Thứ sáu, 29/03/2024 13:21 (GMT+7)

Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 31/3/2020

MTĐT -  Thứ ba, 31/03/2020 18:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 31/3/2020, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất dịch Covid-19 ngày 31/3 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cập nhật lúc 18h00 ngày 31-03-2020:

Thế giới: 788.228 người mắc, 37.884 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 164.359 người mắc; 3.173 người tử vong.

- Italy: 101.739 người mắc; 11.591 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 87.956 người mắc; 7.716 người tử vong.

- Trung Quốc: 81.518 người mắc; 3.305 người tử vong.

Việt Nam: 207 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

39 bệnh nhân (BN17, BN18, BN22, BN23, BN 24, BN27, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN 49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64 , BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187) mắc COVID-19, tính từ ngày 6/3 đến 30/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Cập nhật dịch Covid-19 trên thế giới

Theo số liệu thống kê của trang thống kê dữ liệu trực tuyến worldometers.info, cập nhật đến 6h00 ngày 31/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 780.997 ca mắc COVID-19, trong đó 37.567 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 164.685 người. Hiện thế giới vẫn còn tới 29.480 ca nguy kịch.

Châu Âu chiếm khoảng 2/3 số ca tử vong với 26.674 người chết được ghi nhận. Italy là nước báo cáo số ca tử vong lớn nhất với 11.591 người.

Mỹ: Số ca nhiễm gấp đôi Trung Quốc

Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 160.000 ca nhiễm, trong đó hơn 3.000 trường hợp đã tử vong.

Theo thống kê của Đại học Johns Hoskin, Mỹ ghi nhận 19.988 ca nhiễm mới và 565 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 163.479 và 3.148. New York báo cáo 66.497 ca nhiễm, trong đó 1.218 người chết, là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 tại Mỹ. Tỷ lệ tử vong ở Mỹ khoảng 1,9%, thấp hơn mức trung bình 4,8% toàn cầu.

"Người dân nên ở nhà. Chúng tôi muốn để các thống đốc quyết định bất cứ điều gì họ muốn làm tại bang của họ", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 30/3.

Trump tuần trước nói rằng ông có thể mở cửa trở lại đất nước vào giữa tháng 4 vì việc đóng cửa gây rủi ro kinh tế, song dường như đã thay đổi ý định. Ông kêu gọi người dân nên tuân theo các quy tắc hạn chế 70 ngày.

Tại thành phố Seattle ở bang Washington, một nghiên cứu cho thấy việc tự cách ly và cách biệt cộng đồng đã làm chậm tốc độ lây lan của virus trong ba tuần qua. Số người mà một bệnh nhân có thể lây nhiễm đã giảm gần một nửa, từ 2,7 vào cuối tháng 2 xuống 1,4 vào ngày 18/3.

Nhiều bệnh viện tại Mỹ đang thiếu trang bị bảo hộ cho y bác sĩ, gây nguy cơ lây nhiễm virus trong lúc điều trị các bệnh nhân Covid-19. Các chuyên gia cảnh báo New York sẽ hứng chịu đợt dịch nghiêm trọng hơn nhiều so với Vũ Hán, Trung Quốc hay vùng Lombardy của Italy nếu tốc độ tăng ca nhiễm nCoV mới như hiện nay vẫn tiếp diễn.

Italy: Số ca nhiễm vượt 100.000

Italy ghi nhận thêm 4.050 ca nhiễm mới hôm 30/3, mức thấp nhất kể từ ngày 17/3, nâng tổng ca nhiễm lên đến 101.739. Trước đó, quốc gia Địa Trung Hải báo cáo 5.217 ca mới hôm 29/3 và 5.974 ca mới hôm 28/3.

Tuy nhiên, số người chết vì virus tăng thêm 812, lên đến 11.591 người, đảo ngược xu hướng giảm hai ngày trước đó, theo Reuters. Thống kê được cơ quan bảo vệ dân sự Italy công bố.

Italy tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới về số ca tử vong và chiếm hơn 1/3 tổng thiệt hại nhân mạng trên toàn cầu vì virus.

Chính phủ Italy hôm 30/3 đã quyết định kéo dài phong tỏa "ít nhất" đến lễ Phục Sinh, tức ngày 12/4, dù Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết gần 3 tuần phong tỏa là "bài toán thực sự cam go về kinh tế", theo AFP.

Ông nói bất cứ biện pháp nới lỏng hạn chế nào đều sẽ được thực hiện một cách từ tốn để đảm bảo Italy không đánh mất những gì đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

"Việc phong tỏa không thể kéo dài quá lâu", ông Conte nói với báo El Pais của Tây Ban Nha. "Chúng tôi có thể nghĩ cách (để dỡ bỏ hạn chế). Nhưng việc này cần phải được tiến hành từng bước".

Việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh và cấm tụ tập nơi công cộng vốn sẽ kết thúc vào ngày 3/4 trong tuần này.

Thống kê mới đã cho thấy một số tín hiệu lạc quan. Tỷ lệ gia tăng ca nhiễm theo ngày đã giảm xuống còn 4,1%, so với mức 62% cách đây một tháng, theo AFP.

Tổng số người nhiễm virus ở vùng Lombardy, tâm dịch tại Italy, cũng lần đầu tiên giảm xuống hôm 30/3, từ 25.392 còn 25.006 người. Con số này đã liên tục tăng trong hơn một tháng.

Tây Ban Nha: Số ca nhiễm vượt Trung Quốc

Ngày 30/3, Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc, trở thành nước đứng thứ ba trong danh sách các nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, với 85.195 ca nhiễm và 7.340 ca tử vong.

Tây Ban Nha công bố thêm 812 ca tử vong do COVID-19 trong 24h qua, nâng tổng số trường hợp tr vong ở nước này lên tới 7.340 ca, đứng thứ hai thế giới sau Italy. Trong khi đó, tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 cũng đã tăng thêm 5.085 ca, lên tổng số  85.195 trường hợp, vượt qua cả Trung Quốc nơi khởi phát dịch bệnh với 81.470 trường hợp.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca tử vong mới được ghi nhận trong 24h qua tại Tây Ban Nha giảm kể từ ngày 26/3 vừa qua. Trước đó một ngày, Tây Ban Nha đã ghi nhận 838 ca tử vong mới, mức cao kỷ lục trong một ngày. Giới chức Tây Ban Nha đánh giá tốc độ lây lan có xu hướng chậm lại xét cả về số ca tử vong lẫn số ca nhiễm, đồng thời bày tỏ hy vọng nước này đang tiến gần tới đỉnh dịch. Theo chuyên gia y tế Maria Jose Siera, tỷ lệ nhiễm mới hiện vào khoảng 12%/ngày, so với khoảng 20% được ghi nhận trước ngày 25/3 vừa qua.

Đức ghi nhận thêm 4.450 ca nhiễm và 104 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 66.885 và 645. Là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha, song tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ 0,9%.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, 65 tuổi, hôm qua cho kết quả âm tính nCoV lần ba. Bà Merkel tự cách ly tại căn hộ ở Berlin một tuần qua sau khi tiếp xúc với bác sĩ nhiễm nCoV.

Pháp vượt mốc 3 ngàn ca tử vong vì Covid-19

Ngày 30/3, nước Pháp ghi nhận thêm 418 ca tử vong liên quan dịch Covid-19, con số cao nhất kể từ đầu mùa dịch, đưa tổng số người tử vong vì Covid-19 lên 3.024 người. Gần 21.000 người đang phải nhập viện, trong đó hơn 5.100 ca bệnh nặng. 34% bệnh nhân đang được cấp cứu là người dưới 60 tuổi. Tính đến ngày 30/3, gần 8.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.

Khu vực Île-de-France, mà trung tâm là thủ đô Paris, đã trở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước Pháp từ dịch Covid-19. Khu vực này được cho là sẽ đạt đỉnh dịch trong vài ngày tới. Kể từ đầu mùa dịch, khu vực thủ đô Paris và các tỉnh lân cận đã ghi nhận tới 954 ca tử vong vì Sars-CoV-2, với gần 1.800 ca bệnh nặng, hơn 7.600 người đang phải nhập viện. Chỉ tính riêng trong ngày 30/3, khu vực này đã ghi nhận tới 147 ca tử vong, 124 ca bệnh nặng phải hồi sức cấp cứu, gần 600 người nhập viện mới.

Tại Anh, số người thiệt mạng vì COVID-19 đã tăng thêm 180 ca trong 24 giờ qua, lên 1.415 ca. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết Anh đã đạt mức 10.000 xét nghiệm mỗi ngày và hướng tới mục tiêu 25.000 xét nghiệm/ngày.

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 cho biết tính đến trưa cùng ngày, nước này đã ghi nhận thêm 302 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại 35 tỉnh thành, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên tới 1.836 trường hợp. Trong số trường hợp nhiễm virus mới này chủ yếu tập trung ở thủ đô Moskva với 212 ca.

Iran vẫn là ổ dịch lớn ở khu vực Trung Đông với 41.495 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2.757 ca tử vong vì chủng virus này. Iran vẫn đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ngày 19/2.

Iran đã đóng cửa các trường học, hủy các buổi lễ cầu nguyện, đóng cửa quốc hội cũng như các địa điểm hành hương lớn của người Hồi giáo Shiite. Iran cũng áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt sau khi hàng trăm nghìn người dân vẫn đổ xuống đường đón dịp Tết Ba Tư. Bộ Y tế Iran liên tục kêu gọi người dân khai báo thông tin cũng như các triệu chứng nghi nhiễm nCoV.

Tại Trung Quốc đại lục, đến nay chỉ có 31 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong mới vì dịch Covid-19. Trung Quốc từng được cho là nơi bùng phát dịch bệnh và là ổ dịch lớn nhất thế giới nhưng hiện nay với tổng số 81.470 ca mắc Covid-19, quốc gia này có số ca nhiễm đứng thứ 4 thế giới.

Tại Đông Nam Á, Malaysia là nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong khu vực với 2.626 ca.

Indonesia có số ca tử vong cao nhất với 122 trường hợp, tăng 8 ca so với 1 ngày trước đó.

Thái Lan cũng ghi nhận thêm 136 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca Covid-19 tại quốc gia này lên 1.524.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 31/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới