở Đông Phi rơi vào cảnh chết đói

Giám đốc khu vực Đông Phi của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông Michael Dunford vừa qua cho biết hàng triệu người ở Đông Phi có nguy cơ rơi vào cảnh chết đói, giữa lúc khu vực này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Saudi Arabia, ông Dunford cho biết tình hình an ninh lương thực hiện nay ở Đông Phi, bao gồm cả vùng Sừng châu Phi, là "tồi tệ nhất" trong lịch sử gần đây. Đông Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua, sau 5 mùa mưa thất bát. Khu vực này sắp bước vào mùa mưa thứ 6 nhưng triển vọng cũng sẽ kém hiệu quả. Hạn hán đang ảnh hưởng đến 22 triệu người tại Đông Phi.

tm-img-alt
Gia súc chết do hạn hán tại Kajiado, Kenya ngày 21/10/2022. Ảnh: AFP

Ông Dunford cho biết thêm Ethiopia, miền Bắc Kenya và Somalia phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, với một nửa dân số của Somalia cần cứu trợ nhân đạo. Trong năm 2022, WFP đã mở rộng đáng kể hoạt động để tiếp cận hơn 5 triệu người trong khu vực, song tình hình được dự báo sẽ tiếp tục xấu đi.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 11/2022, một nhóm gồm 16 tổ chức quốc tế cho hay thiệt hại lớn về mùa màng và thu nhập do hạn hán nghiêm trọng gây ra trong 2 năm qua đã khiến hàng triệu người ở Somalia, Kenya và Ethiopia rơi vào khủng hoảng. Hơn 3 triệu người tại các nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp. Điều này nghĩa là họ thường xuyên nhịn ăn trong ngày và phải bán tài sản của mình để tồn tại. Tại Somalia, hạn hán đã khiến hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ đồng ruộng của họ để chuyển đến các địa điểm sơ tán.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hà Nội điều chỉnh giá bán buôn nước sạch sinh hoạt

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thông tin về giá nước sạch sinh hoạt và lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đối với chủ trương của thành phố.

Đồng thời, thành phố tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm, hiệu quả, tạo điều kiện phát triển nguồn cung cấp và mạng lưới cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để 100% người dân đô thị, nông thôn đều được sử dụng nước sạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn và mạng cấp nước. Theo đó, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực nông thôn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.

Ngoài ra, giá nước sạch được thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố) 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai tiếp dự án.... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Tiên Yên (Quảng Ninh): Đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Đối với Bộ tiêu chí xã NTM có 1/19 tiêu chí và 12/57 chỉ tiêu về môi trường. Còn với Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao có 2/19 tiêu chí và 20/75 chỉ tiêu liên quan đến môi trường và chất lượng môi trường sống. Bộ tiêu chí huyện NTM và huyện NTM nâng cao, các nội dung liên quan đến môi trường và chất lượng môi trường sống cũng chiếm 1/4 tiêu chí và chỉ tiêu chung.

Có thể thấy, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 rất chú trọng công tác môi trường và chất lượng môi trường sống. Mặc dù một số nội dung bổ sung trong tiêu chí môi trường được cho là khắt khe hơn, thách thức mục tiêu xây dựng NTM của các địa phương, nhưng trong bối cảnh môi trường hiện nay, sự chặt chẽ này càng cần thiết và quan trọng hơn. Môi trường được xác định là một trong 4 tiêu chí cơ bản trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM (thu nhập, việc làm, hộ nghèo, môi trường).

Công ty CP Môi trường đô thị Tiên Yên thu gom rác thải sinh hoạt.
Công ty CP Môi trường đô thị Tiên Yên thu gom rác thải sinh hoạt.

Để thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM gắn với thực hiện xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Tiên Yên đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, trong đó có các mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Trong năm 2022, huyện đã lắp đặt 360 thùng đựng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và 117 bảng tin tuyên truyền. Huyện cũng hỗ trợ 730 thùng và men vi sinh cho 730 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn, phân loại rác thải hữu cơ để ủ phân hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật cách ủ rác thải hữu cơ thành phân vi sinh.

Huyện còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân di dời chuồng trại không đảm bảo quy định sang các vị trí phù hợp, áp dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, nhất là trong chăn nuôi gà. Qua đó, đảm bảo công tác chăn nuôi trên địa bàn đáp ứng các quy định về vệ sinh thú ý, chăn nuôi và bảo vệ môi trường theo quy định.

Diện mạo xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên ngày một thay đổi nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường.
Diện mạo xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên ngày một thay đổi nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường. Ảnh: Xuân Thao - Trung tâm TT-VH huyện Tiên Yên

Để đáp ứng các tiêu chí xây dựng môi trường an toàn theo Bộ tiêu chí Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, huyện Tiên Yên cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; Tập trung xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh, đảm bảo ít nhất mỗi thôn có 1 tuyến đường. Huyện cũng huy động các lực lượng tham gia cải tạo cảnh quan môi trường, vệ sinh từ nhà ra ngõ, thực hiện sử dụng thùng rác đạt chuẩn; Duy trì "Ngày chủ nhật xanh" hàng tuần, huy động được đông đảo người dân tham gia. Nhờ vậy, toàn huyện đã huy động trên 20.000 ngày công lao động tham gia thực hiện chương trình xây xựng NTM, vệ sinh môi trường, quy đổi thành tiền tương đương 10 tỷ đồng.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Đà Nẵng: Không vận chuyển khoáng sản khai thác phục vụ công trình xây dựng ngoài địa bàn

Theo đó, trên cơ sở báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường, cùng ý kiến tham gia của các sở, ngành hữu quan, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh quán triệt, việc khai thác khoáng sản chỉ để phục vụ cho nhu cầu cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố; không xem xét, xử lý kiến nghị được vận chuyển khoáng sản phục vụ các công trình ngoài địa bàn thành phố. Nếu trường hợp cần thiết thì các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, xử lý cụ thể.

Đồng thời, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng thống nhất nguyên tắc lập thủ tục cho phép các mỏ khai thác khoáng sản chấp hành tốt các quy định về khai thác, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trong quá trình hoạt động, được nâng trữ lượng, mở rộng và tăng công suất, gia hạn khai thác. Tuy nhiên, phải cam kết bảo đảm theo các quy định của pháp luật và khai thác phải có cam kết bảo vệ môi trường tại khu vực.

tm-img-alt
Đà Nẵng quán triệt, việc khai thác khoáng sản chỉ để phục vụ cho nhu cầu cung ứng vật liệu xây dựng tại thành phố này, không vận chuyển khoáng sản phục vụ các công trình ngoài địa bàn.

Ngoài ra, các đơn vị khai thác phải có cam kết chỉ cung cấp nguồn vật liệu cho các công trình trên địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên cho các công trình đầu tư công, công trình động lực, trọng điểm của thành phố khi có yêu cầu.

Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện theo chủ trương trên, bảo đảm công tâm, khách quan và tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.