Thứ bảy, 20/04/2024 03:41 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/8/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 21/08/2020 06:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/8/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/8/2020.

Thủ tướng sẽ dự hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ 3

Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần 3 sẽ diễn ra ngày 24/8 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia lãnh đạo cấp cao 6 nước thành viên Mekong - Lan Thương gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có phát biểu quan trọng tại hội nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo tại buổi họp báo chiều 20/8.

Đây là hội nghị mang tính chất định kỳ 2 năm một lần. Hội nghị này do Lào và Trung Quốc đồng chủ trì tổ chức, với chủ đề “Tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung”.

Hội nghị sẽ tập trung đánh giá tình hình hợp tác kể từ hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương lần 2 và thảo luận định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần 2. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Người phát ngôn, dự kiến lãnh đạo các nước sẽ thảo luận một số nội dung như hợp tác y tế cộng đồng, tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh; hợp tác phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19; và quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) là một trong hơn 10 cơ chế hợp tác hiện có tại Tiểu vùng Mekong.

MLC được thành lập ngày 23/3/2016 với việc thông qua Tuyên bố Tam Á của các nhà lãnh đạo cấp cao 6 nước. Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung và tầm quan trọng của sông Mekong với sự phát triển của Tiểu vùng và cuộc sống của người dân.

Tuyên bố xác định khuôn khổ hợp tác trên 3 trụ cột về (i) chính trị và an ninh, (ii) kinh tế và phát triển bền vững, (iii) xã hội, văn hóa và giao lưu con người với 5 phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

MLC đã cơ bản duy trì cơ chế họp cấp cao 2 năm/lần, họp thường niên cấp bộ trưởng, họp SOM và các nhóm làm việc.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao cờ thi đua cho tỉnh Yên Bái

Sáng 20/8, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái lần thứ X.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng của Yên Bái trong giai đoạn 2015 - 2020.

Đặc biệt Yên Bái được coi là điểm sáng khi có huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh cao gấp 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Phó Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương pháp, biện pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, bám sát và gắn với thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đơn vị. Địa phương cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động sử dụng các nguồn lực để địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, Yên Bái cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; quan tâm khen thưởng kịp thời đối với các điển hình, nhân tố mới, chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ, doanh nghiệp, doanh nhân…

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao quà cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Yên Bái.

WHO đề cao khả năng ứng phó của châu Âu trong phòng chống dịch COVID-19

Ngày 20/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Âu có thể phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà không cần phải tiến hành phong tỏa toàn diện do chính phủ các nước trong thời gian gần đây có sự chuẩn bị ứng phó tốt hơn, cũng như kiến thức về biện pháp phòng chống dịch.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bordeaux, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới, người phụ trách khu vực châu Âu thuộc WHO, Hans Kluge nêu rõ: "Với các biện pháp cơ bản trên quy mô quốc gia và các biện pháp bổ sung, chúng ta đang trong vị thế tốt hơn để dập tắt những ổ dịch bùng phát ở địa phương. Chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh và duy trì hoạt động của nền kinh tế và hệ thống giáo dục".

Ông Kluge cho biết số ca mắc COVID-19 tại châu Âu đã tăng mạnh trong hai tháng qua. Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của tháng 8, số ca mắc COVID-18 tại khu vực này đã cao hơn 40.000 ca so với tuần đầu tiên của tháng 6, thời điểm ghi nhận số ca nhiễm ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, ông Kluge cho rằng hiện nay, chính phủ các nước châu Âu có thể kiểm soát dịch bệnh theo một cách khác so với thời điểm dịch bệnh lần đầu tiên bùng phát.

Theo số liệu của WHO, châu Âu ghi nhận trung bình 26.000 ca nhiễm mới/ngày, trong đó bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng tăng. Tuy nhiên, ông Kluge nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mở cửa lại trường học trong bối cảnh các nước dần trở lại bình thường. Theo ông, việc đóng cửa trường học gây hậu quả rất tiêu cực đối với trẻ em.

WHO kêu gọi các nước tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tiến hành chương trình xét nghiệm và truy vết toàn quốc, rửa tay sát khuẩn. Ngoài ra, các nước nên triển khai thêm các biện pháp phòng ngừa ở những địa phương xuất hiện ổ dịch.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) và Công ty Công nghệ sinh học CureVac của Đức thông báo đã hoàn tất vòng đàm phán đầu tiên về cung ứng 225 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng cho các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Ủy viên phụ trách về Y tế của EU Stella Kyriakides nêu rõ: "Hôm nay, chung tôi đã kết thúc những cuộc đàm phán với công ty CureVac của châu Âu nhằm tăng thêm những cơ hội tìm kiếm một loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả".

EU bắt đầu tiến hành đàm phán với CureVac về một hợp đồng nhằm đảm bảo được nguồn cung vaccine tiềm năng cho tất cả 27 nước thành viên nếu loại vaccine này chứng minh được sự an toàn và hiệu quả trong phòng chống COVID-19.

Ông Azevedo sẽ đầu quân cho PepsiCo ngay sau khi rời vị trí Tổng Giám đốc WTO

Công ty PepsiCo ngày 20/8 cho biết ngay sau khi rời vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 31/8, ông Roberto Azevedo sẽ về làm việc cho PepsiCo trên cương vị Phó chủ tịch.

Trong ảnh (tư liệu): Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo trong cuộc họp báo sau hội nghị của WTO ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Công ty PepsiCo ngày 20/8 cho biết ngay sau khi rời vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 31/8, ông Roberto Azevedo sẽ về làm việc cho PepsiCo trên cương vị Phó chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của công ty này.

Ông Azevedo (62 tuổi), làm Tổng giám đốc WTO, cơ quan thương mại quốc tế có trụ sở tại Geneva (Thuy Sỹ) từ năm 2013, dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng Tám này, sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Nguyên nhân của kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn, theo ông Azevedo, là nhằm tạo điều kiện cho các thành viên lựa chọn người kế nhiệm trong những tháng tới, mà không phải tìm cách kéo dài để tập trung hơn cho công tác chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào năm 2021.

Dự kiến trong ngày 1/9, một ngày sau khi rời vị trí người đứng đầu WTO, ông Azevedo sẽ tới làm việc cho PepsiCo trên cương vị Phó chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của công ty này.

Giám đốc điều hành PepsiCo Ramon Laguarta cho biết PepsiCo “được nhờ” các kỹ năng chính trị có giá trị và kiến thức uyên thâm về các môi trường xã hội, chính trị và lập pháp của ông Azevedo.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...