Thứ năm, 18/04/2024 10:29 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/11/2018

MTĐT -  Thứ sáu, 02/11/2018 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/11/2018. Cập nhật tin tức pháp luật mới nhất trên cả nước ngày 2/11/2018.

Hoãn xét xử vụ Euro Auto buôn lậu xe BMW vì lý do bất khả kháng

Theo kế hoạch dự kiến, ngày 2/11, TAND TP. HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ buôn lậu 133 xe BMW qua Cảng Container Quốc tế Việt Nam.

Tuy nhiên, trưa ngày 1/11, thông tin từ TAND TP. HCM cho biết, một nữ bị cáo trong vụ án sinh con nên tòa đã quyết định hoãn phiên xử sơ thẩm vụ buôn lậu này. Phiên toà này sẽ được mở lại cuối tháng 11/2018.

Liên quan đến vụ việc, Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an, đã mở rộng điều tra, khởi tố 3 bị can gồm Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc; Nguyễn Thị Minh Yến, nguyên Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh công ty và Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Công ty Việt Á (công ty làm dịch vụ hải quan cho Euro Auto).

Đến nay, 133 chiếc ôtô BMW vẫn nằm "phơi mưa, phơi nắng" ở Cảng Sài Gòn. Về phía Tập đoàn BMW, cuối năm 2017 đã công khai thông tin chọn Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải là đơn vị phân phối độc quyền tại Việt Nam thay cho Euro Auto.

Vụ buôn lậu 133 xe ôtô BMW do Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan điều tra khởi tố vụ án hình sự tội buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần ôtô Âu Châu vào ngày 20/12/2016.

Trước đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra Quyết định số 18/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Euro Auto. Tổng giám đốc Euro Auto Nguyễn Đăng Thảo đã bị bắt tạm giam.

Quyết định trên được ban hành trên cơ sở căn cứ theo kết quả điều tra, xác minh và các tài liệu chứng cứ thu thập được và sau khi trao đổi thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về hành vi nhập khẩu các loại xe ôtô BMW, vi phạm pháp luật hải quan của Euro Auto.

Cục Điều tra chống buôn lậu đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để xử lý theo thẩm quyền.

Vợ chồng thuê người phá 17 ha rừng phòng hộ lĩnh án

Chiều 1/11, TAND H.Tiên Phước (Quảng Nam) tuyên phạt bị cáo Phùng Văn Bảy (40 tuổi, ngụ xã Tiên Lãnh, H.Tiên Phước) 4 năm tù giam; Nguyễn Thị Việt (39 tuổi, vợ ông Bảy) 3 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội “hủy hoại rừng”.

Bị cáo Nguyễn Hoàng Mai (40 tuổi, ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, cựu cán bộ kiểm lâm địa bàn) bị tuyên 1 năm tù giam về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, vợ chồng ông Bảy phải nộp phạt 300 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.

Trước đó, tháng 2/2017, ông Bảy đi hái nấm lim phát hiện tại khoảnh 5, khoảnh 6 tiểu khu 556 rừng phòng hộ Tiên Lãnh có khu vực rừng nguyên sinh nên về bàn với vợ phá rừng lấy đất trồng keo.

Đến tháng 5/2017, vợ chồng ông Bảy dùng cưa lốc cắt hạ các cây gỗ lớn. Tháng 6/2017, ông Bảy thuê 7 người ở xã Trà Đốc (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) đến dọn cỏ và trỉa dặm keo, đến ngày 17/8/2017 thì bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản.

Kiểm lâm vào cuộc, rừng đặc dụng vẫn bị “xẻ thịt” công khai

Theo báo cáo của Kiểm lâm TP Thanh Hóa, vào lúc 8h, ngày 28/10/2018, Tổ công tác Hạt kiểm lâm thành phố đã phối hợp với Ban quản lý DTLSVH Hàm Rồng tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng tại Lô 17, khoảnh 2, tiểu khu 363H, đã phát hiện ông Lê Văn Đông (phố 8, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa), đang có hành vi thuê người vào khai thác cây gỗ trong khu rừng đặc dụng Hàm Rồng.

Ngay sau đó, tổ công tác đã đề nghị ông Đông dừng việc khai thác vì chưa được cho phép của cơ quan chức năng. Thế nhưng, ông Đông không những không hợp tác, không chấp hành yêu cầu của tổ công tác mà còn có thái độ thách thức cơ quan chức năng, cố tình cho người dùng cưa xăng chặt hạ 7 cây keo, đường kính từ 12-20 cm, khối lượng 0,529 m3. Trước tình hình trên, tổ công tác đã báo cáo cấp trên, huy động lực lượng, cương quyết buộc ông Đông phải dừng ngay việc khai thác gỗ.

Mặc dù đã được cơ quan chức năng tuyên truyền về trình tự cấp phép khai thác gỗ trong rừng đặc dụng theo quy định pháp luật. Nhưng từ tháng 6/2018 đến nay, ông Đông đã vào khai thác gỗ trái phép tới 4 lần và đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử lý hành chính, tịch thu tang vật.

Ngày 1/11, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Mơn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa cho biết: Liên quan đến sự việc này, lực lượng kiểm lâm đã thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm tra. Phát hiện có sai phạm, lực lượng kiểm lâm đã báo cáo với cơ quan chức năng, lập biên bản, xử lý theo quy định.

Quảng Ninh:  Ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 8.413 tàu với khoảng 33.000 lao động tham gia vào hoạt động khai thác thủy sản... Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các lực lượng chức năng trong tỉnh, tình trạng khai thác thủy sản tận diệt đã giảm đáng kể...

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc đánh bắt thủy sản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh và các đơn vị đã đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường lực lượng, tổ chức phương tiện tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với tàu có hành vi vi phạm trong việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên ngành thủy sản đã tổ chức bám biển 24giờ/ngày, tăng cường hoạt động vào ban đêm, các ngày nghỉ; lực lượng chức năng và các địa phương cũng tăng số chuyến, số lượt tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cũng đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ các địa phương, ngư dân. Đến nay, đã nhận được gần 200 tin báo. Qua đó, đã xử lý và ngăn chặn nhiều trường hợp sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 2.586 vụ vi phạm công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt 9,5 tỷ đồng; tịch thu 415 kích điện; 55 súng điện; 6.195m dây điện; 55 bình ắc quy; 213 máy nén khí; 18.405m ống dẫn khí; 6.211 lồng bát quái…

UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, so với năm 2016, kết quả xử lý vi phạm trong toàn tỉnh đã tăng 2,9 lần; số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước tăng 4,6 lần. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.