Thứ năm, 25/04/2024 11:21 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/3/2023

MTĐT -  Thứ hai, 06/03/2023 17:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến trong bảo tồn đa dạng sinh học biển

Ngày 5/3 (giờ Việt Nam), sau hai tuần làm việc khẩn trương với phiên cuối kéo dài 36 giờ liên tục, phiên thứ năm Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia đã kết thúc, đạt được nhất trí về nội dung văn kiện.

tm-img-alt
Đoàn liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang (ngoài cùng bên phải), Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc làm trưởng đoàn, tham dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn Việt Nam đã có nhiều đề xuất vì lợi ích chung của các nước đang phát triển, đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển.

Thành công của hội nghị thể hiện quyết tâm chính trị của các quốc gia trong việc đạt được một văn kiện nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học biển tại biển cả.

Đây là dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.

Đoàn liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc làm trưởng đoàn, đã tham gia tích cực và đóng góp thực chất vào tiến trình thương lượng tại hội nghị.

Đoàn Việt Nam đã có nhiều đề xuất vì lợi ích chung của các nước đang phát triển, đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Nội dung văn kiện đã ghi nhận nguyên tắc nền tảng về việc nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gene biển cần được chia sẻ công bằng với tất cả các quốc gia.

Bắc Ninh khảo sát tiến độ thực hiện Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Văn Môn

Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu. Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy: Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Duy Hưng, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và huyện Yên Phong.

tm-img-alt
Đoàn công tác thực địa vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong 

Dự án Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt tại xã Tam Giang, có diện tích 8,7ha, bao gồm 22 hạng mục, tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, quá trình quản lý, khai thác còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đề nghị tỉnh quan tâm giúp đỡ cơ chế thủ tục nguyên tắc để thanh quyết toán; có phương án hỗ trợ huyện để tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút đông đảo du khách đến thăm quan khu di tích, giới thiệu để kết nối du lịch…

Về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Văn Môn, UBND huyện Yên Phong đã ban hành Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, giai đoạn 2022-2026; Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Công tác giải phóng mặt bằng dự án 3,8 ha đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn gặp khó khăn do nhiều người dân không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng (hiện nay mới có 31/78 hộ nhận tiền đền bù đạt khoảng 39,3%); Do vậy chưa thể trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng để triển khai thi công dự án trong năm 2022 theo thời gian thực hiện dự án được phê duyệt; Đến nay chưa xây dựng được phương án và đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng trên địa bàn xã Văn Môn, nên chưa thực hiện các bước tiếp theo; Tỷ lệ các cơ sở cô đúc nhôm di dời ra khỏi khu dân cư rất thấp 38/297 hộ, bằng 12,8%; nguyên nhân là do kinh phí thuê mặt bằng tại dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn cao hơn so với khu vực...

Hải Dương: Khẩn trương khắc phục ô nhiễm nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng nước xả thải trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn tỉnh vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải khoảng 82.308 m3/ngày đêm, chiếm khoảng 18 % tổng lượng nước thải phát sinh trên toàn tuyến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải mà các tỉnh thượng nguồn (TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên) chảy vào.

Nước thải trên địa bàn tỉnh vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm khoảng 80%), còn lại là nước thải công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề và y tế.

tm-img-alt
Nước thải trên địa bàn tỉnh vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Ảnh minh họa

Để khắc phục ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải và hạn chế tình trạng thiếu nước tưới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề nghị các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện tích trữ, điều hoà, phân phối, sử dụng nước tưới hợp lý; kiểm soát chất lượng nước, lưu ý xâm nhập mặn để triển khai phương án ứng phó. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tham mưu, đề xuất giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống.

Các địa phương khu vực Bắc Hưng Hải phối hợp điều tiết hệ thống công trình thuỷ lợi, trữ nước và kết hơp thau rửa nguồn nước trong điều kiện cho phép. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên theo dõi sát diễn biến chất lượng nguồn nước, kịp thời khuyến cáo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh hiệu quả. Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương tăng cường tuyên truyền về việc chủ động tích trữ, sử dụng nước phù hợp với thực tế nguồn nước.

Bộ TN&MT kiểm tra bảo vệ môi trường tại dự án sân bay Long Thành

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Thời hạn kiểm tra là 15 ngày kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra (không bao gồm thời gian phân tích mẫu môi trường).

tm-img-alt
Khu vực xây dựng Sân bay Long Thành phát hiện ô nhiễm bụi vượt quy chuẩn. Ảnh: ITN

Đoàn kiểm tra do ông Chu Văn Thảo - thanh tra viên Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm trưởng đoàn. 

Ngoài ra, đoàn còn có thanh tra viên, chuyên viên, đại diện của Vụ Môi trường, Thanh tra, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Đồng Nai) và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành.

Trong đó, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của dự án đầu tư theo yêu cầu của quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác môi trường đối với ACV.

Sầm Sơn (Thanh Hóa) ra quân làm sạch biển

Mới đây, gần 400 đoàn viên, thanh niên và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng thành phố Sầm Sơn đã ra quân làm sạch biển và hưởng ứng Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” chặng 9 - năm 2023.

Đây là chương trình do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN thành phố tổ chức với mục tiêu phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển bền vững.

tm-img-alt
Các đoàn viên thanh niên tiến hành thu gom rác trên bãi biển. Ảnh: ITN

Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” do Sacombank phối hợp với Hội LHTN Việt Nam tổ chức nhằm gây quỹ xây dựng nhà văn hóa cho đồng bào dân tộc ít người; đồng thời khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với mỗi km đi bộ hoặc chạy bộ, người tham gia sẽ đóng góp 1.000 đồng để xây dựng nhà văn hóa.

Chặng 9 của chương trình diễn ra từ 3/3 đến 26/3/2023.

Malaysia đầu tư hơn 134 triệu USD để ứng phó với lũ lụt

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh nếu không có các hành động nghiêm túc để triển khai nhanh các dự án giảm thiểu lũ lụt, thiên tai tiếp tục sẽ xảy ra.

Phát biểu với báo giới khi đến thăm trung tâm cứu trợ tạm thời tại Johor, ông Anwar cho biết chính phủ đã quyết định các dự án giảm thiểu lũ lụt với tổng giá trị 600 triệu RM (hơn 134 triệu USD) sẽ được xúc tiến nhanh chóng, trong đó quá trình đấu thầu các dự án cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt do lũ lụt là vấn đề tái diễn hàng năm.

Ông nhấn mạnh nếu không có các hành động nghiêm túc để giải quyết vấn đề này, lũ lụt tiếp tục sẽ xảy ra.

Những trận lũ lụt tại bang Johor nói riêng và trên toàn Malaysia nói chung không phải là lần đầu tiên mà đã diễn ra trong nhiều năm, thậm chí có năm có tới 2 đợt lũ lụt nghiêm trọng.

tm-img-alt
Ngập lụt nặng diễn ra tại nhiều khu vực ở Malaysia. (Ảnh: AP)

Ông cũng cho rằng không cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp do lũ lụt tại Johor khi nước lũ đang rút và lượng mưa giảm dần ở nhiều điểm.

Theo giới chức Malaysia, một số bang tại bán đảo Mã Lai đang trải qua đợt lũ lụt nghiêm trọng với tổng số người sơ tán đến các trung tâm cứu trợ đã tăng lên 48.989 tính đến sáng 5/3.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/3/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành