Thứ sáu, 29/03/2024 00:38 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 27/7

MTĐT -  Thứ sáu, 27/07/2018 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất ngày 27/7, cập nhật tin nhanh môi trường, bản tin môi trường mới nhất 24h ngày 27/7/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Hậu Giang: Triển khai nhiều chương trình BVMT, ứng phó với BĐKH

Theo Sở TN&MT Hậu Giang, từ nay đến cuối năm 2018 và các năm tiếp theo, Sở TN&MT sẽ triển khai nhiều chương trình liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Cụ thể, Sở TN&MT Hậu Giang tiếp tục thực hiện dự án khảo sát, đánh giá chế độ thủy văn, địa hình đáy, địa chất ven sông, kênh chính có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình cảnh báo sạt lở giai đoạn 2018 - 2025; cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá khí hậu địa bàn tỉnh Hậu Giang; xây dựng bản đồ số xâm nhập mặn tỉnh Hậu Giang.

Về BVMT, ngành TN&MT Hậu Giang tiếp tục triển khai, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách về BVMT. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở có lưu lượng xả nước thải trên 200m3/ngày đêm.

Nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch BVMT; hướng dẫn các chủ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục môi trường theo đúng quy định.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường.

Kênh đột ngột ô nhiễm nặng, người dân khốn đốn

Đoạn kênh chảy qua ấp Thới Trung, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ đột nhiên ô nhiễm nặng khiến hàng chục hộ dân ở đây đứng ngồi không yên. Được biết, đây là đoạn kênh huyết mạch, cung cấp nguồn nước dùng cho tưới tiêu và phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây...

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, đoạn kênh trên thuộc một con kênh có tên Sáng Bộ, dài gần 3km chảy dọc theo một số ấp thuộc xã Đông Thắng. Một số ý kiến người dân trong khu vực cho rằng, sở dĩ con kênh trên đột ngột ô nhiễm nặng là vì nhà máy xử lý rác thải của bãi rác Đông Thắng gần đó gây nên.

Ông Lê Thành Long, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cờ Đỏ thông tin: “Vừa qua, Phòng TN&MT có xuống kiểm tra, xác minh và xác định do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, thời gian qua lượng mưa kéo dài liên tục trong nhiều ngày, vì thế làm cho bãi rác xã Đông Thắng một phần nước thoát không kịp nên tràn xuống kênh thuỷ lợi. Thứ 2, do rơm ở trên ruộng của người dân mới thu hoạch, rơm bị phân huỷ, mưa nhiều, theo đó nước chảy xuống kênh gây ra mùi hôi”.

An Giang: Hơn 7.500ha lúa, hoa màu bị ngập do triều cường và bão số 3

Chiều 26/7, ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang - cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp và bão số 3, một số khu vực của tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to kết hợp với đợt triều cường đã làm ảnh hưởng 7.543 ha lúa và hoa màu.

Trong số đó, diện tích lùa Hè thu bị thiệt hại từ 30 - 70% trên 2.145 ha; diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% trên 321 ha, diện tích hoa màu bị đổ ngã, đang bơm rút nước để cứu trên 5.067 ha.

Để giảm thiểu khả năng thiệt hại trước diễn biến thời tiết thất thường, ngành nông nghiệp đã quán triệt chủ trương đến các địa phương như sau: Đối với vùng đê bao triệt để vận hành đóng cống và chủ động bơm rút nước ra, chủ động kế hoạch phòng chống và bảo vệ.

“Đối với diện tích lúa nằm ngoài đê bao, ngành nông nghiệp ráo riết phối hợp các ngành và địa phương hỗ trợ nông dân thường xuyên theo dõi mực nước, chỉ đạo tập trung thu hoạch nhanh lúa hè thu 2018 vừa chín tới”- ông Thư nhấn mạnh.

Tìm giải pháp kỹ thuật chống sạt lở ở ĐBSCL

Hội thảo được tổ chức vào chiều 26/7 tại thành phố Cần Thơ. Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều mô hình kè chống sạt lở cho khu vực ĐBSCL. Đối với tỉnh Cà Mau, hiện các loại kè đang được sử dụng là kè rọ đá, kè bản nhựa, rọ đá.

Còn tại tỉnh An Giang, địa phương hiện đang triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở bờ sông như: kè mái, rọ đá để lấp những đoạn sạt lở. Tất cả đều có điểm chung là giá thành cao từ 20 triệu đồng trở lên.

Trong lúc tình hình sạt lở diễn biến phức tạp như hiện nay, ngân sách Chính phủ cũng như địa phương không đủ tiềm lực để thi công kè ở tất cả các điểm sạt lở nguy hiểm. Theo các đại biểu, địa phương nên nghiên cứu lựa chọn từng loại kè phù hợp với điều kiện địa chất. Nơi nào thiết yếu thì nên tập trung xây kè kiên cố, ở những điểm khác có thể tận dụng các loại kè ít tốn kém chi phí hoặc trồng cây, tạo bãi bồi chống sạt lở.

Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, tại khu vực ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 786km.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 27/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.