Thứ sáu, 29/03/2024 18:16 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/4/2023

MTĐT -  Thứ năm, 27/04/2023 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Hội thảo “Một số vấn đề về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)”

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin tham khảo khách quan, đa chiều phục vụ các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bà Trịnh Giáng Hương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội và ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trịnh Giáng Hương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội cho biết, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Bởi vậy, việc tổ chức hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội về tài nguyên nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là Dự thảo lần thứ 5, qua đó cho thấy, Chính phủ, đặc biệt là cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất cầu thị, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý.

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các cơ quan hữu quan tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo để thu thập thêm các ý kiến đa chiều. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Hội thảo lần này với sự hỗ trợ kỹ thuật tích cực của Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam chắc chắn mang lại kết quả tích cực, cung cấp thêm nhiều thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.

z4298798816273_b7bd6f26b70d83b99258d5e1b9972392.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 9 chuyên gia trình các bài tham luận về một số vấn đề về việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay; Khuôn khổ pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay; Một số mô hình cải tiến phục vụ đánh giá, lượng giá kinh tế và quản lý an ninh nguồn nước; Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và một số kiến nghị; Các thách thức và giải pháp phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, hướng tới mục tiêu quản lý tài nguyên nước bền vững ở Việt Nam; Giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước và một số nhận xét, kiến nghị với dự thảo sửa đổi Luật Tài nguyên nước; Quản lý tài nguyên nước trong nền kinh tế tuần hoàn; Một số vấn đề về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Mô hình quản trị nước thông minh một số quốc gia trên thế giới.

Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường

Hội nghị nhằm nâng cao kiến pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam đồng thời góp phần thiết thực, hiệu quả vào công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, xây dựng môi trường sống trong sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ITN

Đại diện Hội Luật gia Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Dự báo, đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá trong đại dương. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng chất thải nhựa xả ra đại dương hàng năm.

Tác hại của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tỷ lệ ung thư ngày càng tăng một phần do ô nhiễm môi trường… 

Trong những năm gần đây, môi trường và phát triển bền vững là vấn đề luôn được các ngành, các cấp quan tâm. Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường được khẳng định rõ trong chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, bao gồm các quy định chung về bảo vệ môi trường và các quy định trực tiếp, cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, đoàn thể, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam.

Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường

Nhằm mục đích nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong việc cùng thúc đẩy thực hiện cấp nước an toàn, bảo đảm an ninh nguồn nước, vệ sinh môi trường và thực hành tốt vệ sinh cá nhân, hướng tới bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp tập trung: Tập trung tuyên truyền, treo biểu ngữ, áp phích, phân phát tài liệu, tờ rơi phổ biến cho cán bộ, công nhân viên, người lao động với mục tiêu, nội dung, nhân tố điển hình, bài học hay về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường tại doanh nghiệp.

tm-img-alt
Cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam (KCN Yên Phong) ra quân dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Các thông điệp cụ thể: Nhiệt liệt hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023; Nước sạch và vệ sinh an toàn mang lại cuộc sống, sức khỏe cho tất cả mọi người.; Thực hiện cấp nước an toàn là thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội; Tiếp cận nước an toàn là quyền và nghĩa vụ của mỗi người; Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường vì chất lượng cuộc sống; Cộng đồng chung tay bảo vệ và giám sát chất lượng nguồn nước; Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch góp phần kiểm soát dịch bệnh; Mỗi người, mỗi ngày hãy làm một hành động tốt để giữ gìn vệ sinh môi trường…

Căn cứ vào điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động mít tinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom sử lý chất thải, thau rửa, vệ sinh các công trình nước sạch và các công trình vệ sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc không sử dụng túi nilon khó phân hủy, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Khuyến khích phát hiện, sử dụng các loại sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; Nghiên cứu, lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong mỗi doanh nghiệp.

Nghiêm túc thực hiện các quy định theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải phát sinh của doanh nghiệp theo quy định; Đầu tư, vận hành công trình bảo vệ môi trường theo quy định; dọn dẹp vệ sinh môi trường tại khu công nghiệp, nhà máy và khu vực xung quanh, góp phần xây dựng khu công nghiệp “Xanh, sạch, đẹp”.

Quảng Bình: Thiệt hại do thiên tai năm 2022 khoảng 286 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, năm 2022, tình hình thiên tai có phần giảm nhẹ so với những năm gần đây, ít hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên diễn biến phức tạp, khó lường, trái quy luật nhiều năm, như: Lũ trái mùa vào đầu tháng 4; tháng 6 mới xuất hiện bão; tháng 11, 12 còn xuất hiện lũ.

