Thứ sáu, 19/04/2024 04:56 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/6/2020

MTĐT -  Thứ năm, 04/06/2020 06:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/6/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/6/2020.

70 tỷ đồng xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu

Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2020-2021, tại bờ sông Hậu qua khu vực vàm Cái Hố, thuộc ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới. Công trình có vốn đầu tư 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Ông Nguyễn Đức Duy - Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang (chủ đầu tư) cho biết khi công trình hoàn thành sẽ đảm bảo ổn định bờ sông Hậu, bảo vệ tính mạng, tài sản, cuộc sống, sản xuất của người dân và hạn chế các thiệt hại rủi ro khi lũ lớn về.

Theo ông Duy, giải pháp truyền thống là thả bao cát và thảm đá được thực hiện một số nơi trên địa bàn tỉnh, như ở Vàm Nao đạt hiệu quả ngăn chặn sạt lở và ít tốn kinh phí nên được chọn.

Giữa năm 2019 đến nay, tại đoạn sông này liên tục xảy ra sạt lở nguy hiểm với chiều dài 250 m, ăn sâu vào bờ 6 m, cuốn trôi mặt đường giao thông nông thôn, gần 30 hộ dân phải di dời khẩn cấp. UBND An Giang đã ban bố tình huống sạt lở khẩn cấp tại xã An Thạnh Trung.

Nguyên nhân sạt lở được xác định do ảnh hưởng dòng chảy qua đoạn cong, đáy sông sâu và lệch về phía bờ lõm, hình thành dòng nước mạnh gần bờ.

Chuyên gia Đức nêu bật hạn chế trong quản lý nguồn nước sông Mekong

Thời gian qua, thời tiết trở nên cực đoan hơn và "thiên tai" thường xuyên xảy ra ở Đông Nam Á, gây thiệt hại đáng kể về sinh thái, con người và kinh tế. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi lớn hơn về hệ thống sinh thái và xã hội khu vực.

Theo TTXVN, các chuyên gia của Quỹ Khoa học và chính trị Đức (SWP) mới đây đã có bài nghiên cứu về vấn đề này. Các chuyên gia nhận định, sông Mekong chính là ví dụ điển hình cho những thách thức đối với sự ổn định quốc gia và khu vực liên quan đến biến đổi khí hậu.

Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia cung cấp nguồn lương thực cho hơn 65 triệu người ở vùng thấp hơn. Trong giai đoạn từ tháng 5-10/2019, lượng mưa giảm đáng kể, đặc biệt là ở vùng hạ lưu sông Mekong, gây ra một đợt hạn hán dai dẳng mà các chuyên gia dự báo sẽ dẫn đến thiệt hại mùa màng nghiêm trọng trong năm 2020, thậm chí thiệt hại lớn hơn so với năm 2016.

Trước đó, một đợt hạn hán kéo dài do thiếu mưa đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn hécta đất trồng và gây thiệt hại lên đến hơn 380 triệu USD. Trong thời gian dài, tất cả những vấn đề này được coi là vấn đề môi trường. Những ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử hiện tại còn trở nên trầm trọng hơn do mực nước thấp của sông Mekong, vốn đã giảm mạnh trong nhiều năm qua.

Tây Ban Nha đề xuất áp thuế mới với đồ nhựa dùng một lần

Ngày 2/6, Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra một dự luật mới, trong đó đề xuất áp thuế với các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần nhằm hạn chế tiêu thụ mặt hàng gây ô nhiễm môi trường này.

Mục tiêu chính của dự luật mới là giảm thiểu việc sử dụng cốc và chai nhựa trong các nhà hàng đồ ăn nhanh và bán đồ ăn mang về.

Bằng việc đánh thuế 0,45 euro/kg bao bì, Chính phủ Tây Ban Nha ước tính có thể thu ngân sách 724 triệu euro/năm cũng như hoàn thành mục tiêu loại bỏ đồ nhựa dùng một lần do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra đến năm 2021.

Trong buổi họp báo sau cuộc họp chính phủ hàng tuần, Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết chính phủ có thể áp khoản thuế gián tiếp lên các hoạt động sản xuất, nhập khẩu hoặc mua bán trong nội bộ EU các sản phẩm nhựa không tái chế phục vụ thị trường trong nước.

Bà Ribera cho hay nhiều nước láng giềng như Anh và Italy cũng áp dụng chính sách tương tự.

Theo đề xuất của chính phủ, từ mùa Hè năm 2021 Tây Ban Nha sẽ cấm một số sản phẩm như tăm bông, ống hút và dao dĩa nhựa.

Từ tháng 1/2023, nước này có thể áp một khoản thuế đặc biệt lên bao bì nhựa. Do đó, người tiêu dùng có thể phải trả thêm tiền khi mua đồ ăn thức uống mang về đựng trong cốc hoặc hộp nhựa.

Luật mới sẽ liệt kê cụ thể các loại bao bì phải chịu thuế. Tuy nhiên, dự luật này vẫn cần được Quốc hội thông qua mới có hiệu lực.

EU dự định cấm ống hút nhựa, dao dĩa và đĩa nhựa dùng một lần vào năm 2021 nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.