Thứ sáu, 29/03/2024 04:26 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/7/2020

MTĐT -  Thứ tư, 22/07/2020 06:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/7/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/7/2020.

Việt Nam-Trung Quốc trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển

Ngày 21/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành ở Trung ương, Ủy ban Nhân dân của các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và 7 tỉnh biên giới phía Bắc cùng tham dự.

Tại hội nghị, hai bên nhất trí cho rằng kể từ sau Phiên họp lần thứ 11 (tháng 9/2018) đến nay, mối quan hệ Việt-Trung về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực: giao lưu cấp cao được duy trì bằng các hình thức linh hoạt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm, trao đổi thư, điện mừng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự một số diễn đàn kinh tế tại Trung Quốc, cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường điện đàm về hợp tác phòng, chống COVID-19; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Trung Quốc và có nhiều chuyến thăm, trao đổi của lãnh đạo hai nước.

Hợp tác giữa các bộ, ngành, đặc biệt là giao lưu địa phương phát triển cả về số lượng tham gia, lĩnh vực hợp tác và ngày càng đi vào chiều sâu. Hợp tác về thương mại tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng 4,5%, nhiều mặt hàng có ưu thế của Việt Nam như sữa, măng cụt đã đến với thị trường Trung Quốc; đầu tư trực tiếp - FDI của Trung Quốc tại Việt Nam năm 2019 có bước tăng trưởng lớn, hiện đứng thứ 7 trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc liên tục nhiều năm liền dẫn đầu về lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi đó Việt Nam là một trong những nước ASEAN có số lượng du khách đến Trung Quốc lớn nhất. Hai bên đã triển khai hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong phòng, chống dịch COVID-19. Các hoạt động giao lưu nhân dân tiếp tục được triển khai. Hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020).

Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc; một số dự án do Trung Quốc đầu tư, nhận thầu ở Việt Nam và việc triển khai các khoản vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam tiến triển còn chậm tuy được hai bên quan tâm.

Tại hội nghị, hai bên đi sâu trao đổi và xác định một số trọng tâm công tác thời gian tới nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển bền vững.

Hai bên nhất trí thúc đẩy tổ chức các chuyến thăm cấp cao khi điều kiện cho phép và duy trì tiếp xúc bằng những hình thức phù hợp khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy quan hệ hai nước; triển khai tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; trao đổi kinh nghiệm và triển khai hợp tác về phòng, chống dịch COVID-19, nối lại các chuyến bay thương mại, tạo thuận lợi cho việc qua lại về người và hàng hóa; tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để hoạt động thương mại Việt-Trung, trong đó có thương mại biên giới, được triển khai thuận lợi; nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, nhất là nông sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; chỉ đạo giải quyết triệt để các vướng mắc, tồn đọng tại một số dự án hợp tác.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khẳng định sẽ thúc đẩy các cơ quan chủ quản xem xét tích cực các đề xuất của Việt Nam.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, môi trường, giao thông-vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Hai bên đã trao đổi toàn diện về vấn đề biên giới lãnh thổ. Về biên giới trên đất liền, hai bên đánh giá tình hình cơ bản ổn định, quản lý tốt đường biên, mốc giới và các cặp cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên giới, kể cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, nghiêm túc tuân thủ các quy định của 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan.

Về vấn đề trên biển, hai bên ghi nhận những kết quả đạt được của 10 cuộc đàm phán liên quan đến phân định và hợp tác cùng phát triển trên biển được tiến hành từ sau Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương đến nay; ghi nhận các thành quả về sự hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt về vấn đề trên biển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất.

Hai bên đánh giá Phiên họp thành công tốt đẹp, đạt nhiều thành quả cụ thể, nhất trí sau Phiên họp sẽ trao cho nhau danh mục các vấn đề cần phối hợp thúc đẩy để giải quyết trong thời gian tới.

Việt Nam - New Zealand tái ký kết Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục

Chiều 21/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng Cơ quan Giáo dục New Zealand đã tiến hành tái ký kết bản Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023.

Bản Kế hoạch sẽ triển khai các sáng kiến ở nhiều lĩnh vực giáo dục giữa New Zealand và Việt Nam, bao gồm chương trình liên kết ở bậc đại học, mô hình giáo dục cấp tiến về đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp, tăng cường hợp tác giữa các trường trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh cũng như các chương trình kết nối cựu du học sinh. Trong đó, các mô hình giáo dục cấp tiến về đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp là đặc biệt cần thiết đối với việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước.

New Zealand tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu giáo dục của thế kỷ 21, hướng tới đào tạo một thế hệ sinh viên tốt nghiệp được trang bị tốt về kiến thức, kiện toàn các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Nếu Kế hoạch Hợp tác Chiến lược năm 2015 đặt nền móng cho quan hệ đối tác chiến lược về giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand thì bản Kế hoạch Hợp tác mới sẽ tiếp tục tăng cường những sáng kiến giáo dục hiện có, đồng thời, xác định những cơ hội mới mà cả hai bên có thể cùng hợp tác phát triển và thực hiện, mang lại lợi ích chung cho cả hai quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cùng Bà Wendy Matthews, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam thực hiện ký kết. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Năm 2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - New Zealand. Ngày mai (22/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến với Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern. Do đó, việc ký kết lần này là hoạt động ý nghĩa, là nền tảng đưa quan hệ hợp tác giáo dục của hai nước tiến xa hơn.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một trong ba khâu đột phá phát triển đất nước. Những năm qua, Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài. Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand... Hiện cũng có khoảng 21.000 học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam ở nhiều bậc học khác nhau.

Thứ trưởng mong muốn New Zealand tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường khả năng tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên; tăng cường liên kết đào tạo và trao đổi học thuật, vì sự phát triển chung của nền giáo dục hai nước.

Ông Grant McPherson, Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan Giáo dục New Zealand, đánh giá cao sự năng động và đa dạng mà học sinh, sinh viên Việt Nam mang đến cho các trường New Zealand. Đồng thời khẳng định, New Zealand rất vui mừng chào đón ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đến học tập trong những năm gần đây. Với uy tín không ngừng tăng cao trên trường quốc tế của nền giáo dục New Zealand, chúng tôi cam kết tăng cường các cơ hội mang nền giáo dục của New Zealand đến gần hơn với học sinh, sinh viên Việt Nam, đồng thời, tiếp tục thiết lập quan hệ đối tác gần gũi cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Ông Grant McPherson cũng chia sẻ: Trong bối cảnh phức tạp do đại dịch COVID-19 chúng tôi vẫn hy vọng chào đón học sinh, sinh viên đến New Zealand khi việc đi lại giữa các nước được nối lại một cách an toàn, đặc biệt là thông qua những sáng kiến giáo dục như Học bổng Chính phủ New Zealand bậc trung học hay Học bổng Chính phủ New Zealand bậc sau đại học. Chúng tôi cam kết tìm kiếm các phương thức sáng tạo để vun đắp cho quan hệ giáo dục giữa hai nước, trong đó, bao gồm những mô hình giáo dục cấp tiến như đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp.

Tính đến năm 2018 có trên 2.700 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại New Zealand, trong đó, có 600 học sinh trung học. New Zealand cũng có Học bổng của Thủ tướng dành cho sinh viên trao đổi ở khu vực châu Á (Prime Minister’s Scholarships for Asia) được khởi động từ năm 2013. Tính đến nay, đã có 143 sinh viên New Zealand chọn Việt Nam làm điểm đến để thực tập và nghiên cứu.

Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành kiểm sát nhân dân và 44 năm Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang

Chiều 21-7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KSND (26-7-1960 – 26-7-2020) và 44 năm thành lập VKSND tỉnh (23-4-1976 – 23-4-2020). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt đã đến dự.

Lãnh đạo VKSND tỉnh chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập đến năm 1986, ngành kiểm sát An Giang từng bước kiện toàn về tổ chức. VKSND tỉnh đi vào hoạt động với 12 cán bộ, trụ sở không có, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, sau thời gian ổn định, đến nay VKSND hai cấp đã chủ động thực hiện và đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng tiếp nhận, quản lý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định của pháp luật.

Tỷ lệ giải quyết tin báo về tội phạm tăng lên qua các năm, từ 85,5% (năm 2010) đến 94,08% (năm 2019); số lượng án hai cấp thụ lý cũng tăng dần theo từng năm: 692 vụ, 1.070 bị can (năm 2010) đến 2019 là 1.602 vụ, 1.200 bị can; tỷ lệ khởi tố, điều tra giải quyết án từ 87,1% năm 2010 đến 2019 đạt 90,64% vượt chỉ tiêu Quốc hội và ngành đề ra. Qua đó, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.