Thứ sáu, 19/04/2024 08:29 (GMT+7)

Tin tức thế giới mới nhất tuần qua (05/11-11/11/2018)

MTĐT -  Thứ hai, 12/11/2018 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cập nhật tin tức thế giới mới nhất tuần qua (05/11-11/11/2018) do PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Chtch Cu Ba thăm Triu Tiên

Chủ tịch Diaz-Canel đang ở châu Á trong chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi đảm nhiệm chức vụ vào tháng Tư. Ông cùng phu nhân đến Bình Nhưỡng hôm 4/11và được ông Kim Jong Un đón tại sân bay. Cả hai đã ngồi cùng xe đi vào thành phố qua những đám đông vẫy chào dọc đường đi.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, hai bên đã tổ chức hội đàm tại Nhà khách chính phủ Paekhwawon và nhấn mạnh đến lịch sử xã hội chủ nghĩa mà hai nước chia sẻ và các mối quan hệ hữu nghị truyền thống.Các cuộc đàm phán đã được tiến hành trong “tình đồng chí và hữu nghị”.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, hai lãnh đạo cùng hy vọng thoát khỏi sự trừng phạt kinh tế của Mỹ, vừa đồng ý mở rộng và củng cố quan hệ chiến lược giữa hai nước, (theo AP).

Ngay sau khi thăm Triều Tiên, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel tiếp tục có các chuyến thăm Trung Quốc (6-8/11) và Việt Nam (8-10/11) với sự đón tiếp trọng thể và thắm tình hữu nghị anh em của các nguyên thủ quốc gia hai nước.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ

Là cuộc Bầu cử giữa kỳ được quan tâm đặc biệt không những ngay trong nước Mỹ mà cả thế giới bởi với sự điều hành hai năm qua của Tổng thống Donal Trump, một tổng thống có nhiều khác biệt với nền chính trị truyền thống trong cả lời nói và hành động, nên người khen cũng nhiều mà kẻ chê cũng lắm. 

Với nước Mỹ, đảng Dân chủ sau thất bại của đợt bầu cử Tổng thống năm 2016 thấy rằng đây là thời cơ để họ có thể giành lại ưu thế trong Quốc hội và các vị trí Thống đốc bang nhằm hậu thuẫn cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Đảng Cộng hoà cũng bằng mọi cách muốn giữ thế độc tôn của mình trong hai năm qua trên cả ba lĩnh vực Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, nên cũng tăng cường vận động với việc đề cao những thành quả trong kinh tế và đối ngoại. 

Những tác động đó, khiến cho cuộc bầu cử giữa kỳ lần này chi phí lên đến gần 5,2 tỷ Đô la một trong những cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, bù lại đã huy động được đông đảo cử tri đi bầu với hơn 130 triệu người Mỹ tham gia, tăng 30 triệu người so với năm 2014.

Kết quả không có “Làn sóng xanh” như hy vọng của đảng Dân chủ, nhưng họ đã giành lại được Hạ viện với 223 ghế so với 198 ghế của đảng Cộng hoà. Thượng viện đảng Cộng hoà không những giữ vững ưu thế mà còn tăng hơn hai ghế đạt 53 so với 44 ghế của đảng Dân chủ.

Với kết quả này, cử tri Mỹ đã giúp cho việc cân bằng lại giữa quyền lực và kiểm soát quyền lực. Tổng thống Donal Trump sẽ có hai năm khó khăn hơn bởi lãnh đạo các uỷ ban ở Hạ viện thuộc đảng Dân chủ có thể tiếp tục các cuộc điều tra về kê khai thuế liên quan đến ông hoặc về yếu tố nước ngoài can thiệp trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ngân quĩ cho các chính sách như xây tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico, chính sách về cắt giảm thuế... không còn “tuỳ hứng” như hai năm đã qua.

Tuy vậy, chính sách về đối ngoại hay thương mại và đặc biệt việc sắp xếp nhân sự cho bộ máy hành pháp vẫn thuộc thẩm quyền của Tổng thống và Thượng viện nên có thể cũng ít có những thay đổi khác biệt trong các lĩnh vực nói trên và cả sự tiến triển của nước Mỹ dưới sự điều hành của Tổng thống Donal Trump.

Dư luận cũng cho rằng, cuộc bầu cử làm tăng thêm sự chia rẽ về quan điểm giữa hai đảng cũng như các khối cử tri thuộc thành phố, cận thành phố với khối cử tri nông thôn và các đô thị nhỏ. Nhưng những mâu thuẫn đó, suy cho cùng cũng chỉ là nhân tố để hai đảng Cộng hoà và Dân chủ khai thác những khía cạnh thuận lợi cho mình để đạt tới mục tiêu của cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020.

Lãnh đạo Thế giới kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất tại Pari

Trọng tâm của sự kiện là lễ tưởng niệm chính diễn ra tại Khải Hoàn Môn, thủ đô Paris ngày 11/11, với sự tham gia của khoảng 70 lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong Thế chiến I, cuộc chiến kéo dài từ 1914 đến 1918. Đã có khoảng 9,7 triệu quân nhân và 10 triệu thường dân bỏ mạng

Tổng thống Macron sẽ tận dụng sự chú ý của quốc tế đối với tuần lễ kỷ niệm này để kêu gọi chống chủ nghĩa dân tộc, tiếp nối lời cảnh báo gần đây của ông rằng thế giới đang có nguy cơ lãng quên những bài học của các cuộc xung đột lớn trong thế kỷ XX. Ông cảnh báo chủ nghĩa dân tộc là "bệnh hủi đang lây lan ra toàn thế giới".

Dự kiến, sau lễ kỷ niệm chính ngày 11/11, các lãnh đạo thế giới sẽ tham dự một diễn đàn hòa bình kéo dài 3 ngày, do Thủ tướng Đức Merkel tổ chức - sự kiện mà ông Macron muốn biến thành một hội thảo hòa bình đa phương thường niên.

Ngoài lễ kỷ niệm chính tại Pari một số nước đã tổ chức để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong cuộc chiến.

Tổng thống Trump, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron trong số 70 lãnh đạo các nước tham dự buổi lễ tại Pari. (Ảnh Reuters).

Lễ tưởng niệm tại Canbera, Úc

Tại Úc, một buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra tại đài tưởng niệm National War Memorial ở Canberra, trong lúc tại Adelaide, một phi cơ đã thả hàng ngàn bông hoa anh túc đỏ bằng giấy xuống.

Tại New Zealand, nghi lễ bắn súng kỷ niệm được thực hiện tại thủ đô Wellington.

Tại Ấn Độ, các buổi lễ được tổ chức để tưởng nhớ 74 ngàn binh lính đã ngã xuống khi tham chiến .

Tại Anh, một loạt các sự kiện đặc biệt đang diễn ra nhằm đánh dấu việc kết thúc cuộc chiến.

Cuộc họp thường niên Đối thoại Ngoại giao và Quân sự Mỹ - Trung, đã diễn ra tại Washington hôm thứ Sáu 9/11 thay cho cuộc họp dự kiến tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng trước, nhưng sau đó đã bị hoãn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã gặp Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ông Ngụy Phượng Hòa.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo chỉ trích Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo và bãi đá ở Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định nước này có chủ quyền.

"Chúng tôi vẫn có lo ngại về các hoạt động và việc quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc," ông Pompeo phát biểu sau cuộc họp. "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết đã có ở khu vực này".

Ông Dương Khiết Trì, UVBCT, Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc nói, Trung Quốc đã cam kết "không đối đầu" nhưng Bắc Kinh có quyền xây dựng "các cơ sở quốc phòng cần thiết" ở nơi mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói rõ yêu cầu này của Trung Quốc không được Washington để ý tới, và khẳng định Mỹ hành động theo luật quốc tế để bảo vệ khả năng tiếp cận tới Biển Đông cho Mỹ và các quốc gia khác.

Trong một thông cáo đưa ra hôm thứ Bảy 10/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc họp là "thẳng thắn, xây dựng và rất thành công".

Ngoài chủ đề tự do hàng hải trên các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về những điểm khác biệt, trong đó có chiến tranh thương mại, một nước Đài Loan tự trị và việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về những điều cụ thể phía Mỹ và Trung Quốc đang làm để xây dựng một cơ chế quân sự tránh xung đột, ông Dương Khiết Trì đáp: "Trong phần thảo luận của chúng tôi hôm nay, phía Trung Quốc nói rõ cho phía Mỹ rằng Mỹ phải ngừng điều tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các hòn đảo và bãi đá của Trung Quốc và ngừng các hành động làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Và chúng tôi yêu cầu Mỹ đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và phát triển ở Biển Đông. Điều đó sẽ giúp giảm các nguy cơ an ninh".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nói tại cuộc họp báo: "Hoa Kỳ không theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh hay một chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc". Cho dù Hoa Kỳ và Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức khó khăn, "hợp tác vẫn là điều chủ chốt trong nhiều vấn đề" ông nói và dẫn chiếu nỗ lực thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Cuộc họp giữa hai bên được cho là nhằm kiềm chế tổn hại của mối quan hệ giữa hai bên đã xấu đi nhiều trong vài tháng qua và để mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng 11.

Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Pháp Macron nhất trí về phòng thủ sau lùm xùm về đạo quân Châu Âu.

Gặp nhau để hội đàm tại Điện Élysée một ngày trước các hoạt động kỉ niệm đánh dấu 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc, Tổng thống Macron chào đón Tổng thống Donal Trump tới Paris, hai bên đều có những trao đổi thẳng thắn về việc Châu Âu cần chi tiêu nhiều hơn cho phòng thủ.

"Chúng tôi muốn có một Châu Âu cường thịnh, điều đó rất quan trọng với chúng tôi, và bất cứ cách nào mà chúng tôi có thể làm điều đó tốt nhất và tiện lợi nhất sẽ là điều mà cả hai chúng tôi đều muốn," ông Trump nói. "Chúng tôi muốn giúp Châu Âu nhưng phải công bằng. Hiện tại Mỹ chịu phần lớn gánh nặng."

Ông Macron nhắc lại ý đó, nói rằng ông muốn Châu Âu gánh thêm chi phí quốc phòng trong khối NATO, một luận điểm mà ông đã liên tục nêu ra kể từ khi nhậm chức, cùng với tham vọng của ông là Châu Âu có năng lực quân sự của riêng mình.

"Đó là lí do tại sao tôi tin rằng các đề xuất của tôi cho phòng thủ của Châu Âu là hoàn toàn nhất quán với điều đó".

Chuyến thăm của ông Trump nhằm mục tiêu củng cố liên minh Mỹ-Âu vào một thời điểm mang tính biểu tượng trong khi thế giới đánh dấu kỉ niệm một trăm năm Thế chiến thứ nhất kết thúc. Trước đó khi ông Trump lên Twitter mô tả lời kêu gọi của ông Macron cho một đạo quân Châu Âu là "rất xúc phạm."

Điện Élysée nói sự hiểu lầm, điều mà họ nói là do các bản tin của báo chí Mỹ "phóng đại," đã được làm sáng tỏ trong hơn một giờ hội đàm mà họ mô tả là "đáng kể" và "rất có tính xây dựng". "Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất tốt và chúng tôi đồng quan điểm" Điện Élysée dẫn lời ông Trump nói sau cuộc họp.

Xả súng ở California, 12 người chết.

Một người đàn ông vũ trang tối qua 07/11/2018 đã xả súng vào một quán bar đông khách ở Los Angeles, khi hàng trăm sinh viên đang tổ chức lễ hội. Cảnh sát trưởng cho biết 11 người trong quán và một cảnh sát đã thiệt mạng. Thủ phạm là Ian David Long, cựu thủy quân lục chiến 28 tuổi, đã tự sát. Ian David Long đã từng là lính thuỷ quân lục chiến, chiến đấu tại Afghanistan, nhưng cũng là đối tượng trong nhiều cuộc điều tra của cảnh sát đã phải giám định tâm thần vì luôn có những hành vi bất thường.

Mỹ: Hỏa hoạn thiêu rụi gần như cả thị trấn Paradise

Bang California, Hoa Kỳ, tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực phía bắc tiểu bang khi ngọn lửa cháy rừng vẫn đang phát triển mạnh. Nhà chức trách và truyền thông Bang cho biết ngọn lửa phá hủy gần như toàn bộ thị trấn Paradise, thị trấn đang bốc cháy và hàng ngàn công trình đã bị san phẳng bởi ngọn lửa, nhiều người bị thương và vẫn chưa rõ liệu có ai tử vong hay không.

Một chiếc xe ô tô bị cháy tại thị trấn Paradise (8/11/2018).

Hỏa hoạn đã thiêu rụi hơn 69 km vuông và buộc cư dân của thị trấn phải sơ tán và có nguy cơ tiếp tục lan rộng đến các thị trấn gần đó nếu không được khống chế kịp thời.

Paradise cách 90 dặm về phía bắc của Sacramento, là nơi cư ngụ của hơn 26.000 dân. Cũng là nơi được mô tả là một thị trấn đậm nét lịch sử, mang vẻ đẹp tự nhiên với những cư dân thân thiện.

Trước đó vào mùa hè năm 2018, cũng đã có hai đám cháy rừng lớn cũng tại phía bắc California làm chết 6 người, tàn phá nhiều vườn nho, đồi cây, thiêu rụi 800 ngôi nhà và hàng vạn người phải sơ tán.

Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Mỹ

(Biên tập, tổng hợp từ các nguồn tin quốc tế)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới mới nhất tuần qua (05/11-11/11/2018). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Trần Hưng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.