Thứ năm, 28/03/2024 18:15 (GMT+7)

Tỉnh Lâm Đồng: Cả 2 cấp Tòa cùng “biến” chủ nợ thành con nợ

MTĐT -  Thứ hai, 22/05/2017 13:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyện thật như đùa đã diễn ra tại 2 cấp tòa tỉnh Lâm Đồng…Người viết đã ký và ghi đầy đủ họ tên vào giấy “Cam kết mượn tiền” ngày 01/7/2012 là bà Lưu Yến Như, sinh năm 1982

Khi bị ông Huỳnh Ngọc Trung kiện đòi tiền…Trước tòa sơ thẩm, lúc đầu bà Như hòan tòan phủ nhận “bà không viết, không ký” vào cam kết mượn tiền trên…Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng đã 2 lần giám định đều kết luận nội dung đơn cùng do một người viết…Sau đó, bà Như đã phải công nhận chữ ký của mình…còn nội dung đơn thì bà vẫn “cố tình” không thừa nhận…?!

Ông Huỳnh Ngọc Trung, thường trú thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là nguyên đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản và kiện đòi tài sản”. Bà Lưu Yến Như là bị đơn.

Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2016/DSST do Thẩm phán Nguyễn Đình Phong Tòa án nhân dân huyện Bảo Lâm (TAND) ký ngày 08/4/2016 đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Giấy vay tiền chính bị đơn Lưu Yến Như viết vay 800 triệu của ông Trung ...nhưng khi bị kiện ra tòa đòi tiền thì Như chối không phải chữ viết của mình 

Việc đánh giá, giải quyết các nội dung sự việc không phù hợp với các chứng cứ của vụ án, đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông Huỳnh Ngọc Trung. Do đó, ngày 6/5/2016, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng (VKSND) đã ra Quyết định số 433/QĐKNPT về việc Kháng nghị bản án sơ thẩm này theo thủ tục Phúc thẩm và đề nghị TAND tỉnh Lâm Đồng hủy Bản án dân sự sơ thẩm trên vì đã ban hành trái pháp luật! Kháng nghị đã chỉ rõ: “Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, VKSND tỉnh Lâm Đồng nhận thấy: Thực tế giữa ông Huỳnh Ngọc Trung và bà Lưu Yến Như có mối quan hệ làm ăn và vay mượn tiền của nhau nhiều lần trước đó. Theo đó, vào năm 2009 bà Như có nhận tiền từ ông Trung ba lần với tổng số tiền là 1.050.000.000 đồng. Các lần giao nhận tiền giữa hai bên đều được lập thành văn bản, có chữ ký xác nhận của bà Như và bà Như cũng đã thừa nhận chữ ký của mình…

Tại giấy “Cam kết mượn tiền” ngày 01/7/2012 bà Như ký nhận của ông Trung số tiền 800.000.000 đồng, nội dung giấy “Cam kết mượn tiền” thể hiện: “Cam kết mượn tiền: Số tiền là 800.000.000đ (tám trăm triệu đồng, để làm sổ đỏ). Hôm nay ngày 01/07/2012. Tôi tên Lưu Yến Như. Ở tại thôn 7, xã Lộc Tân.

Và A Lý có mượn Anh Huỳnh Ngọc Trung Làm 1 Sổ đỏ mằng làm theo ý của A Lý. 85ha (Tám mươi năm héc). Để ông Lý đưa về Dài Loan. Tôi cam kết không sử dụng vào mục đích gì sai nếu tôi làm sai tôi sẽ chịu hòan tòan trước pháp luật. Còn anh Trung không liên quan gì trong việc này. Bảo Lâm, ngày 01/07/2012. Người viết cam kết. Đã ký tên và viết: Lưu Yến Như”. Đối với khỏan tiền 800.000.000 đồng, mặc dù bà Như cho rằng Phần đầu của giấy “Cam kết mượn tiền” bắt đầu từ chữ “Cộng Hòa…để làm sổ đỏ” không phải do bà viết, những dòng này được viết thêm vào sau khi bà ký. Bà chỉ viết nội dung bắt đầu từ chữ “Hôm nay ngày …đến hết phần ký tên Lưu Yến Như”.

Tuy nhiên, kết quả giám định tại kết luận số 1219/GĐ-PC54 của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác định chữ viết “Cộng Hòa…để làm sổ đỏ” với nội dung còn lại trong giấy “Cam kết mượn tiền” (trừ chữ ký và chữ viết “Lưu Yến Như”) là do một người viết ra. Như vậy tòan bộ nội dung của giấy “Cam kết mượn tiền” không phải do người khác viết thêm mà cùng một người viết và kết luận giám định không xác định về thời gian viết đối với hai nội dung trên.

Vì vậy, lời trình bầy của bà Như không có cơ sở chấp nhận. Hơn nữa, bà là người ký xác nhận vào văn bản thì phải đọc, kiểm tra và chịu trách nhiệm đối với nội dung mà mình đã ký nhận. Căn cứ vào chứng cứ do nguyên đơn cung cấp cũng đã thể hiện rõ tiêu đề của tờ giấy là “Cam kết mượn tiền”.

Ngay dưới tiêu đề “Cam kết mượn tiền” là nội dung ghi rõ “số tiền là 800.000.000 đồng để làm sổ đỏ”. Do vậy, việc bà Như cho rằng đây là giấy mượn sổ đỏ là không có cơ sở, bởi nếu mượn sổ đỏ sao lại viết là “Cam kết mượn tiền” và số tiền là 800.000.000 đồng. Tương tự như lần mượn tiền vào ngày 07/10/2009 với số tiền là 100.000.000 đồng mà bà đã thừa nhận thì tiêu đề cũng là “Giấy cam kết mượn tiền”.

Hơn nữa, tại giấy “cam kết mượn tiền” không có nội dung nào thể hiện việc bà Như mượn sổ đỏ của ông Trung mà chỉ có đoạn viết: “Tôi tên Lưu Yến Như. Ở tại thôn 7, xã Lộc Tân. Và A Lý có mượn Anh Huỳnh Ngọc Trung Làm 1 Sổ đỏ”. Do vậy, căn cứ vào mối quan hệ giữa ông Trung bà Như, với nội dung tiêu đề của giấy “cam kết mượn tiền” thể hiện thì việc bà Như có mượn tiền của ông Trung để làm sổ đỏ là phủ hợp với chứng cứ và thực tế của vụ việc. Việc bản án sơ thẩm cho rằng nội dung giấy “cam kết mượn tiền” không logic, có mâu thuẫn với nhau nên xác định đây là “giấy mượn sổ đỏ” là không có cơ sở và chưa xem xét, đánh giá đúng các tình tiết khách quan của chứng cứ có trong hồ sơ vụ án…”.

Ngày 28/7/2016, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án ra xét xử và cùng ngày đã ban hành Bản án số 85/2016/DS-PT dân sự phúc thẩm… Mặc dù bản án dân sự sơ thẩm số 05 vi phạm nghiêm trọng quá trình tố tụng và đã được VKSND tỉnh Lâm Đồng kháng nghị với những phân tích pháp lý chặt chẽ, khách quan có tính thuyết phục cao...

Giám định lần 1 - Phòng KT Hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng - xác định chữ viết trong giấy vay tiền là do cùng 1 người viết

Vậy, tại sao Thẩm phán Vũ Thị Nguyệt, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm này vẫn tuyên y án sơ thẩm? Phải chăng Thẩm phán Vũ Thị Nguyệt chuyên môn nghiệp vụ kém hay đã coi thường luật pháp để cố tình lặp lại những nội dung sai trái của án sơ thẩm nhằm bảo vệ cho những lời khai “gian dối” của bị đơn Lưu Yến Như và “bỏ quên” kết quả giám định của ngành Công an tỉnh Lâm Đồng như nội dung trang 05 bản án phúc thẩm này đã viện dẫn: “Xét kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng về khỏan tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả 800 triệu đồng thì thấy rằng: Theo hồ sơ thể hiện chứng cứ nguyên đơn xuất trình là giấy cam kết mượn tiền ngày 01/7/2012 (BL số 45), bà như thừa nhận bà có ký vào giấy do ông Trung đưa nhưng nội dung trên giấy không phải bà viết, còn cụ thể ai viết thì bà không biết. Đồng thời, khi bà ký giấy không có chữ “mượn tiền” và “số tiền là: 800 triệu đồng, để làm sổ đỏ”.

Tại giai đoạn sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đều xác định không biết ai viết nội dung trong giấy này. Bà Như cho rằng người của phía ông Trung viết nhưng cụ thể là ai viết thì bà không biết.

Đồng thời, trong nội dung tờ giấy chữ “mượn” và chữ “làm” có sửa chữa. Hội đồng xét xử thấy rằng nội dung trong giấy không logic và hòan tòan mâu thuẫn với nhau. Theo nội dung giấy viết này thì đây chỉ là giấy cam kết mượn sổ đỏ chứ không phải giấy mượn tiền. Hơn nữa, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay các bên xác định sổ đỏ viết trong giấy có tiêu đề “cam kết mượn tiền” là sổ đỏ giả đã bị Công an thu hồi do liên quan đến một vụ án hình sự.

Kết quả giám định lần 2 của Phòng KT Hình sự - Công an tỉnh Lâm Đồng 

Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát”. Trích dẫn trên thể hiện bị đơn Lưu Yến Như đã cố tình “bịa ra” một vở kịch quá vụng về, nhưng lại được cả 2 cấp tòa nơi đây bảo kê! Tại giấy “cam kết mượn tiền” ngày 01/7/2012 không hề có nội dung nào thể hiện bị đơn Như mượn sổ đỏ của ông Trung nhưng Thẩm phán Nguyệt lại cho rằng “Theo nội dung giấy viết này thì đây chỉ là giấy cam kết mượn sổ đỏ chứ không phải giấy mượn tiền”...

Đúng ra, khi có kết quả giám định của Công an, Thẩm phán thụ lý vụ án này thấy có mâu thuẫn trong lời khai chỉ cần kiểm chứng chữ viết của bị đơn thì “sự gian dối” của bà Như sẽ được phơi bầy…Nhưng tại sao không làm mà lại đi yêu cầu giám định thêm những việc đã rồi? Có lẽ mục đích của việc làm này là nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, tạo điều kiện cho bị đơn chiếm dụng vốn…và để gây được bất lợi, thiệt hại cho nguyên đơn.

Chưa hết, Thẩm phán Nguyễn Đình Phong Tòa sơ thẩm và Thẩm phán Vũ Thị Nguyệt, Tòa Phúc thẩm có vì một động cơ cá nhân nào đó không mà đã bất chấp pháp luật “biến” ông Huỳnh Ngọc Trung từ chủ nợ thành con nợ.

Trong khi các tình tiết quan trọng của vụ án đã được Công an giám định và VKSND tỉnh làm sáng tỏ thì 2 thẩm phán này đã bỏ qua! Kháng nghị của VKSND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ rõ lời khai của bị đơn Lưu Yến Như: “Bà chỉ viết nội dung bắt đầu từ chữ “Hôm nay ngày…đến hết phần ký tên Lưu Yến Như ”. Và kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác định chữ viết trong giấy “Cam kết mượn tiền” là do cùng một người viết ra. Như vậy là đủ cơ sở khẳng định nội dung giấy “cam kết mượn tiền” nêu trên là do chính bà Lưu Yến Như viết!

Ngoài ra, Bản án phúc thẩm số 85 còn nêu về khỏan tiền 200 triệu đồng ông Trung đã ký nhận 4 lần từ ông Nguyễn Đình Văn. Khoản tiền này theo tòa lý giải thì ông Văn nhận để làm sổ đỏ cho bà Như nên ông Trung phải trả bà Như còn ông Văn không liên quan gì…

Nhận định trên của Tòa phúc thẩm là hết sức phi lý và quá hồ đồ. Bởi lẽ, ông Trung nhận tiền của ai thì ông chỉ có trách nhiệm phải trả cho người đó. Còn việc ông Văn nhận tiền bao nhiêu để làm sổ đỏ cho bà Như là việc của 2 người này không liên quan gì đến ông Trung.

Vì vậy Thẩm phán Vũ Thị Nguyệt “nhân danh” tòa án để tuyên buộc ông Trung phải trả cho bà Như số tiền 200 triệu đồng này là không đúng nên ông Trung không chấp nhận là có cơ sở!

Vũ Thế Bồng

Bạn đang đọc bài viết Tỉnh Lâm Đồng: Cả 2 cấp Tòa cùng “biến” chủ nợ thành con nợ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.