Thứ sáu, 29/03/2024 15:54 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9/2019

MTĐT -  Thứ hai, 16/09/2019 14:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9/2019 trong nước và thế giới.

Phó Thủ tướng dự lễ Công bố quyết định TP Tân An đạt đô thị loại II

Ngày14/9, Ủy ban nhân dân thành phố Tân An (tỉnh Long An) long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tân An đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì nhân kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đã đến dự, chúc mừng và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Tân An Trần Kim Lân nhấn mạnh: Trong 10 năm qua thành phố huy động nguồn vốn từ ngân sách, từ nhân dân và các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 6.600 tỉ đồng, vượt gần 20% chỉ tiêu kế hoạch. Nguồn vốn này được phân bổ để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông, thoát nước, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Quyết định công nhận thành phố Tân An đạt đô thị loại II cho đại diện lãnh đạo Thành phố.

Đến nay, thành phố Tân An có 186km đường giao thông được thảm nhựa và bê tông hóa (tăng hơn 53km so với năm 2009); 199km đường cống thoát nước (tăng hơn 35km so với năm 2009); 100% hẻm nội thành được bê tông hóa, đường liên ấp, liên xã được mở rộng, thảm nhựa. 100% tuyến đường có hệ thống chiếu sáng công cộng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, góp phần cải tạo cảnh quan đô thị.

Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng giảm khu vực I và khu vực II, tăng khu vực III. Theo đó, khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp) giảm từ 3,08% năm 2009 còn 2,54% năm 2018; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) từ 52,16% năm 2009 giảm còn 44,33% năm 2018; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng mạnh từ 44,76% năm 2009 lên 50,13% trong năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 30,8 triệu đồng, đến năm 2018 tăng lên 64,7 triệu đồng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà thành phố Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói chung đạt được trong thời gian qua, chúc mừng Tân An đã chính thức trở thành đô thị loại II và đón nhận Huân chương lao động Hạng nhì do Nhà nước trao tặng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Long An và thành phố Tân An trong thời gian tới cần khẩn trương rà soát, kịp thời cập nhật, bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch các ngành kinh tế quan trọng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để Long An từng bước trở thành tỉnh công nghiệp phát triển. Long An cần quy hoạch thành phố Tân An kết nối thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến Quốc lộ 1A; đồng thời, tỉnh cần quy hoạch phát triển tuyến đô thị động lực.

Long An cần chú trọng quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hướng đến đô thị thông minh; chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất- kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An cần huy động mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho thành phố Tân An phát triển mạnh hơn, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng động bô, đẩy mạnh phát tiển kinh tế nhanh, bền vững, từng bước phát triển “đô thị xanh-thông minh” theo Chương trình phát triển đô thị thành phố Tân An, tạo điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động, khẳng định được vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An.

Ngoài ra, tỉnh Long An và thành phố Tân An cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị , cơ sở vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Long An.

PTT Vương Đình Huệ: Đắk Lắk phải là địa bàn "chiến lược của chiến lược"

Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Tây Nguyên và Đắk Lắk.
Sáng 15/9, tại TP Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể và sắp xếp, đổi mới, phát triển các nông lâm trường.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả Đắk Lắk đạt được trong 9 tháng qua khi tổng sản phẩm xã hội ước đạt 36.700 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt trên 4.900 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch.

Toàn cảnh buổi làm việc: Ảnh: TTXVN.

Đắk Lắk hiện có 25 công ty thuộc ủy ban, 21 đơn vị thuộc các công ty nông lâm nghiệp trung ương. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc Đắk Lắk hoàn thành sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các công ty nông lâm nghiệp có ý nghĩa lớn đối với cả nước thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị.

Diện tích đất các công ty nông lâm nghiệp giữ lại trên địa bàn vẫn còn cao, chiếm gần 83%, vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc ban hành phương án sử dụng đất nông lâm nghiệp đã thu hồi để cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân.

Về định hướng phát triển Đắk Lắk trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước thì Đắk Lắk là địa bàn "chiến lược của chiến lược".

Chiều cùng ngày, tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với cán bộ, nhân viên và người lao động của Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 và Công ty cà phê 15. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục hoàn thiện phương án sắp xếp Binh đoàn 15, 16, bảo đảm bám sát Kết luận 16 của Bộ Chính trị, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ LĐTB&XH thực hiện chính sách với lao động dôi dư và chế độ với người lao động khi sắp xếp và cổ phần hóa các doanh nghiệp.

Triển khai "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" tại CH Séc

Chiều 15/9 tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, đã diễn ra hội nghị triển khai cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" do chính phủ phát động đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc.

Theo phóng viên TTXVN thương trú tại Cộng hòa Séc, hội nghị do ban tổ chức triển khai cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (gọi tắt là Ban tổ chức 248) và Hội người Việt Nam tại Séc phối hợp thực hiện.

Tham dự hội nghị có ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Ban tổ chức 248, đại diện Thương mại Việt Nam tại Séc Nguyễn Thị Hồng Thủy, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội người Việt tại châu Âu, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc cùng đông đảo doanh nhân và doanh nghiệp người Việt tại địa bàn.

Theo ban tổ chức hội nghị, Cộng hòa Séc là nơi đầu tiên Ban tổ chức 248 triển khai cuộc vận động tại châu Âu và nước ngoài.

Trung tâm thương mại Sapa, nơi có 3.000 người Việt đang kinh doanh hàng ngày. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Việc triển khai cuộc vận động cũng nhằm khẳng định vai trò, vị trí tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tại Séc để lan tỏa cho các cộng đồng người Việt ở địa bàn khác học tập.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Nhiên cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại Séc có thể coi là cộng đồng doanh nghiệp vì có trên 90% là doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp quy mô trên toàn cầu.

Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp vươn ra toàn cầu những vẫn hướng về quê hương đất nước.

Văn hóa doanh nghiệp có thể được coi là "hồn, cốt" của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tồn tại, phát triển lâu dài hay không cần phải có văn hóa doanh nghiệp, cần doanh nghiệp phải có văn hóa kinh doanh.

Ông Nhiên nhấn mạnh: "Thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, chúng tôi xin đón nhận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ban tổ chức triển khai dự án xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã đến với cộng đồng người Việt tại Séc."

Theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội người Việt tại châu Âu, đồng thời cũng là một doanh nhân tiêu biểu, chia sẻ việc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Việc xây dựng văn hóa của mỗi doanh nghiệp, công ty là tạo sự phát triển vững vàng, góp phần khẳng định vị thế của cộng đồng người Việt ở nước sở tại.

Cộng đồng người Việt tại Séc có tổ chức tương đối thống nhất, rất thuận lợi cho việc triển khai cuộc vận động của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Bế mạc hội nghị, Trưởng ban Ban tổ chức 248 Hồ Anh Tuấn và Chủ tịch Hội người Việt tại Séc Nguyễn Duy Nhiên đã đại diện ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Văn hóa doanh nghiệp; phối hợp vận động cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn Séc tích cực hưởng ứng, triển khai cuộc vận động theo chỉ đạo của Chính phủ và các hoạt động của "Ngày văn hóa doanh nghiệp" hằng năm; khảo sát, đánh giá về thực trạng Văn hóa doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại Séc làm cơ sở đề ra các giải pháp hoàn thiện, hướng tới xây dựng chiến lược về Văn hóa doanh nghiệp.

70 chương trình đặc sắc kỷ niệm 70 năm quan hệ Việt Nam - Hungary sẽ diễn ra vào năm 2020

Gặp mặt hữu nghị Việt Nam – Hungary là sự kiện thường niên do Hội hữu nghị Việt Nam -Hungary (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam – VUFO) tổ chức nhân kỷ niệm Quốc khánh Hungary (20/8) và Quốc khánh Việt Nam (02/9), có ý nghĩa góp phần thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tới dự sự kiện có ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch VUFO, bà Phạm Thái Như Mai, Phó Trưởng ban Châu Âu VUFO, Đại sứ Hungary tại Việt Nam ông Őry Csaba, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội và đông đảo các thành viên Hội hữu nghị Việt Nam - Hungary.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hungary phát biểu tại sự kiện. Ảnh: P.Y

Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Hungary Őry Csaba khẳng định: Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước đã và đang không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Những bước tiến này được minh chứng bằng những con số ấn tượng như: trong 2 năm trở lại đây, chỉ tiêu cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam du học Hungary đã tăng lên con số 200 suất mỗi năm. Đặc biệt, trong đó, số sinh viên theo học bằng tiếng Hungary tăng gấp đôi.

Trong hơn một năm qua, các dự án dịch thuật cũng được triển khai tích cực, mang tới cho độc giả Việt Nam 6 cuốn sách đặc sắc của Hungary, tạo nền tảng cho nhiều tác phẩm nữa sẽ được chuyển ngữ trong thời gian tới, góp phần là cầu nối văn hóa đắc lực giữa hai đất nước. Bên cạnh đó, các chương trình giao lưu văn hóa như liên hoan phim, triển lãm mỹ thuật đương đại cũng đã mang đất nước Hungary tới gần hơn với nhân dân Việt Nam.

Theo chia sẻ của Đại sứ Hungary tại Việt Nam, trong năm 2020, sẽ có 70 chương trình đặc sắc được tổ chức để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1950-2020). Năm 2020 cũng sẽ đánh dấu sự ra mắt của Trung tâm Văn hóa và Cộng đồng Hungary tại Hà Nội, hứa hẹn sẽ tạo đà cho những bước phát triển sâu rộng trong hợp tác văn hóa, kinh tế, du lịch, ẩm thực giữa hai quốc gia.

Nhân dịp này, Đại sứ Cbasa cũng đã giới thiệu với các đại biểu dự Gặp mặt hữu nghị tập thể cán bộ, nhân viên mới của Đại sứ quán, vui mừng cho biết, Đại sứ quán đã có sự mở rộng về nhân sự, gồm nhiều gương mặt trẻ đến từ Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hungary bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn mà nhân dân hai nước đã đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục v.v…Ông cũng bày tỏ niềm tin tưởng vững chắc rằng với sự nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, hai Hội hữu nghị Việt Nam – Hungary và Hungary-Việt Nam, quan hệ song phương sẽ ngày càng phát triển, với những thành quả to lớn và thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ Gặp mặt hữu nghị Việt Nam - Hungary 2019, các đại biểu, khách mời là những cựu du học sinh, những người đã có những năm tháng làm việc, sinh sống trên đất nước Hungary đã gặp gỡ, chia sẻ kỷ niệm trong không gian đậm màu sắc văn hóa Hungary, với các món ăn truyền thống, những quầy sách giới thiệu các tác phẩm văn học Hungary đặc sắc.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.