Thứ bảy, 20/04/2024 05:20 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/12/2019

MTĐT -  Thứ ba, 10/12/2019 15:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/12/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/12/2019.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 2

Hội nghị diễn ra hôm nay (10/12) với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.

Cuộc đối thoại do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 10/12. Hội nghị có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời lắng nghe đại diện nông dân cả nước nói lên tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại năm 2018

Thủ tướng sẽ giải đáp, tiếp thu và chỉ đạo chính quyền các cấp, đặc biệt là các bộ, ngành phối hợp với các cấp Hội Nông dân cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả và phù hợp với thực tế người nông dân đòi hỏi.

Đây là lần thứ 2 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. Ở cuộc đối thoại lần thứ nhất tổ chức tại Hải Dương (tháng 4/2018), nông dân đã trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách tín dụng, đất đai, thị trường nông sản, quản lý vật tư nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới…

Sau cuộc đối thoại đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... cùng vào cuộc tháo gỡ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nga

Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, chiều 9/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã rời thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan, đến Thủ đô Moskva, Liên bang Nga.

Đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn tại Sân bay Vnukovo, Moskva, có Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Korelova Galina Nikolaevna và một số cán bộ Văn phòng Hội đồng Liên bang; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nga.

Ngay sau khi tới Thủ đô Moskva, chiều tối cùng ngày theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới Trung tâm Hà Nội - Moskva gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chia sẻ đã có một số dịp đến Liên bang Nga nhưng đây là lần đầu tiên thăm chính thức Liên bang Nga trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai nước đang kỷ niệm trong năm 2019 và 2020, hai nước tổ chức nhiều hoạt động như Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt - Nga (1995-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2020). Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng là một hoạt động góp phần vào các sự kiện trọng đại đó, đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga và hợp tác giữa hai Quốc hội của hai nước.

Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga sẽ tiến hành Phiên họp đầu tiên Ủy ban liên nghị viện cấp cao Việt - Nga, là cơ chế hợp tác cao nhất hiện nay của Quốc hội Việt Nam, tạo điều kiện để hai bên cùng nhau giám sát và thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương giữa hai nước…

Khai mạc Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3 tại Gia Lai

Tối ngày 9/12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Gia Lai với văn hóa thưởng thức cà phê”.

Ngày cà phê Việt Nam 2019 thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp kinh doanh cà phê, cùng hơn 60 khách quốc tế đến từ 12 quốc gia trên thế giới, tạo nên không gian văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo.

Ngày cà phê Việt Nam là điểm đến hội tụ các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm hiểu, hướng tới xây dựng các liên minh, liên kết bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh các mặt hàng cà phê góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho biết, cà phê được du nhập vào Gia Lai từ trước năm 1975, nhưng mới phát triển mạnh sau năm 1990 và đang ngày càng khẳng định vị thế trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cũng như trên thị trường cà phê trong nước và thế giới.

Tỉnh Gia Lai trao cờ đăng cai tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 4 năm 2020 cho Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Toàn tỉnh hiện có trên 70.000 tổ chức và hộ gia đình trồng cà phê với diện tích gần 100.000 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 220.000 tấn nhân. Phần lớn diện tích cây cà phê được trồng tập trung tại cao nguyên Pleiku đất đỏ Bazan độ cao 600m - 800m so với mặt nước biển nên có hương vị đậm đà, đặc trưng, làm say đắm lòng người.

Gia Lai mong muốn mời gọi các tập đoàn kinh tế, doanh nhân, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đến tìm hiểu về mảnh đất, con người và văn hóa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; tìm hiểu cơ hội hợp tác, liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê cũng như các sản phẩm thế mạnh khác của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho rằng, chỉ có hợp tác, liên doanh, liên kết chặt chẽ mới có thể tiếp tục đẩy mạnh phát triển bền vững ngành cà phê.

Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích cà phê của cả nước gần 700.000 ha, năng suất đạt 26 tạ/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất bình quân của thế giới. Sản lượng xuất khẩu đạt gần 1,9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp cả nước thời gian qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, từ năm 1975 đến nay, cùng với những thành tựu to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị trường.

Nhiều tiến bộ đã được áp dụng như: giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê đạt theo kế hoạch đến năm 2020, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành cà phê.

Lễ kỷ niệm lần thứ 3 Ngày cà phê Việt Nam năm là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng giới thiệu và quảng bá sản phẩm cà phê đến bạn bè quốc tế và trong cả nước.

Đại diện Tổ chức cà phê Quốc tế (IOC), ông Gerando Patacconi khẳng định, 30 năm qua, Việt Nam đã trở thành thành viên hàng đầu của ICO và là nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất trong lĩnh vực cà phê. Theo ông, thách thức quan trọng nhất đối hiện nay là đảm bảo nông dân trồng cà phê được có thể đạt được thu nhập và tiền lương hợp lý, đây chính là điều mà ICO tập trung nỗ lực trong năm qua.

Hôm nay khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Hôm nay (10/12), tại Hà Nội sẽ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nhiệm kỳ 2019 - 2024, với nhiều sự kiện ý nghĩa của người trẻ.

Đại hội diễn ra từ ngày 10 - 12/12 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội. Tham dự đại hội sẽ có 1.000 đại biểu là cán bộ, hội viên, thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực trong và ngoài nước.

Đại hội sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ VII; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ VIII (2019 - 2024); báo cáo về việc không sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội; hiệp thương chọn cử Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII.

Lễ chào cờ dưới chân cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) của các đại biểu tham gia hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi

Với khẩu hiệu hành động “Thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”, đại hội sẽ tập trung đánh giá việc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” qua công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa phong trào đến với thanh niên, vận động thanh niên thi đua rèn luyện, vận động thanh niên thi đua cống hiến, vận động thanh niên sống có trách nhiệm; đánh giá công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; những điểm thành công, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Đại hội dự kiến xác định tiếp tục triển khai phong trào: “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với 5 nội dung chính, bao gồm: Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh; Thanh niên Việt Nam sáng tạo, khởi nghiệp; Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích; Thanh niên Việt Nam tình nguyện vì cộng đồng; Thanh niên Việt Nam khỏe thể chất, vững kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế.

Tại buổi khai mạc sẽ diễn ra triển lãm Tôi yêu Tổ quốc tôi với không gian trẻ trung, sáng tạo và ấn tượng.

Đặc biệt tại phiên làm việc thứ nhất, các đại biểu sẽ nghe ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư thông tin chuyên đề về một số vấn đề định hướng phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Buổi sáng 10/12, trước khi đại hội diễn ra phiên thứ nhất, 1.000 đại biểu sẽ thực hiện một hành trình vì cộng đồng nhiều ý nghĩa. Sau khi hội quân dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn và lễ báo công, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1.000 đại biểu tham dự đại hội chia thành 8 nhóm thực hiện các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội. Các đại biểu sẽ tham gia chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”; thăm, tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, gia đình chính sách, người già neo đơn, thương bệnh binh; các hoạt động bảo vệ môi trường...

Phiên trọng thể đại hội diễn ra lúc 8 giờ 30 ngày 11/12 với sự tham dự của 400 đại biểu khách mời là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư và các địa phương; đại diện mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; đại diện cựu cán bộ Hội; đại diện cán bộ Hội tiêu biểu, thanh niên tiêu biểu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trên các lĩnh vực; thường trực các tỉnh thành Đoàn và Đoàn trực thuộc.

Chiều cùng ngày, đại biểu dự đại hội sẽ tham gia 12 diễn đàn tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

Đại biểu tham dự chương trình nghệ thuật Khát vọng trẻ do Báo Thanh Niên tổ chức lúc 20 giờ ngày 11/12 tại Cung điền kinh, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đặc biệt tại đại hội lần này, đại biểu sẽ tham dự chương trình đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam - vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh” vào 8 giờ ngày 12/12 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...