Thứ bảy, 20/04/2024 00:05 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/11/2019

MTĐT -  Thứ hai, 04/11/2019 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/11/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất ngày 4/11/2019.

Hoãn xử vụ cựu bí thư thị xã Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh

Chiều 4/11, HĐXX TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh cùng 6 bị cáo khác.

Theo cáo trạng của đại diện VKS công bố tại phiên tòa thì bị cáo Khanh, Nguyễn Huy Hùng (cựu giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (cựu phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Bốn bị cáo Lê Hoài Linh (cựu giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (cựu cán bộ đo vẽ Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), bị cáo Nguyễn Minh Tâm (cựu phó chủ tịch UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát), và bị cáo Đặng Văn Thọ (cựu cán bộ địa chính UBND xã An Tây) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Có ý kiến về cáo trạng truy tố của VKS, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Khanh) cho rằng, Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp do bà Hồ Thị Hiệp và bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái bà Hiệp) góp vốn thành lập.

Hiện nay, bà Hiệp đã mất chỉ còn bà Hảo (đang định cư tại Mỹ). Thế nhưng, lời khai của bà Hảo thì phía cơ quan điều tra đang tiến hành ủy thác tư pháp đến nay vẫn chưa có kết quả.

“Lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo là rất quan trọng, vì bà Hảo không những là người liên quan mà còn là bị hại, nó có thể thay đổi bản chất của cả vụ án. Không thể bỏ chứng cứ rất quan trọng của vụ án ra ngoài hồ sơ vụ án này. Hiện nay, vẫn chưa có kết quả của việc ủy thác tư pháp, nhưng phía VKS là đưa ra nhận định là không ảnh hưởng quá trình xét xử là điều vô lý. Vì vậy tôi đề nghị tạm hoãn phiên tòa”, Luật sư Nguyễn Văn Quynh nêu ý kiến.

Đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng lời khai của bà Hảo dù có hay không, thì đây cũng là một yếu tố nhỏ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

8 nghi phạm bị bắt trong vụ đưa người sang Anh

Sáng nay, khi thảo luận tại Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) cho biết điều tra thông tin trình báo của các gia đình nghi có con là nạn nhân trong vụ 39 người tử vong tại Anh, ngày 3/11 Nghệ An đã bắt 8 nghi phạm.

"Chúng tôi nhận được thông tin, sau sự việc ở Anh, kẻ môi giới đã đem tiền trả lại một số gia đình có con mất tích", thiếu tướng Cầu nói.

Ông Cầu cho hay nhà chức trách Anh sẽ điều tra tội danh của những người liên quan trực tiếp cái chết của 39 nạn nhân, còn Việt Nam sẽ xử lý hành vi những người ở trong nước đã môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài, theo điều 349 Bộ luật Hình sự 2015.

Tính đến sáng nay, Nghệ An xác định có 21 người nghi mất tích tại Anh, phần lớn ra nước ngoài từ tháng 4 đến tháng 8/2019. Việc tập hợp danh tính, lấy mẫu ADN, vân tay phục vụ giám định đã được Nghệ An phối hợp với các cơ quan trung ương thực hiện.

Từ việc bắt 8 người liên quan đường dây đưa người sang Anh trái phép, Công an Nghệ An sẽ tiếp tục điều tra mở rộng.

Đầu tháng 11, không chỉ Nghệ An, Công an Hà Tĩnh cũng điều tra việc tổ chức đưa người trái phép sang Anh. Một số nghi can đã bị bắt.

Phú Yên: Tạm giữ 30 tấn đường không rõ nguồn gốc

Lực lượng QLTT Phú Yên vừa phối hợp vớilực lượng chuyên ngànhkiểm tra và phát hiện xe tải mang biển số 75C-027.29 vận chuyển 30 tấn đường kính trắng cùng mặt hàng mì chính và nước ngọt đóng lon hiệu bò húc.

Qua công tác lấy lời khai,lái xecho biết lô hàng được vận chuyển từ tỉnh Quảng Trị về thành phố Phan Thiết, tỉnh Ninh Thuận để tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chỉ xuất trình được hóa đơn bán hàng nhưng trên các bao chứa đường không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi rất mờ, có bao không ghi.

Do không chứng minh được tính hợp pháp của số hàng này nên Cục QLTT Phú Yên tạm giữ lô hàng, chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện hành khách mang ngà voi, trầm hương từ Thái Lan về Việt Nam

Lực lượng chức năng đã bắt giữ một hành khách vận chuyển trái phép sản phẩm động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm từ Thái Lan về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất.

Qua công tác thu thập và xử lý thông tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành kiểm tra hành lý của hành khách N.D.T (41 tuổi, ngụ tại tỉnh Quảng Bình). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1 mẫu vật (nghi là ngà voi nguyên chiếc), trọng lượng 1,8kg và gần 22,5kg sản phẩm thực vật (nghi là trầm hương), thuộc danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm không được phép săn bắt, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển theo Công ước Cites.

Hiện Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đang phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng điều tra để xử lý theo quy định.

Đường dây vay nặng lãi hàng trăm người tham gia bị triệt phá

Công an tỉnh Tuyên Quang bắt giữ đối tượng tầm đầu đường dây cho vay nặng lãi có sự tham gia của hàng trăm người.

Theo thông tin ban đầu, đối tượng bị bắt giữ là Lê Đức Vinh (trú xã Lưỡng Vượng, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Đối tượng Vinh cho biết, từ năm 2018 tới xã Kiến Thiết huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cùng một số người khác hoạt động cho vay lãi 7.000 đồng/1 triệu/ngày.

Trong thời gian hoạt động cho vay lãi, Vinh đã phân công địa bàn cho từng nhóm khác nhau rồi trả lương tháng. Ngoài ra đối tượng Vinh còn thuê kế toán, người nấu cơm và trụ sở làm việc ở địa bàn xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn) để hoạt động.

Sau một thời gian, từ địa bàn ban đầu, Vinh mở rộng sang các huyện lân cận như Chiêm Hóa cho các đối tượng vay lãi như các đối tượng chơi cờ bạc, cá độ, công nhân, học sinh, sinh viên.

Ngày 3/11, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tại đơn vị đang tiếp tục mở rộng vụ án để điều tra do các đối tượng hoạt động trong thời gian dài và số lượng người tham gia vay đông.

Liên tiếp phát hiện hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam

Tại cảng Cát Lái trưa ngày 2/11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp cùng các cơ quan chuyên trách kiểm tra lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Lô hàng do Công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam đứng tên trên tờ khai nhập khẩu. Hàng hóa khai báo gồm 317 kiện (7,2 tấn) chăn, màn, gối các loại, xuất xứ Trung Quốc, trị giá hơn 591 triệu đồng. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện trên nhãn mỗi sản phẩm có ghi “Made in Vietnam”. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng liên ngành vẫn tiếp tục kiểm đếm lô hàng.

Trước đó, vào tháng 10, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cùng các cơ quan chuyên trách cũng phát hiện lô hàng gần 8.500 sản phẩm quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc.

Cục Hải quan Bình Dương cũng đã kịp thời ngăn chặn lô hàng xe đạp Trung Quốc ghi “Made in Vietnam” chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ, với trị giá trên 600 triệu đồng.

Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu là xe đạp thực hiện lắp ráp tại Việt Nam, xuất xứ Trung Quốc. Thế nhưng qua soi chiếu, kiểm tra thực tế, hải quan phát hiện trên bao bì đóng gói sản phẩm và thân xe có ghi “Made in Việt Nam”.

Ghi nhận bước đầu cho thấy, tại Việt Nam doanh nghiệp chỉ lắp ráp xe ở công đoạn cuối cùng, không phải thực hiện một công đoạn gia công nào.

Việt Nam nỗ lực 'tuyên chiến' với nạn đánh bắt trái phép

Đồng bộ với nỗ lực của doanh nghiệp, thời gian qua, các bộ ngành và địa phương đã quyết liệt bắt tay nhau để “tuyên chiến” với nạn đánh bắt bất hợp pháp, nhằm gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Từ tháng 10/2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo "thẻ vàng" về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều này đã khiến hoạt động xuất khẩu thủy hải sản sang Châu Âu bị suy yếu, các doanh nghiệp phải mất thêm nhiều thời gian và chi phí.

Để xoay chuyển tình thế, nhiều doanh nghiệp chủ động thiết lập quy trình kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản đưa vào chế biến. Đồng bộ với nỗ lực của doanh nghiệp, thời gian qua, các bộ ngành và địa phương đã quyết liệt bắt tay nhau để “tuyên chiến” với nạn đánh bắt bất hợp pháp, nhằm gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC.

Hàng loạt các biện pháp ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép đã được triển khai như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng mức hình phạt lên đến 1 tỷ đồng, thậm chí cấm ngư dân ra khơi trong vòng 6 tháng... Cho đến nay có thể nói, việc ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản bất hợp pháp đã chấm dứt hoàn toàn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 4/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...