Thứ sáu, 29/03/2024 12:52 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/4/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 26/04/2020 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/4/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/4/2020.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả dông lốc, sét, mưa đá

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 481/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá.

Công điện nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn xảy ra nhiều đợt, trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, làm 8 người chết; trên 40.000 nhà và 30.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 25-27/4 ở khu vực miền núi phía Bắc và Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (có nơi trên 120 mm/24 giờ); nguy cơ cao xảy ra lốc, sét, mưa đá trên diện rộng nhất là tại các địa phương vừa bị thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới các gia đình có người dân bị thiệt mạng do mưa lũ, dông lốc, sét, chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và người dân vùng bị thiệt hại.

Để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá, tập trung vào một số nhiệm vụ.

Lực lượng chức năng huyện Bảo Thắng, Lào Cai, giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần huy động lực lượng tại chỗ tập trung hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả dông lốc, mưa đá (đồng thời lưu ý đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19); tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo chỗ ở cho các hộ dân bị thiệt hại, không để người dân bị thiếu đói. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, tổng hợp nhu cầu, gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá có thể xảy ra trong những ngày tới; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá như: Khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi có cảnh báo dông lốc, mưa đá; gia cố, bảo vệ mái nhà sử dụng vật liệu dễ bị tốc, vỡ (proximăng, ngói), thay thế bằng các vật liệu đảm bảo (mái tôn mạ kẽm); xem xét việc thu hoạch sớm hoặc che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đưa tin kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai và cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân - Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện; báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên 900 tỷ đồng ủng hộ chống dịch được gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài gửi lời cám ơn chân thành tới các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cùng chung tay đóng góp về tiền, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch. Mặc dù, trước tác động của dịch bệnh, nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, sản xuất bị đình trệ nhưng với tinh thần dân tộc, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đề cao trách nhiệm xã hội, tạo nguồn lực cùng Chính phủ phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài tiếp nhận ủng hộ (ảnh mattran.org.vn)

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, thời gian qua, với vai trò là trung tâm kết nối khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngay sau lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, Mặt trận đã nhận được sự ủng hộ của các cấp các ngành, các tổ chức cá nhân. Đặc biệt là sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo trong đó có sự đồng hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng ni, phật tử khi luôn chung tay với Đảng, Nhà nước bằng những hàng động thiết thực nhất, qua đó nhân lên tinh thần “thương người như thể thương thân” trong toàn dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài mong muốn, trong thời gian tới, tinh thần đoàn kết đó sẽ tiếp tục được khơi dây mạnh mẽ để động viên nhân dân cả nước cùng đồng lòng vượt qua khó khăn bởi nếu mỗi người dân Việt Nam chỉ cần đóng góp một chút tiền bạc, trí tuệ, công sức… thì sẽ tạo thành sức mạnh to lớn để đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.“Tính đến thời điểm này, số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua UBTƯ MTTQ Việt Nam đã lên tới trên 900 tỷ đồng, trong đó số tiền ủng hộ bằng tin nhắn thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia đầu số 1407 đã lên tới gần 149 tỷ đồng. Mỗi người một tấm lòng, mỗi người một sự chung tay sẽ tiếp thêm sức mạnh để đất nước thêm niềm tin và sức mạnh để chiến thắng đại dịch”, Phó Chủ tịch Phùng Khành Tài bày tỏ,

Với trách nhiệm của mình trước nhân dân, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cam kết mỗi tầm lòng người dân gửi đến Mặt trận sẽ được sử dụng công khai, minh bạch để những nguồn tiền và hàng hóa ủng hộ sẽ đảm bảo được phân bổ đúng địa chỉ, đúng đối tượng.

Hơn 200 công dân Việt Nam ở Singapore được đưa về nước

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 24-4, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và hãng hàng không Vietjet Air đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đưa về nước an toàn hơn 200 công dân Việt Nam từ Singapore.

Các công dân bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người ốm đau, người đang chữa bệnh tại Singapore và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cần Thơ, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách đã được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng cùng các hãng hàng không trong nước tiếp tục tổ chức một số chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế và khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly ở trong nước.

HĐBA Liên hợp quốc thảo luận về hoạt động của phái bộ tại Kosovo

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/4 đã họp trực tuyến về hoạt động của Phái bộ hành chính lâm thời của Liên hợp quốc tại Kosovo (UNMIK).

Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Trưởng Phái bộ hành chính lâm thời của Liên hợp quốc tại Kosovo (UNMIK) Zahir Tanin, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivica Dacic và đại diện Kosovo Glauk Konjufca đã tham dự và thông tin tại cuộc họp.

Ông Tanin cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ra tác hại chưa từng có tới khu vực, trong đó có Kosovo.

Tuy nhiên, cơ quan y tế Kosovo đã có phản ứng kịp thời và UNMIK đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động của các tổ chức Liên hợp quốc cũng như trực tiếp tham gia trong cuộc chiến chống COVID-19 với người dân.

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ tại New York, Mỹ, ngày 26/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông cũng kêu gọi lãnh đạo Serbia và Kosovo tích cực đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Kosovo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivica Dacic cho biết sẵn sàng hỗ trợ người dân Kosovo trong cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời đã cử bác sỹ, cung cấp nhiều thiết bị y tế cho Kosovo và cam kết tham gia đối thoại với Kosovo.

Đại diện Kosovo cũng nêu những trở ngại cho tiến trình đối thoại, trong đó có vấn đề người Kosovo bị mất tích và việc công nhận độc lập của Kosovo.

Các thành viên Hội đồng Bảo an hoan nghênh một số hoạt động hợp tác, xây dựng lòng tin mà Belgrade và Pristina đã triển khai trong thời gian qua, trong đó có sự hợp tác tốt giữa hai cơ quan y tế trong cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời kêu gọi hai bên tiến hành đối thoại thực chất.

Mặc dù có ý kiến cho rằng cần xem xét có nên duy trì hoạt động của UNMIK hay không, nhiều nước tiếp tục ủng hộ vai trò của UNMIK tại Kosovo.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đề nghị Serbia và Kosovo thực hiện các thỏa thuận đã ký, tháo gỡ những bế tắc trong quan hệ hai bên, thúc đẩy đối thoại thực chất để đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Kosovo căn cứ trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc và Nghị quyết 1422 (1999) của Hội đồng Bảo an.

Đại sứ cũng ủng hộ các hoạt động của UNMIK nhằm xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa Belgrade và Pristina và hỗ trợ các cộng đồng tại Kosovo đối phó với đại dịch COVID-19.

Văn bản quan trọng nhất về vấn đề Kosovo tại Hội đồng Bảo an là Nghị quyết 1244 (1999) quy định Kosovo tự trị dưới sự quản lý của Liên hợp quốc và bảo đảm an ninh của lực lượng NATO (KFOR), song phải bảo đảm các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư (nay là Cộng hòa Serbia) và các nước khác trong khu vực.

Kể từ năm 1999, Hội đồng Bảo an không có thêm nghị quyết nào về vấn đề này, chỉ tổ chức các cuộc họp nghe báo cáo định kỳ hàng quý, bắt đầu giảm xuống 2 lần/năm từ 2020.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 26/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới