Thứ bảy, 20/04/2024 04:33 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/5/2020

MTĐT -  Thứ năm, 28/05/2020 06:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/5/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/5/2020.

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 701/QĐ-TTg kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban và các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Phó Chủ tịch Thường trực); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ủy viên Ủy ban gồm Bộ trưởng các Bộ Công an, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đồng thời, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

Ủy ban còn có nhiệm vụ cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

Quyết định cũng nêu rõ nội dung về việc thành lập Tổ công tác giúp việc Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng và có Tổ phó gồm Thứ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Xây dựng, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh, xã hội số trong nước và quốc tế.

Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bộ Thông tin và Truyền thông làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác.

Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ Công Thương triển khai tập huấn về Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA dự kiến được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào đầu tháng 6 năm 2020. Theo quy định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi Việt Nam và EU thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn hoặc vào một thời điểm mà hai bên thống nhất.

Bộ Công Thương đang tăng cường tuyên truyền, thông tin về Hiệp định EVFTA tới nhiều đối tượng liên quan nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội của Hiệp định

Để tận dụng cơ hội mà Hiệp EVFTA định mang lại, theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tổ chức các khóa tập huấn về hiệp định với nhiều nội dung quan trọng dành cho các đối tượng liên quan.

Theo đó, vào ngày 29/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị tập huấn về Hiệp định EVFTA tới các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương. Thông qua chương trình tập huấn nhằm truyền tải các nội dung, đặc biệt là các cam kết của Hiệp định để các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên tuyền, thông tin, lan tỏa Hiệp định EVFTA tới người dân, doanh nghiệp một cách cụ thể, hiệu quả.

Ngoài chương trình tập huấn về Hiệp định EVFTA dành cho cơ quan báo chí, dự kiến tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn khác, gồm khóa “Tập huấn về cam kết dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định EVFTA” dành cho cán bộ làm việc tại cơ quan, đơn vị liên quan đến việc cấp phép dịch vụ - đầu tư của các tỉnh, thành, công ty tư vấn luật hoặc các đối tượng liên quan khác; khóa “Tập huấn về cam kết thuế trong Hiệp định EVFTA và tiếp cận thị trường EU” và “Tập huấn về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA” dành cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường EU hoặc đối tượng quan tâm khác…

Quân y ASEAN diễn tập 3 kịch bản ứng phó COVID-19

Ngày 27/5, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) tổ chức Diễn tập trực tuyến xử lý tình huống và phòng, chống dịch COVID-19 (ADMM COVID-19 TTX) giữa Quân y các nước ASEAN.

Lực lượng tham gia diễn tập gồm Quân y các nước ASEAN, Trung tâm Quân y ASEAN (ACMM) và đại biểu của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện Y tế công cộng (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) của các nước thành viên ASEAN; quân y các nước Cộng (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Nga, Hàn Quốc).

Tham dự có đại biểu quan sát viên, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao các nước thành viên ASEAN; đại biểu Quân y các nước Cộng và đại diện Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN.

Diễn tập đưa ra ba kịch bản: “Có ca xâm nhập”, “Chùm ca bệnh COVID-19 và “Lây lan trong cộng đồng/Đại dịch”. Trước mỗi kịch bản, lực lượng Quân y các nước tham gia diễn tập sẽ thảo luận câu hỏi liên quan trước các tình huống diễn biến cụ thể của dịch về các vấn đề như: Kế hoạch, quy trình, nguồn lực cần kích hoạt/ huy động tại mỗi thời điểm; cách thức vận chuyển bệnh nhân; biện pháp phòng chống và kiểm soát nhiễm khuẩn cần thực hiện; làm thế nào để phối hợp kiểm soát tình huống; huy động nguồn kinh phí hỗ trợ để triển khai các hoạt động ứng phó; nội dung, chiến lược truyền thông, phân loại đối tượng cần truyền thông, phương thức truyền thông giữa các Bộ, các đối tác, và các cơ quan của Chính phủ.

Đặc biệt, đối với kịch bản thứ ba “Lây lan trong cộng đồng/Đại dịch”, số lượng câu hỏi thảo luận được đưa ra nhiều hơn, với những nội dung chi tiết, ở mức ưu tiên cao hơn, trong đó chú trọng thảo luận về cách thức huy động nhiều nguồn lực khác nhau như bệnh viện, nhân viên y tế, vật tư y tế thiết yếu... nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó với đại dịch; tìm biện pháp can thiệp cộng đồng cần thực hiện; tiếp tục truyền thông về nguy cơ đồng thời thực hiện giải pháp nhằm giải tỏa lo lắng cho cộng đồng cũng như những xung đột có thể xảy ra trong lúc diễn ra đại dịch.

Thông qua diễn tập, Quân y các nước ASEAN sẽ đánh giá kinh nghiệm của quân y mỗi nước ASEAN trong ứng phó với dịch COVID-19; xác định quan hệ giữa Quân y và các lực lượng khác; tiến hành phân tích lỗ hổng dựa trên Kế hoạch chuẩn bị chiến lược và ứng phó với dịch COVID-19 (SPRP) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), qua đó chủ trì xây dựng kế hoạch hành động để nâng cao mức độ sẵn sàng của Quân y ASEAN dựa trên kế hoạch của WHO.

Phát biểu tại diễn tập, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cảm ơn Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và các nước Cộng đã phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua bằng nhiều hình thức khác nhau. Trước khi tổ chức diễn tập lần này, Quân y Việt Nam đã có những hình thức giao lưu trực tuyến với các lực lượng quân y của Nga, Trung Quốc, Cuba và nhiều nước khác.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, diễn tập lần này đã góp phần khẳng định sự phối hợp của Bộ Quốc phòng các nước ASEAN trong công tác chống lại các dịch bệnh cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống.

Với tư cách là chủ nhà ASEAN 2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam hy vọng diễn tập lần này sẽ đem lại hiệu quả thực chất đối với mỗi nước tham gia cũng như các quốc gia khác có liên quan, nhất là về quân y.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mong muốn các nước Cộng, các nước lớn phối hợp, hỗ trợ các nước ASEAN để cùng chung tay vượt qua khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, từ đó tăng cường sự hợp tác tốt đẹp giữa các nước trong khu vực..

Anh đề xuất tổ chức Hội nghị COP-26 về biến đổi khí hậu vào cuối 2021

Hãng tin Reuters ngày 27/5 đưa tin Chính phủ Anh đã gửi thư lên Liên hợp quốc đề nghị đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP-26) từ 1-12/11/2021, thay cho dự kiến vào tháng 11 năm nay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo nguồn tin trên, COP-26 nếu được tổ chức sẽ là hội nghị lớn chưa từng thấy tại Anh, trong đó hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra những cam kết mới dựa trên những cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và hành động để ngăn chặn tình trạng khí hậu Trái Đất nóng lên.

Đại diện các quốc gia chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25), Madrid của Tây Ban Nha, ngày 2/12/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, phía Anh vẫn chưa khẳng định về địa điểm diễn ra hội nghị có diễn ra như dự kiến ban đầu tại thành phố Glasgow hay không, cũng như về việc liệu hội nghị này có khiến cho kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp sau đó (COP-27) tại Nam Phi vào cuối năm 2021 bị lùi lại hay không.

Theo Chính phủ Anh, mọi quyết định về thời gian tổ chức hội nghị sẽ tùy thuộc vào cơ quan phụ trách vấn đề khí hậu của Liên hợp quốc. Cơ quan này sẽ họp vào ngày 28/5 để thảo luận về đề xuất của Anh.

Hội nghị COP-26 theo dự kiến sẽ là thời hạn chót để gần 200 quốc gia trên thế giới đưa ra những cam kết mới về giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu.

Những cam kết hiện nay của các nước đang khiến cho mức độ nóng lên trên toàn cầu vượt giới hạn mà giới khoa học cho là an toàn và có thể dẫn tới những hiện tượng thời tiết cực đoan như làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, làm tăng mực nước biển, gây ra tình trạng sa mạc hóa và làm tuyệt chủng các loài động vật.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...