Thứ năm, 28/03/2024 22:40 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/11/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 15/11/2019 09:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/11/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/11/2019 trong nước và thế giới.

Lễ kỷ niệm 25 năm ngày Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có hiệu lực

Chiều 14/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tham dự Lễ kỷ niệm có gần 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành liên quan đến việc thực thi UNCLOS, một số đại sứ và đại diện Ngoại giao đoàn tại Hà Nội, hơn 100 đại biểu đến từ 22 thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tham dự Hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN về vận dụng UNCLOS và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi trên biển tổ chức từ ngày 13-14/11/2019.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 được thông qua vào ngày 10/12/1982 và có hiệu lực ngày 16/11/1994. Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký và sau đó phê chuẩn Công ước. Vì vậy, ngày 16/11/2019 đánh dấu 25 năm Công ước có hiệu lực, đồng thời là 25 năm Việt Nam làm thành viên của Công ước. Trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, biển và đại dương chiếm hơn 70% diện tích bề mặt trái đất, không chỉ kết nối các lục địa mà còn là nguồn sống và không gian hoạt động, tương tác giữa hơn 200 quốc gia trên thế giới. Việc xây dựng một văn kiện pháp lý nhằm “giải quyết mọi vấn đề liên quan đến luật biển” và “thiết lập một trật tự pháp lý trên biển” có ý nghĩa sống còn và là mong muốn của các quốc gia như thể hiện ở Lời nói đầu của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá giá trị của Công ước trong việc duy trì trật tự trên biển và những đóng góp của Việt Nam trong thực thi Công ước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, với 320 Điều và 9 Phụ lục điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương”, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng và hợp tác về biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới.

Cho tới nay, Công ước đã có 168 quốc gia thành viên và hầu hết các quy định của Công ước đã trở thành tập quán quốc tế. Vì vậy, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế toàn cầu quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc trong giai đoạn sau năm 1945. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia ven biển, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong 25 năm qua, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời có nhiều nỗ lực thực thi Công ước trên Biển Đông. Trước hết, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với UNCLOS. Trong đó, quan trọng nhất là Luật Biển Việt Nam năm 2012 - cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký các điều ước quốc tế về phân định biển với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và phân định biển với các quốc gia láng giềng khác.

Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển với hình thức hợp tác đa dạng và nội dung ngày càng đi vào chiều sâu nhằm khai thác tối đa các tiềm năng của biển cũng như giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Trong lĩnh vực hợp tác cùng phát triển, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi với các quốc gia trên cơ sở quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển thuộc Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Với chủ trương này, Việt Nam đang duy trì các cơ chế về hợp tác cùng phát triển với các nước ven Biển Đông như hợp tác tài nguyên khoáng sản khu vực thềm lục địa chồng lấn với Malaysia, hợp tác nghề cá và dầu khí tại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.

Trong các lĩnh vực chuyên ngành, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chia sẻ nỗ lực của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, quản lý tài nguyên và nguồn lợi biển, bảo vệ môi trường biển… Nỗ lực của các bộ, ngành không chỉ phản ánh qua các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật mà còn qua các hành động cụ thể, ở tất cả các cấp. Điều này cho thấy, việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là ý chí và hành động chung của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền ở tất cả các cấp của Việt Nam.

Thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, vi phạm nghiêm trọng các quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không có những hành động diễn giải sai trái hay cố tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò của Công ước. Bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 4/11/2002 (DOC), kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 14/11, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) và kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (21/11/1979 - 21/11/2019).

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất và tặng Bệnh viện bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Cờ Thi đua của Chính phủ tặng Bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Duy Ánh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao Động hạng Nhất cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, từ bệnh viện 100 giường trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng I với 750 giường bệnh và là một trong 4 đơn vị tuyến cuối về chuyên ngành sản phụ khoa của cả nước. Bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị - chỉ tiêu an sinh xã hội của thành phố và định hướng phát triển ngành Y tế Thủ đô.

Đặc biệt trong năm 2019, điểm nhấn quan trọng tạo nên sự thành công của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là kỹ thuật can thiệp trong buồng ối - kỹ thuật được đánh giá là khó nhất trong sản khoa. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai.

TP.HCM xin gia hạn thời gian thí điểm hoạt động Ban quản lý An toàn thực phẩm

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký Tờ trình số 4654 xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn thời gian thí điểm hoạt động của Ban quản lý ATTP TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước, thí điểm thành lập tỏng 3 năm từ 5/12/2016 tới 5/12/2019, Ban quản lý ATTP đã giải quyết được hạn chế về cơ chế phối hợp giữa Sở ngành và đầu mối chịu trách nhiệm về công tác quản lý ATTP (Ban quản lý ATTP là đầu mối tổng hợp tham mưu đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo VSATTP trên địa bàn trước UBND TP.HCM).

Một đợt kiểm tra của Ban quản lý ATTP TP.HCM

Việc kết hợp 3 sở (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn) về Ban quản lý ATTP không làm tăng biên chế mà còn tăng hiệu quả trong phân công xử lý công viêc liên quan cải cách hành chính cấp phép, thanh kiểm tra ATTP .v..v nâng vị thế công tác đảm bảo ATTP.

Trên cơ sở hiệu quả đó, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho phép gia hạn thí điểm hoạt động của Ban quản lý ATTP TP.HCM kể từ ngày 6/12/2019 đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (hoặc duy trì mô hình Ban quản lý ATTP).

Trước đó, theo tổng kết 3 năm thí điểm của Ban quản lý ATTP TP.HCM thì chỉ trong 3 năm, việc lấy mẫu, thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm đều tăng hơn gấp nhiều lần với những năm trước đây.

Đặc biệt, lực lượng thanh tra của Ban Quản lý ATTP còn rất linh động trong việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng ngay các quy định về hàng gian, hàng giả của ngành Công thương, tiêu hủy tại chỗ các thực phẩm có dấu hiệu nhiễm bệnh, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thay cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm như trước đây.

Hiện ban đã xây dựng được 10 đội quản lý ATTP gồm 2 đội quản lý 2 chợ đầu mối là chợ Bình Điền và chợ Hóc Môn được phân công kiểm soát toàn bộ thực phẩm về chợ mỗi đêm. Cùng với đó là 8 đội quản lý ở 24 quận, huyện.

90% người dân hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Đây là một trong những kết quả đáng chú ý có trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Một số kết quả đáng chú ý khác có trong báo cáo như đã có hơn 20 bệnh viện trên cả nước tham gia mạng lưới tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá, với hàng nghìn bệnh nhân cai nghiện thuốc lá thành công mỗi năm. Công tác tuyên tuyên đã được phủ rộng ở khắp các địa phương. Một số người nghiện thuốc lá không bỏ được thuốc, đã có ý thức hút thuốc đúng nơi quy định, không hút thuốc gần phụ nữ mang thai và trẻ em. Quảng cáo thuốc lá đã không còn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, những hoạt động tích cực của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.

Hiện mỗi năm, Quỹ hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các đơn vị và địa phương để tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế như việc xử lý các hành vi vi phạm luật còn gặp khó khăn, lực lượng thanh tra mỏng. Một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, bố trí kinh phí và nhân lực chưa đầy đủ.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.