Thứ tư, 24/04/2024 08:36 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 31/5/2023

MTĐT -  Thứ tư, 31/05/2023 17:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Thời tiết 10 ngày tới: Miền Bắc ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông

Trong vòng 24 giờ tới, miền Bắc và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Từ Khánh Hòa đến Bình Thuận đêm có mưa rào và dông vài nơi, có nơi mưa to, ngày nắng nóng.

Miền Nam và khu vực Tây Nguyên có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to (mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Miền Bắc từ ngày 2-4/6 ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Từ đêm 1-7/6 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (tập trung vào khoảng thời gian chiều tối và tối).

Khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế từ ngày 2-5/6 ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Từ chiều tối và đêm 5/6 đến ngày 9/6 có mưa rào và dông rải rác vào lúc chiều và tối.

Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận từ ngày 2-5/6 phía Bắc có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; phía Nam từ ngày 04-09/6 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và tối).

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Đại biểu Quốc hội: Cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo nước sinh hoạt

Quan tâm đến việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tráng A Dương cho biết thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mà cử tri, Nhân dân quan tâm, kỳ vọng, đồng tình, ủng hộ, đặc biệt là cử tri, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện.

Chương trình đến nay đã cơ bản hoàn thành việc ban hành cơ chế quản lý các quy định, định mức hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình. Việc tổ chức triển khai bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.

1.jpg
Quang cảnh phiên họp

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, còn một số dự án dự án thành phần của chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng chậm triển khai tiến độ giải ngân đạt thấp, gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn sử dụng, làm chậm tiến độ thực hiện.

Đại biểu Tráng A Dương nhấn mạnh, chậm triển khai một ngày là thêm một ngày người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi để được tiếp nhận chính sách và thêm một ngày nguồn lực đầu tư cho chương trình bị lãng phí. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn với trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương đẩy mạnh việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình thủ tục rút gọn, bảo đảm phù hợp với tình hình và năng lực thực thi của cấp cơ sở.

Đại biểu Tráng A Dương cũng phản ánh tình hình của Hà Giang là vùng núi đá, địa hình đồi núi, dốc, thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là về mùa khô. Đại biểu cho biết từ đầu năm đến nay tình trạng khô hạn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Người dân lại phải đi lại hàng chục cây số để chở từng ca nước về phục vụ cuộc sống sinh hoạt.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, đại biểu Tráng A Dương phản ánh cử tri Hà Giang kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ các nước sinh hoạt và cấp nước các ngành kinh tế khác.

Đại biểu cho rằng, các công trình hồ treo trữ nước, cấp nước sinh hoạt và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy không chỉ giúp ổn định cả về trữ lượng và chất lượng nước, từng bước thay thế nguồn nước mạch không ổn định, chưa qua xử lý, từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân vào mùa khô; góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống sức khỏe người dân, ổn định dân cư.

Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở Nghệ An đang ở mức rất cao

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện số 10/CĐ-CT.UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ dự báo diễn biến nắng nóng trong 24 - 48 giờ tới: Từ hôm nay (31/5), ở khu vực Bắc Trung bộ sẽ xảy ra nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp, phổ biến ở mức 40-65%.

Nền nhiệt hôm nay (ngày 31/5) ở Nghệ An có nắng nóng gay gắt. Dự báo nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới, thời tiết hanh khô kéo dài có thể gây cháy rừng.

Vào ngày 5/5 đã xảy ra vụ cháy rừng tại khu vực núi Tích Tích xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương) với diện tích 5,3ha.

Hay trong chiều ngày 19/5, trên địa bàn khối Trường Sơn, thị trấn Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng thông. Do đã chủ động được lực lượng nên đám cháy được dập tắt sau hơn 1 giờ, diện tích rừng bị cháy ước tính khoảng 0,2 ha.

Trước tình hình trên, đây là lần thứ 3 trong năm 2023, tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

tm-img-alt
Nguy cơ cao xảy ra cháy rừng trên địa bàn Nghệ An trong những ngày nắng nóng. Ảnh tư liệu: QA

Yêu cầu thực hiện nghiêm túc về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Yêu cầu tăng cường tuần tra, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng. Đồng thời hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, thông báo nhân dân tạm dừng hoạt động đốt dọn thực bì để sản xuất nương rẫy trong thời gian cao điểm nắng nóng, khô hanh.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo phù hợp thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Hàng trăm hồ đập cạn nước, nguy cơ hạn hán trên diện rộng ở Nghệ An

Ngày 30/5, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An - cho biết, vụ Hè Thu - Mùa năm 2023 đang đứng trước nguy cơ khó khăn về nguồn nước tưới.

Theo đó, kế hoạch diện tích tưới, tiêu, cấp nước vụ Hè Thu - Mùa 2023 của tỉnh Nghệ An là 109.718,5 ha, trong đó diện tích lúa  81.534,6 ha, diện tích rau màu các loại 7.812,9 ha, tạo nguồn 17.048,1 ha, nuôi trồng thủy sản 1.139,9 ha.

Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino (pha nóng) có khả năng xuất hiện vào nửa cuối mùa hè 2023 với xác suất khoảng 80-85%; Trong tháng 6.2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,50C so với trung bình nhiều năm; từ tháng 7 - 9.2023 nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy đến hồ thủy điện Bản Vẽ có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm từ 35-38%.

Tỉnh Nghệ An có hơn 1.061 hồ đập, đến thời điểm hiện nay có 709 hồ có dung tích trên 50% dung tích thiết kế; các hồ chứa còn lại dưới 50% dung tích thiết kế.

Mực nước thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ lúc 7 giờ ngày 29.5 là 161,84 m/thiết kế 200 m; Dung tích hiện tại là 587,44 triệu m3 nước, đạt dưới 32,0% so với dung tích thiết kế; Lưu lượng về hồ là 25,0 m3/s; cách mực nước chết 6,84m, ứng với với lưu lượng hữu ích là 135,84 triệu m3 nước. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, thời gian tới lượng mưa không đáng kể, mực nước sông Lam có xu hướng giảm.

tm-img-alt
Nhiều hồ đập nước xuống dưới dung tích thiết kế, Nghệ An nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng. Ảnh: Hải Đăng

“Với thực trạng nguồn nước hiện tại, mực nước hồ chứa Bản Vẽ xuống rất thấp và từ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn nói trên, việc cấp nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2023; trong những tháng giữa cuối mùa khô năm 2023 sẽ gặp khó khăn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm và trên diện rộng” - Chi cục Thủy lợi Nghệ An dự báo.

Để khắc phục tình trạng hạn hán, chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất vụ Hè thu - Mùa năm 2023, ngành thủy lợi Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, rà soát tình hình nguồn nước; Lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình và thực hiện khi hạn hán thiếu nước xảy ra; Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất.

Phối hợp, làm việc với Công ty thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê để đảm bảo xả lưu lượng nước đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho vùng hạ du.

Báo động về rác thải nhựa trong nông nghiệp

Thông tin tại hội thảo "Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp” sáng 31-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53,22 tỷ USD với sự gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa.

Báo động về rác thải nhựa trong nông nghiệp ảnh 1
UNDP khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh các giải pháp giảm rác thải nhựa. Ảnh: M.T

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn /năm (gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật).

Chất thải rắn từ chăn nuôi là 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Chính từ hiện trạng trên, phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống.

Các giải pháp này phải huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Qua đó, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội thảo đã giới thiệu một số các giải pháp đang triển khai tại nhiều địa phương, giúp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định), thuộc Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” được tài trợ bởi UNDP Việt Nam và Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam.

Cụ thể, hoạt động gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu giúp tận dụng lực lượng ngư dân thành thành viên trong tổ thu gom rác trên biển, giảm thiểu lượng chất thải nhựa trôi nổi, đem lại thu nhập cũng như gia tăng giá trị kinh tế cho nguồn chất thải có thể tái chế.

Phát động cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh lần 9/2023

Chiều 31/5, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), với sự đồng hành của công ty CP Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển thanh niên, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC, đã phát động cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh lần 9/2023.

Cuộc thi dành cho tất cả đối tượng là cá nhân, tập thể, doanh nghiệp; hợp tác xã thuộc ngành nghề nông đặc sản chế biến, thực phẩm chế biến; nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh nông sản trong doanh nghiệp; các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...

Tuy nhiên, những đối tượng, dự án tham gia cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh lần 9/2023 cần đảm bảo quy định của cuộc thi như có thời gian hoạt động trên một năm (căn cứ theo thời gian cấp giấy chứng nhận, giấy thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã). Bên cạnh đó, đối tượng, dự án tham gia cuộc thi có sản phẩm, dịch vụ đã được thương mại hóa.

Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh lần 9/2023, không nằm ngoài mục tiêu tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương, hiệp hội và tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại. Dự án tham gia cuộc thi cũng được hỗ trợ nâng cao nhận thức, xây dựng, thực hành các tiêu chuẩn cần thiết và phù hợp để đảm bảo kinh doanh tốt, phát triển bền vững vì môi trường xanh, nền kinh tế xanh.

tm-img-alt
DN khởi nghiệp Mật hoa dừa Sokfarm tham dự ThaiFex 2022. Ảnh: Dân Việt

Ngoài những giải thưởng có giá trị cao, đối tượng, dự án tham gia còn được tập huấn đào tạo và hoàn thiện dự án kinh doanh theo hướng khả thi trên thực tế. Trong những hoạt động hỗ trợ này, đơn vị tham gia cuộc thi còn được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cùng ngành; dự án khả thi có tiềm năng phát triển bền vững sẽ được kết nối vào hệ thống phân phối, doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Thông qua cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh, đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp với cả ngàn bạn trẻ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Đây chính là lớp doanh nông trẻ tiêu biểu trong cả nước, với đam mê cháy bỏng làm giàu từ nguồn tài nguyên, đặc sản bản địa. Nhiều bạn đã xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường lớn của Châu Âu, Mỹ và khu vực như: Kim Hằng Yeshue, Ngọc Hương với các loại bột rau, Phạm Đình Ngãi với mật hoa dừa, Khánh Hà Ohuga với mì, nui; hạt điều Gia Bảo với sản phẩm từ điều.... Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5*, sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh, thành...

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 31/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới