Thứ tư, 24/04/2024 19:59 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/8/2020

MTĐT -  Thứ năm, 27/08/2020 06:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/8/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/8/2020.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử

Chiều nay, 26/8/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.

Hội nghị hôm nay là dịp nhìn lại các kết quả thực hiện CPĐT thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương được giao tại Hội nghị đầu năm 2020, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng CPĐT là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT chung của Việt Nam tăng 2 bậc (theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2020). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy CPĐT ở Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, có các ý kiến thẳng thắn, nêu cao trách nhiệm để đóng góp vào xây dựng CPĐT.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình phát triển CPĐT và một số cách nghĩ, cách làm mới để thúc đẩy phát triển Chính phủ số, đối với triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh, về “cách nghĩ”, nếu có cái gì mới, các nơi chưa thực sự hiểu nó là gì, giúp ích được gì thì cần có 1 sản phẩm mẫu để các nơi sử dụng thử và sau khi dùng thử, trải nghiệm thử sẽ hiểu, thấy hiệu quả và họ sẽ tìm cách triển khai. Và “cách làm” là nâng cấp nền tảng quốc gia NGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia), cung cấp cho tất cả các đơn vị có nhu cầu; thời gian triển khai kỹ thuật 1 ngày. Thời gian phối hợp kết nối, đào tạo, chuyển giao 3-5 ngày.

Đối với triển khai dịch vụ công trực tuyến, phải chuyển từ tư duy cung cấp những gì đang có sang tư duy chủ động phục vụ, triển khai hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến PayGov…

Về theo dõi, đôn đốc, giám sát, thì muốn quản lý tốt thì phải đo đạc được, phải có số liệu và “cách làm” là Triển khai hệ thống giám sát CPĐT – EMC, thu thập, đo đạc mức độ sử dụng Cổng dịch vụ công, mức độ truy cập, nộp, xử lý và trả kết quả dịch vụ công.

Hàng năm, địa phương chi ngân sách trung bình khoảng 0,3% dành cho công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, con số này phải tăng lên ít nhất 1%.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị. Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3 nghìn giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm, cách làm về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số…

Việt Nam-Trung Quốc hợp tác nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh-Long Bang

Ngày 26/8, tại km 0 cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam)-Long Bang (Trung Quốc), Đoàn đại biểu Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng và Đoàn đại biểu thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc đã hội đàm hợp tác về cửa khẩu.

Đoàn đại biểu Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng do ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc do ông Thạch Quốc Hoài, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Thị trưởng Chính phủ nhân dân thành phố Bách Sắc làm trưởng đoàn.

Hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Thực hiện Biên bản hội đàm giữa Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, Việt Nam ngày 22/3/2019 về việc nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam)-Long Bang (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế và mở lối mở Nà Đoỏng-Nà Ráy, trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, cùng phát triển, hai bên đã hội đàm, trao đổi nhiều nội dung về việc hợp tác trong công tác cửa khẩu.

Hai bên thống nhất ký kết biên bản với nội dung: phía Trung Quốc báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục nội bộ, có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao Việt Nam và tỉnh Cao Bằng về việc nâng cấp Cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam)-Long Bang (Trung Quốc).

Hai bên báo cáo cấp trên cho phép tạm thời mở lối mở (lối thông quan) Nà Đoỏng (Việt Nam)-Nà Ráy (Trung Quốc) để phát triển kinh tế.

Về việc mở lối mở Đình Phong (Việt Nam)-Tân Hưng (Trung Quốc), hai bên nhất trí thúc đẩy thực hiện các thủ tục liên quan, giao chính quyền cấp huyện cùng báo cáo và đề nghị cấp trên cho phép mở lối mở trên để trao đổi hàng hóa của cư dân hai bên biên giới.

Cùng với đó, hai bên cũng nhất trí về việc thiết lập cơ chế gặp gỡ để phục vụ công tác quản lý cửa khẩu, xây dựng phương án tối ưu hóa môi trường kinh doanh tại cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục thông quan.

ASEAN và Vương quốc Anh hợp tác chống lại đại dịch Covid-19

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM-52) và các hội nghị có liên quan đang được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngày 26-8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có buổi đối thoại trực tuyến với các đại diện từ Vương quốc Anh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: C.D

Dưới sự điều phối của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Vương quốc Anh Elizabeth Truss, hai bên bày tỏ quan ngại chung về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của các bên, đồng thời thống nhất để chống lại đại dịch, cần có sự đoàn kết và hợp tác giữa các bên.

Hai bên cam kết hợp tác nhằm duy trì và làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Vương quốc Anh; giảm nhẹ sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các nền kinh tế của hai bên; tăng cường tính linh hoạt của các nền kinh tế thuộc hai bên; tiếp tục theo đuổi chính sách kinh tế mở và minh bạch…

Hai bên nhất trí ghi nhận mối quan hệ lâu dài giữa ASEAN và Vương quốc Anh cũng như nhận thấy quan hệ kinh tế giữa hai bên đã và đang phát triển ngày càng sâu rộng. Một trong những minh chứng đó là giao dịch thương mại và dịch vụ song phương đạt xấp xỉ 42 nghìn tỷ bảng Anh trong hơn nửa thế kỷ qua. Thời gian tới, hai bên nhất trí sẽ đẩy mạnh các cơ hội hợp tác nhằm tạo việc làm và tăng cường kết nối giữa hai bên.

ASEAN và Vương quốc Anh cam kết sẽ ủng hộ và theo đuổi mục tiêu thương mại tự do trên cơ sở hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hai bên nhất trí sẽ cùng hợp tác nhằm đạt những kết quả thiết thực, hướng tới Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12.

Trên cơ sở “Kế hoạch Hành động Hà Nội” về củng cố hợp tác kinh tế ASEAN và thúc đẩy chuỗi cung ứng nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, hai bên nhất trí sẽ củng cố các chuỗi cung ứng giữa hai bên trong và sau đại dịch Covid-19, đồng thời định hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các chuỗi cung ứng này.

ASEAN và Vương quốc Anh nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo số nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điểm quan trọng hơn nữa là việc tăng cường đối thoại giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm đẩy lùi dịch bệnh và xây dựng hợp tác trong thời gian tới.

Cuối cùng, phía Vương quốc Anh nhấn mạnh “Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN tới năm 2025” là cơ sở để ASEAN đưa ra kế hoạch hợp tác giữa hai bên. Theo đó, phía Vương quốc Anh đã thành lập Quỹ tài trợ cho chương trình cải tổ kinh tế của ASEAN với tổng giá trị 19 triệu bảng Anh, tập trung vào các lĩnh vực như: Sáng tạo số, logistics và cải tổ cơ chế chính sách… ASEAN và Vương quốc Anh thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác nhằm đẩy lùi dịch bệnh và tăng cường phát triển kinh tế.

WEF hoãn hội nghị thường niên tại Thụy Sĩ do dịch COVID-19

Ngày 26/8, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã quyết định hoãn hội nghị thường niên trong năm 2021 tại Davos (Thụy Sĩ) sang đầu mùa Hè năm sau vì cho rằng tổ chức sự kiện này vào đầu năm như thường lệ là không an toàn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới.

Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Klaus Schwab phát biểu tại họp báo về Diễn đàn Davos 2019 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh tư liệu: Hoàng Hoa/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, quyết định này được đưa ra không dễ dàng trước nhu cầu của các nhà lãnh đạo toàn cầu muốn cùng nhau thiết lập một lộ trình khôi phục chung và định hình "cuộc điều chỉnh vĩ đại" nhằm đại tu nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 là rất cấp thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hội nghị không thể tổ chức an toàn trong tháng 1 năm sau.

Các thông tin chi tiết liên quan đến ngày và địa điểm tổ chức Hội nghị thường niên WEF năm 2021 sẽ được lên lịch lại ngay sau khi WEF xác định tất cả các điều kiện được đáp ứng để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của những người tham gia.

Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, WEF đã thông báo hội nghị thượng đỉnh năm tới tại Davos sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vào tháng 1/2021 và sẽ có trọng tâm là xác định các vấn đề lâu dài mà đại dịch COVID-19 gây ra.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.