Thứ bảy, 20/04/2024 00:52 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/6/2020

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 05:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/6/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 15/6/2020

Quảng Bình: Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình

Tối ngày 13/6, tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957 – 16/6/2020) và khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình. Tượng đài là ghi dấu cho một sự kiện lịch sử trọng đại và đáng nhớ của toàn tỉnh.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực; đại diện mẹ Việt Nam Anh Hùng và đại diện các tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng đã biểu dương, ghi nhận những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đạt được trong 63 năm qua. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống quật khởi và tinh thần “Hai giỏi” trong kháng chiến chống Mỹ vào công cuộc xây dựng quê hương để xứng đáng với những lời căn dặn và tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại diện các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cắt băng khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình. 

Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình là mong muốn của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân địa phương. Vì vậy, đề nghị tỉnh Quảng Bình phải phát huy giá trị của công trình cũng như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Trong bài diễn văn Kỷ niệm của đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình đã nêu rõ: Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta tuy giành được độc lập nhưng vẫn đứng trước những thử thách nặng nề và đất nước bị chia cắt 2 miền. Quảng Bình – Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Để động viên nhân dân Quảng Bình – Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến Tranh, xứng đáng là “tiền đồn” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với tình cảm sâu nặng của mình, ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã vào thăm Quảng Bình.

Bác dành thời gian quý báu để gặp mặt cán bộ cốt cán tại Hội trường Tỉnh uỷ; nói chuyện với ba vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình và Đoàn Dân chính Đảng Đặc khu Vĩnh Linh tại sân vận động Đồng Hới; đi thăm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 325 đóng quân tại Đồng Hới…

Dẫu thời gian vào thăm chưa nhiều, chưa thoả hết mong mỏi nhưng Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với tấm lòng yêu thương vô bờ bến và cao hơn hết là những chỉ dẫn ân cần, thể hiện rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài, sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Bình.

Và nay đã hơn 60 năm kể từ khi Bác Hồ về thăm Quảng Bình, tình cảm sâu sắc cùng những lời căn dặn ân cần của Người mãi mãi khắc ghi, sâu đậm trong nhân dân Quảng Bình. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Quảng Bình nằm tại vị trí trung tâm thành phố Đồng Hới là ghi dấu cho tình cảm giữa Người và toàn quân, toàn dân Quảng Bình cũng như nhắc nhở về những lời dạy mỗi ngày của người cho sự phát triển mai sau.

WB và tỉnh Phú Yên trở thành đối tác chiến lược

Khuôn khổ này sẽ cho phép tỉnh Phú Yên tận dụng tốt hơn tri thức toàn cầu, nguồn lực tài chính và sức mạnh tập hợp của Ngân hàng Thế giới để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội và hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một trung tâm công nghiệp và du lịch của Việt Nam và Đông Nam Á.

Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm phát triển đô thị thích ứng, cung cấp các dịch vụ hạ tầng chất lượng cao, hiệu quả và thúc đẩy phát triển ngành du lịch và ngư nghiệp.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB): “Phú Yên đang phát triển nhanh chóng và quan hệ đối tác của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi rất vui mừng được mở rộng hỗ trợ cho Phú Yên trong các nỗ lực xây dựng kinh tế biển bền vững và thúc đẩy hội nhập khu vực”.

Hai bên sẽ thiết lập một nền tảng cho các cuộc thảo luận chiến lược và thường xuyên, chia sẻ kiến thức và bài học kinh nghiệm, cũng như huy động nguồn lực và kiến thức. Hai bên sẽ hợp tác trong nhiều sáng kiến, bao gồm hoạt động hỗ trợ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương giai đoạn 2021 - 2030, sáng kiến Đô thị thông minh và Chính quyền điện tử, và Quan hệ đối tác công tư.

Tỉnh Phú Yên đang trên đà phát triển mạnh mẽ – tỉnh đã vượt mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước kể từ năm 2008. Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Nam Trung bộ và có gần 200 km bờ biển, Phú Yên có tiềm năng lớn trong việc trở thành điểm kết nối quan trọng cho hoạt động trao đổi kinh tế của khu vực.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Cái Sơn

Ngày 14/6, tại xã Long Phú (huyện Tam Bình), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Cái Sơn (16/6/1960 - 16/6/2020).

Nơi đây, 60 năm trước, đã diễn ra trận đánh tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba - tên tỉnh trưởng đầu tiên ở miền Nam Việt Nam bị tiêu diệt, từ đó tác động mạnh mẽ đến phong trào diệt ác, trừ gian, làm phá sản việc xây dựng Khu trù mật Cái Sơn, lập nên một chiến công oanh liệt và có ý nghĩa to lớn trong lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.

Ôn lại ý nghĩa Chiến thắng Cái Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nêu rõ, đầu năm 1959, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành xây dựng thí điểm 2 “Khu trù mật” là: Khu trù mật Cái Sơn, ở xã Song Phú (nay là xã Long Phú) nằm trên lộ 16 (nay là đường tỉnh 905) thuộc huyện Tam Bình và Khu trù mật Cái Dầu, ở xã Tân Lược, huyện Bình Minh (nay thuộc huyện Bình Tân).

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm. 

Khu trù mật Cái Sơn là khu trù mật kiểu mẫu của địch thí điểm ở Vĩnh Long để nhân rộng ra các tỉnh khác do Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba trực tiếp chỉ đạo thực hiện theo chỉ thị của Ngô Đình Diệm. Nếu mô hình khu trù mật thành công sẽ tách dân khỏi lực lượng kháng chiến và lực lượng cách mạng sẽ bị tiêu diệt. Địch đã dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo, hiểm độc, kết hợp dùng bạo lực với lừa mị, dụ dỗ, lôi kéo dân vào các khu trù mật.

Để chặn đứng âm mưu gom dân lập khu trù mật của Mỹ - Diệm, Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ thị cho lực lượng vũ trang của tỉnh “nỗ lực diệt ác, cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân, chống phá Khu trù mật Cái Sơn và Cái Dầu, không để địch lập được khu trù mật và tập trung dân”.

Nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt đã chỉ đạo cho Đại đội 256 nghiên cứu địa hình và chuẩn bị phương án tác chiến. Qua thời gian nghiên cứu địa hình và quy luật đi lại của Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba, Ban Chỉ huy Đại đội bàn bạc, quyết định dùng chiến thuật “phục kích đội mồ” và chọn đoạn cống cây Sao, cách khu trù mật Cái Sơn không xa để xây dựng trận địa tiêu diệt.

Đúng 16 giờ 15 phút ngày 16/6/1960, khi địch vừa lọt vào nơi phục kích, quân ta bất ngờ nổ súng, xe Tỉnh trưởng bị trúng đạn, các xe hộ tống hốt hoảng rút chạy về hướng Cái Sơn. Tên Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba tháo chạy, ta kêu gọi đầu hàng nhưng vẫn cố chạy nên bị tiêu diệt tại chỗ. Ta bắt sống 3 trưởng ty và làm chủ trận địa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khưu Văn Ba bị tiêu diệt đã tạo nên một tiếng vang lớn không chỉ trong tỉnh Vĩnh Long mà còn đối với các tỉnh miền Nam, làm cho số tay sai đắc lực khác của chính quyền Sài Gòn phải rúng động, chùn tay. Kế hoạch xây dựng khu trù mật kiểu mẫu Cái Sơn bị phá sản, việc xây dựng các khu trù mật khác cũng lần lượt bị phá sản theo. Trận đánh này đã tác động và hỗ trợ mạnh mẽ phong trào diệt ác ở các địa phương trong tỉnh, làm cho binh lính chế độ Sài Gòn hoang mang, lo sợ.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nhấn mạnh, sự kiện phục kích, tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Ta vừa giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đang nghiêm túc thi hành hiệp định Geneva, trong khi địch ra sức phá hoại hiệp định, đàn áp lực lượng cách mạng, thì sự kiện này đã vượt khỏi tầm của một chiến thắng về mặt quân sự, nó thể hiện tầm tư duy chiến lược của Tỉnh ủy Vĩnh Long trong việc quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng miền Nam, làm phá sản ý đồ lập khu trù mật của Mỹ - Diệm ở Vĩnh Long nói riêng và miền Nam nói chung. Đây còn là thắng lợi mở màn cho cuộc Đồng khởi chuyển mình lịch sử ngày 14/9/1960, góp phần làm phá sản chiến lược “Tố cộng, diệt cộng” của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón khẳng định: “Sự kiện tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc là chiến công của quân và dân Vĩnh Long mà trực tiếp là Đại đội 256, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt (tiền thân của Tiểu đoàn 857 anh hùng). Đây là sự thật lịch sử không thể phủ nhận được”.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai tại Tokyo

Ngày 14/6, Thị trưởng thủ đô Tokyo của Nhật Bản Yuriko Koike cho biết thành phố này xác nhận thêm 47 ca mắc mới, chỉ vài ngày sau khi dỡ bỏ cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 5/5, số ca mắc mới trong ngày của Tokyo tăng lên trên 40 người, làm dấy lên lo ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai bùng phát tại thủ đô của Nhật Bản. Với số ca mới phát hiện, Tokyo đến nay ghi nhận tổng cộng 5.544 ca mắc.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 25/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số ca nhiễm mới, 18 người có liên quan đến một số cơ sở vui chơi, giải trí ban đêm tại khu Shinjuku. Hôm 13/6, Tokyo xác nhận thêm 24 ca mắc, trong đó có 4 ca mắc mới liên quan đến những điểm vui chơi, giải trí ban đêm tại Shinjuku. Trước tình hình trên, chính quyền thành phố yêu cầu những người làm việc tại các cơ sở này làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 định kỳ nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, cả nước đến nay ghi nhận tổng cộng 17.529 ca mắc, chưa bao gồm 712 ca mắc trên du thuyền Diamond Princess. Số ca tử vong tại nước này là 940 ca, chưa bao gồm số ca tử vong trên du thuyền Diamond Princess. Tổng cộng 16.298 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện, trong đó có 655 bệnh nhân liên quan đến du thuyền nói trên.

Ngày 14/6, giới chức y tế Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết tính từ 0 - 7h sáng cùng ngày, thành phố này xác nhận thêm 8 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh Pang Xinghuo thông báo tất cả các trường hợp trên đều liên quan đến khu chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, Tây Nam thủ đô. Đa số các bệnh nhân buôn bán ở chợ hoặc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với khu chợ bán buôn này. Tất cả 43 ca được ghi nhận tại Bắc Kinh trong 3 ngày trước đó cũng đều liên quan đến chợ Tân Phát Địa.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hồ Bắc - từng là tâm dịch COVID-19 tại Trung Quốc – đã mở lại một số điểm văn hóa công cộng trong động thái mới nhất nhằm khôi phục hoạt động sau khi đẩy lùi được dịch bệnh.

Các điểm văn hóa được mở cửa trở lại nói trên đều ở thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc gồm bảo tàng tỉnh, thư viện tỉnh, nhà tưởng niệm Cách mạng Tân Hợi, bảo tàng nghệ thuật tỉnh và trung tâm triển lãm đại chúng. Tuy nhiên, các cơ sở này duy trì các biện pháp phòng dịch như khử trùng, yêu cầu khách tham quan giữ khoảng cách tối thiểu, hạn chế số khách.

Động thái này được đưa ra sau khi chính quyền Hồ Bắc quyết định hạ mức ứng phó khẩn cấp với COVID-19 từ II thành mức III từ ngày 13/6, theo đó cho phép các điểm công cộng, hội nghị, triển lãm, trường học, du lịch giữa các tỉnh dần nối lại hoạt động.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...