Thứ bảy, 20/04/2024 05:10 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 01/12/2019 08:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2019.

Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công nhân Cảng Hải Phòng

Tối 30/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công nhân Cảng Hải Phòng (24/11/1929 - 24/11/2019), Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên (28/11/1929-28/11/2019) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.

Tại buổi Lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Lao động Hạng Ba – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thế hệ đầu công nhân Cảng Hải Phòng hình thành từ năm 1874 khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng những bến cảng đầu tiên ở Hải Phòng. Với tinh thần bất khuất trong đấu tranh, các thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng đứng lên đấu tranh giành nhiều thắng lợi, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân, đế quốc của Hải Phòng và cả nước. Cuối năm 1927, Chi hội Thanh niên và Chi hội Công hội đỏ Cảng Hải Phòng được thành lập, cùng công nhân lao động Cảng tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi chủ cảng tăng lương, có nước uống trong giờ làm việc, chống đánh đập, cúp phạt. Ngày 24/11/1929, cuộc đấu tranh giữa 500 công nhân với giới chủ cảng thắng lợi hoàn toàn, khẳng định bản lĩnh giai cấp cách mạng của công nhân Cảng Hải Phòng. Đó là khởi nguồn ngày truyền thống “Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo” của Đảng bộ và đội ngũ công nhân Cảng Hải Phòng.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, Cảng phát động nhiều phong trào, như: “Khắc phục khó khăn chống làm bừa, làm ẩu”, “Tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hiện kế hoạch hóa phục hồi kinh tế”; phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải”, “Giỏi một nghề thạo nhiều nghề”… nhận được sự hưởng ứng của công nhân Cảng. Cảng Hải Phòng không chỉ là nơi tiếp nhận hàng viện trợ của các nước XHCN anh em, mà còn là căn cứ xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển. Với tinh thần quả cảm, thông minh, sáng tạo, sát cánh với các lực lượng Quân đội, những người công nhân Cảng Hải Phòng "bất khuất, anh hùng” đã chiến dấu và chiến thắng trong những cuộc đánh phá ác liệt không quân Mỹ, bảo đảm an toàn cơ sở vật chất, hàng hóa để phục vụ sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều công nhân đã anh dũng chiến dấu, hy sinh để bảo vệ, thông luồng cho tàu vào Cảng.

Đặc biệt, Cảng Hải Phòng còn là nơi lưu lại những dấu ấn quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua 3 lần đến thăm Cảng, Người đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo và nhũng tình cảm sâu sắc cho thành phố Hải Phòng nói chung vả Cảng Hải Phòng nói riêng. Đây là niềm tự hào và nguồn động viên lớn lao đối với các thế hệ cán bộ, công nhân Cảng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Cảng Hải Phòng ngày càng được mở rộng và từng bước tiến lên chính quy, hiện đại. Với khẩu hiệu “Phát huy truyền thống Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo, phát triển Cảng Hải Phòng văn minh, hiện đại”, công nhân Cảng Hải Phòng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, hội thao nâng cao năng suất, chất lượng xếp dỡ hàng hóa, phát huy sáng kiến đến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất… Chỉ tính trong 10 năm (từ 2009 đến 2018), có 1.321 đề tài, sáng kiến chủ yếu của công nhân lao động trực tiếp sản xuất, làm lợi cho đơn vị 16,2 tỷ đồng. Các hội thao góp phần nâng cao năng lực điều khiển phương tiện thiết bị, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an ninh - an toàn cảng biển… của người lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35 triệu tấn, doanh thu trên 2,2 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận khoảng hơn 600 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên lao động của Cảng khoảng 3200 người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cảng đã đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến với hệ thống điều hành sản xuất, giám sát, bốc xếp hiện đại hàng đầu trong khu vực; xây dựng Chiến lược phái triển theo mô hình "cổng biển xanh"; từng bước thực hiện "cảng điện tử” với những dịch vụ trực tuyến, thông quan điện tử; tự động trao đổi dữ liệu với hải quan và các cảng quốc tế.

90 năm qua, các thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng tự hào khi đóng góp của họ trong hành trình vinh quang ấy luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng. Trong 10 năm (từ năm 2008 đến năm 2018), có 217 lượt cá nhân được tôn vinh là công nhân lao động tiêu biểu, 222 lượt công nhân lao động xuất sắc, 122 công nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo, 5 công nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động… Truyền thống “Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo” không ngừng được phát huy và là điểm tựa quan trọng trong hành trình xây dựng thế hệ công nhân cảng có tri thức, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng lớn trong việc góp phần đưa đất nước và thành phố phát triển đột phá trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh, thành phố Hải Phòng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng của cả nước; đặc biệt có Cảng Hải Phòng với lịch sử hơm 145 năm, là cửa ngõ ra biển quan trọng nhất của các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, Cảng Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò là thương cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đơn vị chủ lực của ngành giao thông vận tải với những kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng ấn tượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị tập thể cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hải Phòng phải đóng vai trò trọng tâm trong định hướng chiến lượcphát triển logislics và vận tài biển của đất nước; tiếp tục đầu tư mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại để kinh doanh, gắn liền với xây dựng, phát triển thương hiệu cảng biển xanh quốc gia và khu vực. Tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực khai thác trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới; đổi mới về sản phẩm dịch vụ phương thức cung cấp dịch vụ mới, cung ứng các dịch vụ chất lượng cao.

Cùng với đó là phải cải cách cơ chế thông thoáng, luôn tìm ra cách làm mới, hướng đi mới để kinh doanh và cạnh tranh hiệu quả hơn, góp phần đáp ứng hiệu quả trong phát triển logistics và vận tải biển; phát triển trở thành một “cảng biển điện tử” của quốc gia và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc tại tỉnh An Giang

Sáng 30/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã thăm, làm việc tại tỉnh An Giang. Đến thăm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tiếp tục nắm chắc tình hình biên giới, phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh ngăn ngừa các loại tội phạm biên giới, xuyên biên giới, xâm phạm an ninh quốc gia... Cần tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động nhân dân, công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Trong chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội đã tới tham quan vùng nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú, An Giang). Đây là vùng đầu tiên áp dụng công nghệ cao vào nuôi cá tra tại Việt Nam, quy mô dự án là 600ha.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xem công nghệ cho cá ăn ứng dụng qua hệ thống vi tính tại vùng nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TTXVN

Sau khi khảo sát thực địa về mô hình nuôi cá tra công nghệ cao và gặp gỡ nói chuyện với nhân dân xã Bình Phú, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện Châu Phú và đại diện doanh nghiệp.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã đến thăm và trao quà tặng Mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Bài và gia đình thương binh Đỗ Minh Liên tại thành phố Châu Đốc, An Giang.

Bộ Khoa học và Công nghệ vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Sáng 30/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN.

Nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những dấu mốc quan trọng trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển (1959-2019), sáng 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ.

Bộ Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sáu mươi năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc theo chiều dài lịch sử, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, phát triển bền vững đất nước.

Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập cũng là dịp để tri ân và biểu dương những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ; đồng thời, điểm lại những trang sử vẻ vang đã qua, thể hiện quyết tâm đoàn kết, đưa nền khoa học và công nghệ của nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (ảnh: TTXVN).

Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: 60 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ đã có những thay đổi từ Ủy ban Khoa học Nhà nước ở ngày đầu thành lập (năm 1959), Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 đến nay là Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng dù với tên gọi nào thì Bộ cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học và công nghệ và hiện nay là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi đất nước hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà khoa học-công nghệ, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ để khoa học và công nghệ tiếp tục đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Bộ Khoa học và Công nghệ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ trong cả nước, trong dòng chảy lịch sử 60 năm qua của ngành Khoa học và Công nghệ, nhiều tấm gương các nhà khoa học nổi tiếng nhà quản lý khoa học tiêu biểu có đóng góp quan trọng từ những giai đoạn đầu hình thành đặt nền móng cho khoa học công nghệ nước nhà phát triển như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà nông học Lương Định Của, bác sĩ Tôn Thất Tùng... Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm tạo điều kiện để phát triển, công tác quản lý nhà nước từng bước được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình, vươn lên để phát triển vì sự thịnh vượng của quốc gia của dân tộc. Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, ngược lại có những nước không có tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là khoa học vì nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác. Việt Nam cũng vậy, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Để Việt Nam tiếp tục phát triển thịnh vượng, phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh; phải xác định tập trung vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển khoa học công nghệ trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ Khoa học và Công nghệ và đội ngũ cán bộ quản lý. Cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu sức sáng tạo hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nước nhà trong thời gian tới.

Dâng hương tưởng niệm 111 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự

Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3/12/1908 - 3/12/2019), chiều 30/11, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến dẫn đầu đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện lễ dâng hương tưởng niệm tại Công viên Ngô Gia Tự (xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Các đại biểu thành kính tưởng niệm trước tượng đài đồng chí Ngô Gia Tự. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Tại buổi lễ, đoàn đại biểu thành kính dâng hoa, thắp nén hương thơm tưởng niệm trước tượng đài đồng chí Ngô Gia Tự - Nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh.

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, đồng chí Ngô Gia Tự sớm giác ngộ cách mạng, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1926, là một trong những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Đồng chí là người có công lớn trong việc tuyên truyền, xây dựng các cơ sở cách mạng đầu tiên và chỉ đạo thành lập Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang.

Học tập và noi gương đồng chí Ngô Gia Tự, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nguyện đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng phát triển toàn diện, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Sau lễ dâng hương, đoàn đã đến thăm Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự ở thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...