Thứ ba, 23/04/2024 20:29 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/6/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 09/06/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.

2 hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu đã có thể vận hành phát điện

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), ngày 9/6, các hồ thủy điện lưu lượng nước về hồ thấp, tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Cụ thể, khu vực Bắc Bộ: Hồ Lai Châu đạt 52 m3/s; hồ Sơn La 205 m3/s; hồ Hòa Bình 356 m3/s; hồ Thác Bà 97 m3/s; hồ Tuyên Quang 110 m3/s; hồ Bản Chát 97 m3/s.

tm-img-alt
Ảnh chụp thủy điện Lai Châu ngày 6/6

Ở khu vực Bắc Trung Bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm qua. Hồ Trung Sơn 81m3/s; hồ Bản Vẽ 39 m3/s; hồ Hủa Na 40m3/s; hồ Bình Điền 9 m3/s; hồ Hương Điền 17m3/s. Mực nước các hồ ở xấp xỉ mực nước chết, giảm nhẹ so với ngày hôm qua.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, đêm qua và sáng nay (9/6), trên lưu vực sông Đà có mưa, lượng mưa đo được cao nhất khoảng 150mm nên lượng nước về hồ thủy điện Sơn La tăng đến 800m3/s, mực nước hồ tăng đạt 175,63m, cao hơn mực nước dâng bình thường 0,63m.

Lưu lượng nước về hồ Lai Châu dao động từ 300-500m3/s, hiện mực nước là 267,8m cao hơn mực nước dâng bình thường 2,8m. Với mực nước này, các tổ máy 2 hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu đã có thể vận hành phát điện./.

Lạng Sơn: Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có trên 5,2 triệu con gia cầm, hơn 265 nghìn con gia súc. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Do đó, để kiểm soát tốt dịch bệnh và xử lý triệt để vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, ngành chức năng tỉnh khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch hệ thống xử lý chất thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

tm-img-alt
Đồng bào DTTS ở Lạng Sơn đã dần chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Xác định phát triển chăn nuôi bền vững phải đi đôi với công tác BVMT, hằng năm, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản về thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn… Cùng đó, chi cục tích cực tuyên truyền người dân đầu tư chăn nuôi tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, xử lý môi trường hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường công tác  thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong thực hiện các quy định về BVMT và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Đến nay, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều đã áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn chăn nuôi, hạn chế tối đa phát thải ô nhiễm môi trường.

Một hộ chăn nuôi ở thôn An Ninh, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn cho biết: Với mô hình trang trại chăn nuôi trên 50.000 con gà/năm, để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2019, gia đình đã áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Toàn bộ diện tích chuồng nuôi sau khi được bê tông sẽ được gia đình rải trấu kết hợp men vi sinh làm nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi… Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi tiến hành rắc men vi sinh và vỏ trấu từ 1 – 2 lần. Sau khi xuất bán, gia đình tiến hành dọn toàn bộ lớp lót nền, phun khử khuẩn và để chuồng nghỉ trong 1 tháng mới tái đàn.

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng (xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) cũng là một trong những HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác BVMT trong chăn nuôi. Với quy mô diện tích trên 13.000 m2, hiện HTX đang nuôi 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt.

Đại diện HTX cho biết: Để đảm bảo vệ sinh môi trường, HTX đã xây dựng các khu riêng biệt có tường bao quanh, đầu tư trang thiết bị và đưa vào vận hành hệ thống biogas để xử lý chất thải. Nước thải chăn nuôi sau khi được xử lý qua hệ thống các hồ sinh học sẽ tiếp tục được xử lý bằng hóa chất mới thải ra môi trường. Còn chất thải rắn, HTX ký kết với một số HTX trên địa bàn cung cấp phân bón phục vụ trồng trọt. Ngoài ra, từ năm 2020, HTX được Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, thuộc Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình HTX chăn nuôi lợn an toàn sinh học kết hợp thu gom chất thải rắn để ủ phân conpost, giảm tải cho hệ thống hầm biogas. Đến nay, HTX đã được Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và kiểm định chăn nuôi, thuộc Cục Chăn nuôi đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP…  Qua đó, góp phần đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh và BVMT sống cho cộng đồng dân cư.

Không chỉ 2 trang trại trên, toàn tỉnh hiện có 38 trang trại chăn nuôi (chủ yếu gà, lợn…) có quy mô từ 100 đến 50.000 con/năm. Các trang trại tập trung chủ yếu ở một số huyện như: Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn… Dự kiến, giai đoạn năm 2023 – 2024, toàn tỉnh sẽ có thêm khoảng 10 trang trại, HTX chăn nuôi đi vào hoạt động.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, nguồn chất thải chủ yếu được tận người dân sử dụng làm phân bón; đối với chăn nuôi quy mô trang trại, các doanh nghiệp, HTX đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện 100% các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh đều thực hiện xử lý chất thải qua hệ thống biogas, không xả thải trực tiếp ra môi trường; các trang trại thuộc diện phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (4 trang trại) đều nghiêm túc thực hiện theo quy định.

Đà Nẵng đồng loạt tổ chức ngày hội thu gom rác tái chế

Sáng ngày 10/6 tới, UBND quận Hải Châu sẽ tổ chức ngày hội thu gom rác tái chế tại Công viên Thanh niên ở phía đường Lê Thanh Nghị (phường Hòa Cường Nam). Còn UBND quận Thanh Khê tổ chức tại quảng trường cuối tuyến đường Hà Khê (phường Xuân Hà).

tm-img-alt
Thu gop rác tái chế tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thúy

Chiều ngày 10/6, UBND quận Liên Chiểu cũng tổ chức ngày hội tại hội trường Trung tâm Hành chính quận.

Còn UBND huyện Hòa Vang tổ chức ngày hội tại phía trước chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) vào sáng 11/6; cùng ngày UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức ở trước chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An) và chợ Non Nước (phường Hòa Hải).

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các phường, xã tuyên truyền, hướng dẫn, thu gom rác có khả năng tái sử dụng, tái chế như nhựa, giấy, kim loại,... đặc biệt là rác thải nhựa từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... trên địa bàn đến điểm tập kết do địa phương tự quy định.

Quảng Ngãi: Cắt giảm quy mô đầu tư Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc cắt giảm quy mô tức là không thực hiện giai đoạn 2 của Dự án (tương ứng cắt giảm 30 tỷ đồng).

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án Xây dựng hạ tầng và các hạng mục phụ trợ thuộc quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ được phê duyệt đầu tư tháng 3/2022 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 230 tỷ đồng, được phân kỳ 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 khởi công vào tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành vào ngày 18/4/2024.

Với phần đất đã giải phóng mặt bằng và chưa thi công các hạng mục Dự án theo quy hoạch cũ do 2 huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa làm chủ đầu tư, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi giao 2 địa phương tiếp nhận, quản lý nguyên trạng để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai.

Đề nghị đưa Nhà máy xử lý rác TP Phan Thiết đi vào hoạt động chính thức vào tháng 9/2023

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc, Dự án Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết tại xã Tiến Thành có tổng vốn đầu tư hơn 495 tỷ đồng, diện tích khoảng 100.200m2. Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 26/5/2015; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 02 ngày 19/5/2020.

Đây là dự án được đầu tư để xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Phan Thiết, đặc biệt là xử lý ô nhiễm tại bãi rác Bình Tú và một phần rác thải của huyện Hàm Thuận Nam. Dự án ban đầu đặt ra mục tiêu chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6/2020.

