Thứ sáu, 19/04/2024 19:40 (GMT+7)

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 11/9/2018

MTĐT -  Thứ ba, 11/09/2018 13:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 11/9/2018, cập nhật tin tức sức khoẻ nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Cứu sống bé trai nguy kịch bị bệnh viện liên tiếp trả về

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa cứu sống thành công bệnh nhân Nguyễn Đình Minh (đã đổi tên, 11 tuổi, ở Hải Phòng) bị u thân não chảy máu nguy kịch. 

Theo người nhà bệnh nhi, khoảng hơn 20 ngày trước, Minh bị chóng mặt, buồn nôn và được gia đình chuyển đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, các bác sĩ giới thiệu lên bệnh viện tuyến trung ương để theo dõi và điều trị.

Tuy nhiên, khi lên bệnh viện tuyến trên, qua chẩn đoán và hội chẩn, các bác sĩ tiếp tục cho rằng tình trạng bé Minh quá nặng, không chữa được nên cho về nhà.

Khi về nhà, Minh hồi tỉnh, gia đình lại tiếp tục đưa con quay lại bệnh viện trung ương điều trị, tuy nhiên, các bác sĩ vẫn quyết định trả về.

Ngày 21/8, gia đình quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với ý nghĩ “còn nước còn tát”. 

Ca phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhi Minh. Ảnh: BVCC.

ThS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay bệnh nhân Minh vào viện trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, bị liệt chân tay, mạch chậm, được chẩn đoán là một khối u mạch lớn ở thân não chảy máu, dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến nặng nề.

Các bác sĩ đã tiền hành hội chẩn các chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, chuyên khoa hồi sức, gây mê. 

Ngày 27/8, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật đứng trước rất nhiều thách thức. Do khối u ở thân não to, chảy máu, gây cho bệnh nhân bị hôn mê, khó thở, bệnh nhân lại bị liệt chân tay, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, tổn thương ở thân não nên có thể ngừng tim trên bàn mổ hoặc sau mổ bệnh nhân sẽ không thở lại được. 

Với sự dốc sức, nỗ lực, ca phẫu thuật đã thành công. Sau phẫu thuật, tình hình tiến triển bệnh nhi rất tốt, dự kiến có thể xuất viện sau 2-3 ngày tới.

BV tỉnh miền núi nội soi kẹp clip cứu cụ ông chảy máu ồ ạt

Sức khỏe & Đời sống đưa tin, ngày 11/9, BSCK I. Nguyễn Văn Chúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức Chống độc, BVĐK tỉnh Yên Bái cho biết, các bác sĩ của BV vừa cứu sống một cụ ông bị xuất huyết tiêu hóa do chảy máu ổ loét hành tá tràng, tràn dịch màng phổi, viêm phổi nguy kịch. Trước đây, với những ca bệnh nặng như thế này thường khó có thể qua khỏi.

Bệnh nhân là Ngô Văn T., 86 tuổi (Văn Yên, Yên Bái) nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt không đo được, nôn ra máu tươi số lượng nhiều. Khi vào viện huyết sắc tố còn 33g/L, hồng cầu 1,4 T/L.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức Chống độc, BVĐK tỉnh Yên Bái.

Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó bệnh nhân có biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen nên đã vào BV  huyện điều trị, sau đó được chuyển lên BVĐK tỉnh Yên Bái trong tình trạng shock mất máu, da xanh, niêm mạc nhợt, suy hô hấp.

Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành truyền máu, đặt ống nội khí quản, vừa hồi sức tích cực vừa chuyển đến phòng can thiệp nội soi. Để giải quyết tình trạng mất máu, các bác sĩ đã tiến hành nội soi kẹp clip cầm máu song song với thở máy và các biện pháp hồi sức khác.

“Trong quá trình điều trị, bệnh nhân gặp phải tình trạng shock mất máu, rối loạn đông máu nặng. Hơn nữa, bệnh nhân còn có tình trạng tràn dịch màng phổi phải chọc hút dịch màng phổi; dùng kháng sinh giải quyết tình trạng viêm phổi. Bệnh nhân T. đã được truyền 14 đơn vị máu, 16 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và albumin, các loại kháng sinh phối hợp. Sau hơn 20 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và xuất viện”- BS. Chúc cho hay.

Dịch bệnh tả lợn không có khả năng lây truyền sang người

Ngày 11/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo thông tin từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và các nguồn tin khác, dịch bệnh tả ở lợn đang được ghi nhận tại Trung Quốc và Nhật Bản kể từ đầu tháng 8/2018 đến nay. 

Dịch bệnh tả ở lợn đang được ghi nhận tại Trung Quốc và Nhật Bản. (Nguồn: Japantimes)

Tuy nhiên đến nay, bệnh tả ở lợn không có khả năng lây nhiễm sang người kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín.

Trước tình hình trên, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước. 

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế-Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục cập nhật kịp thời tình hình dịch.

Tại Trung Quốc, dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African Swine Fever) gây ra bởi loại virus có tên là African Swine Fever (ASF), lần đầu tiên ghi nhận tại châu Á vào năm 2017. 

Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi nhưng xâm nhập vào châu Á do việc nhập khẩu thịt, sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh xuất phát từ khu vực có dịch. 

Dịch bệnh đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy hơn 20.000 con lợn và động vật nhiễm bệnh tại nước này. Đồng thời, dịch bệnh cũng gây quan ngại lớn cho ngành chăn nuôi tại Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Tại Nhật Bản, từ đầu tháng 9/2018, nước này ghi nhận trở lại dịch bệnh tả lợn (tên tiếng Anh là Hog Cholera, Classical Swine Fever hoặc Swine Cholera) tại một nông trại tại miền Trung sau 26 năm (kể từ năm 1992). Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn gây ra bởi một loại virus họ Flaviridae, có tốc độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ lợn chết cao (lên đến 90%) với các triệu chứng xuất huyết. 

Trước tình hình dịch bệnh, chính quyền Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống dịch như: tiêu hủy gần 600 gia súc nghi ngờ mắc bệnh, khử trùng diệt khuẩn nông trại, khoanh vùng khu vực nhiễm bệnh, ngừng xuất khẩu thịt lợn, thành lập các đội phản ứng nhanh và điều chuyên gia để phân tích nguyên nhân, đường lây truyền của bệnh.

Mặc dù dịch bệnh ở lợn kể trên tại Nhật Bản và Trung Quốc đều được gọi là tả lợn (có tác nhân gây bệnh là virus) nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người (một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra).

Bác sĩ tương lai hiến gần hết lá gan cứu cô giáo thời tiểu học

Chàng trai vừa tốt nghiệp đại học y khoa Chen Ze Rong ở Malaysia đã hiến tặng 67% lá gan của mình để ghép cho cô giáo.

Theo Asiaone, Chen học cấp một tại trường Kong Min, được cô giáo Liang Feng Pin dạy môn Khoa học. Con gái cô Liang là Zheng Zi Jing cũng học cùng lớp với Chen. 

Qua Zheng, Chen biết cô Liang cần ghép gan. Cậu học trò cũ lập tức kiểm tra nhóm máu. Hai người trùng nhóm máu với nhau. Chàng trai vừa tốt nghiệp đại học y đề nghị được hiến gan cho cô giáo cũ.

Chen hiến gan cho cô giáo cũ sau khi tốt nghiệp Đại học y.

Ca phẫu thuật lấy và ghép gan vừa được tiến hành tại Singapore. Hiện hai cô trò vẫn lưu lại bệnh viện để theo dõi. Sau ca phẫu thuật, Chen bị vàng da song các bác sĩ cho biết anh sẽ sớm trở lại bình thường. Chàng trai trẻ có thể tự thở và tự ngồi dậy dù còn đau đớn. Dự kiến Chen xuất viện trong tuần tới.

Về phía Liang, xét nghiệm máu cho thấy lá gan của Chen đã hoạt động trong cơ thể nữ giáo viên, không xuất hiện dấu hiệu đào thải. Cô Liang sẽ tiếp tục lọc máu cho đến khi tình trạng ổn định. Nếu tiến triển tốt, Liang sẽ được ra viện sau một tháng. 

Zheng tiết lộ mẹ cô phải thở bằng máy song sức khỏe khá ổn. Không chỉ chăm sóc cô Liang, Zheng còn đều đặn tới thăm Chen.

Trên mạng xã hội, Zheng gửi lời cảm ơn đến cậu bạn học. "Tôi không bao giờ nghĩ rằng Chen sẵn sàng cứu mẹ tôi", cô gái trẻ nói. "Sự ủng hộ của Chen và gia đình cậu ấy khiến tôi nhận ra rằng tình yêu không chỉ tồn tại giữa những người chung dòng máu". 

Bạn đang đọc bài viết Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 11/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...