Năm 2022, do ảnh hưởng của thiên tai, toàn tỉnh có 914 nhà bị ngập; 8.300m chiều dài kênh mương, 2.400m đê bị sạt lở, cuốn trôi; 2 hồ chứa nước bị hư hỏng, sự cố; 9.380 ha lúa và 557 ha hoa màu và cây ăn quả bị ngập, thiệt hại; 917 ha cá lúa và 62 lồng bè bị cuốn trôi; 15.348m chiều dài đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở và sạt lở bờ sông, biển dài 69,9km làm 11 nhà dân bị đổ, hư hỏng phải di dời. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do mưa lũ khoảng 286,7 tỷ đồng.

1(1).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì hội nghị. Ảnh: Ngọc Hải

Năm qua, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức kiện toàn, thành lập Ban Chỉ huy PCTTvà TKCN; nâng cao năng lực đội xung kích PCTT tại các địa phương; thực hiện có hiệu quả công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão TKCN tại huyện Tuyên Hóa, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảng Hàng không Đồng Hới; tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và lập phương án hộ đê năm 2022…

Mặt khác, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai các đài từ Trung ương đến địa phương tương đối chính xác, tần suất liên tục nên đã cung cấp thông tin kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành; UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 105 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai đối với các công trình bị sự cố, hư hỏng do các đợt thiên tai năm 2022 gây ra…

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 4-6/2023, lượng mưa tại khu vực Việt Nam và các vùng lân cận có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng bão, ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn. Có khoảng 10-12 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 2-4 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Trung Trung Bộ; hiện tượng El Nino đang có xu hướng mạnh lên báo hiệu một mùa hè nắng nóng gay gắt, nguy cơ rất cao về cháy rừng, hạn hán vào mùa khô; mưa, bão diễn biến phức tạp vào cuối năm.

Quảng Ngãi: Chú trọng công tác quản lý bảo vệ môi trường

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân - chủ trì phiên giải trình, nhấn mạnh: “Đây là nội dung không thể tách rời trong đường lối chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, Bí thư tỉnh ủy đề nghị cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Các địa phương lưu ý không mở rộng những khu, cụm công nghiệp hiện có cũng như đầu tư phát triển các cụm công nghiệp mới; không cấp phép đầu tư các dự án sử dụng công nghệ máy móc lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới. Các địa phương cần giám sát đặc biệt đối với các khu, cụm công nghiệp có nguy cơ trở thành điểm nóng về môi trường; nâng cao khả năng dự báo về môi trường, tuyên truyền những chính sách pháp luật, giữ vững kỷ cương về môi trường ở các khu, cụm công nghiệp…”.

tm-img-alt

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì phiên giải trình.

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Đức Trung cho biết: “Ngành công nghiệp giữ vai trò trụ cột, quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thời gian qua, việc phát triển một số ngành công nghiệp như thép, lọc dầu, bột giấy đã đặt ra nhiều thách thức về môi trường tại tỉnh. Từ năm 2017, Sở TN&MT đã triển khai Hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động tại 8 doanh nghiệp có nguồn phát sinh khí thải, nước thải lớn với 23 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động. Đây là giải pháp quan trọng giúp phát hiện kịp thời nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường”.

“Hiện nay, tỉnh có 18 cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đây là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN rà soát lại hạ tầng kỹ thuật, xây dựng lộ trình kế hoạch đầu tư đáp ứng nhu cầu hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Trước mắt, Sở TN&MT tỉnh kiến nghị chỉ thu hút các dự án đầu tư sản xuất mới không xả thải môi trường, kiên quyết không cấp phép đầu tư các dự án không có phương án bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…” - ông Trung nhấn mạnh.

Xác định công tác quản lý, bảo vệ môi trường hiện nay là rất quan trọng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục cụ thể hóa các văn bản liên quan và có kế hoạch chi tiết đối với công tác quản lý bảo vệ môi trường; chú trọng thực hiện kiểm tra, giám sát hệ thống xử lý nước thải, chất thải tại các Cụm công nghiệp, Khu công nghiệp, nhất là các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân…

Sóc Trăng phát động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và môi trường năm 2023

Dự lễ có các đồng chí: Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng, Cục Thủy lợi Việt Nam; Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Long Phú; đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (gọi tắt là tổ chức UNICEF).

Theo Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lương Văn Anh, Tuần lễ quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường do Thủ tướng Chính phủ phát động từ ngày 29/4 đến 6/5 hằng năm đã tạo nên phong trào sâu rộng trong cả nước tham gia bằng các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn và bảo vệ nguồn nước sạch vì sức khỏe của người dân, vì một cuộc sống sạch, đẹp, văn minh hơn.

Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được Chính phủ quan tâm, được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền địa phương và nhân dân. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh hơn 92%, 56% sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam, 94% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu (80% có nhà tiêu hợp vệ sinh), 96% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh.

tm-img-alt
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện quy trình 06 bước rửa tay sạch với xà phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ảnh: soctrang.dcs.vn

Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm nay với chủ đề “Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người” được phát động tại tỉnh Sóc Trăng (một trong những vùng chịu ảnh hưởng lớn của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu) có ý nghĩa lớn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Góp phần đạt được mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền núi phía Bắc.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới