Thứ ba, 23/04/2024 18:39 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/7/2020

MTĐT -  Thứ tư, 29/07/2020 06:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/7/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/7/2020.

8 triệu người dân Ấn Độ chịu ảnh hưởng của lũ lụt

Lũ lụt do tình trạng mưa lớn tác động nghiêm trọng đến hai bang nghèo nhất Ấn Độ, ảnh hưởng 8 triệu người dân và khiến 111 người thiệt mạng kể từ tháng 5/2020, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành tại quốc gia này.

euters hôm nay (28-7) cho biết, mực nước sông Brahmaputra thuộc bang phía Đông Bắc Assam đã vượt quá mức nguy hiểm, trong khi mưa lớn bắt đầu từ tuần này tại bang Bihar ở phía Đông Ấn Độ sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 29-7.

Kể từ khi gió mùa bắt đầu ngày 1-6 vừa qua, lượng mưa tại bang Assam đã tăng 15% so với mức trung bình 50 năm. Trong khi đó, bang Bihar cũng nhận lượng mưa tăng thêm tương đương 47%.

Những trận lũ lụt tại bang Assam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5,7 triệu người dân, trong đó hơn 45.000 người hiện phải sinh sống tại các trung tâm cứu trợ tạm thời.

Còn tại bang Bihar, tình trạng tương tự cũng tác động đến cuộc sống của hơn 2,4 triệu người, với khoảng 12.800 người sinh sống trong các khu tạm trú của chính phủ.

Mở đợt vệ sinh, tiêu độc môi trường trong chăn nuôi mùa mưa lũ năm 2020

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã ban hành Công văn số 205/CNTY-QLDB đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã triển khai vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm mùa mưa lũ năm 2020.

Hiện nay, thời tiết bất thường, nắng, nóng, mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh có thể lây lan qua đường sông, suối từ những nơi có ổ dịch cũ hoặc nơi nguy cơ cao dễ làm tái phát dịch bệnh gia súc, gia cầm. Để chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho con người, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội triển khai đợt vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm mùa mưa lũ. Theo đó, thời gian thực hiện từ ngày 10-8 đến 20-8-2020.

Đối tượng vệ sinh, khử trùng và tiêu độc gồm: Khu chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, kinh doanh động vật, nơi nguy cơ cao, nơi tập trung gia súc, gia cầm; khu vực nước thải sơ chế, chế biến sản phẩm động vật. Đặc biệt, các vùng ngập úng có mật độ chăn nuôi cao; các ổ dịch cũ như tai xanh, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi…

Để làm tốt nhiệm vụ trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức, triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn phối hợp tốt với trạm chăn nuôi và thú y trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng đối tượng và đúng quy định; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu hồi, quản lý vỏ chai, bao bì hóa chất sau khi sử dụng tiêu hủy đúng quy định, không gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm…

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc hướng dẫn quy trình kỹ thuật vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường tại địa bàn phụ trách; thực hiện việc vệ sinh, khử trùng và tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua chốt đúng quy định; chuẩn bị hóa chất đầy đủ phục vụ nhiệm vụ nêu trên.

Nghệ An: Hạn hán, hàng nghìn hecta lúa chết cháy

Nắng nóng kéo dài trong thời gian vừa qua đã làm cho nhiều diện tích gieo trồng ở tỉnh Nghệ An lâm vào cảnh hạn hán khốc liệt, hàng nghìn hecta lúa khô héo, thiếu nước trầm trọng.

Tại tất cả các địa phương, nhất là các vùng như Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành..., tình trạng khô hạn diễn ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, tại các vùng chuyên canh lúa cũng bắt đầu bị ảnh hưởng nặng như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và thành phố Vinh.

Hiện, Nghệ An có 86.000ha lúa, trong đó đến nay có hơn 1.000 ha lúa mùa và lúa Hè Thu bị chết. UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn như: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thống nhất kế hoạch xả nước gắn với nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du.

Huyện Nghi Lộc hiện có 5 trạm bơm, 8 hồ chứa, 2 cống ngăn mặn giữ ngọt, phục vụ tưới gần 2.860ha lúa/vụ do Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An quản lý. Mặc dù thường xuyên được nạo vét, nhưng do được xây dựng từ lâu, mực nước hạ thấp nên hiện nhiều công trình không thể tiếp tục cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất.

Theo ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc: “Thời điểm hiện tại, gần 3.000 ha lúa của huyện đang bị hạn, trong đó gần 1.500 ha lúa hạn nặng, 700 ha lúa bị hạn từ 30-70%. Diện tích lúa bị hạn tập trung tại các xã Nghi Trung, Nghi Hoa, Nghi Mỹ, Nghi Phương. Ông nhận định, trong vòng 5 ngày tới nếu không có mưa thì hơn 3.000 ha lúa đã gieo cấy sẽ khô kiệt, chết. Chưa năm nào mà tình trạng hạn lại nặng như năm nay, trước tình trạng đó, UBND huyện tuyên truyền cho bà con nông dân chuyển đổi cây trồng thay thế cây lúa đã bị chết".

Tương tự, hạn hán cũng làm cho hàng nghìn hecta lúa tại huyện Hưng Nguyên có nguy cơ chết cháy. Nhiều hộ nông dân đã phải chuyển đổi việc sản xuất lúa sang hoa màu hoặc chăn nuôi gia súc. Hiện toàn huyện có 2.000 ha lúa bị hạn, chủ yếu là lúa trong thời kỳ đẻ nhánh, trong đó có 1.500 ha bị hạn nặng lúa khô héo, chết cháy.

Theo báo cáo của Cty TNHH MTV Thủy Lợi Nam, từ ngày 01/5/2020 đến ngày 16/07/2020 thời tiết không có mưa, nắng nóng diễn ra gay gắt trên toàn hệ thống mực nước sông Lam xuống thấp, cống Nam Đàn không có nước nguồn vào nên mực nước các sông và kênh thuộc hệ thống khô cạn có những trạm bơm không thể hoạt động được như trạm 16A, trạm 16B, trạm Thọ Sơn... do đó có nhiều vùng bị hạn.

Theo đó, diện tích bị hạn tại Nam Đàn (tính từ ngày 1/5 đến 30/6) là 130 ha; huyện Hưng Nguyên là 472,8 ha; TP Vinh là 1.184,4 ha; Nghi Lộc 2699, 83 ha. Trong đó, hạn gia tăng từ ngày 1/7 đến 16/7 tại huyện Nam Đàn là 685,47 ha; Hưng Nguyên là 505,5 ha; xí nghiệp thủy lợi Vinh 209,6 ha; Xí nghiệp thủy lợi Nghi Lộc: 1.466,54 ha.

Nếu trong những ngày tới không có mưa nắng nóng kéo dài thì diện tích hạn tiếp tục tăng lên; Diện tích khả năng bị hạn thêm như sau: XN Nam Đàn: 180 ha; XN Hưng Nguyên: 600 ha; XN Vinh: 41,06 ha; XN Nghi Lộc: 81 ha.

TP.HCM: Hướng đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển

Nhằm đảm bảo ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra biển từ các nguồn thải trên đất liền và từ các nguồn thải trên biển, hướng đến mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030, mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương và đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.

Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng các nội dung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với biển và đại dương, môi trường và sức khỏe con người.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền từ các hoạt động trên biển để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã được đề ra.

Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, chỉ số tiêu thụ nhựa hiện nay trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, khoảng 50 kg/năm/người. Sản phẩm nhựa Việt Nam được chia làm các nhóm chính, gồm nhựa bao bì (39%), nhựa gia dụng (32%), nhựa vật liệu xây dựng (14%), nhựa công nghệ cao (9%) và nhóm còn lại (5%). Mặc dù nhận thức và ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân đã có những chuyển biến tích cực, cùng với đó tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn tăng dần theo các năm, trong đó có chất thải nhựa và túi nylon, tuy nhiên Việt Nam vẫn tạo ra khoảng 1,83 triệu tấn nhựa không được quản lý hàng năm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới