Thứ bảy, 20/04/2024 04:36 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/2/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 07/02/2020 13:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/2/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/2/2020.

Sóc Trăng đảm bảo cấp nước sạch cho người dân trong mùa khô hạn gay gắt

Nắng hạn kéo dài nhiều ngày đã khiến nước ở con kênh tại xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng bị giảm lượng và ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong lúc này, đây lại là nguồn nước sinh hoạt duy nhất của khoảng 1.000 hộ dân ở nơi này. Từ cuối năm 2019 đến nay, nắng hạn đã làm nhiều con kênh ở tỉnh Sóc Trăng bị cạn nước, số khác bị nhiễm mặn, khiến người dân không thể lấy lên để tắm rửa. Theo thống kê của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh, hiện có khoảng 26.500 hộ dân đang bị thiếu nước. Đây là những hộ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Hiện có 10 giếng nước ngầm đã được khoan trên địa bản tỉnh Sóc Trăng. Để phục vụ người dân ngay trong mùa khô này, tỉnh đã gấp rút thi công 137.000m đường ống dẫn nước về những xã đặc biệt khó khăn. Người dân hết sức vui mừng vì có nước sạch trong thời điểm hạn mặn gay gắt nhất.

Trong những ngày đầu tháng 2 này, đã có 3.780 hộ dân ở tỉnh Sóc Trăng được sử dụng nước sạch. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sóc Trăng đang gấp rút khoan thêm 20 giếng nước ngầm khác, kéo thêm 600km đường ống để kịp phục vụ cho người dân trong mùa khô hạn gay gắt này.

Từ ngày 11-15/2, xuất hiện xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long

Độ mặn trên các sông Nam Bộ có xu thế tăng dần, thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 2/2020, đặc biệt vào thời kỳ từ ngày 11-15/2.

Trong tháng 2 và tháng 3, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở đây có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016. Từ nửa cuối tháng 3-6/2020, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2 và tháng 3 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 khoảng 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Từ khoảng giữa tháng 3/2020, lưu vực dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia) có xu thế gia tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây.

Cảnh báo sinh thái đại dương bị tàn phá

Đây là lời kêu gọi của Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về đại dương, ông Peter Thomson đưa ra trong cuộc họp báo ngày 5/2 tại trụ sở LHQ chuẩn bị cho Hội nghị Đại dương LHQ 2020 dự kiến diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha) từ 2 - 6/7 tới.

Phát biểu với báo giới, ông Thomson nhấn mạnh: "Sức khỏe của đại dương đang suy giảm. Chúng ta phải làm mọi cách có thể để xoay chuyển điều đó vì những lý do rõ ràng".

Ông Thomson cảnh báo các đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm, axít hóa, sự nóng lên ở đại dương...

Theo ông Thomson, đại dương là phần quan trọng nhất của môi trường, sẽ không có hệ sinh thái Trái Đất "khỏe mạnh" nếu không có một hệ sinh thái đại dương "lành mạnh".

Do đó, từ nay đến năm 2030, loài người phải đưa ra các quyết định quan trọng về mối quan hệ của mình với môi trường. Đó là những biện pháp mang tính khoa học và sáng tạo dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị Đại dương LHQ 2020 tại Lisbon sắp tới.

Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững là mục tiêu thứ 14 trong số các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ đến năm 2030. Theo thống kê, hơn 3 tỷ người phụ thuộc vào hệ sinh thái biển và và ven biển để tìm kế sinh nhai.

Đại dương cũng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2 do con người thải ra. Do đó, mục tiêu hiện nay là quản lý và bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển và ven biển khỏi ô nhiễm, cũng như giải quyết những tác động của tình trạng axít hóa đại dương.

Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nước thải

Mỗi ngày, các doanh nghiệp, hộ dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội thải ra khoảng 900 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, trong đó chỉ có khoảng 23% được đưa vào xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải, còn lại xả trực tiếp ra các kênh mương, hồ ao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong đó, riêng sông Tô Lịch trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 150 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, tương đương một phần sáu tổng lượng nước thải của thành phố và hàng nghìn mét khối nước thải công nghiệp, nước thải từ các làng nghề,… chưa qua xử lý, khiến cho dòng sông ngày càng ô nhiễm. Nước sông chứa nhiều loại vi-rút, vi khuẩn nguy hại, cộng với bùn thải đặc quánh, tạo nên mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân sinh sống khu vực chung quanh.

Ðể giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp sông Tô Lịch hồi sinh, UBND thành phố Hà Nội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA Việt Nam) đã triển khai dự án xây dựng Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, bao gồm xây dựng một nhà máy xử lý nước thải công suất 270 nghìn mét khối/ngày đêm trên địa bàn huyện Thanh Trì và hệ thống cống thu gom, đấu nối đường kính từ 400 mm đến 2.400 mm, dài khoảng 52,6 km dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Ðông. Tổng mức đầu tư dự án hơn 16 nghìn tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án ban đầu dự kiến vào năm 2022, nhưng dự án đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

UBND thành phố Hà Nội cùng với JICA đã chỉ đạo chủ đầu tư vượt qua khó khăn, vướng mắc để thực hiện dự án. Ðến nay, gói thầu số 1 xây dựng nhà máy đã được khởi công và đang thực hiện đúng tiến độ; gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính dự kiến khởi công cuối quý I năm nay; gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ đang trong quá trình chuẩn bị thi công; gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực quận Hà Ðông đã khởi công đầu tháng 12-2019. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, trong khi mặt bằng thi công dự án trải dài ở nhiều quận, huyện và thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ðể dự án đạt tiến độ đề ra, UBND thành phố cần chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội tăng cường kết nối, phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà thầu để triển khai thi công đồng bộ các hạng mục, tránh tình trạng chồng chéo công việc, các hạng mục phải chờ đợi nhau, làm chậm tiến độ của cả dự án. Ðôn đốc các nhà thầu tăng cường phương tiện máy móc, nhân lực và có phương án thi công phù hợp để triển khai thi công các hạng mục nhanh chóng, bảo đảm chất lượng, nhất là phần thi công tuyến cống thu gom nước thải. Ðồng thời, các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải cần có phương án chỉnh trang, cải tạo đường dạo ven sông ngay sau khi đưa dự án vào hoạt động để tạo cảnh quan môi trường đô thị, vừa để nâng cao hiệu quả dự án.

TP.Chí Linh: Cần có giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt

Để giải quyết lượng rác thải sinh hoạt đang quá tải ở bãi rác phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh (Hải Dương) Công ty CP Giao thông, Môi trường và Đô thị TP. Chí Linh (Hải Dương) vừa mở thêm khu chứa, xử lý rác sinh hoạt thứ ba tại khu Đồng Vọng, phường Cộng Hòa có diện tích trên 4.900 m2.

Nguyên nhân do lượng rác, trên địa bàn TP. Chí Linh (Hải Dương) thời gian qua liên tục tăng từ 25 - 30% mỗi năm nên khu 1 (rộng khoảng 1ha) đã đầy rác và được đóng lại, khu 2 (rộng gần 2.800 m2) cũng đã gần đầy. Đặc biệt, trong dịp Tết vừa qua lượng rác tăng gấp đôi ngày thường, có ngày lên tới hơn 200 tấn đã khiến khu chứa rác này quá tải.

Nhiều năm nay, TP. Chí Linh sử dụng khu Đồng Vọng làm bãi chứa và xử lý rác sinh hoạt tạm thời. Do xử lý thủ công, không triệt để nên nước rác và mùi xú uế thường xuyên phát sinh, gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, TP. Chí Linh cần có giải pháp ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để xử lý rác thải sinh hoạt tại đây.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...