Thứ sáu, 19/04/2024 18:36 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/6/2020

MTĐT -  Thứ tư, 24/06/2020 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/6/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/6/2020

Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện để đảm bảo tiến độ các dự án của JICA

Chiều 23/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tiếp Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Akira Shimizu tới chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm vụ mới.

Tại buổi tiếp, ông Akira Shimizu đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua. Không những vậy, TP vẫn tạo điều kiện cho hoạt động của các công trường, trong đó có các dự án của JICA. Đây là điều rất khác biệt so với sự đình trệ của một số dự JICA tại các quốc gia khác trên thế giới. Ông Akira Shimizu khẳng định, các dự án JICA trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra.

Nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam rất coi trọng xây dựng mối quan hệ với Việt Nam, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có TP Hà Nội, đồng thời khẳng định sẽ làm hết sức mình để đóng góp vào nỗ lực này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Akira Shimizu. 

Cám ơn những chia sẻ của Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng rất trân trọng Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ những dự án hết sức thiết thực, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, phát triển Thủ đô. Đánh giá cao sự đồng hành của JICA tại Việt Nam trong các dự án của Chính phủ Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP khẳng định các dự án của cơ quan đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng giao thông, chất lượng môi trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Hà Nội. Chủ tịch UBND TP bày tỏ tin tưởng, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam Akira Shimizu với những kinh nghiệm sẵn có sẽ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà chính phủ Nhật Bản đã giao phó, tiếp tục đóng góp tích cực vào mối quan hệ giữa hai nước, cũng như giữa Hà Nội với Nhật Bản.

Nhấn mạnh tới tác động của Covid-19 đối với đời sống xã hội và kinh tế, Chủ tịch UBND TP bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mới trong phòng, chống dịch của cả Việt Nam và Nhật Bản. Chủ tịch UBND TP khẳng định, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng luôn xác định bảo vệ sức khỏe người dân là nhiệm vụ số một. Cũng bởi thế mà cho đến nay, Việt Nam cũng như Hà Nội vừa ngăn chặn được dịch bệnh, tiết kiệm chi phí tối đa, đồng thời hạn chế được những thiệt hại về kinh tế. Trong thời gian giãn cách xã hội, các dự án thi công trên địa bàn TP không những không bị đình trệ, mà còn được đẩy nhanh tiến độ thi công do điều kiện giao thông thông thoáng…

Trong khuôn khổ buổi tiếp, hai bên cũng đã trao đổi một số vướng mắc trong các dự án của JICA trên địa bàn Hà Nội. Trong các trao đổi, Chủ tịch UBND TP nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ giữa hai bên nhằm đảm bảo cập nhật xuyên suốt thông tin về tiến độ các dự án, xử lý kịp thời các phát sinh, tháo mắc các khó khăn tồn tại, qua đó đẩy nhanh tiến độ các gói thầu, đặc biệt là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Chủ tịch UBND TP cũng trân trọng mời Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra vào ngày 27/6 tới.

Tọa đàm “35 năm vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Ngày 23-6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “35 năm vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những sự kiện hướng tới kỷ niệm 35 năm Báo Pháp luật Việt Nam ra số báo đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2020). Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tới dự và phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, trải qua 35 năm, Báo Pháp luật Việt Nam đã không ngừng phát triển, học hỏi sáng tạo để bắt kịp nhịp đập của báo chí cách mạng. Đơn vị là cơ quan ngôn luận sắc bén của Bộ Tư pháp; là tờ báo luôn cung cấp những thông tin chính thống, chủ lưu, chính xác, bổ ích tới bạn đọc, đặc biệt là lĩnh vực tư pháp, pháp luật…

Tiến sĩ Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Long

Ngoài ra, Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ làm tốt vai trò truyền thông tư pháp, pháp luật mà còn phải làm tốt công tác xã hội và các hoạt động phía sau mặt báo với nhiều chương trình có giá trị lan tỏa như “Gương sáng Tư pháp”, “Vinh danh hãng luật, luật sư tiêu biểu”, “Doanh nghiệp doanh nhân thượng tôn pháp luật - phát triển bền vững”…

Phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, Đại tá Văn Ngọc Quế khẳng định, Báo Pháp luật Việt Nam từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết, tin cậy của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc trên biên giới. Thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã và đang chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những kiến thức pháp luật thiết thực, bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật cho quần chúng nhân dân, giữ ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Bên cạnh đó Báo Pháp luật Việt Nam đã tiên phong trong việc phát hiện, phản ánh kịp thời các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, từ khi thực hiện Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt các đề án, trong đó có Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016”, và giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai thực hiện đến hết năm 2021, đơn vị đã kịp thời hỗ trợ thông tin, giúp đỡ BĐBP hoàn thành tốt các nội dung trên.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục đồng hành có hiệu quả cùng BĐBP trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, bảo vệ biên giới; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, tích cực phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân BĐBP và quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia…

11 tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị ASCC

Ngày 23/6, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 23 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch ASCC 2020 chủ trì và điều hành hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân làm trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Năm 2020 là năm quan trọng của ASEAN khi tất cả các cơ quan chuyên ngành và cả 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội đang đánh giá giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch tổng thể 2025.

Bộ trưởng Dung khẳng định, với 15 cơ quan chuyên ngành liên quan phụ trách nhiều lĩnh vực, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội có sứ mệnh quan trọng khi kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân.

Trong bối cảnh xã hội đang đổi thay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghiệp, các nền tảng xã hội phát triển, già hóa dân số và thiên tai dịch bệnh đang ngày càng gia tăng, giai đoạn chuyển giao giữa hai thập kỷ, Bộ trưởng Dung kêu gọi các nước thành viên ASEAN đoàn kết và hợp tác hơn nữa, phát huy vai trò của ASCC trong điều phối những nỗ lực của cộng đồng để đảm bảo cho người dân có cuộc sống hạnh phúc, đảm bảo được ổn định và phát triển xã hội.

 11 tuyên bố chung đã được các bộ trưởng thông qua tại Hội nghị ASCC. 

Tại hội nghị, các Bộ trưởng ủng hộ những ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 gắn liền với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Và đánh giá cao việc Việt Nam sẽ thúc đẩy thảo luận và hướng tới các lĩnh vực ưu tiên: Lao động và Phát triển nguồn nhân lực; Phúc lợi xã hội và Phát triển; Y tế; Truyền thông và Thông tin; Văn hóa ASEAN; Nhận thức và Bản sắc; Môi trường và Biến đổi khí hậu; Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của tất cả các nước thành viên ASEAN, các bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến về thúc đẩy hợp tác và tăng cường các biện pháp ứng phó với Covid-19. Và, khuyến khích những đóng góp tích cực của tất cả các cơ quan chuyên ngành thuộc ASCC trong nỗ lực ứng phó với Covid-19.

Cùng với đó là những sáng kiến liên ngành có sự phối hợp chung đã cho phép xây dựng được kế hoạch phục hồi sau đại dịch nhằm mang lại việc làm và sinh kế cho người lao động và thúc đẩy khả năng vực dậy về kinh tế - xã hội của các nhóm yếu thế...

Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng ra Tuyên bố chung và đạt được sự đồng thuận thông qua 2 văn kiện, Tuyên bố của Cộng đồng để trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua và ghi nhận.Tuyên bố chung gồm những nội dung chính: Tuyệt đối ủng hộ các lĩnh vực trọng tâm của trụ cột Văn hóa – Xã hội ASEAN bao gồm Lao động và Phát triển nguồn nhân lực, Phúc lợi xã hội và Phát triển, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa ASEAN, Nhận thức và Bản sắc, Môi trường và Biến đổi khí hậu, và Đánh giá giữa kỳ phù hợp với chủ đề năm Việt Nam là chủ tịch ASEAN “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Cùng với đó là 5 ưu tiên: Kết nối khu vực, gắn kết, tận dụng cơ hội; thúc đẩy bản sắc ASEAN và nhận thức về Cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững; và nâng cao năng lực và hiệu quả của bộ máy ASEAN.

Tiếp tục nỗ lực giải quyết những tác động về kinh tế - xã hội của đại dịch và xác định những cơ hội nhằm phục hồi lại khu vực ASEAN sau khủng hoảng; ghi nhận đề xuất của Indonesia về việc thành lập một Nhóm đặc trách của các nước ASEAN+3 về đại dịch.
Thông qua “Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực vì một thế giới công việc đang thay đổi” và đề nghị trình Tuyên bố này lên Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 36 để các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua...

Ngay sau khi Hội nghị ASCC kết thúc, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức họp báo với sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Quân thông tin về những nội dung chính đã được các Bộ trưởng thảo luận và thống nhất.

Singapore giải tán Quốc hội, chuẩn bị tổ chức bầu cử

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Singapore cho biết, Ngày Đề cử sẽ diễn ra vào 30/6.

Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Lý Hiển Long đã lý giải về lý do quyết định tổ chức bầu cử sớm dù dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, đồng thời khẳng định sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho cử tri đi bỏ phiếu.

Người đứng đầu Chính phủ Singapore cho biết, sau cuộc bầu cử, chính phủ mới có thể tập trung vào các chương trình nghị sự của đất nước, trong đó có việc xử lý đại dịch COVID-19, kinh tế và việc làm.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh, chính phủ mới mà người dân Singapore lựa chọn sẽ đưa ra những quyết định quan trọng tác động tới cuộc sống của người dân và hình thành đất nước Singapore trong nhiều năm tới.

Quốc hội Singapore họp ngày 5/6 vừa qua.

Nhiệm kỳ hiện tại của Quốc hội Singapore sẽ kết thúc vào tháng 4/2021 và thời điểm muộn nhất giải tán để chuẩn bị bầu cử là tháng 1/2021.

Trong cuộc bầu cử lần này, hơn 2,65 triệu cử tri Singapore sẽ đi bầu 93 nghị sĩ, tăng 4 nghị sĩ so với hiện tại.

Theo quy định, sau Ngày Đề cử, các đảng phái sẽ có ít nhất 9 ngày để vận động tranh cử. Sau đó sẽ lần lượt tới Ngày Hạ nhiệt và Ngày Bầu cử.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...