Thứ sáu, 26/04/2024 04:17 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/4/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 28/04/2023 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/4/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/4/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Ngày đầu nghỉ lễ 30/4-1/5, miền Bắc rét dưới 17 độ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát hành bản tin dự báo gió mùa đông bắc. Đây là đợt không khí lạnh cuối cùng của mùa đông, theo các chuyên gia khí tượng.

Theo đó, vào lúc 15h00 ngày 28/4, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Đến khoảng gần sáng và ngày 29/4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4.

Ngày và đêm 29/4, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 19-22 độ, vùng núi có nơi dưới 17 độ.

Trên biển, từ ngày 29/4, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động.

Từ đêm 28-29/4, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 30-50mm, có nơi trên 80mm. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ chiều tối ngày 29-30/4 có mưa rào và dông rải rác; cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.

Yên Bái sẽ đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Báo Đáp

Ngay sau khi, thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện “Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” (đề án), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước đã đi kiểm tra thực tế bãi rác sinh hoạt tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

343293931_1601831356889115_8664729986427821452_n.jpg
Bãi rác thải sinh hoạt xã Báo Đáp hiện mỗi ngày thu gom khoảng 16 tấn rác thải

Bãi rác thải sinh hoạt xã Báo Đáp hiện mỗi ngày thu gom khoảng 16 tấn rác thải tại thị trấn Cổ Phúc và một số xã của huyện Trấn Yên, quy trình sau khi thu gom được chôn lấp rất thô sơ, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác, đã gây ô nhiễm môi trường. Công tác vận hành các hạng mục công trình tại các bãi chôn lấp chưa đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.

Qua kiểm tra thực tế Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước nhất trí với phương án mở rộng diện tích bãi rác sinh hoạt tại xã Báo Đáp hiện nay từ 2ha lên 7ha và đầu tư lò đốt rác sinh hoạt có khả năng xử lý 60 tấn rác mỗi ngày, đảm bảo việc xử lý rác của 25 xã và 2 thị trấn của huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên.

343221018_554453879918354_5241715685919393670_n.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước (đứng thứ 4 bên trái sang)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị UBND huyện Trấn Yên khẩn trương triển khai các thủ tục trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành các hạng mục của lò đốt rác vào cuối năm 2023 và đưa vào vận hành trong năm 2024.

Việc sớm hoàn thành lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Báo đáp sẽ góp phần giúp huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên thực hiện có hiệu Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và từng bước giữ vững và nâng cao tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thừa Thiên - Huế: Đến năm 2030, 100% chất thải rắn được xử lý đảm bảo môi trường

Sự gia tăng nhanh chóng của rác thải đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết nâng cao năng lực xử lý của các địa phương. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đến năm 2030 để làm cơ sở thực hiện lâu dài góp phần đảm bảo môi trường cả khu vực đô thị và các địa bàn nông thôn.

Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế được chia ra 2 giai đoạn, gồm giai đoạn đến 2025, với kinh phí thực hiện khoảng 706 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030, với tổng kinh phí khoảng 1.209 tỷ đồng.

Đề án đặt mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, các trung tâm huyện lỵ của tỉnh Thừa Thiên - Huế và trên 90% khu dân cư tập trung ở nông thôn được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường. Các chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt của các hộ gia đình được phân loại riêng với chất thải rắn sinh hoạt, được thu gom riêng để vận chuyển và xử lý từ 70% lên 100%.

tm-img-alt
Thừa Thiên - Huế đầu tư gần 2.000 tỷ đồng triển khai Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đến năm 2030.

Theo đó, các khu xử lý chất thải rắn hiện hữu dự kiến được cải tạo, giảm tải, khắc phục tình trạng ô nhiễm và tiến tới đóng cửa các bãi chôn lấp đã quá tải.

Cụ thể, nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền cũng được hoàn thành nâng cấp.

Được biết, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) theo mô hình Nhà máy đốt rác - phát điện do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Thừa Thiên - Huế triển khai có công suất 600 tấn/ngày đêm. Diện tích quy hoạch khoảng 11,234 ha, với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.

Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp, phát điện đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Khi nhà máy đưa vào vận hành sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm do các khu chôn lấp rác ở xã Thủy Phương đã đến thời kỳ đóng cửa vì hết sức chứa.

Cũng theo quy hoạch, Thừa Thiên - Huế sẽ cải tạo, nâng cấp khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy để phục vụ cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và vùng phụ cận; xúc tiến đầu tư nhà máy ở khu xử lý Hương Bình (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà).

Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện, cơ sở kinh doanh được thu gom và xử lý.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mỗi ngày cả nước phát sinh gần 65.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó TP.HCM khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn.

Đà Nẵng: Đảm bảo an ninh nguồn nước

Trong 10 năm qua, tại TP. Đà Nẵng đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ và trên diện rộng. Tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu hiện nay cho người dân Đà Nẵng, những ngày nước bị nhiễm mặn, độ mặn trung bình vượt hơn 1.000mg/l, thậm chí độ mặn đo được ngày 28/7/2015 lên đến 13.580mg/l, vượt xa ngưỡng an toàn của nước sinh hoạt. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu nước sạch của thành phố.

danang1.jpg
TP. Đà Nẵng đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ và trên diện rộng

Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy nước Hòa Liên (giai đoạn I) có công suất 120.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Giai đoạn II, công suất nhà máy sẽ đạt mức 240.000 m3/ngày, với mục tiêu bổ sung nguồn nước sạch cho các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và các xã phía bắc của huyện Hòa Vang. Sau này, khi nâng công suất dự án Nhà máy nước Hòa Liên lên 240.000m³/ngày đêm, sẽ tập trung xây dựng một hồ chứa lớn trên sông Bắc để cấp nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên vào mùa hè.

Bên cạnh đó, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) hoàn thành lắp đặt trạm bơm và tuyến ống mới chuyển tải nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ thuộc dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm.

Ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết, hiện nay công suất cấp nước theo thiết kế của các nhà máy nước, trạm cấp nước do Dawaco quản lý hiện nay là 352.000 m3/ngày đêm. Tính thêm Nhà máy nước Hòa Liên thì tổng công suất cấp nước theo thiết kế của toàn thành phố là 472.000 m3/ngày đêm.

Trong trường hợp nhu cầu sử dụng nước gia tăng, Nhà máy nước Cầu Đỏ có thể hoạt động vượt tải thêm 15% công suất. Đến năm 2029, Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ được đầu tư nâng công suất thêm 100.000 m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của thành phố từ năm 2030, nâng tổng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ vào năm 2030 là 390.000 m3/ngày đêm.

danang3.jpg
Đà Nẵng đã công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê

Hướng đến bảo vệ an toàn nguồn nước, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND về việc phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt trên sông Cu Đê thuộc Dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Theo đó, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt là toàn bộ khu vực lòng hồ trùng với hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa (tương ứng với cao trình đỉnh đập).Với quyết định này, càng có cơ sở để Đà Nẵng thực hiện nghiêm quy định bảo vệ vệ sinh môi trường sông Cu Đê góp phần giữ vững an ninh nguồn nước theo quy hoạch đến năm 2050 sẽ là nhà máy thứ 2 đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng tại Ninh Thuận ở cấp nguy hiểm

Tin trên VOV, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra 15 điểm cháy rừng (gồm huyện Thuận Nam 3 điểm cháy; huyện Ninh Sơn 7 điểm cháy; huyện Bác Ái 5 điểm cháy), hiện trạng cháy lan mặt đất, chủ yếu cháy trảng cỏ, cây bụi, không ảnh hưởng lớn đến cây rừng, không gây thiệt hại đến diện tích rừng.

Ông Lê Minh Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết, các điểm cháy đều được lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và cộng đồng nhận khoán triển khai chữa cháy kịp thời và theo dõi chặt chẽ để điểm cháy không bùng phát trở lại.

“Trong những ngày này tình hình nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV (Cấp nguy hiểm) và khả năng có thể lên cấp V (Cấp cực kỳ nguy hiểm), về phía Chi cục Kiểm lâm cũng như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra đợt cao điểm trong thời gian nắng nóng như hiện nay. Dự kiến từ nay đến 30/4”, ông Sang cho hay.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng trong thời gian tới gồm các lâm phần trên địa bàn huyện Ninh Sơn, Bác Ái và một phần trên địa bàn huyện Thuận Nam. Do tình hình nắng nóng, khô hanh, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, vì vậy để chủ động trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, cũng cần đến sự chung tay góp sức của người dân sống ven rừng.

Gia tăng hạn hán ở vùng Sừng châu Phi do tình trạng ấm lên toàn cầu

Nếu không có hiện tượng ấm lên toàn cầu, một đợt hạn hán tàn khốc đã không xảy ra ở vùng Sừng châu Phi. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo của Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) công bố ngày 27/4.

Kể từ cuối năm 2020, các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan, đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Báo cáo của WWA khẳng định biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến xác suất xảy ra hạn hán nông nghiệp ở vùng Sừng châu Phi tăng gấp 100 lần. Tình trạng hạn hán tàn khốc ở khu vực này đã không xảy ra nếu không chịu tác động từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

tm-img-alt
Người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở thị trấn Laisamis, Marsabit (Kenya. Ảnh: THX

Nghiên cứu của WWA có sự tham gia của 19 nhà khoa học, tập trung vào 3 khu vực ở vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán gồm miền Nam Ethiopia, Somalia và miền Đông Kenya. Qua phân tích lượng mưa ở 3 khu vực hạn hán nhất ở vùng Sừng châu Phi này trong các năm 2021 và 2022, các nhà khoa học phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang đảo lộn chu kỳ lượng mưa. Mùa mưa dài (từ tháng 3 đến cuối tháng 5) đang ngày càng thu hẹp với lượng mưa giảm một nửa, trong khi những mùa mưa ngắn (từ tháng 11 đến cuối tháng 12) đang trở nên ẩm ướt hơn do biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học trên giải thích mặc dù biến đổi khí hậu ít ảnh hưởng đến tổng lượng mưa hằng năm trong khu vực, song nhiệt độ cao hơn đã làm tăng đáng kể lượng nước bốc hơi từ đất và thực vật, khiến đất ngày càng khô hạn. Nếu không xảy ra hiệu ứng tăng nhiệt, vùng Sừng châu Phi sẽ không phải hứng chịu hạn hán nông nghiệp - khi cây trồng và đồng cỏ bị ảnh hưởng do thời tiết khô hạn - trong 2 năm qua. Tình trạng thời tiết trên gây mất mùa trên diện rộng và gia súc chết hàng loạt, đồng thời khiến hơn 20 triệu người đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Nhà khí hậu học người Kenya Joyce Kimutai, thành viên nhóm soạn thảo báo cáo trên, khuyến cáo các nước cần hành động ngay lập tức, tập trung vào việc chuyển đổi và nâng cao năng lực ứng phó. Bà nêu bật sự cần thiết phải đổi mới một cách xuyên suốt và toàn diện các hệ thống lương thực, nâng cao sự hợp tác, vận động sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương, tận dụng tốt nhất dữ liệu và thông tin, cũng như kết hợp các công nghệ mới và kiến thức truyền thống.

Được các nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thành lập, trong những năm gần đây, mạng lưới WWA đã tạo dựng được uy tín về khả năng đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với hiện tượng thời tiết cực đoan. Các báo cáo cũng như nghiên cứu của tổ chức này được coi như các cảnh báo khẩn cấp, không cần trải qua quá trình bình duyệt mất nhiều thời gian như yêu cầu của các tạp chí khoa học. Tuy nhiên, các ấn phẩm đều được dựa trên các phương pháp tiếp cận đã được phê duyệt trước đó.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.