Thứ sáu, 19/04/2024 06:20 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/3/2020

MTĐT -  Thứ tư, 04/03/2020 07:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/3/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/3/2020.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo 896

Tại Quyết định số 325/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 896) theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 8/6/2013.

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo 896.

Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Phó Trưởng ban Thường trực); Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh.

Thủ tướng cũng phê duyệt danh sách Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo 896. Cụ thể, Chánh Văn phòng là Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phó Chánh Văn phòng gồm: Đại tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (Phó Chánh Văn phòng Thường trực); Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan; Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Hoàng Ngọc Anh.

Tăng cường gắn kết tình cảm phụ nữ ASEAN

Chiều 3/3, tại Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tiếp Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN do Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội làm trưởng đoàn, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (1910-2020).

Bày tỏ vui mừng tiếp Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội trong việc thành lập và thúc đẩy hoạt động của Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN. Đây là diễn đàn bổ ích, góp phần gắn kết phụ nữ các nước ASEAN nói riêng và người dân ASEAN nói chung nhằm thực hiện mục tiêu vì một cộng đồng ASEAN đoàn kết, hữu nghị và hợp tác.

Chia sẻ những tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới tại Việt Nam thời gian qua, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận giáo dục, y tế, tham gia vào hoạt động chính trị - xã hội. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, phụ nữ Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực khẳng định mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực đối ngoại.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tiếp Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN do Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch danh dự Nhóm làm trưởng đoàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chúc mừng những kết quả hoạt động của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN trong 5 năm qua, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân ý nghĩa của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tổ chức như: Gặp mặt Ngày Gia đình ASEAN, Ngày Quốc tế phụ nữ; tham gia chương trình Liên hoan ẩm thực quốc tế; mở rộng mạng lưới của nhóm sang các đối tác của ASEAN, góp phần tăng cường gắn kết ASEAN trong lòng bạn bè quốc tế; đóng góp trong các chương trình xã hội, từ thiện trên khắp Việt Nam…

Liên quan đến các hoạt động trong năm 2020, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tiếp tục tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực góp phần thúc đẩy thực hiện những ưu tiên của ASEAN trong năm 2020; đồng thời tăng cường gắn kết tình cảm phụ nữ ASEAN nói riêng, phụ nữ trên toàn thế giới nói chung; hỗ trợ xây dựng bản sắc văn hóa chung ASEAN vì sự phát triển ngày càng vững mạnh của cộng đồng.

Cảm ơn đồng chí Trương Thị Mai đã dành thời gian tiếp đoàn, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga báo cáo khái quát tình hình hoạt động của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN và nhấn mạnh sự kiện năm 2020 đánh dấu 5 năm thành lập nhóm gắn với 5 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN (2015-2020). Những hoạt động của Nhóm đóng góp vào các sáng kiến gắn kết, tăng cường giao lưu nhân dân, quảng bá văn hóa đậm đà bản sắc của ASEAN; qua đó góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân các nước ASEAN và gắn kết bè bạn quốc tế.

Nhấn mạnh hoạt động của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN cũng là công tác dân vận đối ngoại, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định, thời gian tới, nhóm sẽ tích cực hỗ trợ công tác bình đẳng giới của Việt Nam, đóng góp vào thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực và thế giới. Đại sứ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, định hướng để các hoạt động của nhóm ngày càng thiết thực, hỗ trợ hiệu quả Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Chiều 3/3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tiếp Đoàn Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN do ông Alexander Feldman, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN tại Việt Nam làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Alexander Feldman chúc mừng những thành công của Chính phủ Việt Nam trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 nhằm tạo môi trường an toàn cho người dân sản xuất, kinh doanh.

Ông Feldman cũng đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh; mong muốn Chính phủ, Quốc hội Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm từng bước hoàn thiện hơn nữa chính sách, môi trường đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao vai trò quan trọng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam tiếp tục đường lối đổi mới, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước giúp Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và trong mắt các nhà đầu tư.

Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA).

Đây là những FTA có tác động, ý nghĩa rất lớn, giúp thực hiện thành công chiến lược thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Việc tham gia các FTA này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đồng thời, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội mới cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Về tình hình kinh tế của Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ năm vừa qua, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp...
Đặc biệt năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam thiết lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD. Đây là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam lọt vào tốp 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy “Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ” vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là về kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục đào tạo, hợp tác y tế, môi trường, nhân đạo.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ phát triển tại thị trường Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ, là cầu nối quan trọng trong kết nối cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Chính phủ và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam rất chú trọng phát triển khoa học-kỹ thuật, các ngành kinh tế mũi nhọn. Hoa Kỳ là cường quốc khoa học hàng đầu, các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn được coi là những người tiên phong về khoa học, công nghệ và chất lượng với các công ty nổi tiếng như GE, Apple, Intel, Microsoft, Boeing...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định Quốc hội Việt Nam ủng hộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp thông lệ quốc tế và các cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.

Lo ngại Covid-19, Nhật Bản có thể hoãn Olympic Tokyo 2020

Theo hợp đồng được ký kết với Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC), Nhật Bản có nghĩa vụ tổ chức Olympic trong năm 2020.

Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Olympic Tokyo có thể được dời xuống thời điểm cuối năm, thay vì huỷ bỏ như lo ngại ban đầu.

Nhật Bản được phép lùi thời điểm tổ chức Olympic.

"Hợp đồng ràng buộc Thế vận hội được tổ chức trong khuôn khổ năm 2020, điều đó ngầm hiểu rằng Nhật Bản được phép hoãn Olympic trong ít tháng", Seiko Hashimoto, đại diện nhà chức trách Nhật Bản chia sẻ. "Chúng tôi cam kết làm mọi thứ có thể để Olympic diễn ra theo đúng kế hoạch".

Chỉ IOC mới có thẩm quyền huỷ bỏ việc tổ chức Olympic. Thomas Bach, Chủ tịch IOC, cam kết Olympic vẫn sẽ được tổ chức dù diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng đang diễn biến phức tạp.

Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đang dừng ở con số 284 (6 người tử vong), nhiều thứ năm thế giới, xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Italy. Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 92.165, trong đó 3.127 người đã chết.

Trong khi số ca nhiễm tại Trung Quốc giảm mạnh, chỉ còn 125 ca mới trong ngày hôm nay thì số ca nhiễm tại Italy và Hàn Quốc lại đang tăng rất nhanh. Hàn Quốc vượt mốc 5.000 ca nhiễm, còn Italy là 2.036 ca nhiễm.

Virus corona khiến nhiều quốc gia phải huỷ bỏ các sự kiện thể thao, hoặc vẫn tổ chức, nhưng ở điều kiện không có khán giả.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.