Thứ sáu, 29/03/2024 17:19 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/8/2020

MTĐT -  Thứ ba, 25/08/2020 09:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/8/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/8/2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ ba

Ngày 24-8, Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) lần thứ ba diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị cùng các nhà lãnh đạo cấp cao Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan và Trung Quốc. Với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung", hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua và thảo luận các phương hướng thúc đẩy hợp tác giai đoạn tới.

Về kết quả hợp tác, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như: Hợp tác quản lý nguồn nước sông Mê Công đạt tiến triển, trong đó có việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài nguyên nước MLC lần thứ nhất, khởi động hợp tác giữa MLC và Ủy hội sông Mê Công; hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật được triển khai với sự hỗ trợ của Quỹ đặc biệt MLC; Trung tâm Nghiên cứu Mê Công và các trung tâm hợp tác chuyên ngành được thành lập và hoạt động ổn định.

Về định hướng hợp tác, các nhà lãnh đạo khẳng định lại quyết tâm cùng xây dựng khu vực Mê Công - Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên ba trụ cột hợp tác, cụ thể là: Về an ninh - chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại giữa các đảng chính trị, Quốc hội, Chính phủ và địa phương; đẩy mạnh hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống; hợp tác về y tế cộng đồng ứng phó đại dịch Covid-19 và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về thành lập Quỹ đặc biệt MLC về y tế cộng đồng để hỗ trợ các nước MLC ứng phó đại dịch và trong lĩnh vực y tế nói chung. Về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy kết nối khu vực cả về hạ tầng cứng và mềm; tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, hợp tác công - tư; đẩy mạnh hợp tác phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo, hợp tác năng lực sản xuất, phát triển kinh tế số và khoa học - công nghệ; tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Về văn hóa - xã hội và giao lưu nhân dân, triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục, các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác du lịch và giao lưu văn hóa. Các nước cũng nhất trí tận dụng hiệu quả hơn Quỹ đặc biệt MLC, nâng cao chất lượng, tính thực tiễn của dự án, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân sáu nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Nội dung hợp tác quản lý và sử dụng nguồn nước Mê Công được các nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian thảo luận. Hội nghị nhất trí, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các nước ven sông cần đẩy mạnh hơn nữa chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn của lưu vực sông, thực hiện các nghiên cứu chung, đối thoại chính sách, quản lý lũ lụt, hạn hán và phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Công.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật những tiêu chí mà hợp tác Mê Công - Lan Thương cần bảo đảm để thực hiện thành công các mục tiêu về một tầm nhìn Mê Công - Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Ðó là hợp tác trên cơ sở lòng tin, quan hệ chân thành, thẳng thắn, hữu nghị; bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế; lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt; chú trọng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung và bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên; hoạt động có trọng tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nước thành viên; phối hợp hài hòa với ASEAN và các cơ chế hợp tác Mê Công khác.

Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác MLC cần tập trung vào ba nội dung chính, gồm: Hợp tác để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, không để đứt gãy các khâu trong chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về Covid-19 thường xuyên, kịp thời, minh bạch; hợp tác sản xuất và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vắc-xin; hợp tác sử dụng, quản lý nguồn nước Mê Công và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho sự phát triển bền vững của lưu vực...

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo sáu nước thành viên thông qua Tuyên bố Viêng Chăn và chứng kiến lễ chuyển giao vai trò Ðồng Chủ tịch Hợp tác MLC từ CHDCND Lào sang CHLB Mi-an-ma.

Công bố 75 công trình được vinh danh Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020

rong lần thứ 5 tổ chức công bố, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020 tôn vinh 75 đại diện tác giả, nhóm tác giả công trình khoa học, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ và 7 đại diện nhóm tác giả công trình, giải pháp sáng tạo khoa học tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công bố sách vàng sáng tạo Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2020), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11/1930 - 18-11-2020), ngày 24-8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và các cơ quan có liên quan tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.

Trong lần thứ 5 tổ chức công bố, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020 tôn vinh 75 đại diện tác giả, nhóm tác giả công trình khoa học, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ và 7 đại diện nhóm tác giả công trình, giải pháp sáng tạo khoa học tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020 được tổ chức trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thực hiện mục tiêu kép, vừa nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong bối cảnh đó, Hội đồng tuyển chọn đã nhận được 157 hồ sơ công trình, giải pháp sáng tạo KHCN do các bộ ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận và các tỉnh thành giới thiệu để lựa chọn 75 công trình vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Sách vàng Sáng tạo Việt Nam một lần nữa thể hiện sức mạnh sáng tạo, năng lực KHCN, tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam. Tinh thần ấy được phát huy mạnh mẽ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

75 công trình sáng tạo năm nay (tương ứng với kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh) đều tập trung vào các lĩnh vực gần gũi với đời sống nhân dân, có tính thời sự, giá trị thực tiễn cao như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phục vụ việc khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với đó là các giải pháp khoa học phục vụ cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội; cảnh báo thiên tai, phòng chống lũ lụt; trợ giúp cho việc phát triển giáo dục; các công nghệ tiên tiến giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao sức mạnh của quân và dân Trường Sa để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020 cũng đã kịp thời tôn vinh 7 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ tiêu biểu, được ứng dụng kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong 5 năm (2016-2020), Ban chỉ đạo tiếp nhận 722 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ. Hội đồng chọn được 365 công trình, giải pháp để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Các công trình được lựa chọn thuộc những lĩnh vực: Sinh học phục vụ sản xuất, đời sống; y tế; công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp; cơ khí tự động hóa; công nghệ vật liệu; giáo dục; công nghệ nhằm ứng phó biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng để phát triển KHCN, chủ động tham gia vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều phong trào thi đua sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng KHCN phục vụ cuộc sống, lao động, sản xuất và bảo vệ Tổ quốc đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị MTTTQ Việt Nam phối hợp với ngành KHCN, các tổ chức thành viên tiến hành giám sát việc triển khai, ứng dụng các công trình, đề tài khoa học đã được nghiên cứu ở các cấp. Kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đề tài, công trình khoa học này được triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Đó cũng là giải pháp để kiểm nghiệm sức sống, hiệu quả của các công trình, đề tài khoa học đã được nghiên cứu, nghiệm thu, từng bước khắc phục tình trạng đề tài khoa học sau nghiệm thu không phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất và đời sống; cổ vũ, khơi dậy và phát huy cao nhất sức sáng tạo trong mỗi người dân Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Bổ nhiệm nhân sự Bộ Nội vụ và miễn nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long

Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ và phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Cụ thể, tại Quyết định 1288/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại Quyết định 1287/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Hoàng Tựu, để nghỉ hưu theo chế độ.

Indonesia đặt mua 370 triệu liều vắcxin phòng ngừa COVID-19

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết chính phủ nước này đã đặt mua 370 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 dạng bột đến năm 2021, sau các cuộc thảo luận với Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Joko Widodo tại Phủ tổng thống ngày 24/8, bà Marsudi cho hay: “Trong các chuyến thăm mới đây đến hai nước nói trên, chúng tôi đã đặt mua 20-30 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 cho năm 2020 và 290-340 triệu liều cho năm 2021."

Vắcxin ngừa COVID-19 do Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaley của Nga phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kế hoạch, số vắcxin này sẽ được ba công ty dược phẩm thuộc sở hữu nhà nước là PT Biofarma, PT Kimia Farma, và PT Indofarma nhập khẩu và phân phối.

Trước đó, trong chuyến công du tới UAE hôm 22/8, Ngoại trưởng Marsudi và Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước (SOE) kiêm Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia Erick Thohir đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) giữa ba doanh nghiệp nhà nước của Indonesia và một đối tác UAE.

Theo MoU trên, PT Kimia Farma và PT Indofarma sẽ hợp tác với G42 (công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Abu Dhabi) trong việc áp dụng công cụ phát hiện COVID-19 dựa trên công nghệ laser tại Indonesia, phát triển vắcxin, sản xuất dược phẩm và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ y tế.

Bộ trưởng Thohir cho biết PT Kimia Farma sẽ tập trung phát triển các sản phẩm vắcxin, trong đó có vắcxin ngừa COVID-19, dược phẩm, dịch vụ y tế, nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, cũng như tiếp thị và phân phối.

Theo kế hoạch, trong quý 2/2021, G42 sẽ cung cấp cho Indonesia 10 triệu liều vắcxin hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba tại Abu Dhabi. Trong khi đó, PT Indofarma sẽ mua các bộ xét nghiệm COVID-19 theo công nghệ laser.

Theo Bộ trưởng Thohir, dự án hợp tác này sẽ kéo dài. Các bên sẽ tiến hành các nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường vắcxin chung tại Trung Đông và lục địa châu Phi.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.