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành vào ngày 16/3/2022 tại Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết cho thấy, dự án đã triển khai xây dựng cổng tường rào, nhà bảo vệ, nhà tiếp nhận, công nghệ tách tuyển rác, nhà lưu chứa rác độc hại, nhà ở công nhân, nhà ăn, nhà xe cơ giới, nhà rửa xe, cụm xử lý khói mùi, bể xử lý nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, bể cấp nước phòng cháy chữa cháy, sân đường nội bộ, trạm cân, hồ sinh học, hố chôn xỉ, nhà ủ sản xuất phân, cầu, đường dẫn… Hiện nay, còn một số hạng mục công trình chưa xây dựng đủ diện tích so với giấy phép xây dựng đã được cấp phép.

tm-img-alt
Nhà máy xử lý rác Tp.Phan Thiết hiện nay chưa đi vào hoạt động. Ảnh: ITN

Theo thiết kế, nhà máy có 04 cửa thu nhận rác, Công ty TNHH Nhật Hoàng đã đầu tư hoàn thành 02 cửa (cửa số 1 và cửa số 2), 02 cửa còn lại (cửa số 3 và cửa số 4) đã đầu tư nhưng chưa lắp ráp. Nhà máy có 04 cụm lò đốt, Công ty đã lắp đặt, hoàn chỉnh và vận hành thử nghiệm 02 cụm; còn lại 01 cụm chưa lắp ráp và 01 cụm dự phòng. Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy không hoạt động.

Theo Công ty TNHH Nhật Hoàng, việc chậm nghiệm thu, đưa nhà máy vào hoạt động là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ tháng 6 đến tháng 8/2020, công ty đã thực hiện việc chạy và hiệu chỉnh máy móc, dây chuyền sản xuất, đến tháng 8/2020 nhà máy bắt đầu nhận rác để xử lý. Công ty đã lập hồ sơ chuyển Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động, nhưng đến nay chưa nghiệm thu. Công ty gặp khó khăn về tài chính do UBND thành phố Phan Thiết chưa thanh toán tiền xử lý rác trong quá trình chạy thử nghiệm.

Báo cáo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH Nhật Hoàng đã xác định từng nội dung công việc cần phải thực hiện để dự án đi vào hoạt động, cụ thể: Công tác lựa chọn thiết bị và nhập khẩu thiết bị hoàn tất tháng 5/2023; triển khai thi công lắp đặt hệ thống quan trắc khói bụi tự động theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ từ tháng 5 đến tháng 7/2023; hoàn thành việc lập hồ sơ xin Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép môi trường để vận hành chính thức trong 8/2023; hoàn thành việc lập hồ sơ nghiệm thu xây dựng nhà máy với Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng trong tháng 8/2023.

Công ty cam kết thực hiện đúng tiến độ và các nội dung đã nêu trên với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao nhất để sớm đưa nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết vào hoạt động trong tháng 9/2023. Nếu không thực hiện đúng cam kết, khi cơ quan cấp thẩm quyền thu hồi dự án thì công ty sẽ không khiếu nại với bất cứ lý do nào.Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, xử lý một số kiến nghị của Công ty TNHH Nhật Hoàng để đưa Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết đi vào hoạt động theo đúng cam kết của công ty.

ĐBSCL: Xảy ra 3 vụ sạt lở, hàng chục nhà dân bị ảnh hưởng

Theo đó, vào khoảng 4 giờ 30 ngày 9/6, tại ấp An Thành, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long xảy ra vụ sạt lở có chiều dài khoảng 300m, ăn sâu vào đất liền từ 3-7m, ảnh hưởng đến 24 căn nhà, với 122 nhân khẩu.

Theo ghi nhận có 6 căn nhà bị rạn nứt sân, hàng rào cặp theo đoạn sạt lở. Nguy cơ sạt lở phải di dời là 2 căn nhà.

Tương tự tại đường Nguyễn Thị Nhỏ (thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ) cũng xảy ra một đoạn sạt lở, khiến nhiều căn nhà bị đe dọa. Sau sự cố, chính quyền địa phương đã đến khảo sát và chỉ đạo di dời các hộ dân bị ảnh hưởng.

tm-img-alt
Hiện trường vụ sạt lở kênh Nha Mân – Tư Tải.

Đến 6 giờ cùng ngày, trên tuyến kênh Nha Mân - Tư Tải (đoạn thuộc ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) xảy ra vụ sạt lở đất với chiều dài khoảng 30m. Vụ sạt lở đã làm kho vật tư nông nghiệp của ông Võ Văn Công và tiệm sửa xe của anh Lương Tấn An (ngụ tại địa phương) bị nhấn chìm xuống sông. Ước tính thiệt hại tài sản khoảng 500 triệu đồng.

Theo ông Công, 3 ngày trước gia đình phát hiện phần nền nhà kho bằng bê tông ở ven sông có dấu hiệu nứt và sụp lún nên đã cho di dời vật tư ra ngoài, nhờ đó mức độ thiệt hại được giảm bớt.

Còn tiệm sửa xe của anh An nằm kế bên nhà kho của ông Công cũng đã kịp thời di dời một phần tài sản trước khi sạt lở xảy ra. Sau khi nhận được tin báo, địa phương đã cử lực lượng đến hiện trường giúp dân dời tài sản còn lại đến nơi an toàn và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Philippines sơ tán người dân trước nguy cơ núi lửa Mayon phun trào

Ngày 8/6, Viện Núi lửa và Địa chấn học (IVS) của Philippines đã đưa ra cảnh báo rằng núi lửa Mayon ở tỉnh Albay, miền Trung nước này, sẽ phun trào nguy hiểm trong vài ngày hoặc vài tuần tới, đồng thời kêu gọi người dân khu vực lân cận đi sơ tán.

Sau khi IVS đưa ra cảnh báo trên, hàng trăm gia đình sinh sống xung quanh núi lửa Mayon sẽ được chuyển đến các khu vực an toàn hơn. IVS cho biết cơ quan này đã theo dõi những thay đổi ở khu vực núi lửa Mayon và nâng cảnh báo lên mức 3 trong thang gồm 5 mức. Theo đó, IVS dự báo núi lửa Mayon sẽ phun trào nguy hiểm trong vài tuần hoặc vài ngày tới.

tm-img-alt
Mayon là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số 20 núi lửa đang hoạt động trên khắp Philippines. Ảnh: AP

Giới chức tỉnh Albay cho biết mọi công tác ứng phó cần thiết đang được thực hiện. Người dân sống trong bán kính 6km từ miệng núi lửa Mayon được yêu cầu rời khỏi khu vực nguy hiểm và di chuyển đến nơi an toàn hơn do nguy cơ phát thải từ núi lửa, dòng dung nham, đá lở và các mối nguy hiểm khác.

Núi lửa Mayon nằm cách thủ đô Manila 330 km về phía Đông Nam, là địa điểm thu hút du khách ở tỉnh Albay nhờ có hình nón đẹp như tranh vẽ và cũng được coi là một trong 24 núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Philippines. Cách đây 5 năm, núi lửa Mayon đã phun ra hàng triệu tấn tro bụi, đất đá và dung nham, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán.

Theo các chuyên gia, ba đợi phát thải khí núi lửa và tro bụi xảy ra trong thời gian ngắn hôm 8/6 đã chảy xuống rãnh phía Đông Nam của Mayon, cách miệng núi lửa khoảng 1km. Điều này cho thấy sự phun trào của mái vòm dung nham trên đỉnh Mayon với khả năng dòng dung nham tăng lên, có thể hoạt động bùng nổ trong vài tuần, thậm chí vài ngày.

Bên cạnh Mayon, các quan chức đang theo dõi chặt chẽ núi lửa Taal ở phía Nam Manila và núi lửa Kanlaon trên đảo Negros do nhận thấy những dấu hiệu hoạt động mới.

Một số ngôi làng thuộc 3 thị trấn gần Taal đã tạm dừng các lớp học vào ngày 7/6 do sương khói dày đặc phát ra từ ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới. Người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

Philippines nằm trên “Vành đai Lửa” Thái Bình Dương, thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Vụ phun trào mạnh nhất trong những thập niên gần đây là vụ phun trào của núi lửa Pinatubo nằm cách thủ đô Manila 100 km về phía Tây Bắc, khiến trên 800 người thiệt mạng năm 1991. Vụ phun trào này đã khiến tro bụi bay xa hàng nghìn km chỉ trong vài ngày và được cho là nguyên nhân gây hư hại khoảng 20 máy bay.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới